Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (6/10)
Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
b. Phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không tha thứ
Trong cuộc sống rao giảng của Chúa Giêsu, có lần Ngài nói rằng tất cả mọi tội lỗi và báng bổ đều có thể được tha thứ, ngoại trừ tội phỉ báng Chúa Thánh Thần. Ai phạm tội này, người đó mắc phải một tội vĩnh viễn, không bao giờ được tha thứ. Báng bổ chống lại Chúa Thánh Thần này là gì và tại sao nó là một tội lỗi đời đời không bao giờ được tha thứ?
Để hiểu những gì Chúa Giêsu muốn dạy, chúng ta cần xem lại trong ngữ cảnh nào, lời này được nói ra. Ngài vừa làm phép lạ xua đuổi tà thần. Trong thần học Do Thái thời đó, với niềm tin mà các kinh sư và biệt phái cùng tất thảy mọi người dựa vào, thì chỉ có những người từ Thiên Chúa mới có thể làm được phép lạ đó. Các luật sĩ và biệt phái vừa chứng kiến phép lạ, do đó hiển nhiên họ thấy Đức Giêsu đến từ Thiên Chúa. Nhưng vì ghen tị, các kinh sư và biệt phái không thể chấp nhận sự thật họ vừa chứng kiến. Họ chọn cách nói dối. Vì vậy, thay vì chấp nhận những gì vừa chứng kiến, họ phủ nhận những gì họ biết và cáo buộc Chúa Giêsu làm các phép lạ là nhờ quyền phép của Satan. Lúc đầu, Chúa Giêsu cố gắng minh lý cho họ, đưa ra ý niệm Satan không thể làm điều chống lại chính nó; nhưng họ vẫn ngoan cố, họ chọn chối từ chuyện hiển nhiên này, hơn là chấp nhận yếu đuối của mình. Cuối cùng, Chúa Giêsu đưa ra một lời răn đe (bởi vậy, điều này đơn thuần là một lời răn đe, không phải là một tuyên bố rằng họ đã phạm tội bất dung), mà mở ra và chú giải sẽ như thế này:
Hãy cẩn thận đừng nói dối, đừng bóp méo sự thật, bởi vì mối nguy thật sự là, một khi mình nói dối là mình bắt đầu bóp méo và làm suy đồi chính tâm hồn mình. Nếu bạn nói dối lâu ngày, thì cuối cùng bạn sẽ đánh mất sự thật, tin vào dối trá và trở nên không thể phân biệt được đâu là thật, đâu là dối. Tội không tha thứ ở đây, không phải là Chúa không tha tội cho bạn nhưng bạn không còn muốn được tha thứ. Thiên Chúa dễ dàng tha thứ cho tất cả những yếu đuối và lúc nào cũng tha thứ cho bất cứ ai muốn được tha thứ, nhưng chính bạn, bạn làm cho lương tâm của mình suy đồi, rồi như Satan, bạn xem sự thật và lòng tha thứ của Chúa là dối trá, còn thấy dối trá của mình là sự thật và tha thứ. Đó chính là tội lỗi duy nhất thực sự đẩy chúng ta ra khỏi lòng thương xót của Chúa, không phải bởi vì Thiên Chúa không mở rộng lượng thương xót nữa, nhưng vì bạn nhìn lòng thương xót mà lại gọi đó là dối trá.
Sẽ là tự phụ khi chú giải những gì Chúa Giêsu muốn nói ngược lại với những gì Ngài cụ thể nói, nhưng nhìn chung, các nhà thần học Kinh Thánh đều đồng ý lời răn đe của Chúa Giêsu về việc không được nói phạm đến Chúa Thánh Thần là lời cảnh cáo chống lại tính không thẳng thắn và duy lý. Lời giải một chiều của Luther “dám phạm tội,” đã nắm được tâm điểm của lời cảnh cáo này.
