Phỏng vấn Đức Phanxicô: “Các chứng rối thần kinh phải được chăm sóc”
Trong quyển sách Sức khỏe của các giáo hoàng (La salud de los Papas), nhà báo, nhà văn, bác sĩ Nelson Castro viết về các căn bệnh của các giáo hoàng và các điểm có thể nói lên, đây là một trích đoạn nói về Đức Jorge Bergoglio
lanacion.com.ar, Nelson Castro, 2021-02-27
Nhà báo Nelson Castro trong cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô
Rôma, ngày thứ bảy 16 tháng 2 năm 2019. Buổi sáng huy hoàng. Thành phố tắm trong ánh nắng mặt trời rạng rỡ, bầu trời quang đãng như biến mùa đông thành bức tranh phác họa của mùa xuân. Những khu vườn Vatican phô hết nét đẹp của chúng. Có một bầu khí sôi động đây đó: các hồng y, giám mục, linh mục, các nhân viên phục vụ, người làm vườn, Cận vệ Thụy Sĩ, nhân viên an ninh đi đi lại lại trong thinh lặng lạ lùng. Mọi thứ dường như thinh lặng. Cảnh trí thần tiên. Sau khi băng qua vườn, tôi vào sân bên trong Dinh Tông Tòa. Nhân viên an ninh kiểm giấy mời và cho tôi đi qua. Một trong các quản gia dẫn tôi đến thang máy để lên tầng ba. Ở đó, một quản gia khác sẽ dẫn tôi qua các khu vực khác nhau của Dinh – nơi từng bước đều có sự hiện diện của lịch sử – tôi đến phòng chờ. Bây giờ là 10:45. Trong phòng có tám ghế bành bọc vải nhung đỏ thêu hoa văn tinh xảo, chân và viền bằng vàng. Lúc 10 giờ 55, cánh cửa mở ra và Đức ông Luis Rodrigo, một linh mục người Argentina xuất hiện. Đức ông mảnh khảnh, chiều cao trung bình, nơi ngài toát ra một lòng tốt tế nhị. Đức ông mời tôi xem hai bức tranh lộng lẫy của danh họa người Ý Rafael thời Phục hưng, và nhiều sản phẩm thủ công của các dân tộc gốc Peru tặng Đức Phanxicô trong chuyến tông du của ngài. Lúc 10.58, cánh cửa thư viện mở ra và một hồng y bước ra, người vừa gặp Đức Phanxicô trong vòng mười lăm phút. Đức ông Rodrigo nói với tôi: “Trong hai phút nữa, ngài ấy sẽ tiếp ông.” Và đúng 11 giờ như đã hẹn, cửa thư viện mở ra. Đức Phanxicô đang chờ tôi.
Tôi thấy ngài vui cười và hoạt bát. Ngài bắt tay tôi một cách chắc nịch. Gương mặt tươi tắn, trẻ trung.
Ánh nhìn của ngài linh hoạt. Ngài biết ngài sẽ đóng vai trong một sự kiện độc đáo: lần đầu tiên một giáo hoàng sẽ nói nhiều và chi tiết về sức khỏe của mình. Đây là cuộc phỏng vấn dài một giờ mười lăm phút sẽ làm nên lịch sử. Tôi thấy ngài hạnh phúc.
Nhà báo Nelson Castro: Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha cho con biết sức khỏe của cha như thế nào?
Đức Phanxicô: Rất tốt. Cám ơn Chúa, tôi rất khỏe. Tôi cảm thấy tràn đầy năng lực và háo hức. Tôi năm nay 82 tuổi và tôi hài lòng.
Trong suốt cuộc đời của cha, cha đã bị bệnh nhẹ cũng như nặng đúng không ạ?
Đúng. Tôi đã có những lúc rất mong manh.
Khi còn trẻ, cha bị bệnh phổi nặng, kể cả gần chết?
