Đức Giám mục Marcello Semeraro giải thích: “Phân định luôn là cần thiết”
Đức Giám mục Marcello Semeraro chú giải Tông huấn Vui mừng và Hân hoan trên nhật báo Osservatore Romano
fr.zenit.org, Océane Le Gall, Rôma, 2018-07-24
Ngày 21 tháng 7 – 2018, Đức Giám mục Marcello Semeraro giải thích trên nhật báo Osservatore Romano tiếng Ý: “Phân định luôn là cần thiết, không phải chỉ trong các thời điểm đặc biệt khi cần giải quyết các vấn đề lớn hay khi phải có quyết định quan trọng (số 169).
Đức Giám mục Semeraro là giám mục hiệu tòa Albano và là thư ký của Hội đồng Cố vấn của các hồng y (C9). Ngài chú giải về điểm phân định trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan của Đức Phanxicô.
Sau đây là bản dịch nguyên bản suy tư của Đức Giám mục Semeraro.
Trên các con đường của phân định
Marcello Semeraro
Trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Đức Phanxicô giới thiệu phân định như con đường dẫn đến mạch suối sự sống (số 170), một chỉ dẫn để đi trên con đường ngay và đúng. Và theo ngài, rõ ràng đây là chuyện cần thiết, khi mọi người, nhất là giới trẻ luôn ngồi trước máy thay đổi kênh, thay đổi đài liên tục. “Không có sự khôn ngoan của phân định, chúng ta dễ dàng là con rối nhường bước trước các khuynh hướng nhất thời” (số 167). Vì thế phân định luôn là cần thiết: “Phân định luôn là cần thiết, không phải chỉ trong các thời điểm đặc biệt khi cần giải quyết các vấn đề lớn hay khi phải có quyết định quan trọng” (số 169).
Phân định này – phân định mà Đức Phanxicô đã chỉ dẫn trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng và Tông huấn Niềm vui Yêu thương về các khía cạnh cá nhân, mục vụ, ơn gọi, thực hành –, phân định trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan là một cách để trả lời cho tiếng gọi thiêng liêng hướng về sự thánh thiện: bài thực hành này luôn cần thiết “nhất là khi có một chuyện mới mẻ trong đời sống chúng ta, khi đó cần phải phân định để biết đó là rượu mới của Chúa hay đó là chuyện phỉnh phờ của thế gian, của ma quỷ”, và khi “sức mạnh sự dữ xúi giục chúng ta đừng thay đổi, cứ để nguyên trạng, cứ bất động, cứ cứng ngắc, nên đã ngăn chận không cho sức thổi của Thần Khí tác dụng (số 168). Phân định là khí cụ chiến đấu để đi theo Chúa, một phương tiện để nhận biết thời điểm và ân sủng của Chúa, và để không bỏ qua lời mời gọi để lớn lên của Ngài.
Ngoài ra cũng có một chuyện khác, đó là “phân định dẫn chúng ta đến việc nhận biết các phương tiện cụ thể mà Chúa đặt định trong kế hoạch huyền nhiệm yêu thương của Ngài, để chúng ta không chỉ ở trong ý muốn tốt” (số 169). Do đó Đức Phanxicô dạy cho chúng ta biết, tiến trình phân định giúp chúng ta đi từ ý muốn qua hành động. Một câu châm ngôn xưa từng nói, giữa nói và làm là cả một đại dương; ngược lại, Đức Phanxicô giải thích, “Chúa đặt định trong kế hoạch huyền nhiệm yêu thương của Ngài, để chúng ta không chỉ ở trong ý muốn tốt” (số 169).
Thánh Phaolô viết trong thư Thêxalônica thứ nhất “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” và Thánh Tôma chú giải: “Tất cả các điều răn của Chúa đều có mục đích nhằm cho chúng ta nên thánh” (Super 1 Thêxalônica, chương 4, l. 1). Nhưng cũng quan trọng là biết làm thế nào để đáp trả ý muốn của Chúa, chính xác trong lời kêu gọi nên thánh của Ngài. Làm thế nào, bây giờ và ở đây, tôi có thể hoàn thiện được ý muốn của Chúa? Và đó là điểm mà phân định dựa vào. Dù sao, nhận biết bây giờ và ở đây là biết phân biệt đâu là phân định, đâu là điều răn. Phân định hay điều răn đều có mục đích là đáp trả lại ý muốn của Chúa, nhưng ở một quan điểm khác nhau. Trên thực tế, điều răn áp dụng ý Chúa cho tất cả, luôn luôn và bất cứ đâu. Tuy nhiên điều răn không cho tôi biết con đường nào tôi có thể đến gặp Chúa. Như thế, điều răn áp dụng cho tất cả và mãi mãi; còn tôi thì đang ở “trong tình trạng này”. Vậy làm sao tôi có thể đạt được mục đích của tôi? Với phân định, chính xác với phân định mới là “ra-đa địa hình” có thể giúp tôi đặt chân ở đâu để cụ thể và thật sự bước tới Chúa; phân định gợi ý cho tôi ở đâu và làm thế nào để đi, để không phí sức, để đi đúng đường.
Trên điểm này, các tổ phụ sa mạc đều kiên quyết và đồng nhất. Thánh Antôn Cả đi trước và tóm gọn tất cả như sau: “Có những người cơ thể của họ bị kiệt lực trong lối tu luyện khổ hạnh, họ không biết phân định, để rồi cuối cùng họ xa Chúa” (Serie sistematica, X, 1). Quả vậy, phân định là “con mắt nội tâm” dần dần giúp tôi quan sát thực tế và lượng định nó theo cái nhìn của Thần Khí. Thánh Gioan Cassien viết: “Sự thận trọng giúp xem xét các hành động và tư tưởng con người, khôn ngoan chọn những gì phải được thừa nhận”. Ngài viết thêm, sự thận trọng này phải là tay lái cho cuộc đời và ngài kết luận, chính vì lý do này mà sự thận trọng được xem là đức tính mẹ, canh giữ và điều hợp tất cả các đức tính khác (Collationes, II, 2.4).
Trong Tông huấn Vui mừng và Hân hoan, Đức Phanxicô giải thích phân định thiêng liêng không loại bỏ các đóng góp của các lãnh vực minh triết, tâm lý, xã hội, đạo đức hay hiện sinh của con người. Nhưng phân định siêu việt hóa tất cả, vì trong trường hợp chúng ta, đây không phải chỉ có vấn đề “thoải mái nhất thời, thỏa mãn một cái gì đó có ích, cũng không phải để lương tâm được ngủ yên” : nhưng đúng hơn “hé cho chúng ta thấy được huyền nhiệm của chương trình hoạch định duy nhất và không thể bắt chước được của Chúa cho từng người, và được thực hiện trong các bối cảnh và các giới hạn đa dạng nhất”. Đức Phanxicô cũng xác định, dù Giáo hội có các chuẩn mực khôn ngoan nhưng cũng không đủ cho phân định, vì phân định là ơn Chúa. Xét cho cùng, trước khi là một nghệ thuật, phân định là ơn phải xin cho những ai muốn dò tìm chiều sâu tâm hồn mình và muốn biết quả tim của Chúa (số 170). Nhưng để được ơn này, chúng ta cần phải chú tâm, có nghĩa là đồng thời vừa mong đợi, vừa phải chịu căng thẳng và vừa phải chất vấn. Do đó chỉ dẫn ở phần đầu trong đoạn cuối về phân định là thích đáng. Đức Giáo hoàng lên danh sách tất cả các phương tiện cần thiết để thực hiện phân định. Ngài viết, “không chỉ đòi hỏi một khả năng tốt để lý luận hay để đúng lý. Nhưng phân định là ơn phải xin. Nếu chúng ta xin với lòng tin tưởng vào Thần Khí, và cùng lúc chúng ta cố gắng phát triển thông qua cầu nguyện, suy tư, đọc và tư vấn tốt, chúng ta chắc chắn sẽ lớn lên trong năng lực thiêng liêng này” (số 166).
Chúng ta phải thêm một cái gì đó cho các phương tiện này. Ở điểm thứ nhất, Đức Phanxicô cảnh báo rõ, “không thể chỉ chăm chú im lặng cầu nguyện để cảm nhận được ngôn ngữ này, để giải thích ý nghĩa thật sự các cảm nhận mà chúng ta nghĩ mình đã nhận được, hoặc để xoa dịu những lo âu và tóm lại toàn thể cuộc hiện sinh của mình dưới ánh sáng của Chúa (số 171). Ngài cũng chỉ dẫn, suy tư để hiểu điều đó có nghĩa là gì, và chúng ta có thể dựa vào cách ngôn cảnh giác của các tổ phụ sa mạc: “Anh chị em đừng làm bất cứ điều gì trước khi xem xét tâm hồn mình, xem tâm hồn mình có sẽ làm theo ý Chúa hay không” (Serie Sistematica, XXI, 21). Quả thực, nỗ lực lớn của phân định chính xác là ở đây. Nhưng không đủ để đánh giá một cách khách quan sự tốt lành của một chọn lựa, một quyết định, mà thường là không rõ và chỉ tốt ở bề ngoài. Ngược lại, điều mang đến cho các hành động của chúng ta chất lượng của một lựa chọn, đó là ý định. Tâm hồn chúng ta nhận được sự hướng dẫn và vì thế giúp chúng ta hiểu lý do thực sự, vì sao chúng ta hành động theo cách này mà không theo cách khác. Như vậy phải luôn chất vấn các suy nghĩ của mình, có nghĩa là cân nhắc chúng, kiểm tra chúng, dù dưới mắt chúng ta, tất cả đều đẹp, đều tốt và thậm chí bề ngoài còn có vẻ thánh thiện. Bằng cách này, chúng ta đặt quả tim mình vào trong cái hộp quý. Trên thực tế, chúng ta là người gác cổng cho tâm hồn mình: được gọi để chăm sóc tâm hồn, để canh gác cánh cửa nội tâm của mình. Qua cầu nguyện và suy nghĩ, Đức Phanxicô cũng nhắc đến việc đọc sách thánh (lectio divina), ngoài ra cũng phải nghe các bài đọc hữu ích khác để tăng trưởng trên con đường đạo đức và thiêng liêng. Sự kết hợp giữa lectio và các bài đọc thông thường khác trong truyền thống kitô không phải chỉ có trong các quy tắc của tu viện. Trong Bài tập Linh thao, ngoài việc đọc Tin Mừng, Thánh I-Nhã còn khuyên nên đọc các bài đọc khác như Gương Chúa Kitô và hạnh các thánh. Thánh Phanxicô Salê khuyên Philôtêa: “Cha không muốn gởi con vào sa mạc, nhưng cha nghĩ đôi khi cũng tốt nếu con ở lại trong phòng, trong vườn hay một nơi nào khác, nơi con có thể tập trung tâm trí vào quả tim và khôi phục tâm hồn con với thiện ý, với các tư tưởng thánh thiện, hay với một bài đọc tốt”.
Trong số các phương tiện cần thiết để có được phân định và nuôi dưỡng phân định, Đức Giáo hoàng không bỏ qua việc nên có một lời khuyên tốt. Tự túc về mặt thiêng liêng và cho rằng mình là thầy của mình luôn là một chọn lựa tiêu cực, vì nó trái với tinh thần khiêm tốn, lòng khiêm tốn luôn giúp chúng ta nhận biết chúng ta cần sự giúp đỡ để tuân theo ý Chúa. Một câu cách ngôn của các tổ phụ sa mạc luôn được lặp lại, kẻ thù không hưởng lợi với những người không diễn tả suy nghĩ của mình ra (Serie alfabetica, poemen 101).
Như vậy cần phải thêm vào chỉ dẫn chung: phân định luôn bao gồm một cuộc chiến đấu; đó là cuộc chiến đấu thiêng liêng. Đời sống theo Thần Khí không bao giờ là đời sống yên tĩnh. Những ai tiến bước trên con đường này đều biết họ phải là người dũng sĩ chiến đấu, phải ý thức khí cụ đầu tiên mình dùng để chống với đối thủ là Lời Chúa vì tên đi cám dỗ sợ nhất là Lời Chúa; ngược lại, các tư tưởng xấu (Thánh Evagre gọi chúng là loghismoi) có thể đặt bẫy và làm suy yếu linh hồn nếu các tư tưởng xấu này không được lời cầu nguyện hỗ trợ. Thánh Barsanuphe de Gaza viết, “Phân định thần loại không đến với ai mà không làm cho tâm hồn người đó không mệt mỏi” và trong một thư khác, ngài giải thích “giữ tâm hồn có nghĩa là có tinh thần thận trọng và sáng suốt của người chiến binh khi ra trận” (Serie Epistulae, 265, 166).
Nói theo nghĩa của chiến đấu, câu trích của Thánh Bonaventure mà Đức Phanxicô nhắc lại vào cuối tông huấn nằm trong bối cảnh này. Thánh tiến sĩ Bonaventure giải thích làm thế nào mà với lô-gích (một hình thức tam đoạn luận như Thánh Evagre gọi) Chúa Kitô đã chiến thắng ma quỷ và nói về sự Phục Sinh của mình, Đấng bứt dấu niêm phong mộ Thánh, đặt áo liệm lên mồ là thể hiện cho huyền nhiệm; và ngài kết luận: “Đó là lô-gích của chúng ta, là lý lẽ chúng ta dùng để chống lại với ma quỷ, chúng luôn thường xuyên gây gỗ chống chúng ta”. (Collationes in Hexaemeron, I, 30). Với chỉ dẫn này, Đức Phanxicô muốn dạy chúng ta, phân định chắc chắn phải được đặt trong lô-gích của Thập giá: “Nếu người nào đi vào trong năng động này thì họ sẽ không để lương tâm của mình bị tê liệt và họ quảng đại mở lòng mình ra để phân định” (số 174); và phải được thực hiện trong sức mạnh của sự Sống Lại và như thế, phân định thần loại sẽ “giải phóng khỏi sự cứng ngắc, một sự cứng ngắc không thể chấp nhận trước vĩnh cửu ngày nay của Đấng Sống Lại” (số 173).
Marta An Nguyễn dịch