Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (4/10)
Chương 10 – Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
c. Một nền thần nghiệm cho thời đại chúng ta –
Cầu nguyện như là suy gẫm, chịu đựng căng thẳng
Nhưng cầu nguyện không đơn giản là nói ra lời cầu nguyện, cũng như thần nghiệm không đơn giản là vấn đề đi tìm Chúa đơn thuần qua hình thức cầu nguyện. Rốt cùng, thần nghiệm và cầu nguyện là điều mà chúng ta phải làm trong tất cả sinh hoạt của đời sống, chứ không phải chỉ trong các giây phút bên ngoài của cuộc sống. Thánh kinh đã nói cho chúng ta rằng “Hãy cầu nguyện liên lỉ.” Nhưng làm sao để làm được như vậy?
Mỗi người có một câu triết lý khác nhau cho vấn đề này, tùy thuộc vào cách họ đọc dấu chỉ của thời đại, các chuyện nổi bật khác nhau của các thế hệ khác nhau. Đối với thế hệ chúng ta, với đặc thù riêng và điểm yếu tâm linh chúng ta, thần nghiệm mà chúng ta cần thiết nhất chính là suy gẫm trong tinh thần Phúc âm.
Vậy theo sách thánh, suy gẫm nghĩa là gì? Theo Phúc âm, suy gẫm không cùng nghĩa với những gì các triết gia Hy Lạp như Socrates, Plato, và Aristotle nhắm đến. Theo họ, suy gẫm là cho rằng cuộc sống sẽ không đáng sống nếu không suy nghĩ về nó. Có nghĩa là phải ý thức về mọi chuyện thay vì để cho hoàn cảnh cuộc đời đưa đẩy và mặc theo số phận. Đối với tâm thức Hy Lạp, suy gẫm là suy tư trí tuệ về những huyền nhiệm lớn lao trong cuộc đời.
Tuy nhiên, Kinh Thánh không phản ánh tâm thức Hy Lạp này. Trong các sách Tin Mừng, trình bày nhiều hơn cách hiểu của Do Thái, rằng suy gẫm không phải là vấn đề của suy tư trí tuệ cho bằng việc kiên nhẫn giữ suy gẫm đó trọn vẹn trong nội tâm với tất cả sự căng thẳng nó mang lại. Vì vậy, khi Đức Mẹ đứng dưới thập giá nhìn Đức Giêsu chết – Mẹ hoàn toàn không thể cứu Ngài hay chứng minh Ngài vô tội và thánh thiện – lúc đó Mẹ suy gẫm theo nghĩa của Thánh Kinh. Mẹ đang căng thẳng tột cùng, không cách nào cứu vãn, chỉ đơn giản sống với hoàn cảnh đó. Đó chính là điều Kinh Thánh nhắm đến khi nói Mẹ Maria “giữ những điều đó và suy gẫm trong lòng.”
Vì vậy, theo Kinh Thánh, suy gẫm là đứng vững trước các mầu nhiệm lớn lao của cuộc đời như cách Mẹ Maria đứng trước những sự kiện khác nhau trong cuộc sống Chúa Giêsu, kể cả lúc Mẹ đứng dưới chân thập giá. Có niềm vui lớn lao, nhưng cũng có căng thẳng tột cùng. Thể thần nghiệm mà ngày nay chúng ta cần nhất để làm sống lại đức tin chính là thể thần nghiệm suy gẫm này, một thái độ bằng lòng chấp nhận gánh nặng của căng thẳng như Mẹ Maria đã làm.
Tôi muốn minh họa điều này bằng một ví dụ khá trần tục (tôi cũng xin thứ lỗi về điều này những vẫn dùng nó vì nó giúp phản ánh rõ ràng):
Khi còn ở trường đại học, một ngày nọ giáo sư đang giảng về tính dục và luân lý. Vấn đề thủ dâm được nêu ra, một sinh viên chặn họng giáo sư với câu hỏi: “Thầy có thủ dâm không?” Phản ứng đầu tiên của giáo sư là giận dữ trước câu hỏi xấc láo. Ông quay lưng lại, hướng về bảng đen, một cử chỉ cơ thể nói lên những gì ông không nói ra: “Anh đi quá quy luật khi nêu ra câu hỏi đó.”