Đó là năm 1957. Tôi đang học năm thứ hai đại học ở chủng viện. Mùa đông năm đó có trận dịch cúm nặng làm nhiều chủng sinh bị đau, trong số đó có tôi. Nhưng tôi bị biến chứng nặng. Các bạn khác của tôi bình phục trong vài ngày và không có di chứng nào. Còn tôi bị sốt liên tục. Lúc đó có một chủng sinh đã là kỹ thuật viên xe lửa, và chủng viện giao anh làm y tá, anh có cách xứ lý khá kỳ lạ. Để giảm đau anh cho uống Cafiaspirina, một loại aspirin. Với triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, anh cho uống kháng sinh sulfa. Và với bệnh ngoài da, anh cho xức cồn iốt. Vì thế theo lời anh dặn, tôi uống aspirin nhưng không bớt, cơn sốt vẫn tiếp tục.
Hình Đức Phanxicô của hãng AFP
Trước tình trạng này, cha giám đốc chủng viện nói với tôi: “Con không khỏe. Cha sẽ đưa con vào bệnh viện Syria-Li-băng để khám và để xem con bị bệnh gì”. Vì thế sáng hôm sau, ngài đưa tôi lên xe của ngài và chở tôi đi bệnh viện. Ở đây, bác sĩ giám đốc Apud khám cho tôi, khi biết tình trạng bệnh của tôi, ông gởi tôi đến bác sĩ Zorraquín, nhà phổi học hàng đầu, bác sĩ khám cho tôi và làm các thử nghiệm, chụp X-quang phổi. Vào thời đó chưa có chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ. Khi xem X-quang, bác sĩ chuyên khoa thấy có 3 u nang ở thùy trên của phổi bên phải. Ngoài ra dịch màng phổi còn bị ứ ở hai bên làm cho tôi bị đau và khó thở. Vì vậy, sau khi nghiên cứu kỹ trường hợp của tôi, bác sĩ chọc màng phổi để hút dịch. Sau đó, các bác sĩ bắt đầu điều trị cho tôi và đến tháng 10, khi tôi đã khỏi bệnh, họ cho biết sẽ mổ để cắt bỏ thùy bị bệnh vì có khả năng sẽ bị tái phát. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Đây là khoảng thời gian khó khăn nhất của tôi.
Cha đã sống giai đoạn này như thế nào. Cha có nghĩ cha bị ung thư không?
Lúc đó tôi 21 tuổi. Ở tuổi đó chúng ta nghĩ mình rất mạnh. Không phải là tôi không lo, nhưng tôi tin chắc mình sẽ lành bệnh. Ca mổ thành công. Vết sẹo do mổ chạy từ thùy phải lên cao. Đó là ca mổ khó. Theo những gì các bác sĩ nói với tôi, họ đã dùng máy cắt Finochietto (một loại máy tách dây kéo liên sườn được dùng trong các ca mổ lồng ngực) và phải dùng rất nhiều sức mạnh. Nên sau khi hết thuốc mê, tôi đau dữ dội.
(…)
Cha có bị khó khăn khi thở không?
Thật sự là không. Tiến trình phục hồi hoàn hảo, tôi không bao giờ cảm thấy bị giới hạn khi hoạt động. Như ông thấy, chẳng hạn trong các chuyến đi của tôi, và ông đã viết bài, tôi không bao giờ bị hạn chế hoặc bỏ một số hoạt động đã lên lịch. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mệt mỏi hoặc khó thở. Như các bác sĩ đã giải thích cho tôi, phổi bên phải đã nở ra và bao phủ toàn bộ vùng ức một bên. Và quá trình mở rộng đã hoàn hảo đến mức, nếu không được bác sĩ báo trước, chỉ nhà nghiên cứu phổi học cao cấp mới có thể thấy được một thùy đã bị cắt bỏ.
