Đại thính đường Phaolô VI, môi trường sinh thái và hiện đại trong lòng Vatican

1707

fr.aleteia.org, Aymeric Pourbaix, 2017-07-18

Được khánh thành năm 1971, Đại thính đường Phaolô VI là tòa nhà hiện đại duy nhất mở ra cho tín hữu ở Vatican. Đây là phòng dùng cho các buổi tiếp kiến, hòa nhạc, các sự kiện lớn có sự hiện diện của Đức Giáo hoàng, phòng có thể chứa đến 12 000 người.

Khi thấy giáo dân hành hương nườm nượp đổ về Rôma dự các buổi tiếp kiến chung, năm 1964 Đức Phaolô VI quyết định cho xây một căn phòng lớn có thể chứa được một số lượng lớn giáo dân. Năm 1966, kiến trúc sư Pier Luigi Nervi được đặc trách khởi đầu công trình dưới sự điều khiển của Đức ông Pasquale Macchi, thư ký đặc biệt của giáo hoàng. Địa điểm được lựa ở bên trái Đền thờ Thánh Phêrô, giữa tòa nhà của Bộ Giáo lý Đức tin và Nhà Thánh Mácta.

Yếu tố pháp lý quan trọng, Aula Nervi, tên đầu tiên của phòng, ở trên lãnh thổ của Vatican và nước Ý vì thế nó được hưởng quy chế ngoại lệ của vùng đất ngoài lãnh thổ. Tuy nhiên kiến trúc sư Ý phải canh làm sao để ngai giáo hoàng ở trong vùng đất của Tòa Thánh.

Ngày 30 tháng 6 năm 1971, Đức Phaolô VI khánh thánh Đại thính đường Phaolô VI. 200 000 mét khối bêtông đã được dùng để phòng có thể chứa 6 300 người ngồi  hoặc 12 000 người đứng. Tòa nhà có hình dáng lăng trụ đáy hình thang thường được ví như một võ sò. Với các khung kiếng lớn hình quả trứng để ánh sáng lọt vào. Các khung kiếng này do ông János Hajnal, người Hung quốc tịch Ý thực hiện, ông đã từng thực hiện các khung kiếngở mặt tiền nhà thờ chính tòa Milan.

Bức thảm theo trường phái Raphael

Cho đến năm 1977, phần chìa ra ở trên được trang hoàng bằng bức thảm theo trường phái Raphael có nội dung kể lại sự Sống Lại của Chúa Kitô. Nhưng sau đó bức thảm này được thay thế bằng một tác phẩm khắc hiện đại của Pericle Fazzini, cũng minh họa nội dung sự Sống Lại. Tác phẩm nặng 150 tấn, 20 mét chiều dài, 7 mét chiều cao.

Tòa nhà thường được gọi là phòng tiếp kiến vì thường dùng vào công việc này, sinh hoạt chính là tiếp các giáo dân hành hương mỗi sáng thứ tư khi thời tiết không cho phép tổ chức ở quảng trường Thánh Phêrô. Trong các tháng nóng như tháng 8 hoặc vào mùa đông, giáo dân hành hương được vào phòng máy lạnh hoặc phòng có sưởi.

Đức Gioan-Phaolô II thích dự các buổi quay phim trong đại thính đường này. Năm 2001, phòng đã được dùng để chiếu buổi ra mắt phim Quo Vadis. Cũng vậy, Đức Bênêđictô XVI cũng thích dự các buổi chiếu phim dài hay phim tài liệu ở đây, nhất là dịp phong chân phước của Đức Gioan-Phaolô II. Còn Đức Phanxicô thì đã không dự buổi hòa nhạc tổ chức ở đây.

Tòa nhà cũng có một phòng nhỏ hơn dùng vào các buổi hội thảo hay gặp gỡ của các hội đồng nhỏ, ngoài ra còn có các phòng đặc biệt để tiếp giới truyền thông, nhất là phòng họp của các giám mục.

Năm 2008, nhân dịp sửa mái của Đại thính đường Phaolô VI, hồng y Giovanni Lajolo, lúc đó là chủ tịch của nhà cầm quyền Quốc gia Vatican đã quyết định phủ mái nhà bằng các panô dùng năng lượng mặt trời rộng hàng ngàn mét vuông. Như thế, từ đây cho đến năm 2020, Vatican vẫn là Quốc gia đầu tiên Âu châu dùng 20% năng lượng tái hồi.

Ngày 26 tháng 11 năm 2008 là ngày khánh thành 200 panô pin quang điện thiết lập trên 5 000 mét vuông mái nhà, công trình này chi phí hết 1. 2 triệu euro và mỗi năm tiết kiệm được tương đương với 80 tấn dầu. Năm 2010, Vatican cho biết đã tiết kiệm được 225 tấn khí CO2.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch