Một cái nhìn thấu suốt (2/4)

520

Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul

Rất nhiều người khi gần Cha Piô cảm thấy mình bối rối như bị sét đánh vì Cha Piô nói cho họ biết quá khứ và cuộc đời hiện tại của họ. Đôi khi cha còn nói cho họ biết các sự kiện sẽ xảy ra cho đời họ và nó đã xảy ra thật. Có thể nói cha đọc đời của họ như một quyển sách mở ra.

Làm sao giải thích những sự kiện phi thường này? Về phần tôi, tôi nghĩ, trong những trường hợp này, Cha Piô có thể dò tìm các ngõ ngách nhỏ nhất cuộc đời của những người ở trước mặt cha vì Chúa đã bao phủ họ trong ánh sáng cực mạnh của Ngài. Nên đã giúp cha thích ứng trong việc hướng dẫn các linh hồn theo lương tâm mà cha thấy cần thiết phải làm. Chính cha nói với một trong các bạn đồng tu của mình, cha giúp cho các linh hồn như Chúa đã chỉ dẫn cho cha.

Sau đây là một vài câu chuyện loại này. Các câu chuyện khác đã kể trong phần các câu chuyện trở lại.

Không đùa với đau đớn

Giáo sư Bruno Rabajotti kể, một ngày nọ có một nhóm chuyên gia tham vấn muốn đùa cợt nhã với Cha Piô. Những người này, hai giáo dân, một tu sĩ Dòng Thánh Gioan, một linh mục, họ thuyết phục một người ba mươi lăm tuổi giả bộ bị liệt. Tất cả đến tu viện và chờ Cha Piô ở phòng khách để dựng kịch xin cha chữa lành. Đó là ngày thứ sáu, ngày mà các vết thương của cha bị đau đớn dữ dội. Đôi khi cha không thể xuống nhà thờ để dâng thánh lễ hoặc giải tội.

Người ta mời cha xuống phòng khách và cha đi đứng rất khó khăn để xuống. Khi vừa ở ngưỡng cửa, cha nhìn ngay lập tức đến người bệnh giả vờ, cha nói liền: “Con ở đây để giả bộ đau và con thật sự đau, nhưng trong tâm hồn con mang những vết thương mà con không thể nào hình dung được. Con nên biết người ta không đùa với đau đớn: Chúa không muốn điều này. Cái bệnh mà con giả đò đau thì hôm nay gia đình con bị. Con lôi cuốn sự bất hạnh, con muốn đau”. Nói xong, cha nhìn anh đó một lúc rồi bỏ đi.

Người giả đò đau rất ngạc nhiên trước lời của Cha Piô, anh chạy về nhà ngay và biết một trong các anh trai của mình vừa bị xe đụng. Mang vào bệnh viện, anh được săn sóc nhưng các bác sĩ cho biết, họ không thể làm gì với chân của anh, chân của anh sẽ bị liệt suốt đời.

Chúa nhật sau Cha Piô tham dự một buổi diễn thuyết ở tu viện. Khi buổi diễn thuyết chấm dứt, cha sắp đi thì thấy người giả đò đau trong đám đông. Người này đến quỳ sập dưới chân cha và nói: “Xin cha thương tình, con đã phạm tội, nhưng anh con không phạm tội, xin cha chữa lành cho anh con và con bị thế cho anh nếu Chúa muốn”. Cha Piô trả lời: “Không phải cha mà con đến xin lỗi, con đến xin với linh mục đã đồng ý với con và nhất là đã cố ý làm việc này. Con hãy cầu nguyện và hãy tỏ ra xứng đáng với những gì mình xin, cũng như con xứng đáng với những gì đã xảy ra cho con”.

Tuần sau, trong khi cha đến tòa giải tội, cha đi qua đám đông và thấy anh này đang núp trong một góc để cầu nguyện. Theo lệ thường, cha không ngừng lại nhưng cha bị bối rối, cha tiến đến đặt tay lên  người anh và nói cái gì đó vào tai anh.

Sau này người ta biết, anh của người giả đò liệt này được lành một cách lạ lùng, còn người giả đò khốn khổ này trở thành một trong các người con thiêng liêng sốt sắng nhất của Cha Piô.

Không phải các hình ảnh làm cho con phạm thượng

Năm 1926, một ông tài xế ở San Severo chở giáo dân hành hương đến Núi Thánh Thiên Thần, nơi tương truyền Thiên thần Michel biến hình và nay là đền thánh, Tổng lãnh thiên thần được tôn kính hàng thế kỷ nay ở đây.

