Wim Wenders: “Cuốn phim về Đức Phanxicô sẽ không thay đổi thế giới”
Wim Wenders là điện ảnh gia tác giả cuốn phim tài liệu về Đức Phanxicô (Photo:European Parliament/Flickr/CC BY-NC-ND 2.0)
cath.ch, Christoph Scholz, Katholische Nachrichten-Agentur (KNA)/ Raphael Zbinden dich, 2018-05-19
Ngày 13 tháng 5, điện ảnh gia Wim Wenders giới thiệu cuốn phim “Phanxicô, người của lời” tại Liên hoan phim Cannes. Trong dịp này ông giải thích Đức Phanxicô và thánh bổn mạng của ông đã tác động như thế nào trên ông và vì sao đã có lúc ông nghĩ đến chuyện đi tu làm linh mục.
Ông có nghĩ một ngày nào đó ông làm phim về giáo hoàng cách mạng xã hội và môi sinh này không?
Wim Wenders: Không, dù trong giấc mơ ngông cuồng nhất của tôi, tôi cũng không mơ tới. Ngay cả tôi cũng không nghĩ đến việc làm phim về một giáo hoàng, thêm nữa lại là giáo hoàng này.
Vatican đã nhờ ông làm. Cái gì đã thúc đẩy ông chấp nhận?
Tôi quyết định sau khi nói chuyện với linh mục phụ trách truyền thông của Vatican lúc đó, cha rất mê phim ảnh. Cha không cho tôi một chỉ dẫn nào, cũng không nói làm phim theo kiểu gì, trên bối cảnh nào. Tôi có “toàn quyền” và như thế thì thật là hấp dẫn!
Vì thế tôi hoàn toàn tự do làm phim này như bất cứ các phim tài liệu khác tôi đã làm. Chỉ khi viết kịch bản, quay phim, dựng phim thì tôi mới ý thức trách nhiệm công việc của mình.
Một hình ảnh của phim “Phanxicô, người của lời” của điện ảnh gia Wim Wenders (hình từ YouTube)
Ông không muốn làm phim “về”, nhưng làm phim “với” Đức Phanxicô. Cái gì làm cho ông quyết định bước từ làm phim tiểu sử “xa xa” qua “tuyên xưng đức tin” theo Đức Phanxicô?
Đã có nhiều phim về Đức Phanxicô. Tôi may mắn được gần ngài và đặt các câu hỏi về cuộc đời của ngài. Nhưng một cuốn phim hoàn toàn tiểu sử sẽ bị hụt và đó là không phải là loại phim tôi thích làm. Đây là một người khiêm tốn không thích nói về mình. Tôi “được mời” làm phim vào cuối năm đầu tiên triều giáo hoàng của ngài. Nhưng tôi chỉ có thể bắt đầu làm từ năm thứ ba của ngài. Như thế tôi đã biết nhiều về ngài và các chuyện ngài quan tâm.
Ông quan tâm đến Đức Phanxicô từ lúc nào?
Tôi còn nhớ rõ ngày ngài được bầu chọn. Chín năm học tiếng la-tinh của tôi cuối cùng cũng được dùng tới! Ngay cả trước khi thấy ngài, tôi hiểu khi tin được loan ra bằng tiếng la-tinh, ngài đã chọn tên Phanxicô và tôi thật ấn tượng. Tôi nghĩ: người này thật can đảm! Nếu ngài dám chọn tên này thì người ta chờ ở ngài rất nhiều. Đó là dấu hiệu của người không “dậm chân tại chỗ”.
Xin đọc: Wim Wenders: “Tôi thán phục ngài từ khi ngài xuất hiện ở ban-công đền thờ Thánh Phêrô”
“Đức Phanxicô sống theo những gì ngài nói”
Bằng cách nào ông liên kết Đức Phanxicô với Thánh Phanxicô Axixi?
Thánh Phanxicô Axixi là một hình ảnh vĩ đại, không những với lịch sử Giáo hội. Tôi có thể nói, ngài là anh hùng của nhân loại. Ngài nói lên rất nhiều chuyện, liên hệ đến thời buổi chúng ta bây giờ hơn bao giờ hết. Điều ấn tượng nhất, nhất là cho thời buổi chúng ta, đó là tầm nhìn xa của ngài với tạo dựng, với thiên nhiên, với quả đất mẹ như ngài hay gọi hành tinh này. Sự cần thiết phải thay đổi tận căn nối kết của chúng ta với thiên nhiên, với “căn nhà chung” là những chuyện Đức Phanxicô quan tâm hàng đầu.
Cái gì làm cho ông ấn tượng trong tiếp xúc riêng với “giáo hoàng Bergoglio”?
Chính yếu là sự nồng nhiệt, phong cách trực tiếp và tự nhiên ngài có với tất cả mọi người. Điều này chúng tôi thấy rõ qua cách ngài đối xử với nhóm quay phim, ngài đề nghị: “Tôi cũng như mọi người, các bạn không phải khúm núm với tôi”. Ngài bắt tay mọi người, kể cả các chuyên viên ánh sáng, chuyên viên kỹ thuật. Ngài chào tạm biệt từng người một. Chúng tôi gặp ngài cả thảy bốn lần, mỗi lần hai giờ.
Xin đọc: “Chúng tôi đùa rất nhiều với Đức Phanxicô”
Thái độ này có phải là nền tảng cho đặc sủng của ngài không?
