Di tặng, một man-na cho Giáo hội công giáo

104

Di tặng, một man-na cho Giáo hội công giáo

lavie.fr, Agnès Chareton , Élodie Chermann, 2015-08-19

Di tặng là đóng góp tài chính không thể coi thường trong các dự án của Giáo hội vì Giáo hội chỉ sống bằng tiền quyên góp. Giáo hội không nhận được bất kỳ một khoản trợ cấp nào. Ở giáo phận Paris, di tặng chiếm 15% ngân quỹ, năm ngoái là 30%. Các di tặng này giúp Giáo hội hỗ trợ các linh mục, bảo trì cơ sở, thực hiện các dự án mục vụ… Ông Gaston Girod  người lo các di tặng của giáo phận Lyon cho biết: “Mọi người nghĩ Giáo hội rất giàu: điều này không đúng. Giáo hội có một di sản bất động sản rất lớn; nhưng bảo trì cơ sở là cả một gia tài”.

Từ lâu, nói về tiền bạc là điều cấm kỵ trong Giáo hội. Một số linh mục vẫn không thoải mái khi giảng về chủ đề này. Linh mục Hervé Soubias, quản nhiệm vương cung thánh đường Notre-Dame-des-Victoires ở Paris cho biết: “Đúng như vậy, nhiều hiệp hội ngoài xã hội kêu gọi di tặng nhưng tôi không hiểu vì sao Giáo hội lại không làm điều này”. Theo linh mục, các linh mục có nhiệm vụ trong việc truyền đạt thông tin về di sản, nhưng không nên là những người duy nhất loan truyền. Ngài phấn khởi: “Nhờ có thông tin, chủ đề hơi cấm kỵ này sẽ ngày càng bớt cấm kỵ”.

Trong những năm gần đây, Giáo hội đã gia tăng công việc này trong khi các hiệp hội tư nhân ngày càng quảng cáo nhiều với giáo dân. Theo ông Gaston Girod, về điểm này Giáo hội “rất trễ so với các hiệp hội.” Trong ba năm, ông Hubert Gossot, phụ trách công việc di tặng ở giáo phận Paris đã mở các cuộc hội thảo về vấn đề trong các giáo xứ ở Paris: “Ý tưởng là thông báo, là lên tiếng. Vì kín đáo, ít có người đến thảo luận nhưng họ gọi cho tôi”.

Bà Marianne-Geneviève Hasa, 76 tuổi, không con cái đã quyết định giao toàn bộ tài sản của mình cho Giáo hội: 4 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và căn hộ ở Paris của bà. Bà cho biết: “Tôi đã nhường phần bảo hiểm nhân thọ lớn nhất cho các linh mục lớn tuổi: họ cần được chăm sóc và an ủi. Phần thứ hai tôi dành cho Ơn gọi, phần thứ ba dành cho Các Công việc của hồng y đoàn, phần thứ tư cho giáo xứ Saint-Michel-des-Batignolles của tôi. Còn căn hộ của tôi, tôi dành cho Vương cung thánh đường Notre-Dame-des-Victoires, nơi tôi rất yêu quý.”

Vương cung thánh đường Notre-Dame-des-Victoires, Paris

Nhờ các di tặng, Giáo hội có thể khởi xướng các dự án rất cụ thể. Ông Hubert Gossot nói đùa: “Khi giáo xứ được hưởng di tặng, giáo xứ mang mùi thạch cao và xi măng vì cuối cùng giáo xứ có thể bắt tay vào việc mà họ để trong hộc tủ từ 10 năm nay”. Sửa cây đàn ống, sửa lại mặt tiền, cải thiện hệ thống sưởi, đón các hướng đạo sinh trong căn phòng thoải mái… “Điều này mang lại một động lực mới cho giáo xứ và tất cả các công việc của giáo xứ!”.

Thầy phó tế vĩnh viễn Gilles Rebeâche, phụ trách mục vụ tang lễ của giáo phận Toulon cho biết: “Viết di chúc để lại di sản là điều tốt. Nhưng điều bạn muốn mọi người nhớ về bạn không chỉ là ngôi nhà bạn đang ở! Để nhắc nhở người khác bạn đã sống như thế nào, không có gì hơn là di chúc thiêng liêng. Điều này có thể dưới hình thức kể câu chuyện đời bạn, hay bức thư gởi cho con cháu của mình. Bất cứ hình thức nào. Điều chủ yếu để nhấn mạnh, đây là một phần của lịch sử và mở ra một cuộc đối thoại. Với việc thờ hình ảnh và lướt mạng của thời buổi này, chúng ta thực sự đã mất thói quen nói về cái chết và đối diện với chính mình trong nội tâm. Kết quả: chúng ta không còn lời nào để nói về các tật xấu của mình. Chúng ta hãy đối diện thẳng với cái chết, chấp nhận sự bí ẩn, đứng trước bí ẩn, chúng ta sẽ trải nghiệm cuộc hành trình này tốt hơn”.

Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Christian de Cacqueray: “Ý thức về cái chết đặt câu hỏi cho hiện tại”

Điện ảnh gia Henri Clouzot để lại tài sản cho cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp