Từ mọi phía (3/4)

416

Trong lần đưa di hài Cha Piô về Rôma ngày 3 tháng 2-2016

Trích sách “Lời hay ý đẹp của Cha Piô”, Pascal Cataneo, Nxb Médiaspaul

Người ta chen nhau đến hàng loạt chung quanh Cha Piô. Đa số giáo dân đến với ngài là các ông, các bà muốn trở lại sau một thời gian lang thang lầm đường lạc lối và cha hướng dẫn họ về với Chúa. Các phương pháp làm cho giáo dân trở lại của cha gây ra nhiều tranh luận: Cha Piô có cách đối xử thô bạo, đôi khi rất hung dữ, làm cho giáo dân lạc hướng. Nhưng trong cách đối xử này có những lý do rất sâu đậm. Khi giáo dân cho cha biết, sự thô bạo của cha có thể làm cho họ bối rối và có thể làm xa các linh hồn, cha trả lời: “Tôi, tôi đối xử với các tâm hồn theo những gì Chúa chỉ cho tôi”. Và những linh hồn mà Chúa chỉ cho cha, các linh hồn này cần những “chấn động” mà không có các chấn động này, họ sẽ không xa sự dữ. Chúng ta biết có một vài bệnh có thể chữa bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật. Người ta cần đến phẫu thuật khi không chữa được bằng thuốc. Tôi nghĩ Cha Piô có thể xem như nhà “giải phẫu của tâm hồn”. Khi cha buộc phải làm cho một linh hồn chấn động, thì linh hồn này có thể bị bối rối và phật ý lúc đó; nhưng nếu linh hồn này chân thành muốn được cứu thì cuối cùng họ sẽ trở về với Cha Piô. Như thế, theo cha, cách này là một chiến thuật, chứ không phải là đổ cơn giận.

Trong vòng một tháng rưỡi sau khi cha qua đời, tôi đến cầu nguyện trên mộ cha. Nhân dịp này, tôi muốn gặp cha Pellegrino Funicelli, người đã ở bên cạnh Cha Piô trong những giây phút cuối. Tôi hỏi cha Funicelli về sự thô bạo của Cha Piô. Cha nói với tôi, cha đã từng chứng kiến các vụ cãi lộn này. Có một lần là với một phụ nữ trước cửa tu viện. Nhưng một khi cánh cửa đã đóng và khi Cha Piô đã vào bên trong, thì cha bình thản và yên bình như chẳng có gì xảy ra. Tôi nhận xét, một cơn giận đích thực thì sẽ không nguội nhanh như vậy.

Cũng có những lý do khác cho sự thô bạo này. Cha Piô nhận thức rất rõ các giới hạn của tạo vật khi đứng trước mặt Chúa, cha không chịu đựng được khi thấy sự tôn sùng,  cuồng tín mà cha là nạn nhân, nên cha phản ứng một cách hung bạo đối với các thái độ này. Phải biết là dưới lớp võ sù sì này là một tâm hồn rất dịu dàng và rất nhạy cảm; có thể cha tìm cách tự bảo vệ mình để không phản lại bản chất của mình. Như thế các khác biệt về cách đối xử của cha phải được xem xét rất cẩn thận.

Một cuộc trở lại chầm chậm

Sự trở lại không phải lúc nào cũng ngay lập tức, đôi khi nó phải theo từng giai đoạn, bởi vì ân sủng thích ứng với từng tâm trạng tâm hồn, nó cần đi chầm chậm để đồng nhịp bước này theo bước kia các sự thật của đức tin.  Ông Alberto Del Fante là một trong các trường hợp trở lại này. Ông ở thành phố Bologne và ông theo hội Tam Điểm. Trong mối oán giận chống Giáo hội, ông viết nhiều bài thóa mạ trên nhật báo Thế tục Ý (Italia Lạca), ông cho Cha Piô là người “phỉnh lừa” là“lang băm lường gạt”, là kẻ “gian xảo”, ông tố cáo cha lợi dụng sự ngây ngô của người dân.

Một trong các người cháu của ông bị bệnh không chữa lành được. Các bác sĩ đã hết hy vọng. Một ngày nọ, một người bạn của ông Del Fante xin Cha Piô chữa lành cho cháu ông mà không cho ông biết. Việc chữa lành này xảy ra rất nhanh ngoài mọi giải thích của con người.

Khi ông Del Fante hay tin việc chữa lành này là do cầu bàu với Cha Piô thì ông rất kinh hoàng và nóng lòng muốn biết Cha; ông dứt khoát tìm hiểu và quyết định đi San Giovanni Rotondo. Các buổi nói chuyện của ông với Cha Piô kéo dài trong nhiều ngày liền. Cha Piô giúp cho ông hiểu tất cả những gì ông muốn biết về đức tin. Ông Del Fante bị giằng xéo bởi hai chuyện có thật làm ông bối rối: việc chữa lành không chối cãi được của cháu trai của ông, ngoài mọi giải thích của con người và việc cũng không chối cãi được là Cha Piô chưa hề quen biết ông, nhưng cha lại biết rõ về ông, thật chính xác và thậm chí biết được cả tương lai. Ông Del Fante dần dần đi trên con đường trở lại, ông viết nhật ký hành trình nội tâm của mình.

Và thế là tất cả mọi nghi ngờ của ông từng cái bị rơi rụng, cho đến khi tâm hồn ông được trong sáng hoàn toàn. Không những ông trở lại mà ông còn trở nên chúa nhật và môn đệ của Cha Piô. Sau này ông viết một quyển sách nền tảng về Cha Piô: Để cho Lịch sử, trong đó ông ghi lại các chứng tá của mình và của người khác.

Vào thời khắc lúc ông trở lại, như để đóng dấu cho việc này, một sự kiện khác làm cho ông dứt khoát xác tín về đức tin của mình. Bà vợ trẻ của ông đang mang thai, ông rất lo vì bà không thể cho hai đứa bé lớn bú. Khi từ giã Cha Piô, ông Del Fante muốn xin cha làm sao để vợ mình có thể cho đứa thứ ba sắp sinh bú. Ông vừa bắt đầu nói thì cha hỏi: “Vợ của con có đủ sữa cho đứa nhỏ không?” Ông ngạc nhiên vì chính chuyện này là chuyện ông muốn xin cha. Và cha trấn an ông, vợ ông sẽ có sữa cho con bú. Và đúng như vậy thật.

Cha Piô, xin cho con một dấu chỉ!”

Ông Auré Caviggioli, một người buôn đồ cổ ở Monte-Carlo đã xa đức tin từ lâu. Một ngày nọ, ông đến trạm Rôma-Termini mà không biết vì sao mình đến đó, ông mua vé đi Foggia. Trong chuyến đi, ông thiu thiu ngủ nhưng khi thức dậy, ông ngửi một mùi nước hoa thật nồng nặc mà ông không biết nó từ đâu đến.

Đến Foggia, ông đi xe đến San Giovanni Rotondo và thuê khách sạn ngủ. Ngày hôm sau, khi đi dự thánh lễ cha Piô dâng, ông lại ngửi thấy mùi nước hoa hôm qua ông ngửi trên xe lửa, trong thánh lễ, ông thấy mình như bị hớp hồn vì sự hiện diện của Cha Piô. Ông muốn đến gần cha, nhưng vì đông người quá ông không đến gần được. Ngày hôm sau, nhờ vài tu sĩ giúp, ông đến được gặp cha và cha hỏi ông: “Con muốn gì?” Ông bối rối một lúc, ông nhớ khi ở Thụy Sĩ, một trong các cháu gái của ông có bướu trên não và ông xin cha chữa lành. Cha khuyên ông về nhà, cháu của ông đã được lành. Đúng vậy, cháu của ông được lành hoàn toàn và ngay lập tức, đến mức các bác sĩ không lấy tiền, vì họ không làm gì hết.

Phép lạ này thúc đẩy ông Caviggioli tò mò hơn, sau đó ông trở lại San Giovanni Rotondo nhiều lần để gặp Cha Piô. Ông muốn xưng tội với cha, nhưng có một nỗi sợ ngăn ông lại.

Hai năm sau, ông quyết định tặng Cha Piô bức tranh Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu, một tác phẩm có từ thế kỷ 16. Một người bạn đến gặp ông, hỏi ông bức tranh này trị giá bao nhiêu, ông trả lời đâu đó vài triệu. Nhưng đêm hôm đó, Cha Piô hiện ra trong giấc mơ, nhìn ông với vẻ cục mịch, cha nói với ông: “Con kể chuyện gì vậy? Bức tranh này con chỉ trả hai mươi lăm ngàn lia (tiền Ý) thôi mà!”. Khi thức dậy, ông Caviggioli nhớ rõ, đó là số tiền ông đã trả cho một người Do Thái, sau đó ông này bị đưa vào trại tập trung trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai.

