Thế hệ selfie vinh danh “Đức Giáo hoàng thông minh nhất, thanh thản nhất của mọi thời”
Isabelle Cousturié, fr.aleteia.org, 2017-03-12
Dù khi Đức Giáo hoàng không ở Vatican, ngài ngưng mọi công việc để đi tĩnh tâm Mùa Chay với Giáo triều thì người ta cũng nói về ngài. Hôm qua là báo Đức Die Zeit phỏng vấn ngài, hôm nay là báo Rolling Stone nước Ý dành trang bìa cho ngài, viết phóng sự một ngày với “Đức Giáo hoàng thông minh nhất, thanh thản nhất của mọi thời”.
Ký giả Alberto Piccinini, đặc phái viên của báo viết bài về buổi gặp gỡ giữa Đức Phanxicô và các sinh viên của Đại học Tre ở Rôma vào giữa tháng 2. Trang bìa là hình Đức Phanxicô tươi cười với cái nhìn đồng tình và ngón trỏ đưa cao như muốn nói: “Các con đi tới nhé, các con thật cừ!”.
Tại sao ở trang bìa? Đơn giản, vì “lời của ngài quá đúng lý”, tờ báo giải thích. Vì “ngài biết chinh phục giới trẻ bằng lời, bằng hành động”. Ngay từ những trang đầu tiên là bài phóng sự về Đức Giáo hoàng và “thế hệ selfie”, một phóng sự khác về các mong chờ của giới trẻ ở vùng ngoại vi “Rap” của Milan nhân chuyến đi Milan sắp tới của ngài vào ngày 25 tháng 3 tới đây. Tiếp đó là ba bài phỏng vấn, trong đó có một bài hơi lạ thường cho một tạp chí tiêu biểu ‘bài-văn hóa’ như tạp chí Rolling Stone, đó là bài phỏng vấn của Linh mục Dòng Tên Antonio Spadaro, giám đốc báo Văn minh Công giáo (Civiltà Cattolica) một trong các tờ báo công giáo lớn của thế giới.
Ba năm sau ấn bản Rolling Stones của Mỹ
Ấn bản tiếng Ý của báo Rolling Stones ra ngày 25 tháng 3 sắp tới là ấn bản đặc biệt về Đức Giáo hoàng, ba năm sau ấn bản Mỹ. Báo Rolling Stones là báo đặc biệt chuyên về tin tức âm nhạc, văn hóa và xã hội toàn cầu. Trước đây báo đã từng tấn công trực tiếp triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI cũng như một vài vị tiền nhiệm của ngài, từ Đức Piô XI đến Đức Innocentê VIII, bị tờ báo cho là “hời hợt và không phù hợp”.
Phải nói là đã ba năm cách xa hai ấn bản Mỹ và Ý. Đức Giáo hoàng vừa bắt đầu “cuộc cách mạng nhẹ nhàng” và tông giọng, nội dung được cho “quá là bình thường” chưa đủ bao gồm. Trong ba năm, Đức Phanxicô với tính tình vui vẻ tự nhiên, tính nói thẳng, lời nói dí dỏm, trao đổi đồng lòng với cử tọa, các lời la mắng tự phát, câu “tôi là ai mà phán xét?” của ngài đã chinh phục quần chúng. Bây giờ các cơ quan truyền thông không còn tìm một chỗ để xếp ngài trong danh sách các nhân vật lớn của quả đất, nhưng bây giờ họ bỏ thì giờ ra để đi theo ngài, nghe ngài và đăng lại lời ngài trong tất cả mọi lãnh vực.
Chinh phục được giới trẻ
“Giáo hoàng Pop”, như tờ báo Rolling Stones đặt tên cho ngài ở trang bìa, đã chinh phục được giới trẻ. Bài xã luận khẳng định, Đức Phanxicô biết nói chuyện với giới trẻ, ngài dùng các ẩn dụ đơn giản, các khái niệm tài tình, các dụng cụ giới trẻ ưa thích như điện thoại cầm tay, ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, ngài đã bắt được một đối thoại liên thế hệ: “Hạnh phúc của các con không phải là ‘App’ mà các con tải về trên điện thoại cầm tay: dù điện thoại của chúng con là đời mới nhất, nó cũng không giúp các con được tự do và lớn lên trong tình yêu. Tự do là chuyện khác: đó không phải là làm những gì mình muốn… Đó là biết nói không… Tự do là biết nói ‘có’ và nói ‘không’, là biết chọn điều tốt”, ngài đã nói như trên trước 70 000 người trẻ trong một cuối tuần đặc biệt dành cho giới trẻ trong Năm Thánh Lòng thương xót, ngài xin họ có những chọn lựa “mạnh mẽ và can đảm”.
Và còn mạnh hơn nữa trong một video ngài gởi cho các bạn trẻ, có thể đây là ẩn dụ hùng hồn nhất: “Các bạn trẻ thân mến, biết bao nhiêu lần cha phải điện thoại cho các bạn của cha, nhưng cha không điện thoại được vì không bắt được đường dây. Cha nghĩ các con cũng đã từng bị như vậy, vì không phải lúc nào điện thoại của các con cũng bắt được sóng… Và các con nhớ, không có Chúa Giêsu trong đời mình thì cũng như có điện thoại mà không bắt được sóng! Chúng ta không nói chuyện được, chúng ta thu mình lại. Vậy chúng con phải ở trong vùng có phủ sóng! Gia đình, giáo xứ, trường học của các con, vì trong các môi trường này, chúng ta luôn có một cái gì để nói điều tốt, điều đúng”.
Một Giáo hoàng luôn liên lạc với giáo dân qua tài khoản Twitter @Pontifex và Instagram, các tài khoản có hàng triệu người theo từ ngày đầu. Một cách để ngài quy tụ những người trẻ nhất trên thế giới và nói chuyện với họ. Ngài thoải mái gặp họ và chụp hình selfie với họ. Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, ngài đã xin người trẻ làm cho thế giới nghe tiếng kêu của mình – và gần đây trong Thượng hội đồng Giám mục sắp tới về giới trẻ, ngài xin họ “làm ồn lên” , một cách như nói với họ: “Các con tiến lên, các con hãy đi ngược dòng”: không ma túy, không rượu, không chủ trương khoái lạc. Và mỗi lần như thế, ngài như nói với từng người. Ngài dùng một ẩn dụ khác cũng rất mạnh là đá banh: “Một người trẻ khi họ được chọn vào đội tuyển, họ sẽ làm gì? Luyện tập, luyện tập rất nhiều”. Là nhà đào tạo giỏi, ngài dạy cho các bạn trẻ “Chúa Giêsu cho chúng ta một cái gì tốt đẹp hơn là Cúp Thế giới: Chúa Giêsu cho chúng ta khả năng có một đời sống phong phú và hạnh phúc”.
Chuẩn bị gặp Đức Phanxicô ở Milan
Theo tạp chí Rolling Stone, các người trẻ ở vùng ngoại vi Milan cho biết, họ có rất nhiều chuyện để nói với ngài, họ mong chờ để được gặp ngài. Các tù nhân ở nhà tù San Vittore cũng nôn nóng được gặp ngài, họ xem ngài là “người anh em của mình”. Chủ đề của chuyến đi: “Vì Thầy có một dân đông đảo trong thành này” (sách Công vụ Tông đồ 18.10). Logo của chuyến đi được giáo phận Milan chọn là hình ảnh các bàn tay hướng về Đức Giáo hoàng.
Rất nhiều lý do để tạp chí đại chúng này nói về “Đức Giáo hoàng sát với thời đại chúng ta” này và họ cảm thấy như một chuyện tự nhiên là dành cho ngài các trang đầu tiên của tạp chí, cũng như trang bìa. Như Linh mục Antonio Spadaro, giám đốc tạp chí Văn minh Công giáo cho biết, Đức Phanxicô được xem như “ngọn núi lửa đang phun”, ngài để năng lực của mình tuôn chảy nhè nhẹ vào trong tĩnh mạch của các thế hệ trẻ, các thế hệ đã chọn ngài làm “lãnh đạo tinh thần thế giới” đứng trước các lo sợ, các căng thẳng, các bức tường dựng lên để chia rẽ con người. Linh mục còn nhớ hình ảnh chuyến đi Bolivia của Đức Phanxicô tháng 7 năm 2015, khi ngài đọc diễn văn, hàng ngàn người trẻ đã ngưng bài diễn văn của ngài 40 lần để vỗ tay. Ngài chỉ trình bày học thuyết xã hội của Giáo hội, nhưng ngài trình bày với năng lực cực mạnh là năng lực Phúc Âm (…), một năng lực “vượt ngoài các biên giới giữa người tin và người không tin, giữa người theo chế độ cộng sản hay không theo chế độ cộng sản…”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch