Đạo đức trong cay đắng

748

Đạo đức trong cay đắng

06 Tháng Hai 2017

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

Một trong những mối nguy khi chúng ta cố gắng sống một đời trung tín Kitô giáo, là chúng ta có khuynh hướng trở nên đạo đức trong cay đắng, trở nên người anh cả của đứa con hoang đàng, giận dữ và ghen tương vì lòng thương xót quá quảng đại của Thiên Chúa. Chúng ta cay đắng bởi những người lạc lối có thể quá dễ dàng trở lại với bàn tiệc thiên quốc.

Nhưng không phải chỉ riêng những người giữ đạo thành tín mới như vậy. Tất cả mọi người đều phải đấu tranh để không vướng phải cay đắng và giận dữ. Chúng ta dành nửa đời đầu đấu tranh để giữ giới răn thứ sáu và dành nửa đời sau đấu tranh để giữ giới răn thứ năm. Chớ giết người!  Trước cả khi người ta chết vì một viên đạn, họ đã bị giết vì một lời nói, và trước cả lời nói là suy nghĩ. Chúng ta ai cũng có những suy nghĩ sát nhân. Hắn tưởng hắn là cơ chứ? Và chúng ta càng thêm tuổi, thì càng khó gạt cái ý nghĩ đó đi.

Đến tuổi già mà không vướng phải cay đắng và giận dữ, chính là cuộc đấu tranh cuối cùng của chúng ta, cả về mặt tâm lý và linh hồn. Nhà tâm lý học Thụy Sỹ, Alice Miller cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của nửa đời sau là than khóc, than khóc cho những vết thương của mình để không trở nên cay đắng và giận dữ. Chúng ta phải than khóc cho đến khi những căn cơ nền tảng của chúng ta lung lay, nếu không những vết thương không được thương xót này sẽ khiến chúng ta có khuynh hướng cay đắng, giận dữ, và phán xét lạnh lùng.

Xét tận cùng, chỉ có một huấn lệnh thiêng liêng mà thôi. Chúng ta không được chết trong cay đắng và giận dữ. Và vì thế, càng thêm tuổi, chúng ta càng phải ghi khắc một chữ này: Tha thứ. Chỉ có sự tha thứ mới có thể cứu chúng ta khỏi cay đắng và giận dữ.

Thật vậy, trong Phúc âm có một số đoạn đầy thương xót như câu chuyện về Đứa con hoang đàng vậy. Đọc qua chuyện này, chúng ta dễ dàng nhận ra nhân vật chính không phải là người con, mà là người cha, và thông điệp trọng tâm chính là lòng thương xót vô bờ bến của người cha. Một người cha cố gắng để đưa cả hai đứa con trai vào nhà mình. Nhưng đứa con thứ đã bỏ nhà ra đi một thời gian dài, còn đứa con cả lại như đang đi khỏi nhà khi anh sống trong nhà mà lòng cay đắng và giận dữ. Không như người cha đầy hân hoan bởi đứa con lầm lạc đã về nhà, người anh cả nổi giận và cay đắng khi cha đã không ngần ngại mở toang cánh cửa lòng thương xót, khi người em hư hỏng không bị trừng phạt và ra điều kiện trước khi được phép bước vào nhà.

Trong mỗi chúng ta đều có một người anh cả như thế. Chúng ta có thể thấy điều này, trong những sự phản đối dữ dội, những người vô cùng trung thành với giáo hội đã bày tỏ sự phản đối với việc cho một số người được đón nhận Mình Thánh Chúa. Đúng là ở đây có vấn đề về giáo luật cần phải phân định, điều mà Hội đồng về đời sống gia đình đã cố xử lý. Nhưng hội đồng cũng chỉ ra rằng nhiều người mang tâm thức phản đối những người mà họ xem là không xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa.

Nhưng chính chúng ta phải tự hỏi mình rằng: Sao chuyện này lại khiến tôi phiền lòng?  Sao tôi lại nổi giận về chuyện một người khác rước lễ chứ?  Nền tảng thực sự của sự phản đối này là gì? Và điều đó nói lên điều gì về con người tôi? Lòng tôi có đủ rộng rãi và êm ái để lên thiên đàng và ngồi chung bàn tiệc với tất cả mọi người không?

Tôi có can đảm và khiêm nhượng để tự hỏi mình một câu: Tôi không giống với người anh cả đứng ngoài nhà, cay đắng khi thấy một người không xứng đáng lại đang được nhận tình yêu thương của Cha?

Nhưng chúng ta phải tự hỏi với một lòng cảm thông. Chúng ta không phải là người xấu. Chỉ do một tinh thần đạo đức cay đắng là mối nguy cố hữu trong chúng ta. Chúng ta vẫn cần tự hỏi mình những câu hỏi khó này, để đừng bịt mắt mình và trở nên người anh cả của người con hoang đàng.

Thật lạ đời, nghịch lý và mỉa mai, nhưng chúng ta có thể là những Kitô hữu trung tín, đạo đức, trách nhiệm, đi lễ đều đặn, rao giảng tin mừng, và đồng thời cũng mang trong mình một cơn giận dữ, cay đắng, và ghen tỵ vô thức với kẻ vô đạo đức đã khiến chúng ta phải đứng ngoài cửa gặm nhấm nỗi cay đắng và giận dữ vì Thiên Chúa yêu thương một cách vô hạn và thậm chí là bừa bãi.

Nhưng sự yếu đuối và lưỡng cực này không phải là điều gì mới. Câu chuyện về Người con hoang đàng không kết thúc với việc người cha vui mừng đón đứa con thứ về, nhưng là sau khi người cha đứng ở cửa, ân cần khuyên đứa con cả bỏ đi sự cay đắng và cùng vào chung vui. Chúng ta không biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào, nhưng với tình yêu và sự nhẫn nại vô hạn của Thiên Chúa, hẳn cuối cùng người anh cả đã vào nhà và ngồi cùng bàn với người em hoang đàng của mình.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch