Hồng y Manyo Maeda: Vai trò của Giáo hội trong nước Nhật ngày càng thế tục hóa

261

Hồng y Manyo Maeda: Vai trò của Giáo hội trong nước Nhật ngày càng thế tục hóa

fr.zenit.org, Hélène Ginabat, 2018-07-19

Hồng y, nhà thơ Manyo Maeda trả lời phỏng vấn báo L’Osservatore romano, ngài nói về vai trò của Giáo hội trong một nước Nhật ngày càng thế tục hóa. Ngày 20 tháng 5 năm 2018, ngài vô cùng ngạc nhiên khi nghe tin Đức Phanxicô sẽ phong chức hồng y cho mình: Như một cú sét trên bầu trời êm ả.

Trên bầu trời êm ả / một tiếng gầm gừ / như ngày lễ Hiện Xuống”: đây là câu thơ haiku, một thể loại thơ ngắn gọn mà hồng y Tôma Aquino Manyo Maeda là nhà thơ danh tiếng, ngài làm câu thơ trên khi nghe tin Đức Phanxicô ghi tên ngài vào danh sách hồng y đoàn. Ngài là giám mục giáo phận Osaka, sinh ra ở giáo phận Nagasaki và cũng đã là mục tử ở thành phố Hiroshima, cả hai thành phố đều bị bom nguyên tử dội xuống. Ngày 20 tháng 7 năm 2018, ngài trả lời phỏng vấn báo L’Osservatore romano về vai trò của Giáo hội trong một nước Nhật ngày càng thế tục hóa.

Báo L’Osservatore Romano: Xin cha cho biết, cha đang làm gì khi nghe tin Đức Giáo hoàng sẽ phong cha làm hồng y?

Hồng y Manyo Maeda: Mới đầu tôi bối rối và ngạc nhiên, tôi tự hỏi: tại sao lại là tôi? Tôi không xứng đáng! Không suy nghĩ gì, tôi làm câu thơ “Trên bầu trời êm ả / một tiếng gầm gừ / như ngày lễ Hiện Xuống”. Vì tin này thật sự như tiếng sấm trên bầu trời êm ả. Sau một lúc, tôi nghĩ, nếu đó là công việc của Thần Khí thì Thần Khí sẽ cho tôi sức mạnh để tôi chu toàn nhiệm vụ; và tôi nhớ lại câu trong Thánh Kinh “Nghe lời Ngài, con sẽ quăng lưới”, tôi khiêm nhường chấp nhận và sẽ chu toàn những gì được giao phó cho tôi.

Đâu là các thách thức chính mà Giáo hội Nhật phải đương đầu?

Thách thức chính là số giáo hữu không tăng và ơn gọi linh mục và các tu sĩ thánh hiến bị giảm, đó là các vấn đề cấp bách nhất. Để chặn đứng xu hướng này, tôi nghĩ các giáo dân, linh mục, tu sĩ phải ý thức hơn về tầm quan trọng phải sống đức tin của mình trong niềm vui. Nếu chúng ta sống niềm vui đức tin, tôi tin chắc con số tín hữu công giáo sẽ gia tăng, cũng như ơn gọi cũng sẽ gia tăng. Trên hết là cấp bách truyền giáo cho chính cộng đoàn tu sĩ. Thật vậy, dù cộng đoàn biết phải làm thế nào nhưng vì thiếu can đảm hoặc vì dè dặt, họ không dám hành động. Mặt khác, tôi cũng cho rằng điều quan trọng là phải xem lại cách nào đó mà thời kỳ trước đây gọi là truyền giáo, có thể chúng ta tìm các cách mới để nói lên phương pháp truyền giáo ở thời buổi này.

Đâu là vai trò của giáo dục trong bối cảnh làm chứng cho tinh thần kitô ở một đất nước mà người công giáo là thiểu số?

Tôi nghĩ môi trường giáo dục là môi trường đặc quyền để rao giảng Tin Mừng cho giới trẻ. Trong quá khứ, cho đến khoảng bốn mươi năm trước, nhiều lễ rửa tội đã được cử hành ở các trường học. Ngày nay thì rất hiếm. Không những ít có các bí tích khởi đầu mà thậm chí còn không có các bài học về tôn giáo. Ở trường trung học và đại học, cũng như ở các nơi khác, điều cần thiết là phải can đảm trao truyền Tin Mừng. Để làm được điều này, điều quan trọng là phải đào tạo các cô thầy công giáo có trình độ. 

Còn về tình trạng đối thoại liên tôn thì như thế nào?

Tại hội đồng giám mục quốc gia, chúng tôi có một bộ phận cụ thể lo việc này trong mỗi giáo phận, có một ủy ban lo tổ chức các sinh hoạt trao đổi và đối thoại với các tôn giáo khác. Chẳng hạn, để cổ động cho hòa bình, chúng tôi có nhiều sáng kiến hợp tác với các đại diện đạo Phật, đạo Thần đạo; các buổi canh thức cầu nguyện thường được cử hành chung theo định kỳ. Tuy nhiên tôi nghĩ, điều quan trọng là đối thoại phải được thực hành trong đời sống hàng ngày. Ngay trong cùng một gia đình cũng có nhiều người thuộc nhiều tôn giáo khác nhau. Và thật cảm động khi thấy những người này sống chung với nhau, tôn trọng nhau trong việc đi tìm ý Chúa. Tôi thấy quan trọng là phải xem xét đối thoại từ quan điểm này. 

Chúng ta có thể truyền giáo trong một xã hội thế tục hóa không?

Chính bởi vì chúng ta sống trong một xã hội mà thế tục hóa đã tiến rất xa, tôi nghĩ việc loan báo Tin Mừng lại còn cần thiết hơn. Hay đúng hơn, dường như ngày càng có nhiều người muốn đi tìm một cái gì tốt đẹp như Tin Mừng. Để đáp ứng nhu cầu này, tôi nghĩ cần thiết là phải nuôi dưỡng nhiệt tình và đổi mới các phương pháp, các thành ngữ dùng khi loan báo Tin Mừng.

Còn về vai trò của các tu sĩ thánh hiến trong nước Nhật?

Đây là vấn đề rất quan trọng: ngày nay, dù thành viên càng ngày càng lớn tuổi, dù ơn gọi giảm, nhưng các dòng tu ngày càng đóng góp mạnh, với các sinh hoạt liên hệ đến đặc sủng của từng dòng và với việc phúc âm hóa cho xã hội. Chỉ cần nghĩ đến sự dấn thân của họ trong lãnh vực giáo dục, sức khỏe và các lãnh vực khác trong đời sống xã hội. Còn ở mục vụ giáo phận, các cộng đoàn dòng tu hỗ trợ cho các giáo xứ, cho các sinh hoạt khác nhau của các ủy ban. Đặc biệt, công việc của các tu sĩ thánh hiến rất quan trọng trong việc lo cho người nước ngoài. Đồng thời, như chúng ta đã thấy tài liệu làm việc chuẩn bị cho thượng hội đồng “rao giảng Tin Mừng” với phần đóng góp của họ, các tu sĩ thánh hiến cho thấy, họ đặt Chúa trên hết mọi sự qua đời sống cộng đoàn, họ làm chứng cho sức mạnh và chiều sâu các mối liên hệ mà Tin Mừng tỏa ra. Tôi nghĩ chứng tá này là khía cạnh rất quan trọng trong sứ vụ của họ. Chính các cộng đoàn các dòng tu là một hình thức chứng nhân. Quả vậy, các cộng đoàn ngày càng quốc tế, và trong một xã hội chậm mở ra với sự đa dạng như xã hội Nhật, các cộng đoàn này cho thấy, chúng ta có thể sống “chung” và vượt ra khỏi các rào cản quốc gia. 

Xin cha cho biết, cha làm gì với nhiều người di dân đến nước Nhật mỗi năm?

Giáo hội dấn thân trong lãnh vực này ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết là chiều kích mục vụ. Đứng trước sự bất ngờ khi đến một nước có văn hóa khác với văn hóa gốc của mình, người di dân cần giúp đỡ để duy trì và nuôi dưỡng đức tin. Chúng tôi giúp họ, chúng tôi nỗ lực thực hiện những gì có thể làm được. Chúng tôi thường xuyên có các buổi phụng vụ trong tiếng mẹ đẽ của họ; đồng thời trong giáo xứ, chúng tôi nồng nhiệt tiếp nhận và tháp tùng họ. Ngoài ra còn có khía cạnh xã hội. Các người di dân đến nước Nhật thường gặp các khó khăn nhiều loại khác nhau: họ phải có chỗ ở, phải học tiếng Nhật, phải được giúp đỡ để giáo dục con cái, phải được hướng dẫn về mặt pháp luật…v.v Chúng tôi giúp họ trong tất cả các lãnh vực này. Ở giáo phận Osaka của tôi, trung tâm sinh hoạt xã hội bao gồm tất cả công việc này. Và về khía cạnh nhân đạo. Dù họ là tín hữu kitô hay không, chúng tôi cũng tiếp nhận họ và bảo vệ quyền lợi của họ. Cuối cùng, trong số các người di dân cũng có các ơn gọi linh mục và tu sĩ được nảy sinh. Chúng tôi chỉ có thể vui mừng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Giám mục Manyo Maeda, ngư ông và nhà thơ sẽ là hồng y thứ sáu của Nhật

Đức Phanxicô, nước Nhật và Giáo hội trên con đường truyền giáo

Sống đời sống truyền giáo ở Nhật