Mai táng gặp vấn đề (2-3) Thánh Antôn Pađua
Trích sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua, Françoise Bouchard, nxb. Salvator
Người tu sĩ khiêm nhường đầy vinh dự
Các lời thỉnh cầu đồng nhất
Người dân Pađua cùng vui, cùng tự hào với nhau vì có được Thánh Antôn ở trong thành phố của mình, và qua lời cầu bàu của ngài, bao nhiêu ơn được đổ xuống trên những người đến cầu nguyện trên mộ ngài. Giám mục Jacques Corrado, quan tổng trấn, các hiệp hội, trường Đại học, các nhà quý tộc và người dân thường thỉnh cầu xin giáo hoàng mở án phong thánh cho Antôn. Một tháng sau, họ gởi một phái đoàn đến Spolète nơi giáo hoàng đang ở đó. Chúng ta đã biết giáo hoàng Grêgôriô IX yêu mến các tu sĩ Dòng Phanxicô, đặc biệt với Antôn nên lập tức nhận lời thỉnh cầu. Ngài bổ nhiệm một hội đồng ở Pađua dưới quyền của giám mục, hội đồng này gồm hai bề trên Dòng Biển Đức và Dòng Đa Minh trong thành phố và vài linh mục trong giáo phận. Ngài cũng bổ nhiệm một hội đồng thứ nhì ở Rôma gồm các tu sĩ, các giám chức do hồng y người Pháp Jean d’Abbeville đứng đầu. Sáu tháng sau, hội đồng ở Pađua đã nhận các chứng từ phép lạ và chuyển về Rôma, Rôma cũng nhận không dưới 47 phép lạ. Một con số đủ lớn để Ủy ban Phong thánh đề nghị với giáo hoàng tuyên bố phong thánh cho Antôn.
Các người chống đối đầu hàng
Trong số các hồng y có một số chống tiến trình quá nhanh này. Dưới mắt họ tiến trình này đốt cháy các giai đoạn “bậc đáng kính” và “chân phước”. Một chuyện chưa từng xảy ra trong Giáo hội! Hồng y chống đối nhất một đêm nằm mơ một giấc mơ kỳ lạ. Ngài thấy giáo hoàng chuẩn bị buổi lễ trên bàn thờ của một ngôi thánh đường mới. Vì không thấy thánh tích trên bàn thờ như nghi thức đòi hỏi, ngài hỏi các hồng y chung quanh. Không ai có. Khi đó hồng y thấy giáo hoàng đến gần một thi thể có phủ khăn liệm và xin đem đến cho mình thánh tích. Khi mở khăn liệm lên thì đó là thi thể Antôn!… Đây chỉ là giấc mơ. Nhưng khi thức dậy, hồng y hiểu Chúa muốn thuyết phục mình phải để cho Antôn được phong thánh ngay. Và sự thay đổi ý kiến của hồng y đã chấm dứt mọi kháng cự. Giáo hoàng ấn định ngày phong thánh là ngày 30 tháng 5, ngày lễ Chúa Hiện Xuống ở Spolète, nơi ngài vẫn đang còn ở đó.
Ngọn đuốc trên chân nến
Ngày 30 tháng 5 năm 1232, một đám đông vĩ đại tràn về nhà thờ chính tòa Spolète, các bức tường nhà thờ được bọc nhung và lụa với ánh sáng rực rỡ muôn màu. Không thể biết hết họ từ đâu tới, từ các tỉnh bang nước Ý, từ các nước Âu châu và dĩ nhiên là từ Bồ Đào Nha, quê hương của Thánh Antôn và miền nam nước Pháp, nơi Thánh Antôn đưa nhiều người dị giáo trở lại đạo công giáo. Từ trên ngai của mình, giáo hoàng Grêgôriô IX không giấu được xúc động khi nghe bốn mươi bảy phép lạ được một thầy đọc xướng lên. Rồi ngài đứng dậy, hai tay giang ra, mắt hướng về trời, ngài long trọng tuyên bố:
“Vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi, với uy quyền tông tòa và sau khi hội ý với anh em hồng y, chúng tôi xin ghi chân phước Antôn vào danh sách các thánh và chúng tôi ấn định ngày lễ sẽ là ngày 13 tháng 6.”
Sau đó mọi người hát kinh Tạ ơn Te Deum mà theo truyền thống là kinh kết thúc buổi lễ. Nhưng ngay sau đó, giáo hoàng xướng điệp ca “O Doctor optime” và tất cả giáo sĩ hát theo ngài. Sáng kiến bất ngờ này làm cho mọi người xác tín: Antôn xứng đáng được Giáo hội nâng lên bậc “tiến sĩ Giáo hội”, danh hiệu này Antôn sẽ nhận bảy thế kỷ sau.
