Một phụ nữ nhờ một nhân viên cảnh sát thắp ngọn nến ở Nhà thờ Đức Bà
lavie.fr, bài phỏng vấn của Pierre Jova, 2019-04-19
Gần một tỷ âu kim đã được quyên góp để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà, đặc biệt là từ các công ty lớn đã làm cho dư luận quần chúng khó chịu. Linh mục tổng đại diện giáo phận Paris Benoist de Sinety phụ trách công việc đoàn kết nhìn đây là cả một thách thức liên hệ đến uy tín của Giáo hội.
Sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà ngày 15 tháng 4, các khoản quyên góp đổ dồn về, nhưng các tiếng nói trong thế giới từ thiện nhắc nhở, việc chống nghèo không hưởng được nhiệt tình quảng đại như vậy. Cha nghĩ gì về các lời chỉ trích này?
Trước hết cũng cần nhắc lại, Giáo hội cũng không hưởng gì về số tiền này, các số tiền này được giao cho bốn Quỹ do bộ Văn hóa chỉ định, trong đó chỉ duy nhất Quỹ Đức Bà (Fondation Dame) là trực thuộc Giáo hội công giáo. Như thế một tỷ này không vào túi các cha xứ! Nhưng cũng không nên phủ nhận dư luận khó chịu trước số tiền này. Tôi nghĩ lòng rộng lượng cho việc xây dựng lại nhà thờ là một thử thách còn cao hơn vụ cháy. Khả năng dám thể hiện đức tin của chúng ta bị đe dọa. Có thể xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà mà không nghĩ đến người nghèo không? Đây là việc quyên góp để xây dựng nhà thờ nhưng cũng là dịp nhắc chúng ta nhớ, có rất nhiều người đau khổ trong đất nước chúng ta.
Tôi nghĩ lòng rộng lượng cho việc xây dựng lại nhà thờ là một thử thách còn cao hơn vụ cháy.
Tôi bàng hoàng khi đứng trước bao nhiêu là tình trạng khốn khổ, không còn cha Pierre! Không còn ai đứng lên đập bàn như cha đã làm vào mùa đông năng 1954. Phải mãnh liệt lên tiếng, không để con người bị hy sinh vì lợi ích tài chánh hay sự cần thiết về kinh tế. Có một điều gì đó thiêng liêng trong đời sống mỗi con người, chúng ta không thể chỉ nhớ điều thiêng liêng này khi sinh ra hay vào cuối đời. Những người cho tiền xây lại nhà thờ cũng phải cho những người không có gì.
Cụ thể là như thế nào?
Vào thời các nhà thờ chính tòa, luôn có một công trình bệnh viện gọi là “khách sạn-Chúa” (hôtel-Dieu) được xây bên cạnh. Bây giờ chúng ta cũng phải làm như vậy. Chúng ta không thể xây dựng thánh đường để vinh danh Chúa mà quên đi sự đau khổ của người nghèo. Để làm điều này một cách cụ thể và chính xác, phải thiết lập các khách sạn-Chúa theo một hình thức mới, khắp nơi trên đất nước, để sẵn sàng xoa dịu các khốn cùng của thời buổi chúng ta.
Chúng ta có thể xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà mà không nghĩ đến người nghèo không?
Chúng ta phải giữ uy tín của mình, chính xác qua cách chúng ta đối phó với lòng rộng lượng này. Tôi nghĩ có một cái gì chúng ta cần suy nghĩ với các anh em kitô giáo khác và với cả các anh em do thái giáo, hồi giáo để cùng nhau thể hiện đức bác ái của Chúa.
Tại sao suy nghĩ này lại quan trọng trong trường hợp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà?
Chúng ta không thể nhận số tiền này và chỉ để dùng cho việc xây lại nhà thờ mà không thật sự thay đổi thái độ của chúng ta. Bây giờ không còn có thể được! Tất cả đều đã thấy ngọn tháp Mũi Tên bị ngọn lửa làm sập và tất cả đều xúc động để tái thiết nó. Ngọn tháp này đã bị dỡ xuống vào cuối thế kỷ 18 và được kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc xây lại lớn hơn vào thế kỷ 19. Tôi không biết chắc người kiến trúc sư làm vì vinh quang Thiên Chúa hơn, hay là vinh quang cho riêng mình… Có một phần kiêu ngạo của con người đã tan biến theo ngọn lửa. Biểu tượng này không phải là trung lập. Nếu chúng ta ưu tiên cho phần này trong việc xây lại nhà thờ thì chúng ta chỉ thấy tháp Babel ở Nhà thờ Đức Bà. Nhưng Nhà thờ Đức Bà là một nhà thờ, là nơi thờ phượng!
Có một phần kiêu ngạo của con người đã tan biến theo ngọn lửa
Ngọn tháp đã bị hạ, khu rừng hùng vỹ ngày xưa xây bộ khung xà nhà không còn. Nhưng trong sầu muôn, Thập giá vinh quang và Đức Mẹ ở bàn thờ chính không bị hư hại. Thiên Chúa và Đức Mẹ nhắc cho tín hữu kitô nhớ, điều thiết yếu là ở đây: cuộc gặp gỡ giữa Chúa và con người, sự hiệp thông của Chúa và con người trong sự hy sinh của Thánh Thể, trong sự cứu rỗi cho nhân loại, được biểu lộ qua đức ái trong tình huynh đệ. Nếu chúng ta phải xây lại Nhà thờ Đức Bà, thì chính trong tinh thần thiết yếu này mà chúng ta xây.
Giáo hội công giáo Pháp suy yếu về nguồn nhân lực. Làm thế nào để làm việc từ thiện khi Nhà Nước có ưu thế về hành động xã hội?
Chúng ta phải chấp nhận mình có một vị trí khiêm tốn. Giáo hội không chọn lựa tình trạng này, một tình trạng mà thực tế áp đặt lên. Qua vụ hỏa hoạn, dù chúng ta biểu lộ sự cảm thông tế nhị nhất có thể, thì rõ ràng chính quyền xem đây là là di tích lịch sử trước khi xem đây là nơi thờ phượng. Dù họ không ác ý khi làm vậy, nhưng với chúng ta thì cũng khó chấp nhận. Ngoài ra Nhà Nước không có ơn gọi làm tất cả: chúng ta thấy ở đây tâm hồn của mình, nhưng có rất nhiều ngôi nhà thờ nhỏ ở Pháp xuống cấp vì thiếu phương tiện sửa chữa. Cơn khủng hoảng “Áo vàng” nhắc cho chúng ta Nhà Nước đang phá sản cả về mặt tài chánh lẫn triết học. Khi chúng ta không còn tầm nhìn, không còn dự án tập thể, không còn ý nghĩa, thì chỉ còn là kinh tế. Giai đoạn nguy kịch chúng ta đang sống có thể mang đến một sự thoa dịu cho quốc gia. Để cứu di sản, các dàn xếp, các cải cách phải để cho những người muốn đóng góp tiền của hay hiện vật làm, họ không bị cản trở bởi các quy định ngột ngạt, hơn nữa lại cũng không ngăn được việc cháy một tòa nhà trong số các tòa nhà chuẩn mực và được trông coi nhất thế giới…
Một số người nghi rằng Giáo hội dành ưu tiên cho một số hình thức nghèo khổ như với người di dân hơn các việc khác. Làm sao để nhìn thấy sự giúp đỡ vô điều kiện trong các việc làm của Giáo hội?
Bổn phận của Giáo hội là ở bên cạnh các người đau khổ bất kể lý do và bất kể trách nhiệm nào của họ trên các đau khổ này. Chúa Giêsu đứng trước người đàn bà ngoại tình đã không hỏi bà chủ động hay không… Chúng ta không ở đây để hỏi. Sự giúp đỡ của chúng tôi không phải chỉ về mặt nhân đạo, nhưng còn giúp họ hiểu họ được Chúa yêu thương, và hướng dẫn họ đến gặp Ngài. Chính vì vậy, trong các cuộc thảo luận công cộng, chúng tôi lên án mọi khuynh hướng thúc đẩy hận thù và sợ hãi. Phải có lời nói kiên định, chắc chắn trên lãnh vực này, tiếng nói của Giáo hội chưa được nghe đủ.
Chính quyền xem đây là là di tích lịch sử trước khi xem đây là nơi thờ phượng
Trên thực tế có các khoản tiền đóng góp từ các công ty sẽ được trừ thuế ít nhiều, như thế có đi ngược với học thuyết xã hội của Giáo hội không?
Tôi muốn tin rằng một ân nhân tặng tiền trước hết họ không làm để lương tâm ngủ yên. Người giàu có trong tay các phương tiện kinh khủng để làm điều tốt, đó là lợi ích duy nhất của tiền bạc. Khi họ có một quyền lực tài chánh như vậy thì họ cũng có một bổn phận tương đương để làm điều tốt. Bây giờ, không còn ai nói những người có của cải, ngoại trừ khi sỉ nhục họ hoặc khen ngợi họ. Chúng ta tiếp nhận lòng rộng lượng của họ! Nhưng chúng tôi cũng nói họ không xa việc hoán cải riêng bao nhiêu.
Một ngày sau vụ cháy, hàng trăm bạn trẻ canh thức và cầu nguyện ngoài đường. Làm thế nào để đáp ứng ý muốn mạnh mẽ cần phải làm một cái gì của nhiều người công giáo Pháp này?
Họ phải được giúp đỡ để tránh các cạm bẫy của cảm nhận sống bên lề và bị hạch xách. Họ cũng không nên sợ “hệ thống” ghét mình và đối xử không tốt. Phải đi ra nỗi sợ hoang tưởng này. Nhưng đa số nhiều người không lầm. Tôi rất xúc động khi thấy nhiều người trẻ sẵn sàng giúp đỡ, họ hỏi tôi: “Con có thể làm gì?” Tôi trả lời: “Con đừng chờ lệnh, con hãy có sáng kiến.” Ước mong tín hữu kitô cầu nguyện, xin Chúa Thánh Thần soi sáng và chứng thực các trực giác của họ. Từ nay phải có hành động, nhưng hành động không chỉ duy nhất biểu lộ căn tính kitô của chúng ta. Chúng ta phải thể hiện đức tin của mình, trước hết bằng lời cầu nguyện, bằng ca nguyện, bằng việc làm bác ái trong khả năng của mình. Đức tin không hữu hình cho thế giới qua phụng vụ, nhưng qua hành động của con người nói lên hy vọng của mình. Ngôn ngữ thấy được của đức tin cho những người không có lòng tin, đó là đứa bác ái. Nếu không, chúng ta chỉ là người kể chuyện và câu chuyện của chúng ta chỉ làm cho chính chúng ta cảm động. Nhà thờ chính tòa bằng đá đã bị cháy. Đó là một dấu hiệu! Chúng ta phải được thanh tẩy bằng lửa của Chúa Thánh Thần để tẩy các kiêu ngạo và tự phụ của mình. Câu hỏi duy nhất còn lại ở đây là: làm thế nào với bàn tay, với cuộc đời của tôi, tôi có thể cho những người không biết Chúa biết được gương mặt của Chúa Kitô?
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Bài học khiêm nhường
Lòng nhiệt thành sốt mến của người công giáo sau cú sốc Nhà thờ Đức Bà bị cháy
Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit: “Chúa muốn nói gì với chúng ta qua thử thách này?”
Linh mục Benoist de Sinety