Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: một nạn nhân và một giám mục đối thoại

490

Lạm dụng tình dục trong Giáo hội: một nạn nhân và một giám mục đối thoại

lavie.fr, Sophie Lebrun va Jean-Pierre Denis, 2018-06-05

Trong khi các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục tiếp tục được đưa ra ánh sáng khắp nơi trên thế giới, các hiệp hội thúc đẩy các giám mục phải nắm vấn đề và Đức Giáo hoàng muốn chấm dứt “nạn văn hóa lạm dụng và bao che”. Nhưng có một điều khẩn cấp: để không bị cắt đứt với giáo dân và với dư luận quần chúng, từ nay Giáo hội buộc phải có kết quả.

Một bên là giám mục giáo phận Puy-en-Velay, phụ trách chống ấu dâm của Giáo hội Pháp. Người kia là đồng sáng lập hội Lời được giải phóng, một hiệp hội quy tụ các nạn nhân của các linh mục ấu dâm và chính ông khi còn nhỏ là nạn nhân của linh mục Preynat ở Lyon. Đây là lần đầu tiên hai người nói chuyện với nhau, chúng tôi nghĩ họ sẽ căng thẳng khi nói đến vấn đề lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. Nhưng trong phòng biên tập của báo Sự Sống chúng tôi, giám mục Luc Crepy và ông Alexandre Dussot-Hezez chào nhau, nồng hậu xưng anh em với nhau. Họ đã gặp nhau nhưng chưa bao giờ nói chuyện trước công chúng. Trong những năm gần đây, qua các bài viết trao đổi qua về, đôi khi người đọc có cảm tưởng, sự tin tưởng giữa thể chế và hiệp hội chưa bao giờ được thiết lập. Có thể như vậy không? Chúng tôi đặt câu hỏi này với họ. 

Việc các giám mục Chi-lê từ chức tập thể sau nhiều vụ tai tiếng ấu dâm trong nước đã làm thế giới chấn động. Quý vị nghĩ gì về chuyện này?

Luc Crepy. Cả một hội đồng giám mục đệ đơn từ chức lên giáo hoàng, đó là chuyện quá ngạc nhiên. Ngoài ra, sự việc xảy ra còn rất mạnh: giáo hoàng nhận mình đã phạm sai lầm. Ngài đã gặp các nạn nhân, ngài triệu tập các giám mục Chi-lê về Vatican và sau khi gặp, họ từ chức. Bây giờ chính ngài sẽ là người quyết định có để cho họ từ chức hay không. Với tinh thần “không nhân nhượng” mà Đức Phanxicô hay nói, ví dụ của trường hợp Chi-lê là rõ ràng. Tôi là người trách nhiệm trong việc chống nạn ấu dâm ở Pháp, theo tôi, giai đoạn này ở cấp cao nhất của Giáo hội thì không phải chỉ có lời, mà còn phải qua hành động. Điều này rất có ý nghĩa với các Giáo hội địa phương. 

Alexandre Dussot-Hezez. Trường hợp nước Chi-lê là quan trọng đối với chúng tôi, hiệp hội Lời được Giải phóng (Parole libérée), bởi vì chúng tôi đã ở đó lúc Đức Phanxicô đến thăm nước này vào tháng 1 vừa qua. Hiệp hội Để Tin tưởng (Para la Confianza) được thành lập cách đây sáu năm, (hội do các nạn nhân các vụ lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thành lập) mời chúng tôi đến dự một buổi hội thảo với nhiều hiệp hội quốc tế khác, để nói về nạn ấu dâm trong Giáo hội. Khi đến họp, chúng tôi bị sốc: với một nhóm nạn nhân, chúng tôi ở quảng trường Giải phóng của thành phố Santiago để tố cáo các việc làm sai trái của một số linh mục. Ở một nước còn tinh thần công giáo rất mạnh, tôi cảm thấy có sự ngờ vực đối với Giáo hội: tôi thấy nhiều nhà thờ có hàng chữ “ấu dâm”! Rồi một phụ nữ nạn nhân giải thích cho tôi hiểu, cái mà bà nghĩ là đầu đuôi mọi sự: một bức thư, bà đưa cho tôi xem, của Hội đồng giáo sĩ gởi cho Giám mục Pierre Pican năm 2001, lúc đó ngài là giám mục của giáo phận Bayeux-Lisieux để khen ngợi ngài (vài tháng sau, cũng trong năm 2001, Giám mục Pican là giám mục Pháp duy nhất đã bị tòa lên án vì đã không tố cáo các vụ lạm dụng tình dục của một linh mục trong giáo phận mình). Bức thư này được Golias đưa ra công chúng và Vatican chứng thực, bức thư có đoạn viết, tôi xin trích: “Tôi khen ngợi cha đã không tố cáo một linh mục ra cơ quan dân sự, cha đã hành động đúng và tôi vui mừng đã có một đồng hữu trong hàng giám mục, người, dưới mắt lịch sử và tất cả các giám mục trên thế giới, thà đi tù còn hơn là tố cáo người con-linh mục của mình”. Đối với bà, nước Pháp ở xa hàng ngàn cây số lại là điểm khởi đầu mọi sự và nhất là bức thư kết thúc bằng những chữ: “Để khuyến khích các anh em ở trong hội đồng giám mục trong lãnh vực tế nhị này, Hội đồng sẽ chuyển bản sao bức thư cho tất cả các hội đồng giám mục trên thế giới”. Và họ đã làm. 

