Hồng y Pell: “Tôi cầu nguyện cho những người muốn hạ gục tôi”
cath.ch, I. Media, 2020-12-17
Ngày 16 tháng 12, Hồng Y George Pell nói trong cuộc họp báo trực tuyến có sự tham dự của hãng tin I. Media về việc phát hành tập đầu tiên của quyển sách Nhất ký trong tù: “Những người có thể đã tham dự vào các âm mưu và những người muốn hạ gục tôi. Tôi cầu nguyện cho họ”. Trong quyển sách này, được viết trong giai đoạn đầu tiên khi ngài bị giam cầm, hồng y Pell đưa ra những suy nghĩ của mình, liên hệ giữa bất công mà ngài phải chịu và cách làm việc của một Vatican mà ngài cho là nghiêm khắc.
Ngày 27 tháng 2 năm 2019, Hồng y Pell bị chuyển đến một nhà tù ở Melbourne (Úc), bị tòa án của đất nước này kết án vì tội danh – tấn công ấu dâm – mà ngài bác bỏ hoàn toàn. Ngài ở đó mười ba tháng, cho đến tháng 3 năm 2020. Trong “phòng biệt giam nhỏ”, ngài nói ngài sống bản án này như một “cuộc tĩnh tâm lâu dài”, không những viết nhật ký là một “trị liệu tốt” mà nhật ký còn là “chứng tích lịch sử của một thời đại lạ lùng”. Tập đầu tiên kể lại 20 tuần đầu tiên ngài bị giam cầm được nhà xuất bản Ignatius Press xuất bản bằng tiếng Anh.
Hơi hướm của âm mưu
Trong quyển sách này, hồng y Pell thừa nhận ngài không thể chứng minh có một âm mưu để chống mình. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, ngài nói rõ, ngài cảm nhận được làn “khói” xông ra từ vụ án “như khói trong đám cháy của vùng thảo nguyên Úc”. Khi đối diện với sự thù nghịch của đối thủ, hồng y kiềm chế phẫn nộ, ngài khẳng định không muốn truy tố những kẻ đã bôi nhọ hoặc đưa mình vào tù: “Những người có thể đã tham dự vào các âm mưu và những người muốn hạ gục tôi. Tôi cầu nguyện cho họ”. Trong phòng giam, ngài kể ngài theo dõi diễn biến phiên tòa của mình hàng ngày, và tác động của nó đối với xã hội. Ngài tin chắc có một bộ máy âm mưu, dù theo ngài, cuộc chiến trước hết là cuộc chiến thiêng liêng, ngài viết: “Tôi bị kẹt trong cuộc chiến giữa thiện và ác.” Ngài cũng thừa nhận đã bắt đầu “từ từ, dù trái lòng” cảm thấy “mùi của cái ác và trên thực tế, đó là sự hiện diện của Thần Dữ trong những lời buộc tội” chống lại ngài.
Bị tấn công vì cải cách tài chính của ngài ở Vatican?
Nếu những câu hỏi đưa ngài về bối cảnh tư pháp đã làm ngài bị tù, nhưng trong quyển sách, ngài nhắc lại nhiều lần cuộc đấu tranh ngài đang đương đầu ở Rôma trong tư cách Bộ trưởng Kinh tế: “Tất cả các nhân vật chính trong cải cách tài chính ở Vatican đều đã bị tấn công, đặc biệt là trên báo chí, và một số cấp cao ở Rôma cho rằng các vấn đề của tôi ở Úc có liên quan.”
Trong cuộc họp báo, ngài nhấn mạnh đến các khó khăn trong công việc mà Đức Phanxicô giao cho ngài lãnh đạo năm 2014: “Đấu tranh để cải cách tài chính của Vatican là điều khó khăn và mệt mỏi: nghịch lý thay, sau sáu tháng (ở Úc) và dù có những cáo buộc chống lại tôi, tôi cảm thấy khỏe hơn nhiều so với thời gian khi tôi phải chiến đấu ở Rôma”. Ở Giáo triều, ngài thấy có một sự uể oải: “Rất nhiều câu hỏi của chúng tôi đưa ra, chưa bao giờ chúng tôi nhận được câu trả lời thỏa đáng”.
Khả năng kém và tham nhũng ở Vatican
Tại Rôma, hồng y Pell chỉ trích một hình thức sa sút trí tuệ “chung chung” mà ngài quan sát. Về mặt kinh tế, ngài xác định, nhân viên của Giáo triều không được đào tạo tốt, vì thế ngài đã thúc đẩy việc đào tạo chuyên môn ở Rôma cho các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Ngài giải thích: “Sự trung thực và thiện chí của cá nhân không phải là lý do để biện minh cho sự kém cỏi, điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn nhiều cho tham nhũng”.
Hồng y ca ngợi Linh mục Linh mục Juan Antonio Guerrero, người kế nhiệm ngài ở Bộ Kinh tế, từ khi về lại Rôma ngài đã gặp, ngài nhắc trong cuộc họp báo: “Linh mục có khả năng và trung thực với tôi, tôi hy vọng linh mục nhận được tất cả sự hỗ trợ cần thiết”.
Kín đáo về cựu hồng Y Becciu
Tuy nhiên, trong nhật ký của mình, hồng y không đề cập trực tiếp đến cựu hồng y Angelo Becciu, người mà ngài bằng lòng khi cựu hồng y bị sa thải ngày ngày 24 tháng 9. Trong một lời tuyên bố, ngài chúc mừng Đức Phanxicô: “Tôi hy vọng rằng việc dọn dẹp chuồng trại sẽ tiếp tục”. Vài ngày sau, báo chí Ý đưa ra mối liên hệ giữa việc cựu hồng y Becciu bị cách chức và việc hồng y Pell bị kết án ở Úc. Một đoạn trong quyển sách ám chỉ mối quan tâm của ngài đối với quyền lực của người thường được xem là kẻ thù của ngài trong cải cách tài chính ở Vatican: “Khi giáo hoàng làm tốt và thậm chí còn hơn khi năng lực của ngài bị giảm sút thì phần lớn công việc tùy thuộc vào khả năng của các nhân viên cao cấp của ngài, chẳng hạn như Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh”.
Dù có việc khóa lại các cuộc điều tra chính thức ở Úc về việc chuyển tiền – báo chí Ý cho là tiền hối lộ mà cựu hồng y Becciu trả cho những người tố cáo hồng y Pell để hại ngài, nhưng hồng y Pell tái khẳng định, trong buổi giới thiệu sách, ngài tin có khoản tiền 700.000 âu kim đã được chuyển từ Vatican đến Úc. Ngài tự hỏi về công việc gần đây của cảnh sát Melbourne làm mà ngài cho là “tắc trách”. Nhưng mặt khác ngài từ chối đưa ra lới bình luận nào về cựu hồng y cộng tác với ngài ở Giáo triều dù là nhỏ nhất.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Vì sao Đức Hồng y Pell về lại Rôma?