Ông đến San Giovanni Rotondo để tặng Cha Piô bức tranh này, cha nói với ông: “Kể cho cha nghe con mơ gì thằng con láu lỉnh”, rồi cha bật cười. Caviggioli kể cho cha nghe và ông cũng bật cười luôn.

Tuy nhiên dù có dịp gặp ông, cha cũng không giải tội cho ông. Khi một mình ở khách sạn, ông ngẫm nghĩ đến tu viện và kêu lên: “Cha Piô, khi nào cha muốn giải tội cho con thì cha cho con một dấu chỉ!” Không thể tưởng tượng! Ông chưa kip nghĩ xong thì ông thấy trước mặt ông, cha Piô bằng xương bằng thịt, cầm tay ông rồi biến mắt. Ông quá hoảng sợ… và quá bàng hoàng. Ngày hôm sau, Cha Piô giải tội cho ông, rồi cha xin lỗi đã làm ông hoảng sợ khi hiện ra với ông ở khách sạn.

Một tiếng nói trong đêm: “Dậy, đi tìm Cha Piô! ”

Luigi Rago, người ở Salerne, dù đã có gia đình nhưng ông có thói quen chạy theo đàn bà đẹp mỗi khi ông đi du lịch.

Một đêm năm 1960. Trong một cuộc hẹn tán tỉnh ở khách sạn Foggia. Ông nghe có tiếng nói trong lòng thật mạnh, thật cương quyết ra lệnh cho ông: “Dậy và đi tìm Cha Piô!”.  Rago, người mà từ nhỏ đã xa nhà thờ, ông không giữ đạo, lại hoàn toàn không biết Cha Piô là ai, nhưng khi nghe lệnh lạ lùng và cương quyết này, ông cảm thấy mình phải tuân lệnh. Ông dậy thay áo và đi, ông trả lời cho ai hỏi ông đi đâu vào giờ này: “Tôi đi gặp Cha Piô ở San Giovanni Rotondo”.

Hai giờ sáng, ông đến trước cổng nhà thờ, nơi đã có một đám đông chờ nhà thờ mở cửa để vào xem lễ. Khi Cha Piô đến, ông cảm thấy toàn thân như bị điện giựt, ông chăm chú xem lễ, không bỏ sót một chi tiết nào, như khi dự một buổi trình diễn hấp dẫn. Tuy nhiên ông không dám đến gần Cha Piô. Từ lúc đó ông thấy mình có ước ao đi nhà thờ và cầu nguyện.

Mỗi lần có dịp đi Foggia là ông ghé San Giovanni Rotondo để dự thánh lễ của Cha Piô. Về lại Salerne, ông có thói quen vào nhà thờ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ. Cuối cùng thì ông quyết định xa cô bạn gái của mình. Nhưng tâm hồn ông chưa được bình an và thanh thản: ông mang trong lòng gánh nặng tội lỗi mình.

Ông trở lại San Giovanni Rotondo để xin xưng tội với Cha Piô. Cha nói với ông: “Con đã làm gì? Trong suốt bao nhiêu năm trời, con không vào nhà thờ, con không bao giờ đọc một kinh, con giao tâm hồn con cho quỷ… Đi đi!”

Rago chết điếng người nhưng ông không nản chí. Còn Cha Piô thì ngài không quên ông: ngài hiện ra trong giấc mơ với ông, tỏa một mùi hương đặc biệt, hướng dẫn ông, giúp ông tìm một linh mục đạo đức. Ông đến gặp linh mục và xưng tội. Từ lúc đó, ông về lại với nhà thờ, làm hòa với chính mình và với gia đình. Nhưng ông cũng muốn giải hòa với Cha Piô. Ông trở lại  San Giovanni Rotondo, ông gặp Cha Piô và nói với ngài;:’Thưa cha, lần cuối cha đuổi con!” Cha Piô trả lời: “Và bây giờ thì sao con?”

Đó là khởi đầu một tình bạn thiêng liêng mà tác động lan rộng ra cả những người chung quanh ông Rago.

Nhờ bẫy bạn mình giăng ra 

Một thương gia ở Genova nước Ý phải đi đến Foggia để mua dầu. Một trong các bạn của ông biết ông bỏ đạo đã lâu, nên muốn giăng bẫy ông. Người bạn nhờ ông quá giang đến San Giovanni Rotondo để đưa cho Cha Piô một bức thư, trong hy vọng nhờ đó ông gặp được cha.  Người thương buôn bằng lòng và ông đem thư đi.

