Bí tích là để cho con người

418

Bí tích là để cho con người

Trích sách “Phanxicô, giáo hoàng của người nghèo”, Andrea Tornielli, nxb. Novalis

Đối với Bergoglio, điều tiên quyết là phải nhắc lại nguyên tắc căn bản trong Giáo luật: luật tối thượng là phần rỗi của các linh hồn. Cha rất thất vọng khi biết một vài linh mục trong giáo phận đã từ chối rửa tội cho các em bé sinh ngoài giá thú, cha nói: “Trẻ con không chịu trách nhiệm về tình trạng hôn nhân của cha mẹ. Và thường thường việc rửa tội của trẻ con cũng là dịp để cho cha mẹ trở lại.” Theo thói quen, trước khi rửa tội có một buổi ôn lại giáo lý ngắn, khoảng một giờ; sau đó trong phụng vụ có phần giáo lý khai tâm. Kế tiếp, các linh mục, các giáo dân sẽ thăm những gia đình này, đồng hành với họ trong công tác mục vụ hậu rửa tội. Cũng có khi các cha mẹ chưa làm bí tích hôn nhân, họ xin được làm bí tích hôn nhân trên bàn thờ. Thỉnh thoảng các tu sĩ, các giáo dân đồng hành với họ có thái độ gần như “bảo trợ,” xem như quyết định làm hay không làm các phép bí tích là quyền của họ.”

Vị giáo hoàng tương lai giải thích, “ở đây, dân chúng rất mộ đạo, họ muốn con cái của họ rửa tội càng nhanh càng tốt. Họ gọi các ông các bà “người rửa tội” đến rửa tội cho con họ khi con họ vừa lọt lòng, trong khi chờ đợi linh mục đến để hoàn tất thủ tục, như xức dầu thánh.”

Trong phiên họp Aparecida của Hội đồng hàng Giám mục Châu Mỹ Latinh tổ chức ở Brésil năm 2007 mà ngài đóng góp một phần lớn, vị giáo hoàng tương lai kêu gọi mọi người có một tinh thần truyền giáo.

“Phiên họp Aparecida mời gọi chúng ta rao giảng Phúc Âm bằng cách đi đến với giáo hữu chứ không chờ giáo hữu đến với chúng ta. Lòng nhiệt thành truyền giáo không đòi hỏi một biến cố phi thường nào. Sứ vụ truyền giáo được làm trong cuộc sống bình thường. Trong tất cả những chuyện này, rửa tội được dùng như một ví dụ. Các bí tích là để cho con người, những người có thể không làm gì to lớn nhưng thiện hướng trung thành, sensus fidet của họ nắm vững thực tại của bí tích rõ ràng hơn khá nhiều chuyên gia.”

Đối với Bergoglio, Giáo hội không phải chỉ dành riêng cho những người ưu tú. Và cũng không phải là một Giáo hội thuần túy, dành cho một thiểu số, đối nghịch với một Giáo hội tập thể, đông đảo tất cả những người mà theo họ kitô giáo gồm một số ít các điều căn bản và thực hành cần thiết. Vị tân giáo hoàng không đồng ý với những người có ý muốn mãnh liệt loại những người không-giữ đạo ra khỏi bí tích rửa tội và các bí tích khác.

Chính vì lý do đó ngài nói: “nhìn con người thật chứ không nhìn người khác theo con mắt mong chờ của mình và phải nhìn những gì mình cần phải làm. Không công thức, không dự đoán nhưng là hành vi cởi mở phóng khoáng. Thiên Chúa nói với những người bị thương tổn, những người yếu đuối mong manh. Hãy để cho Thiên Chúa nói… Trong một thế giới mà lời nói chúng ta không thuyết phục được, chỉ có sự hiện diện của Đấng thương yêu chúng ta, cứu chúng ta mới thuyết phục được. Lòng nhiệt thành tông đồ sẽ được làm mới lại nếu chúng ta là chứng nhân cho Đấng đã thương yêu chúng ta đầu tiên.” 

Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo, chương 7, Andrea Tornielli, Nguyễn Tùng Lâm dịch