Với ngài, tất cả mọi người đều có cùng giá trị, cùng nhân phẩm. Tất cả những ai gặp ngài đều cảm nhận như vậy. Và khía cạnh làm tôi cảm phục nhất; ngài sống theo những gì mình nói. Đó là điều mà tiếc thay, thường chúng ta không làm được dù chúng ta rất muốn. Bao nhiêu lần chúng ta đứng trên cao để nhìn người khác? Một thái độ mà thường thường xã hội áp đặt trên chúng ta.
Ông xem Đức Phanxicô như một gương mẫu, ngay cả với những người ở ngoài Giáo hội. Đâu là sứ điệp của ngài cho thế giới?
Chúng ta ở một thời buổi mà càng ngày chúng ta càng thấy rõ, không ai có thể sống mà chỉ quy về mình. Tất cả những gì chúng ta làm cho người khác, cho Mẹ Quả Đất, có ngày chúng ta sẽ chịu lại. Chính vì vậy, ý thức về lợi ích chung ngày càng lớn dần dần, nó quyết định cho tất cả số phận của chúng ta. Nhưng song song vào đó, rất nhiều nhà quyền lực trên thế giới gần như đánh mất ý thức này, có thể nói họ không có một năng khiếu đạo đức nào. Vậy mà giáo hoàng không đại diện cho một lợi ích chính trị hay kinh tế nào. Ngài thật sự chỉ nghĩ đến lợi ích chung trong đầu. Điều này làm cho ngài thành người liên kết và người lãnh đạo của một quan điểm duy nhất.
Xin đọc: Wim Wenders: “Đức Phanxicô không hành động cho mình mà cho lợi ích chung”
“Tôi có nghi thức phụng tự công giáo trong ADN của tôi”
Giống như nhà đạo diễn Mỹ Martin Scorsese, khi trẻ cũng đã có lúc ông muốn làm linh mục. Đâu là động lực thúc đẩy ông?
Cha tôi cũng nghĩ đến chuyện ông làm linh mục từ lâu, nhưng rồi ông là bác sĩ. Ông cho tôi tấm gương của đức tin kitô. Tôi lớn lên trong giáo dục công giáo và tôi quen được nhiều người trong Giáo hội rất đáng nễ. Vì thế muốn làm linh mục là một chọn lựa rất nghiêm túc. Sau đó, tôi theo ngành y khoa cho đến lúc tôi thấy đây không phải là con đường của mình.
Kinh nghiệm của phụng vụ, dựng các cảnh có tính cách thiêng liêng có ảnh hưởng trên công việc nghệ thuật của ông như trường hợp của điện ảnh gia Fellini haynhà văn James Joyce không?
Những năm đầu đời của đời sống chúng ta là những năm hình thành con người nhiều nhất, tôi xuất thân trong một gia đình có đạo. Có thể nói tôi có tố chất phụng tự công giáo “trong ADN của tôi”.
Điểm chung trong các khuynh hướng khác nhau của ông, đó là ông quan tâm đến con người. Các phim của ông đặt các nhân vật đối diện với các chất vấn hiện sinh của mình.
Nếu chúng ta không nghiêm túc quan tâm bởi cuộc sống và bởi các hành động của những người trong thế giới hiện nay, thì chúng ta không có tình yêu cho con người, thì chúng ta không thể làm những nghề này, kể cả làm phim. Tôi lớn lên sau chiến tranh, trong một giai đoạn đặc biệt. Tất cả mọi người đều gục ngã, kể cả cha mẹ tôi và tất cả đều phải đoàn kết với nhau. Có một kết nối rất đẹp và tự nhiên. Có thể khi còn là một đứa con trai nhỏ, tôi đã trải nghiệm một cái gì đó không tưởng, một ước ao đã hình thành nên tôi, đến mức mà các hành động của tôi bây giờ đều mang tính xã hội.
Đâu là vai trò của đức tin và tâm linh có một chỗ đứng trong đời sống riêng của ông?
Khi Chúa trở nên quan trọng trong đời sống của ai thì Ngài trở thành một thực tế, điều này tạo tên một tác dụng trên tất cả những gì họ làm. Và nếu mình tin chắc bóng tối không thể nào đuổi bóng tối, mà chỉ có ánh sáng mới đuổi được thì điều này phải có hệ quả của nó.
Đâu là vai trò của cảm tính tôn giáo này trong việc thực hiện phim ảnh của ông?
Các nghệ sĩ có một sứ mạng cao lớn – mà nhiều người bỏ quên – là chứng tỏ có một cái gì đó tồn tại đàng sau bề mặt, rằng thực tế có thể thấy với một cặp mắt khác. Phim ảnh và hội họa là các bộ môn của nghệ thuật nhìn. Mọi bức tranh đều thử làm cho người xem tìm được một cái nhìn mới.
Ngày nay nghệ thuật có thể thực hiện được điều gì?
Người nào sáng tạo ra các hình ảnh đều có trách nhiệm trên tác dụng họ tạo ra, theo cách mà các hình ảnh này làm cho người xem thấy được thế giới. Với các phim, chúng ta không thể nào làm thay đổi thế giới một cách triệt để, nhưng thay đổi ý tưởng của thế giới. Tôi hy vọng phim của tôi về Đức Phanxicô sẽ có thể làm được điều này.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc: “Người trung thành với lời”, phim tài liệu về Đức Phanxicô