Vật lý gia Marcelo Gleiser: “Khoa học không giết Thượng đế”

459

Vật lý gia Marcelo Gleiser: “Khoa học không giết Thượng đế”

larepubliquedespyrenees.fr, 2019-03-19

Vật lý gia Marcelo Gleiser, giáo sư vật lý trường Dartmouth College, Mỹ

Hàng năm Giải Templeton tưởng thưởng cho một nhân vật “cổ động chiều kích âm linh cho đời sống”, năm nay Giải Templeton trao cho nhà vật lý người Ba Tây Marcelo Gleiser, ông nỗ lực chứng minh khoa học và tôn giáo không phải là kẻ thù của nhau.

Giáo sư Gleiser dạy môn vật lý và thiên văn chuyên ngành vũ trụ học. Ông sinh năm 1959 tại Rio de Janeiro và sống ở Mỹ từ năm 1986. Từ năm 1991, ông dạy ở Dartmouth College thuộc Viện Đại học New Hampshire. Ông là người theo thuyết bất khả tri và không tin ở Chúa. Ông là người cha gia đình có năm người con.

Ngày thứ hai 18 tháng 3, từ trường Dartmouth College, ông trả lời cho hãng tin AFP: “Chủ thuyết vô thần không tương tứng với phương pháp khoa học. Đó là ‘lòng tin trong cái-không tin’. Bạn dứt khoát phủ nhận một chuyện mà chuyện đó bạn không có một bằng chứng nào”. Ông giải thích: “Tôi giữ một tinh thần cởi mở, vì tôi hiểu kiến thức con người rất hạn chế”.

Giải Templeton được quỹ của ông John Templeton (1912-2008) thành lập năm 1972, ông là người Mỹ tin lành giáo phái Can-vanh xây dựng sự nghiệp ở Wall Street. Giải có giá trị cao, 1,1 triệu bảng Anh, gần gấp đôi Giải Nobel!  Từ năm 1973 nhiều nhân vật danh tiếng đã nhận được giải này như: Desmond Tutu, Dalai Lama, Alexandre Soljenitsyne, Mẹ Têrêxa… và các triết gia, các nhà thiên văn khác.

Với năm tác phẩm viết bằng tiếng Anh và hàng trăm bài báo viết trên trang blog và trên các báo Ba Tây, Mỹ, ông Marcelo Gleiser đã mô tả cách khoa học và tôn giáo, mỗi bộ môn theo cách của mình trả lời các câu hỏi rất giống nhau về nguồn gốc của vũ trụ và sự sống.

Ông cho biết: “Trang đầu tiên khi bạn mở quyển Kinh Thánh là câu chuyện của tạo dựng”, người do thái, người kitô giáo, người hồi giáo, dù họ ở tôn giáo nào, “ai cũng muốn biết thế giới đã xuất hiện như thế nào”.

Dù trên lãnh vực khoa học hay tôn giáo, tính hiếu kỳ này là nền tảng và chắc chắn đều dẫn đến các câu trả lời khác nhau. Phương pháp khoa học dựa trên các giả thuyết có thể phản bác, chứ không phải tôn giáo. Nhưng “khoa học chỉ cung cấp các câu trả lời ở một vài điểm nhất định mà thôi.” Thời gian, vật chất và năng lượng là gì? Các câu trả lời của khoa học chỉ có giá trị trong khuôn khổ lý thuyết. Giáo sư Gleiser nói: “Đây là vấn đề được biết đến trong triết học, vấn đề của nguyên nhân đầu tiên: chúng ta bị kẹt ở đây. Chúng ta phải khiêm tốn chấp nhận, chúng ta bị bao vây bởi bí ẩn”.

“Kiêu căng” khoa học

Ông Marcelo Gleiser là người có năng khiếu làm cho các kiến thức khoa học được dễ hiểu. Ông viết về sự thay đổi khí hậu, nhà bác học Einstein, các cuồng phong, các hố đen, lương tâm… Ông được tín nhiệm nhờ theo dõi mối liên hệ giữa khoa học và nhân văn, vì thế bao gồm cả triết học.

Ông nghĩ gì về những người tin Trái đất được tạo ra trong bảy ngày?

“Họ xem khoa học là kẻ thù vì họ có quan niệm lỗi thời, cho rằng các nhà khoa học muốn giết Chúa, trong khi các nhà khoa học muốn giải quyết bí ẩn về nguồn gốc con người. Khoa học không giết Chúa”.

Nhưng ông cáo buộc các “người vô thần mới” đã làm sai khi nới rộng hố sâu với tôn giáo, nhất là nhà khoa học người Anh  Richard Dawkins (muốn bắt Đức Bênêđictô XVI vì tội ấu dâm trong Giáo hội) nhà báo quá cố Anh Christopher Hitchens, người chỉ trích Mẹ Têrêxa, (nhưng Mẹ lại là người đầu tiên nhận Giải Templeton).

Theo giáo sư Marcelo Gleiser, người lớn lên trong cộng đồng người do thái ở Rio, tôn giáo không chỉ là tin vào Chúa, tôn giáo mang đến cảm nhận thuộc về và căn tính. “Ít nhất một nửa thế giới là như vậy”.

Giáo sư kết luận: “Thật vô cùng kiêu căng khi thấy các nhà khoa học rời khỏi tháp ngà của họ để có những tuyên bố không nghĩ gì đến tầm quan trọng về mặt xã hội của các hệ thống niềm tin”.

Giáo sư nói thêm: “Khi các nhà khoa học nổi tiếng cho rằng khoa vũ trụ học đã giải thích tất cả về nguồn gốc vũ trụ và chúng ta không cần đến Chúa nữa, thì họ nói bất cứ cái gì. Chúng ta không giải thích gì được hết cả”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Vì sao nhà khoa học vô thần nổi tiếng Stephen Hawking là nhà hàn lâm Viện Giáo hoàng Khoa học