Chương 2, Ơn gọi không cưỡng lại được. Trích từ sách Tên tôi sẽ là Phanxicô, Je m’appellerai François, Pierre Lunel, Albin Michel.
Jorge đến Santa Fe, một tiểu bang phía đông Argentina, trong cương vị một giáo sư trẻ (maestrillo): thêm một thử thách của Dòng Tên đặt lên trên các chủng sinh. Lúc đó rất nhanh chóng, nhà dòng đã thấy Jorge có một nhân cách rất hấp dẫn đàng sau dáng vẻ bên ngoài của một người dong dỏng cao, rất mảnh khảnh có vẻ như lội trong chiếc áo chùng đen, đôi khi còn như “chếnh vếnh” trong chiếc áo. “Jorge rất nghiêm túc, José Maria Candioti, một cựu học sinh nhớ lại, bây giờ ông là luật sư. Cha mở ra một tầm mức rất rộng cho mọi khả năng và đã có những cố gắng chưa từng thấy để khơi mở ơn gọi nơi học sinh.” Ngắn gọn, Jorge biết chinh phục tâm hồn và tạo tình bằng hữu nơi các tu sĩ Dòng Tên và nơi các học sinh.
Với giọng nói êm dịu ngọt ngào, một vẻ mặt nghiêm túc, học sinh mê mẩn vị giáo sư 28 tuổi không ai sánh bì này, cha dạy môn văn chương và các văn hào lớn, cách ông dạy như chưa từng có ai dạy như thế trước ông. Cách mạng trong cách dạy, cha bắt học sinh tham dự vào các lớp học đa dạng, học sinh phải chứng tỏ mình có khả năng nghiên cứu riêng tư, sau đó trình bày trước một hội đồng giám khảo. Rất nhanh chong, học sinh cho vị giáo sư của mình cái tên riêng rất tình cảm “Carucha”, có thể dịch là “gương mặt nhỏ nhắn thiện cảm”.
Tính tình dễ thương của cha không làm cho cha dễ dãi với học sinh, cha rất đòi hỏi và cư xử đúng với học sinh. Từ thời đó, một trong những nét cá biệt của ngài là tính mỉa mai, cha luôn vận dụng rất khéo, không chút gì tỏ ra ác ý. Ngài rất khôi hài: kiểu «cù không cười». Một trong các học sinh của cha, anh José Maria, anh tuyên bố thẳng, anh không cần học vì anh biết hết mọi đề tài, cha Jorge cho anh 10/10 về sự hiểu biết của anh, ngài nói thêm ngay: “Nhưng vì con không cần học nên cha cho con điểm zéro! 10 cọng zéro thành 10, nhưng chia làm hai nên sẽ thành 5! Vậy điểm cuối cùng của con là 5!» Chàng tự cao nhớ chuyện này suốt đời. Một ngày nọ, cha Jorge hỏi một trong các học sinh hơi lười biếng của ngài: “Ai là tác giả của Le Cid Campeador?” Im lặng… Cha Jorge hỏi lại: “Cervantes hay một người vô danh?”
– Vô danh, anh học trò lười trả lời.
– Rất tốt! Vậy thì… Carlos hay Juan Vô danh? – “Đương nhiên là Juan!” câu trả lời của anh đã làm cho cả lớp cười rộ.
Jorge là một người rất đam mê. “Những gì tôi dạy, sau này Đức giáo hoàng nhớ lại, không những nó lôi cuốn tôi vì tôi khám phá được niềm thích thú và những khả năng vô tận của việc đọc và viết nhưng vì nó còn làm cho tôi động não, kích thích tôi suy nghĩ.” Vị giáo sư Bergoglio trình bày rất rõ ràng. Cha trả lời tất cả các câu hỏi của học sinh, một cách nhanh chóng và chính xác.
Niềm đam mê thì lây lan. Cha Jorge rất nổi tiếng ở Santa Fe, đến mức mà rất nhiều học sinh khi học xong và phải rời trường đã không cầm được nước mắt khi nghĩ là sẽ không còn gặp được vị giáo sư này.
Người ta biết khá trung thực các phương pháp dạy của vị giáo sư trẻ Bergoglio nhờ các kỷ niệm được viết lại trong quyển Từ tuổi hạnh phúc của một trong các cựu học sinh của cha, người khéo léo tài tình Jorge Milia, ông sẽ minh họa sau này trong các bức thư Argentina. Ông Milia nhớ lại, ngài rất đòi hỏi nhưng cũng rất thân tình. Lớp học văn chương của ngài rất hồn nhiên, xuất sắc, gần như không đoán trước được. Chính Bergoglio đã cho Milia niềm yêu thích không những về văn chương mà còn về viết lách. Ngài bắt học sinh viết những câu chuyện kể riêng tư, một ngài nọ, ngài có sáng kiến gom lại các bài này thành một tập và nhờ đại văn hào Argentina José Jorge Luis Borges viết lời nói đầu!
Cha Jorge không bao giờ cụt sáng kiến cũng như cụt khả năng gây ngạc nhiên: một ngày nọ, cha mời văn hào Borges đến giảng về Martin Fierro và văn chương Tây ban nha, cả hai môn ngài rất thích. Tất cả học sinh ở Santa Fe đều nhớ ngày văn hào Borges đến, tháng 8 năm 1965, lúc đó ông đã gần như mù nhưng luôn quyến rũ. Sau này, cha Jorge nói về người bạn nhà văn danh tiếng của mình: “Là người theo thuyết bất khả tri nhưng tối nào ông cũng đọc Kinh Lạy Cha vì ông đã hứa với mẹ ông như vậy.” Ngài còn mời các bà Maria Esther Vâsquez hay Maria Esther de Miguel, các cây cổ thụ của văn chương đến nói chuyện với học sinh.
Jorge là một giáo sư không so sánh được và các học sinh của ngài sẽ nhớ mãi. Khi các học sinh niên khóa 1965, tản mác khắp nơi trên thế giới, họp nhau lại chung quanh hồng y năm 2010, họ tự cho họ là “sản phẩm của Bergoglio”, họ “có cảm tưởng tuyệt vời như thời gian chẳng trôi qua”. “Đó là một nhân cách kết dính”, một trong các học sinh kết luận thật đúng về ngài.
Marta An Nguyễn dịch
Chương 2, Ơn gọi không cưỡng lại được. Trích từ sách Tên tôi sẽ là Phanxicô, Je m’appellerai François, Pierre Lunel, Albin Michel
Xin đọc: “Các con đừng đánh mất hy vọng!”
Chỉ là một người khách thôi sao?