Vấn đề phổi là vấn đề quan trọng trong nỗ lực của các đối thủ của hồng y Jorge Bergoglio nhằm ngăn cuộc bầu chọn ngài. Người đưa ra lời giải thích về chuyện này là hồng y Óscar Andrés Rodríguez Maradiaga, Tổng Giám mục giáo phận Tegucigalpa: “Chắc chắn, tôi không thể nói điều gì đã xảy ra bên trong mật nghị ở Nhà nguyện Sixtine, nhưng tôi có thể nói: khi chân dung Tổng giám mục Buenos Aires bắt đầu nổi lên như một tân giáo hoàng, họ bắt đầu ra tay ngăn kế hoạch Chúa sắp thực hiện. Trên thực tế, một người nào đó đang ủng hộ một hồng y đáng kính khác, đã loan tin đồn ở Nhà Thánh Marta, rằng Đức Bergoglio bị bệnh vì thiếu một lá phổi. Đó là lúc tôi lấy hết can đảm. Tôi đã nói chuyện với các hồng y khác: “Được, tôi sẽ đi hỏi Tổng giám mục Buenos Aires xem chuyện này có thật hay không”. Khi tôi đến gặp ngài, tôi xin lỗi vì câu hỏi. Hồng y Bergoglio rất ngạc nhiên, nhưng xác nhận rằng ngoài một chút đau thần kinh tọa và một lần mổ lá phổi bên phải để loại một u nang khi còn trẻ, thì ngài không gặp một vấn đề gì lớn về sức khỏe. Câu trả lời của làm tôi nhẹ nhõm: bất chấp sự cản trở của các bè phái, Đức Chúa Thánh Thần đã thổi vào đúng người.
Nhà báo nổi tiếng Gerard O’Connell đã thu thập một bằng chứng đáng giá khác về những âm mưu xung quanh tình trạng phổi của Đức Phanxicô. Điều này cũng xảy ra với hồng y người Tây Ban Nha Abril Santos y Casteló, hồng y nói ngài cũng đến hỏi Đức Bergoglio và cũng hỏi câu tương tự vào cuối bữa ăn trưa. “Có thật cha chỉ có một lá phổi không?” Tổng giám mục Buenos Aires phủ nhận điều này và giải thích, năm 1957, khi ngài 21 tuổi, ngài đã bị cắt bỏ thùy trên của lá phổi bên phải do ba u nang và kể từ đó, phổi đó đã hoạt động bình thường trở lại.
(…)
Cha có đi phân tích tâm lý không?
Tôi sẽ nói cho ông biết câu chuyện như thế nào. Tôi không bao giờ đi phân tích tâm lý. Là bề trên Tỉnh Dòng, trong những ngày khủng khiếp của chế độ độc tài, tôi phải đưa mọi người đi trốn để họ ra khỏi đất nước và nhờ đó họ được cứu, tôi đã phải xử lý những tình huống mà tôi không biết phải giải quyết như thế nào. Sau đó tôi đến gặp một bà – một bà rất giỏi – người đã giúp tôi đọc một số thử nghiệm tâm lý của các tân chủng sinh. Vì thế trong vòng sáu tháng, mỗi tuần tôi gặp bà một lần.
Bà là nhà tâm lý học?
Không, bà là bác sĩ tâm thần. Trong suốt sáu tháng này, bà đã giúp tôi nhận ra cách nào để xử lý nỗi sợ hãi lúc đó. Chẳng hạn tưởng tượng cảm giác như thế nào khi đưa một người được giấu trong xe – chỉ có tấm chăn che – và phải đi qua ba trạm kiểm soát quân sự ở khu vực Campo de Mayo. Sự căng thẳng mà tôi phải chịu là rất lớn.
Buổi tư vấn với bác sĩ tâm thần còn có ích gì khác nữa không?
Việc điều trị với bác sĩ tâm thần giúp tôi hiểu tôi, giúp tôi học cách quản lý nỗi lo và tránh vội vã khi đưa ra quyết định. Quá trình đưa ra quyết định luôn phức tạp. Và những lời khuyên và quan sát của bà đã rất hữu ích cho tôi. Bà là chuyên gia rất giỏi, và cơ bản bà là người rất tốt. Tôi vô cùng biết ơn bà. Những lời dạy của bà vẫn còn hữu ích cho tôi ngày nay.
Có khó khăn gì cho cha khi làm những việc này không?