“Vụ tai tiếng thật là quan trọng mà các giám mục Chi-lê đều cảm thấy mình có can dự vào, dù họ không trực tiếp can dự. – Giám mục Luc Crepy, giám mục phụ trách việc chống nạn ấu dâm trong Giáo hội Pháp”  

Mười bảy năm sau, sự từ chức tập thể của các giám mục có phải là ví dụ ngược lại của bức thư này không?

Alexandre Dussot-Hezez. Đúng, nhưng việc từ chức có vẻ tượng trưng cho “tình đoàn kết” giữa các giám mục làm cho tôi cảm thấy khó chịu… Đây là việc giải thể hoàn toàn trách nhiệm. Có một tình huynh đệ giữa các giám mục để rồi cuối cùng họ từ chức cùng một lần, dù có những người biết họ không làm gì hết trong vụ này. Vậy thì có những người thật sự co trách nhiệm, những người khác không: những người này phải ở ngoài tình đoàn kết này. 

Luc Crepy. Vụ tai tiếng thật là quan trọng mà các giám mục Chi-lê đều cảm thấy mình có can dự vào, dù họ không trực tiếp can dự. Điều này có thể thể hiện một ý chí cùng nhau dứt khoát muốn thay đổi. Nếu không, một vài giám mục sẽ nghĩ chính họ cũng chỉ nghe tin đồn, họ sẽ không can dự vào. Chúng ta có thể nghỉ tình đoàn kết này như một công việc mà toàn hội đồng giám mục phải làm. Ở Pháp, chúng tôi cũng làm như vậy: cùng nhau chiến đấu trong tinh thần đồng đội, để không một ai ở bên ngoài.

Không phải Giáo hội trong vai trò của mình đã làm lỗi: nhưng là những người có quyền trên sự thật đã làm lỗi, họ đã không làm rõ sự thật này. – Alexandre Dussot-Hezez, Lời được Giải phóng 

Có thể nào, hoặc cũng nên có kịch bản này xảy ra tại Pháp không?

Alexandre Dussot-Hezez. Những gì xảy ra ở Chi-lê có thể là tiền lệ cho các nước khác. Chắc chắn là có một vài giám mục ở Pháp đã bao che các vụ lạm dụng tình dục, có nhiều người trong họ ở trong các vụ xưa cũ vẫn còn chôn giấu. Nhưng tôi biết có những giám mục như Giám mục Gobilliard ở Lyon mà tôi có liên lạc, họ muốn đoạn tuyệt với cách làm việc xưa cũ này. Đây là dấu hiệu tích cực cho tương lai. Có một hành động mạnh tại Pháp, nên có, nhưng nếu mỗi giám mục không cảm thấy mình có trách nhiệm với chính mình, trong tư cách cá nhân, thì cũng chẳng làm được gì. Đây không phải Giáo hội trong vai trò của mình đã làm lỗi: nhưng là những người có quyền trên sự thật đã làm lỗi, họ đã không làm rõ sự thật này.

Luc Crepy. Trường hợp nước Chi-lê là đặc biệt. Tôi không nghĩ là phải chuyển dịch tình trạng của Giáo hội này qua các hội đồng giám mục các nước khác. Nhưng khổ thay, ở đâu cũng có các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. Ở Giáo hội Pháp, các giám mục đều dấn thân và cam kết chiến đấu chống nạn ấu dâm.

Dù vậy các giám mục Pháp cũng không muốn tiếp một nạn nhân trong kỳ họp khoáng đại Hội đồng giám mục Pháp ở Lộ Đức. Vì sao?

Luc Crepy. Nhắc lại, vào tháng 11 năm 2016, tại Lộ Đức, chúng tôi đã có lời xin lỗi của toàn Hội đồng giám mục về các vụ lạm dụng tình dục. Tất cả các giám mục đều ở trong tiến trình này, nhận biết các hành động lệch lạc của giáo sĩ, lên án các hành vi lạm dụng, lên án sự thinh lặng chung quanh các tội ác này, như tội ấu dâm. Tôi nghĩ kỳ họp sau ở Lộ Đức, chúng tôi sẽ tiếp các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục, theo cách có thể làm cho cả hai bên được sinh ích. Chẳng hạn có những nhóm làm việc để tụ họp người này người kia lại với nhau. Về phiá các giám mục, việc này có thể rất phong phú. Nhưng về phía nạn nhân cũng vậy: để giúp hiểu từ bên trong mà không phải lúc nào mình cũng cảm nhận được. Vấn đề này cần thời gian và hiện nay chúng tôi đang thảo luận.

Kỳ họp sau ở Lộ Đức, chúng tôi sẽ tiếp các nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục. – Luc Crepy

 Alexandre Dussot-Hezez. Vào đầu những năm 2000, cũng đã có một công việc như thế này đã được làm. Cũng đã có những lời tuyên bố, cũng đã ra tuyển tập, cũng đã có các hành động đầu tiên… Rồi người ta nói như vậy là tốt, như vậy là chấm dứt và người ta chôn hồ sơ trong các giáo phận. Vào thời đó, các nạn nhân đã được huy động, và kết quả thì chúng ta đã biết. Chính vì vậy mà ngay từ đầu, chúng tôi, Lời được Giải phóng, không nhân nhượng trước các hành động khủng khiếp này. Vì thế công việc của các nạn nhân là tạo ý thức, tạo hành động, làm cho lời được giải phóng trên một vấn đề cụ thể – làm sao để có tác động trên đời sống gia đình, đời sống nghề nghiệp… – tất cả đòi hỏi một năng lực phi thường! Và thật mệt sức. Thêm nữa, trong lần gặp nổi tiếng năm 2016, các giám mục đã quyết định ăn chay một ngày, nhưng cũng ngay chiều hôm đó, chương trình loan báo có buổi diễn thuyết của Giám mục Pierre Pican về các linh mục lớn tuổi… Thật không thể tin được!

Luc Crepy. Đối với tôi cũng vậy, thật không thể tin được! Là tân giám mục cách đây ba năm, tôi rất ngạc nhiên và đau đớn khám phá tai ương ấu dâm ở ngay trong lòng Giáo hội. Và cách đây hai năm, khi tôi bắt đầu giữ trách vụ chống ấu dâm ở Hội đồng giám mục Pháp, tôi không nghĩ tình trạng này lại như vậy. Bây giờ chúng ta sáng suốt về các nặng nề, trơ ì, mặc cảm tội lỗi. Lời của anh đã được nghe và công việc các anh làm đã cho phép các nạn nhân thêm một lần nữa được lên tiếng. Với Lời được Giải phóng, một giai đoạn của sự thật đã được làm. Các nạn nhân mà tôi gặp đã làm cho tôi lưu ý, đã làm cho tôi ý thức sự trầm trọng của chấn thương. Khi tôi tiếp họ, tôi đứng trước một quá khứ cực kỳ nặng nề, cực kỳ đau khổ. Tôi hiểu sự mệt nhọc của anh khi chiến đấu; và phần tôi cũng vậy. Bởi vì dù sao cũng rất nhiều chuyện đã được làm. Phong trào đã lên tiếng! Nhưng nếu đôi khi chúng tôi chỉ làm từng bước nhỏ, thì chẳng qua chúng tôi không thể nào làm khác hơn. Chúng tôi cần thì giờ. Và đôi khi tôi cũng mong Lời được Giải phóng hiểu chúng tôi đang trên đường đi. 

Bây giờ các giám mục có bị phạt không? Không. Còn về cha Preynat, thì không có gì thay đổi đối với cha. – Alexandre Dussot-Hezez”

Từ hai năm nay, các trao đổi của các cha – thường qua trung gian báo chí – ging như cuộc đối thoại giữa những người điếc. Người này lấy làm tiếc là chưa đặt các nạn nhân vào trọng tâm, người kia lấy làm tiếc là các cố gắng chưa bao giờ đủ…

Alexandre Dussot-Hezez. Câu chuyện của tôi ở trong một giáo phận đặc biệt, giáo phận Lyon, nơi mọi chuyện lẫn lộn nhau, chính trị, tôn giáo, công việc. Công việc huy động chúng tôi ở đó như thử chiến đấu chống người có quyền. Chúng ta chỉ có thể đưa ra pháp luật người có trách nhiệm, chúng ta không thể đưa cả tòa giám mục Pháp ra, vì cuối cùng phải có một người chịu bản án. Các giám mục bây giờ có bị phạt không? Không. Còn về cha Preynat thì cha sống bình thản, chẳng có gì thay đổi ở cha, ngoại trừ cha không còn ở giáo xứ.

Luc Crepy. Chúng ta đứng trước một trường hợp đặc biệt với linh mục này, vì tòa án làm việc rất chậm. Trong đa số các trường hợp, khi các nạn nhân tố cáo, tòa án xử lý và các linh mục không thể ở yên ở nhà mình. Rõ ràng Giáo hội muốn tòa án làm công việc của mình. Nhưng cũng có những trường hợp có thể hoàn thiện, và anh có lý khi nói lên điều này: phải đi tới trước trên vấn đề này.

Sau hai năm làm việc, sự mất tin tưởng không chỉ có nơi các nạn nhân và Giáo hội. Sự mất tin tưởng này còn cảm nhận nơi các gia đình, họ tự hỏi, con họ đi học giáo lý với các linh mục mà ai cũng bị nghi… Chúng ta làm gì được với vấn đề này?

Alexandre Dussot-Hezez. Lần cuối tôi gặp Đức Hồng y Barbarin là cách đây bốn năm, ngài giải thích, nhờ tôi mà ngài đã gởi một thơ luân lưu cho tất cả linh mục trong địa phận của mình, nhắc họ nhớ bổn phận của họ, không bao giờ được dạy giáo lý mà không có sự hiện diện của một người lớn, phải ở một nơi mở khi các em xưng tội. Và tôi nói với ngài: “Cha không hiểu gì hết!” Để mọi người vào trong một giỏ mà không muốn lên án các “con chiên ghẻ”, những người phạm tội lạm dụng là đổ chuyện sỉ nhục lên toàn bộ các linh mục. Các linh mục cho tôi biết, họ nhận các ánh mắt nghi ngờ khi họ đến các nơi công cộng, khi họ đi với các hhướng đạo sinh hay với các lớp học. Thật là khủng khiếp cho họ, người có đức tin, có niềm say mê phục vụ lại chịu đựng các ánh mắt nhìn này. Nhưng đây không phải lỗi của Lời được Giải phóng, cũng không phải lỗi của các nạn nhân; lỗi ở đây là của các giám mục, đã để tất cả các linh mục vào trong một giỏ.

“Tôi cũng nghe các linh mục nói, họ bị tấn công, bị chửi mắng ngoài đường. Thật là khắc nghiệt. – Luc Crepy“

Luc Crepy. Tôi cũng nghe các linh mục nói, họ bị tấn công, bị chửi mắng ngoài đường. Thật là khắc nghiệt. Chúng tôi, các giám mục có bổn phận phải cảnh giác, tế nhị, chú ý để không tổng quát hóa khi xử lý các trường hợp này. Như thế bắt đầu bằng việc nhắc lại các quy tắc và thực hành trong việc cảnh giác mà cho đến khi đó, chưa được đặt ra. Như thế đặt luật không có nghĩa là mọi người đều có tội. Kế đó chúng tôi phải làm sao để các vấn đề phòng ngừa, một vấn đề rất quan trọng, không được xem như là sự buộc tội chống tất cả, nhưng như sự đào tạo cho các mục vụ viên các trẻ em và giới trẻ, chứ không phải chỉ một mình các linh mục. Như Đức Giáo hoàng nói, chúng tôi tất cả phải góp phần làm sao để căn nhà là căn nhà an toàn. Chính trong tinh thần mở ra này mà chúng tôi tổ chức các ngày đào tạo, chẳng hạn, trong giáo phận tôi, vào kỳ nhập học sắp tới, chúng tôi có một ngày đào tạo để lưu ý các trưởng ngành trong các trường công giáo, các giáo lý viên, các phong trào trẻ, các linh mục và chúng tôi mời những người có trách nhiệm bên dân sự như ông biện lý, các cán sự xã hội đến dự.

“Ở Lời được Giải phóng, chúng tôi đã bắt đầu làm việc! Bây giờ đến lượt các cha làm tiếp theo: ngày nay Giáo hội có tất cả ván bài trong tay! – Alexandre Dussot-Hezez”

Dù vậy từ hai năm nay, ngay cả các linh mục cũng thổ lộ cho chúng tôi biết, họ giận giám mục của họ, giận chung tất cả các giám mục. Họ không còn tin tưởng ở các giám mục…

Luc Crepy. Đúng vậy, có các linh mục đã nói với tôi như vậy. Tôi đã nói điều này với một số giám mục, nhất là lưu ý họ trong khi trình bày các ngày đào tạo để lưu ý, làm sao để đừng cho cảm tưởng tổ chức các ngày này vì nghi ngờ một trong các linh mục của mình, nhưng là để chứng tỏ đây là vấn đề của tất cả những ai tiếp xúc với trẻ em trong Giáo hội.

Alexandre Dussot-Hezez. Nhưng cũng một cách hợp pháp để đặt ra câu hỏi này: các linh mục này sợ tai tiếng, nhưng tai tiếng có đó. Họ chỉ sợ nói ra. Và đó là điều xấu nhất! Một trong các bạn của tôi là linh mục, việc tôi làm việc cho Lời được Giải phóng không có gì thay đổi chiều sâu tình bạn của tôi, nhưng từ một thời gian gần đây, tôi không còn gặp bạn linh mục này: tôi không hiểu vì sao họ không nồng nhiệt lên tiếng, tất cả, một cách cởi mở về sự phản bội này. Chúng tôi, Lời được Giải phóng, chúng tôi đã bắt đầu làm việc! Bây giờ đến lượt các cha làm tiếp theo: ngày nay Giáo hội có tất cả ván bài trong tay!

Một trong các ý thức lương tâm trong hai năm nay cũng là ý thức việc lạm dụng về mặt thiêng liêng. Các giám mục nhìn vấn đề này như thế nào?

Luc Crepy. Khi một linh mục áp bức tình dục trên trẻ vị thành niên thì linh mục đó phạm hai lạm dụng: một về mặt nhân bản, tâm lý và dĩ nhiên là cả về mặt tình dục, nhưng nó cũng mang hệ quả của sự lạm dụng về mặt thiêng liêng. Trong quyển sách của mình, ông Daniel Pittet mô tả đúng trường hợp này và hỏi: làm thế nào một linh mục lại nói những điều tốt lành khi dâng thánh lễ, nhưng vào phòng thánh lại lạm dụng ông? Ông, là con nít, không biết đối xử như thế nào trước một thực tại vượt quá sức của mình. Một nạn nhân khác, bà Véronique Garnier thú nhận, bà thường tự hỏi làm sao bàn tay của linh mục lại cầm được Mình Thánh Chúa. Dần dần tôi nắm được vấn đề, tôi hiểu điều này qua gặp gỡ và trao đổi với các nạn nhân và trả lời cho họ. Các linh mục, chính họ cũng là nạn nhân và cũng quan trọng để lắng nghe họ về vấn đề này. Gặp gỡ, tiếp nhận, lắng nghe những người bị tổn thương về mặt thiêng liêng, đó là trọng tâm trách nhiệm của giám mục. Đôi khi tôi muốn nói với những người nhìn các sự việc này một cách xa xa: đây, chính là trọn vẹn và hoàn toàn là sứ vụ của chúng ta. Tôi luôn ngạc nhiên: các nạn nhân thường đến gặp giám mục giáo phận của họ, họ không gặp cha xứ lân cận.

“Có những bước tiến trong Giáo hội, đó là điều không chối cãi. Nhưng, Luc, cha là một… ngoại lệ.  – Alexandre Dussot-Hezez

Có thể nào một ngày nào đó, cha cùng làm việc chung trong việc chống các vụ lạm dụng tính dục không?

Luc Crepy. Chúng tôi đã cùng làm việc chung với nhau một ít. Chúng tôi không chống. Sau đó thì mỗi người chúng ta phải nói lên tiếng nói của mình. 

Alexandre Dussot-Hezez. Tôi luôn nghĩ mình không được ở trong một cuộc chiến dứt khoát. Gặp nhau, chúng ta vẫn tiếp tục gặp nhau. Tôi đến giáo phận Puy-en-Velay với các nạn nhân khác, chúng ta tôi đã trao đổi với nhau. Nhưng một cách kín đáo. Có những bước tiến trong Giáo hội, đó là điều không chối cãi. Nhưng, Luc, cha là một… ngoại lệ. Sau tổ chức Lời được Giải phóng, chúng tôi nghĩ cuộc chiến chống nạn ấu dâm không phải chỉ có duy nhất trong Giáo hội, chúng tôi đã tổ chức các buổi hội thảo với các tổ chức chống bạo lực trên trẻ em và chúng tôi dấn thân chống việc giới hạn thời gian trong việc tố cáo các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên. Theo tôi, thắng lợi lớn lao của chúng tôi không phải chỉ ở trong phạm vi Giáo hội nhưng là làm thay đổi luật (gia hạn thời gian hiệu lực để tố cáo các vụ lạm dụng tình dục từ 20 đến 30 năm), chúng tôi đã tham dự như chứng nhân ở Quốc hội.

Alexandre, có một ngày nào ông tin tưởng lại ở Giáo hội không?

Alexandre Dussot-Hezez. Tôi rất nhiệt tình khi tôi đi gặp giám mục năm 2014. Nhưng sau đó tôi rất thất vọng. Tin tưởng… tôi không biết tôi có không. Tôi không nghĩ, vì đây đã là một chấn động rất mạnh, một sự phản bội đích thực. Tôi không nghĩ điều này có một tác động như thế.

Thay đổi đang tiến hành

600 tin nhắn đã được gởi đến địa chỉ điện thư của Lời được Giải phóng (paroledevictimes@cef.fr), tổ chức được thành lập tháng 4 năm 2016. Một vài nạn nhân đã trả lời lại.

4 ngày đào tạo để lưu ý. Gởi đến các địa phận, các cộng đoàn tôn giáo, các thành viên trong các tổ chức lắng nghe cũng như các người có trách nhiệm ở nhà tập. Các ngày này sẽ được tổ chức lại sang năm.

Ít nhất có 48 khóa đào tạo địa phương. Từ tháng 9 năm 2016, các địa phận, các cộng đoàn đề nghị có các khóa về việc chống nạn ấu dâm cho các thứa tác vụ, các linh mục, các chủng sinh…v.v.

Một khóa đào tạo e-learning. Thực hiện phối hợp với Trung tâm Bảo vệ trẻ Vị thành niên của Giáo hoàng Học viện Gregoria ở Vatican năm 2017, có 15 người tham dự.

100% vùng đất thuộc Giáo hội công giáo cho biết họ có văn phòng lắng nghe các nạn nhân các vụ lạm dụng ở khắp nước Pháp. Mỗi địa phận có một cấu trúc, có thể có khác nhau trong các địa phận về việc tiếp nhận.

Có 18 hồ sơ gởi đến Ủy ban Quốc gia chuyên ngành độc lập. Các giám mục giải quyết các hồ sơ này, từ ngày thành lập, tháng 4 năm 2016, hội đã giải quyết 14 hồ sơ giúp cho việc quản trị hồ sơ của linh mục đã bị đưa ra tòa.

700 thành viên. Đó là con số các hội viên của Lời được Giải phóng từ khi được thành lập. Đa số là các nạn nhân của các linh mục hay tu sĩ ấu dâm, nhưng hội cũng được sự nâng đỡ của các giáo dân, tu sĩ hay những người ở xa Giáo hội.

Hơn 1000 người đã tiếp xúc với Lời được Giải phóng qua nhiều hình thức khác nhau: trên trang web của hội, qua e-mail (laparoleliberee@gmail.com) hay qua thư từ (324 rue Francis-de-Pressensé, 69100 Villeurbanne).

Marta An Nguyễn dịch