Tuy nhiên, ông tự chủ lại được và quay về sinh viên đặt câu hỏi: “Phản ứng đầu tiên của tôi là nói cho anh biết, anh đã đi quá quy luật, và không việc gì anh phải hỏi câu đó trong lớp này hay bất cứ đâu. Tuy nhiên, vì đây là một lớp thần học luân lý và xét cho cùng, câu hỏi của anh cũng có chút giá trị nào đó, nên tôi xin trả lời: “Có, đôi khi tôi có thủ dâm, và tôi không tự hào về chuyện này. Tôi không nghĩ việc đó quá sai và cũng không nghĩ nó quá đúng. Tôi biết điều này mặc dù… Tôi sẽ tốt hơn nếu tôi không thủ dâm, tôi bị căng thẳng hơn, như tất cả chúng ta, ai cũng có căng thẳng trong cuộc đời này. Tôi tốt đẹp hơn khi tôi chịu được căng thẳng này.”
Dù câu trả lời đó đáng giá hay không đáng giá về mặt thần học luân lý, nhưng nó cũng cho chúng ta thấy đôi điều về thần nghiệm và rốt cùng giúp chúng ta giữ vững đức tin. Chúng ta tốt đẹp hơn khi chúng ta bị căng thẳng, hơn là lúc nào cũng tìm giải pháp dễ dàng. Bị căng thẳng, đặc biệt là căng thẳng lớn lao, chính là suy gẫm theo tinh thần Kinh thánh.
Chúng ta sẽ xem các ví dụ khác của vấn đề này trong các tác phẩm văn học lớn. Điều gì tạo nên một nhân vật vĩ đại? Điều gì làm cho tâm hồn cao quý? Thông thường chúng ta gán đức tính này cho một con người, khi họ không màng đến tiện nghi, nhu cầu, nỗi đau cá nhân, họ sẵn lòng hy sinh cho một lý do cao cả để chịu đựng một thao thức căng thẳng vô cùng trong một thời gian dài, không buông theo cám dỗ để giải quyết công việc hấp tấp, vội vã.
Vì vậy, ví dụ, chúng ta thấy tâm hồn cao cả đích thật của nhân vật nữ chính trong tác phẩm Lý trí và tình cảm của Jane Austen. Tại sao? Bởi vì cô đặt nhu cầu của người khác và quy luật thích đáng của mọi sự lên trên nhu cầu riêng của mình, bắt mình phải bị căng thẳng. Chúng ta thấy trong tác phẩm này, cũng như trong các tác phẩm cùng loại, chính điều tạo nên cao thượng, là trước hết phải biết có một vài thăng hoa. Nói chung, đặc nét của thăng hoa là phải trải nghiệm thăng hoa. Niềm vui lớn tùy thuộc trước tiên vào việc chịu đựng một căng thẳng lớn.
Và điều này đúng trong mọi lĩnh vực đời sống, không riêng gì với tình dục.
Sự cao cả của tâm hồn gắn liền với việc chịu đựng căng thẳng. Dĩ nhiên, hình ảnh gương mẫu lớn cho việc này là hình ảnh Đức Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu. Ở đây, chúng ta thấy được mối dây cần thiết giữa đau khổ và đức tin, giữa việc đổ mồ hôi máu và việc giữ cam kết và công chính của chúng ta. Không ai giữ trung tín trong hôn nhân, ơn gọi, tình bạn, gia đình, công việc, hay giữ bản thân trung tín mà không có lần đổ mồ hôi máu. Tôi có một ví dụ mang tính minh họa cao:
Một vài năm trước đây, truyền hình Mỹ có một chương trình nhiều tập mang tên “Ba mươi điều” tập trung vào một số cặp vợ chồng trong độ tuổi ba mươi đang phải vật lộn với những căng thẳng trong cuộc sống nói chung và hôn nhân nói riêng. Trong một tập, có diễn tiến như sau: Đàn ông tụ tập ở một khách sạn trung tâm thành phố cho buổi tiệc toàn đàn ông, các bà vợ thì họp nhau ở một ngôi nhà để tổ chức buổi tiệc toàn các bà. Tại buổi tiệc đàn ông, một người (lập gia đình được vài năm và đang xa vợ) thấy mình bị cô quản lý khách sạn trẻ hớp hồn, người mà anh phải giao tiếp để lo đồ ăn, thức uống, âm nhạc… cho buổi tiệc. Cô quá hấp dẫn đối với anh và trước khi buổi tiệc kết thúc, dù chẳng có gì thật sự xảy ra giữa họ với nhau, nhưng cả hai cảm thấy như có ma lực từ ngàn xưa giữa họ. Đêm càng tối dần, lãng mạn càng cao.
Vì vậy, khi buổi tối kết thúc, cả hai đều làm cái điều đến tự nhiên. Khi mọi người đi về, cả hai chần chừ nán lại, họ không chắc sẽ nói gì với nhau, nhưng biết chắc có một cái gì đó đặc biệt đang xảy ra, và có một cái gì như muốn đi xa hơn. Họ che dấu tâm trạng bồn chồn bằng cách nói về việc dọn dẹp căn phòng, lúc nào trả tiền. Cuối cùng, giờ phút ấy cũng đến. Cả hai đã nán lại hết mức có thể nhưng đã đến lúc phải đi về. Khi người đàn ông còn lảng tránh bằng cách cám ơn cô về sự chu đáo của buổi tiệc, thì cô, không muốn mất cơ hội, nói với anh: “Em rất hân hạnh được gặp anh. Liệu thỉnh thoảng mình có gặp nhau lại không?” Người đàn ông chạm vào chiếc nhẫn cưới, cảm thấy tội lỗi vì đã không nói trước mình đã lập gia đình, anh đã làm một điều mà ngày nay, quá ít người trong chúng ta có đủ can đảm đạo đức để làm. Anh cười lịch sự và cho biết: “Cảm ơn em, nhưng tôi không nghĩ đó là một ý hay. Tôi xin lỗi, tôi đã có vợ… Đáng lý tôi nên nói trước. Tôi xin lỗi. Tốt hơn tôi nên về nhà. Tôi thật vui khi gặp em.” Và như Chúa Giêsu đổ mồ hôi máu trong vườn, anh ra đi và về nhà với vợ.
Sau khi sống lại, trên đường Ê-mau, khi cố gắng giải thích cho các môn đệ (những người đã ngủ quên trong vườn Cây Dầu) hiểu mối dây liên hệ giữa việc bị căng thẳng với việc giữ con người thật của mình và những gì đòi hỏi chúng ta, Đức Giêsu hỏi họ câu này: “Việc đó không cần thiết sao?” Không có mối dây cần thiết giữa việc chịu căng thẳng và đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu với lòng trung tín sao? Qua câu chuyện “Ba mươi điều” (nói chung rất tiêu biểu cho việc đấu tranh giữ lòng chung thủy), rõ ràng rằng mối dây đó là cần thiết.
Trong thông điệp của Chúa Giêsu có một mô típ rất mạnh của chờ đợi, của suy gẫm, của khiết tịnh, của việc chịu đựng căng thẳng mà không chọn cách giải quyết hấp tấp. Khái niệm sống lại chỉ đến sau khi đã chịu đau khổ trong vườn Cây Dầu. Đối với đức tin cũng vậy. Khi Karl Rahner nói ngày nay chúng ta là nhà thần nghiệm hoặc là kẻ vô thần, cũng có thể được hiểu, nếu chúng ta không sẵn lòng đổ mồ hôi máu trong vườn Cây Dầu để trung tín với cam kết, với tính toàn vẹn của chúng ta, và những gì đức tin đòi hỏi – như nhân vật chính trong Lý trí và tình cảm của Jane Austen, như người đàn ông trong “Ba mươi điều”, và như Đức Giêsu và Mẹ Maria đã làm, thì chúng ta không giữ vững được đức tin đích thực.
Nhưng tại sao? Chịu đựng căng thẳng thì có giá trị gì?