Một chú dẫn thú vị trong Phúc âm thánh Gioan, Đức Giêsu không nói về tội chống lại Chúa Thánh Thần. Thay vào lời dạy cũ là không được nói dối, chúng ta thấy một minh họa tích cực hơn trong câu chuyện người mù từ thưở mới sinh. Thánh Gioan đã kể như sau:
Một ngày kia, khi đang đi, Chúa Giêsu gặp một người mù bẩm sinh. Ngài trộn bùn bôi vào mắt anh, và anh nhìn thấy được. Nhưng bạn bè và hàng xóm, những người không chứng kiến cảnh này, hỏi anh vì sao anh nhìn thấy được. Anh khá ngây thơ đơn sơ trả lời, Đức Giêsu đã bôi bùn vào mắt và cho anh được thấy. Vì vậy, họ đưa anh đến các người biệt phái, những người này cũng hỏi anh câu hỏi tương tự. Một lần nữa, anh trả lời chính Đức Giêsu đã chữa lành mắt cho anh, các người biệt phái (vì hận thù và ghen tương) cố gắng đẩy anh xa sự thật, nói với anh Đức Giêsu không thể nào làm việc này bởi vì chỉ những người từ Thiên Chúa mới có thể làm được, mà theo lý chứng của họ, Đức Giêsu không thể đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, anh vẫn giữ vững quan điểm, anh không chịu nói dối, dù anh cảm thấy những gì mà các nhà biệt phái nói đang lấn chiếm và áp đảo anh. Đoạn, các biệt phái chất vấn và anh không chịu nói dối được lập đi lập lại nhiều lần. Cuối cùng, các biệt phái sỉ vả anh, nói anh ngu ngốc, tội lỗi và không được cãi lại họ. Về phần mình, anh khiêm tốn gắn lòng mình vào sự thật mà anh đã biết. Anh không phủ nhận anh ngu ngốc hay tội lỗi, anh cũng không phủ nhận sự thật cho dù hậu quả là anh bị trục xuất khỏi cộng đoàn Do Thái giáo. Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh, và anh tuyên xưng đức tin vào Ngài.
Những gì xảy ra trong truyện này, theo một cách nào đó là sự đối lập của tội lỗi với Chúa Thánh Thần. Người thanh niên mù được thánh Gioan trình bày không phải là người sáng trí đặc biệt, cũng không mộ đạo, về cơ bản, anh không có nhiều cơ hội để nhận ra Đức Kitô. Tuy nhiên, trong phúc âm thánh Gioan, anh là một trong những người đầu tiên nhận ra Chúa Giêsu cách rõ ràng vì anh đã tuyên xưng đức tin. Và anh đạt đến đức tin đó bằng một đức hạnh mà thôi, là từ chối nói dối. Đơn giản chỉ cần qua lòng trung thực của anh, anh đến với Thiên Chúa. Sự chân thực đơn giản đó là chính thần nghiệm nguyên khai sơ đẳng mang đến đức tin. Chính đó và chỉ cần một mình điều đó, là có thể đưa con người đến với Chúa.
Ngày nay, chúng ta có thể kiểm chứng hiệu quả tác dụng kỳ diệu của lòng thẳng thắn trên sức khỏe tâm hồn qua các chương trình trị liệu chống nghiện ngập. Chẳng hạn, trong các chương trình được gọi là mười hai bước (Hội Nghiện Rượu Ẩn Danh, Nghiện Tình Dục Ẩn Danh, Nghiện Ăn Uống Ẩn Danh hay những hội tương tự), luôn luôn có một bước rất quan trọng, bước đương sự phải đối diện với người khác, thành thật thú nhận sự yếu đuối của mình, không được nói dối. Chương trình rất rõ ràng; không thành thật thì không cứu chữa được gì. Bản văn của chương trình nói lên điều này: “Bạn cũng bệnh như cái bí mật bệnh hoạn của bạn, bạn vẫn còn bệnh cho đến khi nào bạn còn che dấu bí mật này.” Trong tất cả các chương trình cai nghiện hiệu quả, lành mạnh và chừng mực đồng nghĩa với chân thật. Một câu nói nhấn mạnh: Về rượu, trị được 10% nhờ chừng mực và 90% nhờ chân thật.
Các sách Tin Mừng về cơ bản cũng đồng ý với đánh giá này, 90% lành mạnh tâm linh là do chân thật. Và điều tốt nhất trong thế giới thế tục cũng đồng thuận với điều này; bất kể các đấu tranh về luân lý và cảm tính, chúng ta vẫn đồng cảm trọn vẹn về sự chân thật.
Một vài năm trước đây, một nhà làm phim trẻ, với ngân sách rất nhỏ, đã làm một bộ phim đáng kể. Với tiêu đề Tình dục, Dối trá và Băng thu hình, ông kể câu chuyện một chàng trai trẻ, đang có vấn đề về cảm xúc và tính dục. Tuy nhiên, đến một thời điểm trong cuộc đời, anh có một lời thề đơn giản, anh sẽ không bao giờ nói dối, dù trong những điều nhỏ nhặt nhất. Anh giữ vững lời thề và, từ từ, anh phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, anh còn đặt một máy quay, mời những người khác đến và làm điều giống anh, đơn giản là chân thật kể các câu chuyện của họ. Tòa thú tội thế tục này đã làm nên điều kỳ lạ rõ rệt về mặt tâm linh. Tất cả những người nói ra sự thật cảm thấy khá hơn. Ngược lại, tất cả những người dối trá, chối từ đối mặt với sự thật trong cuộc sống của chính mình, dần dần trở thành không thẳng thắn, cay đắng, và khắc nghiệt trong tâm hồn và thái độ. Như câu chuyện của người mù bẩm sinh trong Phúc âm, đây cũng là câu chuyện đối lại với người phạm tội chống Chúa Thánh Thần.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (1/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (2/10)
Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (3/10)