Những chuyện Đức Phanxicô nói trên máy bay: Linh mục lập gia đình, phá thai, lạm dụng tình dục
la-croix.com, Nicolas Senèze, trên chuyến bay Panama-Roma, 2019-01-28
Như thường lệ, sau khi kết thúc ngày JMJ chiều chúa nhật 27-1, trên chuyến bay từ Panama về Rôma, Đức Phanxicô trả lời các câu hỏi của báo chí.
Chức linh mục cho đàn ông đã lập gia đình: “Không”… nhưng cởi mở
Được hỏi về việc các ơn gọi nảy sinh trong các ngày JMJ có thể bị cản trở do bậc sống độc thân không, Đức Phanxicô khẳng định ngài không “đồng ý việc cho phép độc thân là một tùy chọn”: “Cá nhân tôi, tôi nghĩ bậc sống độc thân là ơn của Giáo hội”. Tuy nhiên ngài ít quyết liệt hơn Đức Gioan-Phaolô II khi đưa ra một giáo huấn “dứt khoát” khép lại mọi thảo luận về vấn đề này: “Đây là chuyện thảo luận giữa các nhà thần học” và cho biết, “ý kiến riêng” của ngài là “không” với ý kiến cho rằng bậc sống độc thân là “tùy chọn” trước khi chịu chức. “Tôi sẽ không làm điều này, đó là rõ ràng. Có thể như tôi khép lại vấn đề này, nhưng tôi không nghĩ tôi đến trước mặt Chúa vì vấn đề này.”
Tuy nhiên ngài lưu ý đến quyển sách “rất thú vị” của Đức Giám mục Đức Fritz Lobinger, nhà truyền giáo ở Nam Phi, người có ý tưởng giao cho “người lớn tuổi” ở những nơi xa xuôi hẻo lánh như ở “các đảo Thái Bình Dương” được làm các công việc thánh hóa của linh mục như khả năng cử hành thánh lễ, ban bí tích hòa giải và xức dầu. Ngài nói: “Tôi nghĩ vấn đề này phải mở ở những nơi có vấn đề mục vụ vì thiếu linh mục. Tôi không nói là phải làm như vậy vì tôi chưa nghĩ về tất cả những chuyện này cũng như chưa cầu nguyện đủ. Nhưng các nhà thần học phải nghiên cứu vấn đề này”.
Phá thai: “Lòng thương xót đối với cả em bé trong bụng mẹ”
Về vấn đề phá thai, Đức Phanxicô mời gọi phản ứng trước lời chứng từ được cho là gay go của một thanh niên trẻ khi đi đàng thánh giá chiều thứ sáu vừa qua – khi anh nói “ngôi mộ mở ra trong bụng các bà mẹ mà người ta tước đi sự sống vô tội” – mà một số người thấy đi ngược với sứ điệp về lòng thương xót. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Sứ điệp lòng thương xót là cho tất cả, cả cho em bé trong bụng mẹ. Vấn đề không phải là tha thứ nhưng là tháp tùng người phụ nữ ý thức mình đã phá thai”. Ngài nhắc đến kinh nghiệm ngồi tòa của mình, “đó là các trường hợp bi thảm khủng khiếp. Để hiểu bi thảm của vấn đề phá thai thì phải ngồi tòa: tất cả những gì mình có thể làm là an ủi, chứ không làm gì khác được”, ngài kể những giọt nước mắt của các phụ nữ ngài gặp, ngài khuyên họ: “Con của con trên trời: con nói chuyện với con của con, con hát ru những bài hát mà con thuộc”. Ngài cho rằng, “phải tìm một con đường giải hòa giữa bà mẹ và đứa con. Với Chúa, là đã xong. Chúa tha thứ tất cả. Chúa luôn tha thứ. Nhưng cũng phải thể hiện lòng thương xót với các phụ nữ này và phải làm việc này”.
Cuộc họp thượng đỉnh lạm dụng tình dục: lưu ý đến các mong chờ “thái quá”
Ngày thứ bảy, một thiếu nữ Mỹ nhắc đến việc lạm dụng tình dục, nói đến việc này Đức Phanxicô lưu ý không nên mong chờ thái quá về cuộc họp thượng đỉnh về lạm dụng tình dục vào ngày 21 đến 24 tháng 2 sắp tới.
Đầu tiên đây là “bài giáo lý” giúp các giám mục “trước hết phải ý thức thảm kịch này: đó là một em bé trai, một em bé gái bị lạm dụng”. Ngài kể: “Tôi thường gặp các người bị lạm dụng. Tôi còn nhớ một ông, 40 năm ông không thể cầu nguyện… Thật khủng khiếp. Sự đau khổ thật khủng khiếp. Việc đầu tiên là ý thức về chuyện này”.
Cuộc họp sẽ ấn định cho các giám mục rõ về các tiến trình: “Là giám mục tôi phải làm gì? Là chủ tịch Hội đồng giám mục tôi phải làm gì?” Ngài lấy làm tiếc “đôi khi các giám mục không biết phải làm gì”.
Đức Phanxicô cũng lưu ý, không nên có các “mong chờ thái quá” về cuộc họp này và “vấn đề lạm dụng sẽ tiếp tục”. Ngài nhắc nhở: “Đây là vấn đề ở khắp nơi của con người. Nhưng chúng ta phải giải quyết trong Giáo hội, và qua ý thức, chúng ta góp phần giải quyết việc này trong xã hội, trong gia đình mà sự nhục nhã làm cho chúng ta bao che tất cả.”
Venezuela: “Máu không phải là giải pháp”
Về vấn đề Venezuela, Đức Phanxicô cho biết: “Trong lúc này, tôi ủng hộ người dân Venezuela, một dân tộc đang đau khổ, toàn dân đều đau khổ dù họ ở bên này hay bên kia, và đừng nói “phải làm này, phải làm kia.” Ngài từ chối không ở bên nào: “Về phần tôi, trên
phương diện mục vụ, đứng phe này phe kia sẽ là bất cẩn. Tôi phải là mục tử của mọi người.” Đức Phanxicô kêu gọi có một “giải pháp công chính và hòa bình. Máu không phải là giải pháp”.
“Cám ơn linh mục Sinéty”
Trả lời câu hỏi của nữ ký giả Caroline Pigozzi báo Paris Match, đại diện cho các ký giả nói tiếng Pháp, Đức Phanxicô cám ơn bà, trên chuyến đi bà đã tặng ngài quyển sách của linh mục Benoist de Sinéty, linh mục tổng đại diện giáo phận Paris, “Phải có các tiếng nói nói lên” (Il faut que des voix s’élèvent, Flammarion). Ngài nhắc lại: “Tôi muốn cám ơn linh mục Sinéty”, ngài cho biết mình đã đồng tế với linh mục Sinéty. Ngài cũng cám ơn các bạn trẻ của giáo phận Paris mà linh mục đã cho ngài gặp sáng thứ bảy trước khi cử hành thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Panama.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: “Chỉ có tình yêu mới làm chúng ta nhân bản hơn, trọn vẹn hơn”