Sau buổi lễ, giáo hoàng Grêgôriô IX công bố hai sắc chỉ chứng thực việc phong thánh:
– ngày 1 tháng 6 năm 1232 gởi hàng giáo sĩ và giáo dân Pađua: “Chúng tôi muốn làm nhụt chí người dị giáo và khuyến khích đức tin tín hữu kitô… Chúng tôi muốn thành phố cao quý Pađua là ngọn đuốc trên chân nến để các thị trấn lân cận đi theo ánh sáng này;
– ngày 22 tháng 6 là ngày dành cho Giáo hội hoàn vũ, là ngày ca ngợi người bảo vệ tinh thần kitô: Chúng tôi đã từng kính mến đức thánh thiện trong đời sống của Thánh Antôn và những điều tuyệt vời trong sứ vụ của ngài vì ngài đã thực hiện một cách cao cả nhất dưới mắt chúng ta!… Khi ngài còn sống ở trần thế, ngài đã rất thánh thiện. Bây giờ ngài ở trên trời, ngài còn tỏa sáng với vô số phép lạ đến mức mà sự thánh thiện của ngài đã cho thấy qua các dấu hiệu chắc chắn nhất. Chúng tôi xin anh chị em, chúng tôi xin loan báo cho anh chị em… Chúng tôi xin anh chị em khuyến khích tín hữu có lòng sốt mến và tôn kính Thánh Antôn.”
Lisbon ăn mừng
Trong việc phong thánh này, chúng ta không thể bỏ qua sự kiện kỳ lạ xảy ra ở Lisbon cũng cùng ngày cùng giờ. Ngày 13 tháng 6 khi giáo hoàng chính thức tuyên bố phong thánh ở Spolète cho Thánh Antôn thì tất cả người dân ở Lisbon cảm thấy bị thôi thúc phải đi ra khỏi nhà. Họ vừa đi vừa hát vừa nhảy mừng, họ đến gặp nhau ở các nơi công cộng. Bỗng nhiên họ nghe tiếng chuông nhà thờ đổ mà không ai rung chuông. Khi đó họ cũng chưa được chính thức thông báo là Antôn đã được phong thánh, sau này khi biết ra, họ hiểu Chúa đã loan báo tin vui này cho thành phố quê hương của Antôn. Chúng ta không ngạc nhiên khi người dân ở đây muốn mừng lễ ngày này và họ muốn được mừng ở nhà thờ chính tòa nơi ngày xưa khi còn nhỏ Antôn hay đến cầu nguyện và trong thời gian Antôn ở với các tu sĩ Dòng Biển Đức. Dĩ nhiên những người hạnh phúc nhất, những người tự hào nhất là gia đình thân thuộc của Antôn. Trước hết là hai chị Feliciana và Maria cùng các con của họ. Có thể có sự hiện diện của người cha nhưng không thấy các nhà viết tiểu sử nhắc đến người mẹ. Tuy nhiên chúng ta biết mẹ của Thánh Antôn đã chia sẻ vinh dự của con mình, ít nhất là sau khi Antôn qua đời vì trên mộ của bà có hàng chữ: “Nơi đây an nghỉ mẹ của Thánh Antôn” (Hic jacet mater sancti Antoniil).
Hương hoa và ơn liên tục
Chúng ta biết, vừa khi Thánh Antôn qua đời, khách hành hương đã ùn ùn đến viếng mộ ngài. Tất cả những ai đến gần đều ngửi cùng một mùi thơm như lần dời thi thể từ đan viện Arcella về đan viện Mẹ Maria. Lời cầu nguyện của họ được nhận và rất nhiều phép lạ đền bù cho tấm lòng kính mến của họ. Quyển sách này đã kể lại một số khá đủ. Tôi xin ghi lại đây lời ghi nhận của tác giả Bản thảo của đan viện Ancône: “Nếu một sử gia kể lại tất cả phép lạ Thánh Antôn đã làm thì sợ e rằng số lượng phép lạ sẽ làm cho độc giả mệt mỏi; tầm cao lớn của các phép lạ này sẽ làm xáo trộn và gây nghi ngờ cho những người yếu tâm trí.”
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Mai táng gặp vấn đề (1-3), Thánh Antôn Pađua
Lời nói đầu sách Tiểu sử Thánh Antôn Pađua