Đến Foggia, ông đi xe đến San Giovanni Rotondo. Sau một chuyến đi dài mệt mỏi, ông chỉ muốn giao bức thư đi cành nhanh càng tốt. Vì thế khi ông đưa bức thư cho Thầy giữ cửa, ông nói ông muốn cha trả lời ngay để ông đi. Thầy mời ông đến phòng thánh và chờ, Cha Piô sẽ xuống và sẽ trả lời…

Người thương buôn đến phòng thánh, ông chờ vài phút và tỏ dấu sốt ruột. Cuối cùng Cha Piô đến, nhưng người thương buôn chẳng mảy may ấn tượng. Cha đến gần ông, nhìn thẳng vào mắt ông và hỏi ông: “Con muốn gì?” Người thương buôn trả lời, ông chờ thư trả lời. Cha Piô nói: “A, bức thư!… Nhưng còn con, con muốn xưng tội không?” Người thương buôn thú nhận mình đã bỏ đạo lâu. Cha Piô hỏi: “Con chưa xưng tội từ khi nào?” “Từ khi 7 tuổi!” Cha nhìn ông như muốn dò thấu suốt tâm hồn ông, cha nói: “Khi nào con mới ngừng cuộc sống khốn khổ này?” Trong thoáng chốc, kẻ tội lỗi thấy hết cuộc sống xa Chúa của mình, ông ăn năn, ông xưng tội và ông có một niềm vui sống mới.

Hững hờ đến gặp Cha Piô để giao bức thư bạn nhờ, ông chỉ muốn giao ngay thư để về, vậy mà Cha Piô đã hoán cải tâm hồn ông. Cả tuần đó, ông không rời San Giovanni Rotondo, ông dự thánh lễ, rước lễ từ tay Cha Thánh Piô. Tất cả nhờ cái bẫy bạn mình giăng ra.

Trở lại dây chuyền

Bà Luisa Vairo ở Luân Đôn, tháng 9 năm 1925 bà đến San Giovanni Rotondo để gặp Cha Piô. Bà kể câu chuyện trở lại của mình và nhiều người khác cũng trở lại nhờ bà.

Người phụ nữ này đã từ lâu không biết gì đến đạo, bà chỉ đi tìm lạc thú nhưng chẳng bao giờ được thỏa mãn. Luôn ở trong tình trạng căng thẳng, bà bị chấn động vì một biến cố xảy ra trong chỗ quen biết của bà: một người bạn rất thân của bà trở lại nhờ Cha Piô. Câu chuyện trở lại của người bạn này đã đánh động bà rất mạnh đến mức bà muốn biết tu sĩ Dòng Capuxinô này là ai.

Một ngày nọ bà đến San Giovanni Rotondo. Bà có cảm giác lạ lùng khi đứng trước sự nghèo nàn trần trụi của xứ sở và của tu viện, thật khó mà hình dung sau bao nhiêu biến đổi mà bây giờ nó lại như vậy. Thật trái ngược với các phòng khách của Luân Đôn! Bà ghê tởm nó, phản xạ đầu tiên của bà là muốn đi khuất chỗ này nhanh nhất có thể. Dù vậy, bà thấy dâng lên trong lòng mình một cảm nhận lôi cuốn vì sự đơn giản, thanh thản, dịu dàng của bầu khí này. Bà như bị lạc hướng. Cứ nghĩ phải gặp người tu sĩ sống trong đau đớn với các dấu thánh, người biết hết, thấy hết là đã làm cho bà sợ vô cùng. Nhận thấy hố sâu ngăn chia thế giới sống trong lạc thú của mình với nơi huyền bí này này, bà bật khóc, làm cho những người ngồi gần bà trong ngôi nhà thờ nhỏ này bối rối. Cha Piô đến gần bà và như thử biết bà đã từ lâu, cha nói: “Thưa bà, xin bà bình tĩnh, xin bà bình tĩnh. Lòng thương xót Chúa thì vô tận. Chúa Giêsu đã chết trên thập giá cho những kẻ có tội”. Bà Vairo nói ngay: “Thưa cha cho con xưng tội. – Xin bà bình tĩnh, không phải lúc này. – Nhưng con, con không biết nói gì, bây giờ con phải làm gì? – Con trở lại chiều nay lúc ba giờ, cha sẽ giải tội cho con. Bây giờ con đi ăn một chút, rồi con đến gặp cha sau. Nếu con không biết nói gì, cha sẽ nói”.

Bà vâng lời cha từng chút nhưng lòng vẫn hoang mang và giao động, bà không thể dọn mình xưng tội. Khi bà trở lại gặp cha, cha lên tiếng trước và kê một dọc tội bà đã phạm, phạm lúc nào, trong bối cảnh nào, bà run sợ. Tuy nhiên cha bỏ sót một tội, cha hỏi bà: “Con không nhớ gì nữa sao?” Bà rất ăn năn về tội của mình, bà bối rối, có nên xưng… hay không? Và cuối cùng bà quyết định xưng. Khi đó Cha Piô vui hẳn lên: “Và đó là chuyện cha đang chờ!” Rồi cha giải tội cho bà.

Bà Vairo được tha thứ và thấy mình trở thành một người mới. Không những bà muốn ở lại gần cha một thời gian, người đã kéo bà ra khỏi vực thẳm, nhưng bà còn muốn làm việc ăn năn đền tội để chuộc lại quá khứ của mình. Một ngày nọ, bà quyết định đi chân đất từ căn phòng mình ở đến tu viện dưới cơn mưa lạnh giá. Bà đến nơi, người ướt mẹp, hai chân rướm máu. Cha Piô thấy bà trong tình trạng này, nói bà đây là việc ăn năn đền tội rất nặng, rồi cha nói thêm: “Nhưng nước này không làm ướt”, và áo quần của bà Vairo khô ngay. Chưa hết. Bà Vairo có đứa con trai, cũng như bà, con trai bà cũng không giữ đạo. Trong sự sốt sắng với đời sống mới, bà viết cho con mình, kể chuyện mình trở lại và say sưa kể về Cha Piô; bà mời con mình đến San Giovanni. Người con trai không muốn biết gì và cho biết mình sẽ không bao giờ đi dù chỉ vì hiếu kỳ. Cha Piô xin bà kiên trì cầu nguyện cho con mình, tin chắc nó sẽ trở lại một ngày nào đó.

Sau đó, một người bạn người Pháp đến thăm mang đến cho bà tờ báo đăng tin chiếc tàu con bà đi bị đắm và nhiều người bị chết đuối. Nghĩ rằng con mình bị chết đuối nên bà quá đau khổ. Khi biết lý do bà đau buồn, cha nói: “Ai nói với bà là con bà chết để bà ở trong tình trạng thê thảm này?” Bà trả lời: “Nhưng ai nói là con của con còn sống?” Cha Piô cầu nguyện, rồi cha nói: “Tạ ơn Chúa. Con của con còn sống và đang ở nơi này.. nơi này”. Rồi cha chính xác mô tả nơi đó. Bà mẹ viết ngay địa chỉ, khi đó đứa con cũng viết thư cho bà để bà yên tâm. Hai bức thư tréo nhau, người con rất ngạc nhiên thấy mẹ mình biết địa chỉ của mình. Chuyện này làm anh rất thắc mắc nên anh quyết định đến San Giovanni Rotondo để hiểu rõ chuyện huyền bí này.

Khi người con đến, bà mẹ dặn con nhịn đói để xưng tội và rước lễ từ bàn tay thánh của Cha Piô. Người con hứa, sau đó anh xin ra chợ một chút và trở về ngay. Ra chợ anh mua hai cái trứng và nuốt chửng… rồi một chùm nho, anh cũng ăn ngay. Sau đó anh về gặp mẹ ở phòng thánh. Khi Cha Piô đến, bà Vairo giới thiệu con mình: “Thưa cha, đây là con của con, như con đã nói chuyện với cha”. Cha nhìn anh với vẻ châm biếm và nói: “Thằng nhóc con, con nói dối!” và quay về bà mẹ, cha nói: “Tội nghiệp cho bà, bà nghĩ nó nhịn đói sao?” Chàng thanh niên nghĩ mình phải bảo vệ mẹ và nói với cha: “Vì sao cha lại nói con như vậy? Cha không biết gì về con”. Cha Piô trả lời: “Con còn muốn xác nhận con nhịn đói sao… còn hai quả trứng… còn chùm nho con đã ăn?” Khi đó chàng thanh niên mới thú nhận và kêu lên: “Thưa cha, xin cha tha lỗi cho con… con tin rồi!”

Và anh xin trở lại.

Marta An Nguyễn dịch