Không. Tôi rất cởi mở và ở thời điểm đó, tôi đã có một quan điểm vững chắc. Tôi tin chắc, mọi linh mục phải hiểu tâm lý con người. Có những người biết kinh nghiệm này qua năm tháng, nhưng nghiên cứu tâm lý học là điều cần thiết cho linh mục.
Điều tôi không thấy rõ là khi một linh mục đi khám tâm thần vì vấn đề chuyển dịch (transfert) và chuyển dịch–ngược khi các vai trò bị nhầm lẫn và sau đó, linh mục ngừng làm linh mục để trở thành nhà trị liệu, và sau đó với một mức độ tạo khó khăn rất nhiều để giữ khoảng cách.
Cha nói với tôi nhiều lần về chứng rối thần kinh của cha. Cha nhận thức về chứng này như thế nào?
Chứng rối thần kinh phải được nuôi dưỡng. Không những vậy mình còn phải vuốt ve nó. Chúng là bạn đồng hành của mình trong suốt cuộc đời. Tôi nhớ có lần tôi đã đọc một quyển sách làm tôi rất thích thú và bật cười. Tên quyển sách là Hãy hạnh phúc, bạn bị rối thần kinh (Be Happy You’re Neurotic), tác giả là bác sĩ tâm thần người Mỹ Louis E. Bisch. Đó là chuyện tôi đã nói trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ thủ đô Seoul, Nam Hàn về Rôma. Tôi nói: ‘Tôi rất gắn bó với môi trường sống’ của chứng rối thần kinh và nói thêm, sau khi đọc quyển sách, tôi quyết định chăm sóc chúng. Nói cách khác, đó là điều rất quan trọng để biết chỗ nào mình bị đau. Đau ở đâu và đâu là những căn bệnh thiêng liêng của chúng ta. Với thời gian, chúng ta ý thức được chứng rồi thần kinh của mình.
Nói chung, chúng được phân nhóm thành chứng rối thần kinh do lo âu, do trầm cảm, do phản ứng và do hậu chấn thương. Chứng rối thần kinh của cha là gì?
Chứng rối thần kinh của tôi là do lo âu. Muốn làm mọi thứ ngay và bây giờ. Đó là lý do vì sao chúng ta phải biết cách phanh. Chúng ta phải áp dụng câu châm ngôn nổi tiếng được cho là của Napoleon Bonaparte: “Mặc áo cho tôi từ từ vì tôi đang vội.” Chứng lo âu của tôi đã được thuần hóa. Khi tôi đối diện với một vấn đề làm tôi lo lắng, tôi cắt nó. Tôi có nhiều cách để làm. Một trong các cách là uống ly trà maté, là nghe nhạc Bach. Âm nhạc giúp tôi bình tĩnh hơn và giúp tôi phân tích vấn đề theo cách tốt hơn. Tôi thú nhận qua năm tháng tôi cũng đã tạo được rào cản chận không cho lo lắng đi vào đầu tôi. Sẽ rất nguy hiểm và có hại cho tôi nếu tôi đưa ra quyết định lúc tôi ở trong tình trạng lo lắng. Cũng vậy với nỗi buồn, nó không giúp giải quyết vấn đề. Điều quan trọng là phải nắm vững và biết cách xử lý nó. Việc đưa ra quyết định do lo lắng và buồn bã cũng có hại không kém. Đó là lý do vì sao tôi nói phải chú ý đến chứng rối thần kinh, vì nó là một loại tạo nên bản chất của mình.
(…)
Cha có nghĩ đến cái chết không?
Có.
Cha có sợ không?
Hoàn toàn không.
“Cha hình dung cái chết của cha như thế nào?
Là giáo hoàng đang tại chức hay giáo hoàng danh dự. Và ở Rôma. Tôi sẽ không trở lại Argentina.
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Nhà báo Nelson Castro trong cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô: “Chúng ta không biết Đức Bergoglio này”
Quyển sách Sức khỏe của các giáo hoàng (La salud de los Papas), nhà báo, nhà văn, bác sĩ Nelson Castro viết về các căn bệnh của các giáo hoàng