Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis
Thứ ba 19 tháng 3, dưới ánh sáng mặt trời, giáo hoàng Phanxicô long trọng mở đầu nhiệm chức của mình. Phần phụng vụ đơn giản bằng tiếng latinh. Lần đầu tiên Thượng phụ Constantinople, Bartholomée Ier có mặt. Ngồi hàng đầu là Giáo sĩ thành phố Roma, ngài Ricardo Di Segui. Giáo hoàng ra quảng trường trước 45 phút, ngài đi trên chiếc xe Jeep trắng để có thể chào tất cả mọi người. Khi thấy một người bệnh nặng, cha xin ngừng lại, xuống xe để an ủi, cử chỉ rất dịu dàng. Vào đầu buổi lễ, cha nhận phù hiệu bằng len lông cừu, tượng trưng cho con cừu Chúa Giêsu vác trên vai và một chiếc nhẫn mới, bằng bạc nạm vàng.
Ai chờ một bài giảng hay ho soạn trước cho buổi lễ này họ sẽ ngạc nhiên. Tân giáo hoàng nói đến đức tin, sức mạnh và lòng dịu dàng của một vị thánh mà ngài sùng kính và hôm nay Giáo hội mừng lễ: thánh Giuse. Đó là mẫu người mà tổng giám mục Roma muốn nói gương.
“Chúng ta không bao giờ được quên rằng quyền bính đích thực là phục vụ, và cả Giáo hoàng, để thi hành quyền bính này phải càng ngày càng dấn thân sâu đậm vào con đường phục vụ, phục vụ có đỉnh tuyệt vời trên thập giá, giáo hoàng phải nhìn đến sự phục vụ khiêm tốn, cụ thể, đầy đức tin của thánh Giuse và như thánh nhân, mở rộng vòng tay để giữ gìn toàn thể Dân Chúa và yêu thương, dịu dàng, đón nhận toàn thể nhân loại, nhất là những người nghèo nhất, yếu đuối nhất, nhỏ bé nhất…, chỉ những ai phục vụ với lòng yêu mến mới biết giữ gìn!”.
Và đó là chương trình của nhiệm chức giáo hoàng: khiêm tốn “phục vụ”, quay về điều thiết yếu để thông hiệp với lòng thương xót của Thiên Chúa, đấng hy sinh trên thập giá. Phục vụ một cách cụ thể. Và “gìn giữ” bằng cách mở tay và dịu dàng đón nhận toàn nhân loại, đặc biệt những người nghèo, những người nhỏ bé, những người yếu đuối.
Sau khi có mấy lời với vị tiền nhiệm Joseph Ratzinger mà hôm nay là lễ bổn mạng của ngài, sau khi chào các vị đại diện có mặt trong buổi lễ, đặc biệt là đại diện các cộng đoàn Do Thái, tân giáo hoàng mô tả khuôn mặt của thánh Giuse. Đứng giảng, không có mũ chỏm trên đầu, ngài nhấn mạnh đến sứ vụ được Chúa giao phó cho người thợ mộc Nadarét, sứ vụ “người canh giữ.”
Thánh Giuse sống sứ mạng người canh giữ “trong tấm lòng luôn hướng về Thiên Chúa, cởi mở các dấu hiệu của Chúa, sẵn sàng với chương trình hoạch định của Chúa chứ không phải của riêng mình.” Thánh Giuse để “thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế ngài nhạy cảm hơn đối với những người Chúa ủy thác cho mình, biết đọc các biến cố một cách thực tế, chú ý đến những gì chung quanh và biết đưa ra các quyết định khôn ngoan hơn.”
Người kitô hữu, cũng như thánh Giuse, giữ gìn Chúa Kitô trong cuộc sống của họ “để giữ gìn những người khác, để giữ gìn thiên nhiên, công trình sáng tạo…” Nhưng giáo hoàng còn nhắc “ơn gọi của người canh giữ” áp dụng cho tất cả mọi người không riêng gì kitô hữu. “Đó là việc bảo tồn toàn thể thiên nhiên, vẻ đẹp của công trình sáng tạo… tôn trọng mọi tạo vật của Thiên Chúa và môi trường nơi chúng ta ở. Đó là gìn giữ con người, chăm sóc tất cả mọi người, từng người, với tình yêu thương, đặc biệt là trẻ em và người già, những người yếu đuối hơn và thường ở ngoại biên tâm hồn chúng ta.”
Giáo hoàng nói tiếp, và cũng “chăm sóc lẫn nhau trong gia đình: vợ chồng gìn giữ nhau, trong tư cách là cha mẹ, họ chăm sóc con cái, rồi với thời gian cả con cái trở thành người gìn giữ cha mẹ. Đó là sống tình bạn chân thành, gìn giữ nhau trong tín nhiệm, trong tôn trọng và trong thiện ích. Xét cho cùng, tất cả đều được ủy thác cho sự gìn giữ của con người, và đó là một trách nhiệm liên hệ tới tất cả chúng ta.”
Khi “con người thiếu sót trách nhiệm của mình, khi chúng ta không chăm sóc công trình tạo dựng và anh chị em chúng ta, thì khi ấy sự tàn phá xảy ra và quả tim thành chai đá. Rất tiếc là trong mỗi thời đại, đều có những “vua Hêrôđê” đề ra những mưu đồ chết chóc, hủy hoại và bóp méo khuôn mặt của con người nam nữ.” Sau đó giáo hoàng Phanxicô xin “tất cả những người đang nắm giữ các vai trò trách nhiệm trong lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, tất cả những người thiện chí: Chúng ta hãy trở thành những người gìn giữ công trình tạo dựng, gìn giữ kế hoạch của Thiên Chúa được ghi khắc trong thiên nhiên, giữ gìn tha nhân, môi sinh; chúng ta đừng để cho những dấu hiệu tàn phá và chết chóc tháp tùng hành trình của thế giới chúng ta!”
Nhưng để “gìn giữ” thì chúng ta cũng phải chăm sóc chính mình! Phải tránh “hận thù, ghen tương, kiêu ngạo” làm cho cuộc sống bị nhơ bẩn! Giáo hoàng dùng chữ “dịu dàng” sáu lần. Giữ gìn và nắm lấy trách nhiệm “đòi hỏi lòng tốt, đòi hỏi sống dịu dàng.” Và ngài kết luận, “dịu dàng không phải là đức tính của kẻ yếu nhưng ngược lại nó thể hiện sức mạnh của tâm hồn, một khả năng quan tâm, thương xót, một sự mở lòng ra đích thực.” Vì thế “chúng ta không được sợ sự tốt lành, và cũng đừng sợ sự dịu dàng.”
Giữ gìn công trình Sáng tạo, giữ gìn mỗi người với tình thương và lòng dịu dàng là mở ra một chân trời hy vọng, để ánh sáng lọt qua giữa làn mây.
Với cái nhìn dịu dàng và thương xót này, từ nay có rất nhiều người trên thế giới sẽ nhận biết khuôn mặt của tân giáo hoàng.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch