Tìm kiếm Thiên Chúa độc nhất trong các phân rẽ đức tin và giáo phái
Ronald Rolheiser, 19 Tháng Giêng 2015
Christian de Cherge, đan viện phụ dòng Xitô, đã tử đạo ở Algeria năm 1996, rất thích chia sẻ câu chuyện thế này: Ngài có một người bạn Hồi giáo rất thân, và hai người thường cầu nguyện chung, ngay cả khi họ nhận biết những khác biệt của mình, là Hồi giáo và Kitô giáo. Và cũng nhận thức được rằng một vài trường phái tư tưởng nhất định, trong cả Hồi giáo và Kitô giáo, đều cảnh báo chống lại kiểu cầu nguyện này, vì sợ rằng các đức tin khác nhau không cầu nguyện với cùng một Thiên Chúa độc nhất, nên do đó, họ không gọi việc cả hai cùng làm là cầu nguyện chung. Nhưng họ xem như mình đang ‘cùng đào giếng.’ Một ngày nọ, Christian hỏi Mohammed: ‘Khi đến đáy giếng, chúng ta sẽ thấy gì? Nước của Hồi giáo, hay nước của Kitô giáo?’ Mohammed, nửa đùa, nhưng vẫn vô cùng nghiêm túc, trả lời: ‘Thôi nào, chúng ta đi cùng nhau suốt, mà anh vẫn còn hỏi tôi câu này. Anh biết rõ là đáy giếng có gì rồi, cái chúng ta sẽ tìm thấy chính là nước của Thiên Chúa.’
Có những chân lý tôn giáo quan trọng ẩn trong câu chuyện này. Trước hết, tất cả mọi tôn giáo đáng kể đều tin rằng, điều quả quyết đầu tiên của chúng ta về Thiên Chúa phải là: Thiên Chúa là Đấng không tả nổi, Thiên Chúa vượt quá mọi tưởng tượng, khái niệm hóa và ngôn ngữ của con người. Tất cả mọi sự chúng ta nghĩ và nói về Thiên Chúa, ngay cả trong kinh thánh và các giáo lý rõ ràng của chúng ta, vẫn thiếu thỏa đáng. Những sự của chúng ta có bày tỏ đôi điều sự thật, nhưng ở đời này, không bao giờ là sự thật tuyệt đối. Không một giáo lý và không một tôn giáo nào có một diễn đạt hoàn hảo về Thiên Chúa. Nếu thật như thế, thì tất cả mọi sự thật tôn giáo luôn luôn là cục bộ và giới hạn trong các biểu đạt lịch sử của mình và không thể nhận là đầy đủ hoàn hảo được. Tất cả mọi tôn giáo, giáo lý và biểu đạt thần học, dù thuộc giáo phái hay tôn giáo nào, đều phải khiêm nhượng mà nhìn nhận sự bất trọn của mình. Chỉ một mình Thiên Chúa là tuyệt đối hoàn toàn, và một nhận thức hoàn toàn về Thiên Chúa nằm ở nơi đáy giếng, nơi cuối hành trình tôn giáo của chúng ta.
Điều này thay đổi triệt để cách hiểu của chúng ta về đại kết và đối thoại liên tôn giáo. Bởi không một ai, kể cả chúng ta, nắm giữ sự thật tuyệt đối, nên con con đường đại kết và liên tôn không được xem là kiểu người này thắng người kia bại, vốn vẫn đang rất thường diễn ra đến tận ngày nay, kiểu như: ‘Chúng tôi, chỉ có chúng tôi, mới có chân lý và các bạn phải theo chúng tôi!’ Không phải như thế, đúng ra phải hiểu con đường đại kết là việc ‘cùng đào giếng,’ cụ thể là, mỗi một người chúng ta, với một tâm hồn rộng mở, mong mỏi những người đang không đồng bàn với chúng ta, loại bỏ tất cả việc chiêu mộ, qua truyền thống tôn giáo của mình dấn thân tìm kiếm một sự biến đổi sâu sắc hơn. Cuộc tìm kiếm này chính xác là cuộc tìm kiếm đến tận đáy giếng, biết rằng một khi đến đó, chúng ta cũng như tất cả những người với lòng đạo chân thành, đích thực, sẽ đều tìm thấy nước của Chúa và sự hiệp nhất với tất cả những ai đang cùng hiện diện ở đó.
Nhà đại kết lừng danh, Avery Dulles, đã gọi đây là con đường ‘hội tụ lũy tiến.’ Sự hiệp nhất tận cùng giữa các giáo hội và đức tin khác nhau, sẽ không đến từ việc tất cả mọi người trên thế giới đều cải đạo sang một giáo phái hay một tôn giáo. Nhưng, điều này sẽ đến, và chỉ có thể đến, nhờ mỗi người chúng ta biến đổi sâu hơn bên trong truyền thống của chính mình Khi mỗi một người chúng ta và mỗi đức tin đi sâu hơn vào mầu nhiệm Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ dần dần đến gần và gần hơn với người khác. Câu chuyện của đan phụ Christian de Cherge soi sáng tuyệt vời cho chúng ta về điều này.
Và con đường này, khi được thực hiện đúng đắn, không dẫn chúng ta đến chủ nghĩa tương đối và niềm tin ngây thơ rằng mọi tôn giáo đều như nhau Cũng không có nghĩa là chúng ta không nhiệt tâm và công khai cử hành truyền thống đức tin của đạo chúng ta, hay không sẵn sàng bảo vệ đạo mình, không sẵn sàn chào đón bất kỳ ai vào đạo. Nhưng, ý nghĩa của điều này phải là, chúng ta khiêm nhượng nhìn nhận rằng, chúng ta có chân lý sự thật, nhưng sự thật không phải chỉ có duy nhất nơi chúng ta. Thiên Chúa không phải là thần linh bộ lạc, mà ý định cứu rỗi của Thiên Chúa là cho toàn thể nhân loại. Thiên Chúa khao khát ơn cứu độ cho những người thuộc các phái và truyền thống tôn giáo khác, cũng hệt như Ngài muốn cho chúng ta vậy. Do đó, như Chúa Giêsu đã dạy, Thiên Chúa có ‘các con chiên khác,’ những cá nhân và cộng đoàn khác được Ngài yêu thương, dù không thuộc trong đàn của chúng ta. Tình yêu và mặc khải của Thiên Chúa ôm trọn hết thảy mọi người.
Con đường hiệp nhất giữa các Kitô hữu thuộc các phái khác nhau, và con đường hiệp nhất giữa các tôn giáo khác nhau trên thế giới, không phải là con đường chiêu mộ, tự nhận chân lý tuyệt đối về mình, và xem sự hiệp nhất chỉ có thể có được khi tất cả mọi người cải sang đạo mình. Không phải thế, con đường hiệp nhất nằm ở việc ‘cùng đào giếng,’ nghĩa là, trong mỗi chúng ta, trong mỗi truyền thống của chúng ta, phải biến đổi sâu sắc hơn vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa và trong tất cả những gì đòi buộc chúng ta. Khi đi vào sâu hơn trong mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta sẽ thấy mình ngày càng nên một, như các anh chị em trong đức tin.
Không một tôn giáo nào tuyệt đối, chỉ một mình Thiên Chúa tuyệt đối. Biết như thế, sẽ cho chúng ta bớt thiển cận tự mãn trong việc hành đạo của mình, và biết tôn trọng hơn các phái và tôn giáo khác, và sẵn sàng hơn trong việc mang lấy cái nhìn của Thiên Chúa hơn là của chúng ta.
J.B. Thái Hòa dịch