Ở một mức độ hiển nhiên, chịu đựng căng thẳng, không tìm cách giải quyết hấp tấp, vì , rốt cùng, đó là ý nghĩa của tôn trọng. Qua việc không đòi hỏi phải giải quyết căng thẳng của chúng ta, để cho người khác được là chính mình, để cho Thiên Chúa là chính Thiên Chúa, và tặng vật là chính là tặng vật. Nhìn vào mặt trái của nó sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn. Khi không chịu được căng thẳng, chúng ta lân la đến những con người, đến xã hội bên ngoài, với thái độ cho rằng những gì chúng ta muốn phải là của chúng ta, bất chấp hậu quả, thì cuộc sống của chúng ta sẽ không phải là đời sống cho đi, mà là đời sống luôn hủy hoại. Chúng ta lúc nào cũng thiếu tôn trọng và thiếu khiết tịnh. Chỉ có những ai có thể chịu được căng thẳng của bản hòa tấu dở dang thì mới thật sự tôn trọng người khác.
Tuy nhiên, xét sâu xa hơn, giá trị thật trong việc chịu đựng căng thẳng cho tình yêu chính là một tiến trình cưu mang ấp ủ. Bằng suy gẫm như Đức Mẹ đứng bơ vơ vô vọng dưới chân thập giá, bằng chịu đau khổ trong vườn Cây Dầu, chúng ta có cơ hội biến xúc phạm thành tha thứ, giận dữ thành cảm thông, thù hận thành yêu thương. Minh chứng cho điều đó, chúng ta có thể thấy được trong đời sống của Chúa Giêsu:
Bị ghét bỏ, nhưng Ngài không ghét bỏ ai, bị căm giận, nhưng Ngài không căm giận lại, bị giết vì ghen tức, nhưng Ngài không ghen tức và làm hại ai. Ngài đã chịu trọn cơn giận giết người, ghen tương, căm ghét, nhưng Ngài không trút lại các điều đó lên đầu người khác. Thay vào đó, Ngài chịu đựng căm thù, giận dữ, ghen tương, xúc phạm đủ lâu để có thể chuyển hóa chúng thành tha thứ, trắc ẩn, yêu thương. Chỉ có ai đã từng đổ máu thực sự để giữ vững chân lý cho điều tối cao và tốt đẹp nhất mới có thể nhìn vào những kẻ giết mình mà nói:
“Xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” Đó là những gì làm cho tâm hồn cao quý. Chấp nhận chịu đựng căng thẳng vì Thiên Chúa, tình yêu, sự thật, và nguyên tắc, đó là thần nghiệm mà chúng ta cần nhất ngày nay. Hầu như tất cả mọi thứ trong nền văn hóa mời gọi chúng ta khước từ căng thẳng, giải quyết ngay lập tức khi có thể, cho dù phải hy sinh các thiên hướng cao cả của chúng ta. Điều này đúng cho hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống đương đại, ngoại trừ các lãnh vực mà chúng ta có thể đổ mồ hôi máu để có cho bằng được như, sự nghiệp, sức khỏe và một cơ thể thon đẹp. Chờ đợi trong hụt hẫng và khiết tịnh không phải là điểm mạnh của chúng ta. Từ nỗi thất vọng nhỏ, như xếp hàng chờ ở ngân hàng, chờ xe buýt, cho đến các hụt hẫng lớn với các căng thẳng, các nhu cầu tính dục không được thỏa mãn, chúng ta cảm thấy thật khó để ở lại trong căng thẳng còn vướng mắc.
Jacques Maritain, triết gia lớn, người Công giáo, đã từng nói một trong những bi kịch thiêng liêng lớn là sẽ có nhiều người tốt thành người cao cả, nếu họ chỉ cần đừng hoảng hốt, đừng hấp tấp giải quyết các tình trạng căng thẳng đau đớn trong cuộc đời, thay vào đó họ kiên nhẫn chịu đựng lâu dài căng thẳng đó, như người đi trong đêm tối tâm hồn, cho đến khi những căng thẳng đó biến đổi và giúp tạo nên những gì cao cả nhất trong chúng ta, lòng trắc ẩn, tha thứ và yêu thương.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Trụ vững chính mình trong Đời sống Thiêng liêng (1/10)