Ông tài xế là người trung thành với Cha Piô, ông xem lễ cùng với khách hành hương, xong ông xuống phố ghé tiệm làm bánh croccanti, một loại bánh giòn đặc biệt của thành phố. Ông đặt mua một số bánh để phát cho khách hành hương. Khi lấy bánh ông phát hiện người bán hàng chỉ chuẩn bị một nửa số bánh ông đã đặt. Việc sơ suất này làm ông bực mình nên ông buông lời phạm thượng. Sau đó ông chở hành khách đến San Giovanni Rotondo, họ xưng tội với Cha Piô. Khi giải tội xong, Cha Piô quay qua ông và hỏi: “Còn con, con của cha, con không xin cha ban phép lành cho con sao?” Ông trả lời, ông không có gì phải xưng tội và ông thấy lương tâm bình yên. Cha Piô nằn nì và nói ông đi xưng tội. Khi cha hỏi ông làm gì trong ngày cho đến bây giờ, ông nói ông đi xem lễ với khách hành hương ở Núi Thiên Thần, sau đó ông đi mua ảnh tượng. Cha Piô nói với ông: “Không phải các ảnh tượng làm cho con phạm thượng, nhưng cái gì dùng để ăn..! ” Ông tài xế nhớ lại, khi ra khỏi tiệm bánh, ông đã buông lời phạm thượng. Cha Piô nói tiếp: “Con quý mến của cha, con cũng mắng ông kéo xe không đi thẳng đường”. Và đúng như vậy.

Không cần phải nói

Câu chuyện tôi sắp kể xảy ra cho riêng cá nhân tôi, cũng như câu chuyện sau.

Từ lâu tôi có một vấn đề thiêng liêng làm tôi lo và tôi không cách nào giải quyết, vì tôi không nhận định được các nguyên do. Nhưng một dịp xưng tội với Cha Piô đã giúp tôi giải quyết vấn đề.

Tôi đến San Giovanni Rotondo, một người bạn cho tôi chỗ ở và giúp tôi gặp được cha dễ dàng, vì bạn tôi quen nhiều các cha Dòng Capuxinô. Tôi được cha Venanzo đón, đó là một những người lo việc tiếp khách cho Cha Piô. Đã được báo là tôi sẽ đến, cha mời tôi vào và nói: “Anh ở đây, Cha Piô sẽ xuống, nhưng vì hôm nay là thứ sáu, các dấu tích chảy máu nhiều. Cha đang vào nhà bếp rửa.” Trong khi ngồi chờ, tôi ôn lại trong đầu câu chuyện tôi sẽ trình bày với cha cho rõ ràng và mạch lạc nhất có thể.

Một lát sau, tôi thấy Cha Piô ở cuối hành lang. Khi đến gần tôi, không kịp để tôi có thì giờ trình bày, cha đã nói vào tai tôi: “Đây là tình trạng của con”, và cha tổng hợp trong chỉ một câu, mà ba mươi năm sau, tôi còn nhớ từng chữ giống như cha vừa mới nói. Tôi chưng hửng. Không cần chuẩn bị để trình bày với cha: cha đã đi thẳng vào vấn đề của tôi và nắm vững chính xác nguyên do. Sau đó, Cha Piô đi vài bước, rồi cha trở lại, để cho chắc ăn, cha lặp lại lời cha vừa nói; thập giá cha bắt đầu đi lên các bậc cấp lên tầng trên để vào phòng cha. Đi giữa đường, cha quay về phía tôi và hỏi: “Ngày mai con đi xem lễ ở đâu?” Đang còn ngạc nhiên, tôi lơ đãng trả lời: “Nhưng con chưa biết, thưa cha… –  Con không đến xem lễ ở đây sao? – Dạ, dạ, thưa cha, con sẽ đến xem lễ ở đây”. Và cha kết thúc: “Đến đây, con phải đến đây”. Rồi cha leo tiếp các bậc thang cuối cùng và mất hút sau hành lang.

Khi tôi về nhà bạn, thấy tôi có vẻ nghĩ ngợi, mọi người hỏi tôi: “Chuyện gì vậy Cha  Cataneo?” Tôi trả lời: “Hôm nay, Cha Piô đã đọc tâm hồn tôi và đã giải quyết vấn đề của tôi”. Khi đó họ kêu lên: “A! Đúng là những gì người ta nói về ngài! Cha biết đó, ở San Giovanni Rotondo đây, tất cả chúng tôi đều nghe những chuyện như thế này!… Nhưng bây giờ chính cha, cha khẳng định điều đó, thì đó là đúng!” Tôi trả lời họ: “Các bạn có thể tin chắc, đó là thật! Tôi là một bằng chứng không chối cãi được”.

“Đời sống thiêng liêng này…”

Có một giai đoạn mà các linh mục không thường trú ở San Giovanni Rotondo có thể xưng tội với Cha Piô, cứ luân phiên “với năm giáo dân”. Tôi muốn tâm sự với Cha Piô một vài vấn đề nhưng rất khó để có một cuộc gặp riêng với ngài, không như thời gian đầu tôi có thể gặp. Giai đoạn này đã qua vì bây giờ có rất nhiều người chung quanh cha, nhà Dòng phải sắp xếp số lượng người muốn gặp cha.

Vì vậy tôi nghĩ tốt hơn là đi xưng tội, hưởng được ưu tiên cho các linh mục không thường trú và được nói chuyện với cha về vấn đề thiết thân của tôi. Tuy nhiên vì có nhiều người xưng tội, có thể họ còn cần cha hơn tôi, nên để không mất quá nhiều thì giờ của cha, tôi chuẩn bị kỹ để đến lượt tôi, tôi sẽ trình bày nhanh hơn. Trên xe buýt từ Foggia đến San Giovanni Rotondo, tôi bắt đầu dọn mình. Tôi còn nhờ sau một khúc quanh, nơi mình bắt đầu thấy thị trấn, tôi dọn mình xong và nghĩ: “Đời sống thiêng liêng này… cả một cuộc phiêu lưu!” Rồi tôi quên suy nghĩ này.

Xe buýt đưa tôi đến gần tu viện Dòng Capuxinô, tôi vào nhà nguyện, rồi tôi vào phòng thánh, nơi Cha Piô đã ngồi tòa. Đến lượt tôi, tôi nói những gì thiết thân của tôi. Cha Piô trả lời các vấn đề tôi mong chờ và cha giải tội cho tôi. Khi tôi đứng dậy, cha nheo mắt nhìn tôi với nụ cười hóm hĩnh, cha nói với tôi: “Đời sống thiêng liêng này… cả một cuộc phiêu lưu!”

Lạy Chúa tôi!… Ngài đọc tư tưởng tôi trước khi tôi đến San Giovanni Rotondo và ngài lặp lại từng chữ, trong khi tôi đã quên! Tôi sững sốt nhưng cũng được trấn an, vì suy nghĩ này nói lên các khó khăn tôi gặp trong đời sống thiêng liêng và cám dỗ muốn bỏ ra đi. Cha Piô khi lặp lại với tôi như vậy, chắc chắn ngài muốn nói với tôi: “Con than các khó khăn của con… cha phải làm gì bây giờ? Can đảm lên!”. 

Người ăn cắp chút xíu

Trong vòng những người chung quanh Cha Piô, lúc nào cũng có người muốn rút tỉa một dấu tích gì đó nơi ngài, vừa pha lẫn lòng sốt mến vừa cuồng tín. Cha Piô không chấp nhận chuyện này, bởi vì như thế tạo chung quanh ngài một hào quang thánh thiện mà ngài rất ghét. Ngài luôn phản ứng trước chuyện này và thường rất hung bạo: đó là tính của ngài. Có người nói cho ngài biết, phản ứng của ngài có thể làm cho giáo dân bực mình, ngài chỉ cho thấy cái áo dài và áo dòng của ngài bị rạch và trả lời: “Nhưng nhìn xem họ làm như vậy với cha! Nếu cha không phản ứng thì cuối cùng cha sẽ còn gì?”

Một buổi chiều nọ sau khi đọc kinh chiều, Cha Piô đi xuống vườn với vài bác sĩ của Bệnh viện Casa Sollievo de la Sofferenza (bệnh viện ngài thành lập) và với vài người bạn. Trong số họ có ông Cosimo Iadanza, người đồng quê với cha. Cha thấy mình không có khăn tay, cha nhờ ông Cosimo: “Cosimo, lấy chìa khóa lên phòng của cha lấy giùm cha chiếc khăn tay”. Ông Cosimo cầm chìa khóa và lên phòng cha. Nhưng ông không cự được cám dỗ muốn lấy một cái gì giữ làm dấu tích cho mình.

Rồi ông xuống vườn, vẻ ngây thơ đưa khăn cho Cha Piô. Cha cầm khăn và nhìn ông  Cosimo với cặp mắt dò hỏi, cha nói: “Bây giờ về lại phòng, bỏ lại chỗ cũ cái gì con vừa lấy cất trong túi”. Ông Cosimo đỏ mặt. Ông nghĩ mình lấy dễ dàng vì không ai thấy; nhưng không thể qua mặt được tinh thần sáng suốt của Cha Piô.

Marta An Nguyễn dịch