Đời sống tu trì trong cuộc sống thường nhật
Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser
David Steindl-Rast cho rằng thời gian rảnh rỗi không phải là ưu đãi của người có thì giờ, nhưng đúng hơn là đức hạnh của người dùng thời gian đúng với giá trị của nó.
Đó là cái nhìn quý giá, nhất là ngày nay khi cuộc sống gần như bị chi phối do thì giờ bị ràng buộc. Chúng ta không bao giờ có đủ thì giờ. Luôn luôn sống dưới áp lực, cuốn hút trong cuộc chạy đua dữ dội, chịu đựng các đòi hỏi bủa vây tứ phía. Công việc phải xong, kiểm lại công việc đã làm, chúng ta không còn thì giờ hay năng lực để làm chuyện khác.
Và rồi chúng ta ý thức được lối bận rộn bệnh hoạn này. Chúng ta biết cuộc đời đang trôi đi, chúng ta quá bận tâm kiếm sống, làm bổn phận gia đình, xã hội đến mức không còn thời gian để sống thật sự. Gần như chúng ta không bao giờ có thì giờ rảnh rỗi, thanh thản để đơn giản thưởng thức cuộc sống bình dị, nghe nhạc, ngắm hoa. Chúng ta ngồi than thở bên ly cà phê nhưng chẳng làm gì để thay đổi tình thế.
Cuộc sống chúng ta có hỏng không? Có cần thay đổi tận căn lối sống này không?
Có lẽ. Rõ ràng là chúng ta dành quá ít thời gian cho gia đình, cầu nguyện, lễ hội và nghỉ ngơi. Nhưng có một hiểu lầm làm rắc rối vấn đề. Các triết lý kiểu “dành thì giờ thưởng thức hương hoa” đôi khi làm chúng ta hiểu loại thưởng thức này dành cho những người giàu, những người không có việc gì làm. Những gì Steindl-Rast đưa ra, là để chúng ta hiểu thì giờ một cách đúng đắn hơn.
Thời gian là quà tặng. Khi T.S. Eliot nói, “thì giờ, không phải thì giờ của chúng ta,” ông nhấn mạnh cần phải có một độ tách thì giờ nào đó, một loại sống tu trì nào đó trong đời sống chúng ta.
Đời sống trong tu viện được ấn định bằng tiếng chuông. Các tu sĩ nam nữ biết thì giờ không thuộc về họ, khi tiếng chuông gióng lên là họ phải gác lại mọi việc đang làm để làm công việc trước mắt phải làm. Theo thánh Biển Đức, khi nghe tiếng chuông, người tu sĩ phải đặt bút xuống tức khắc, không thêm nét ngang vào chữ t, không thêm nét chấm vào chữ i. Họ phải làm việc khác, không phải vì họ thích làm việc đó nhưng vì mỗi việc có thời gian của nó: thời gian ăn uống, cầu nguyện, làm việc, học tập, nghỉ ngơi. Đời sống các tu sĩ được ấn định bằng tiếng chuông, không phải vì họ không có đồng hồ, nhưng tiếng chuông nhắc nhở họ nhớ thì giờ không thuộc về họ và mỗi chuyện có thì giờ của nó. Các tu sĩ không đi ngủ, ăn uống, cầu nguyện, làm việc và nghỉ ngơi khi họ cảm thấy thích, nhưng đó là thời gian để làm những công việc đó.
Có một nét tương đồng ngạc nhiên giữa nếp sống này và nếp sống thường nhật của chúng ta, và sẽ hữu ích khi chúng ta hiểu được điều này. Có một đời sống tu trì đã nằm sẵn trong cuộc sống chúng ta. Ít nhất trong những năm tích cực nhất của cuộc sống, chúng ta được gọi để sống một loại tu hành của thời gian – nhìn cuộc sống chúng ta được ấn định theo “tiếng chuông.”
Trong trường hợp chúng ta, “tiếng chuông” ở dưới một hình thức khác, dù các đòi hỏi của nó cũng giống các đòi hỏi của tiếng chuông tu viện. Đối với chúng ta, tiếng chuông là đồng hồ báo thức buổi sáng và nếp sống thường nhật: ăn sáng vội vã, đi xe đến sở (kẹp theo bánh mì bữa trưa), ở nhà với con còn nhỏ, làm việc nhà việc sở, đưa đón con, chơi đùa và đáp ứng đòi hỏi của chúng, dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng, giặt giũ, đổ rác, gọi thợ sửa điện nước, đi nhà thờ ngày chúa nhật. Giống như các tu sĩ, chúng ta phải ngủ, ăn uống, cầu nguyện, làm việc không nhất thiết muốn làm lúc nào mình thích, nhưng đó là thời gian để làm những công việc đó.
Và điều này đúng, không phải chỉ với các sinh hoạt hàng ngày, nó còn đúng với các giai đoạn trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta đi học, chuẩn bị nghề nghiệp, vào môi trường làm việc, bổn phận với con cái, trả nợ nhà, nợ xe, và các đòi hỏi của gia đình, công việc, không nhất thiết vì chúng ta muốn làm, nhưng vì đó là công việc của thời buổi đó. Chơi đùa với con cái trước rồi sau đó mới rảnh rỗi về hưu.
Trong suốt những năm tháng hoạt động nhất, chúng ta được nhắc nhở mỗi ngày, đôi khi mỗi giờ, rằng thời gian không thuộc về chúng ta; chúng ta là các tu sĩ có một đời sống tu trì khắc khe.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thời gian để thưởng thức hương hoa nhưng không vì thế mà chúng ta nghèo hơn. Đời sống tu trì có những ơn thiêng liêng của nó. Ràng buộc với công việc và các nghĩa vụ, phải thức dậy sớm, có ít thời gian cho chính mình, gánh nặng trách nhiệm con cái, trả nợ nhà nợ xe, kiệt sức đi ngủ sau một ngày làm việc căng thẳng dính liền với thân phận làm người chúng ta. Đó cũng là một cơ hội để nhận ra thời gian không thuộc về mình, và bất cứ đặc tính thiêng liêng trưởng thành nào cũng phân biệt thời gian cho công việc và thời gian cho ngày nghỉ sa-bát; thời kỳ sa-bát là thời gian không còn áp lực.
Nhưng nhất là, khi ý thức các nghĩa vụ, áp lực trong cuộc sống thì âm thanh tiếng chuông tu viện sẽ giúp chúng ta biết thưởng thức hương hoa cuộc sống, dùng thời gian xứng đáng với giá trị của nó – không nhất thiết đó là thời gian mình thích làm. Chúng ta không mất gì khi ép mình làm theo các đòi hỏi của bổn phận, dù phải mệt mỏi thường xuyên. Ngược lại, những người ưu tiên có thì giờ thưởng thức hương hoa, chưa chắc họ đã tốt hơn.
Các tu sĩ có các bí mật đáng để chúng ta bỏ công khám phá – giáo dục của tiếng chuông là một trong các bí mật đó.
Nguyễn Kim An dịch
Xin đọc thêm:Đời sống tu trì và đời sống bà mẹ gia đình