James Carroll _ 10-11-2014
Cơ chế hôn nhân theo truyền thống đang chịu áp lực từ các thay đổi về nhân khẩu và các hình thức sinh sản, chủ nghĩa nữ quyền, và sự chấp nhận rộng rãi về mặt văn hóa đối với người đồng tính. Nhận lời mời từ Vatican, trong vòng hai tuần, các lãnh đạo tôn giáo thế giới sẽ quy tụ bất thường tại Roma để nhóm họp bàn về vấn đề này. Giáo hoàng Phanxicô sẽ mở đầu thảo luận, chắc chắn ngài sẽ khẳng định khao khát của các tham dự viên muốn gìn giữ các giá trị truyền thống, nhưng cũng nhìn nhận sự đa dạng của các niềm tin hiện diện trong hội thảo chuyên đề này. Điểm khác biệt của sự kiện lần này, chính là cách giáo hoàng, như trong Hội đồng Giám mục về đời sống gia đình vừa qua đã thực hiện một cuộc xét lại hôn nhân trên diện rộng, đang hợp thức hóa một mức độ đa dạng hiếm thấy trong suy tư Công giáo. Đang có sự biến chuyển trong cảm thức nhân loại, kèm theo những dấu hiệu bất an đối với đức tin tôn giáo, nhưng Giáo hoàng phá cách từ Argentina này, đang đương đầu với nó, giúp cho Giáo hội của ngài, và bây giờ là cả thế giới, xử lý những thách thức từng không thể nghĩ đến này. Tác động của Đức Phanxicô vượt ngoài phạm vi giáo phái, và ngoài cả mức độ tôn giáo nữa. Ngài là một sự mới mẻ.
Năm 2014, tờ Fortune đã chọn Giáo hoàng Phanxicô là nhân vật số 1 trong số 50 lãnh đạo xuất sắc nhất. Vậy cách lãnh đạo của vị giáo hoàng này có gì đáng học hỏi cho những người trong danh sách đó và những người muốn được có tên trên đó nữa? Có năm đặc tính giải thích vị thế mới chưa từng có của ngài trên vũ đài thế giới.
- Đức Phanxicô lãnh đạo bằng gương mẫu. Trong hội đồng mới đây, vấn đề đặt ra là, Liệu giáo hội có thể thay đổi những căn bản trong giáo huấn về gia đình? Chỉ 3 tuần trước khi các giám mục tề tựu tại Roma, Đức Phanxicô gởi cho họ một thông điệp mạnh mẽ bằng cách chủ trì cho nghi thức hôn phối của 20 cặp người Roma được chọn lựa kỹ càng, ngay tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô. Phát ngôn từ Vatican cho biết những cặp này là ‘các cặp vợ chồng như nhiều cặp khác. Một số đã sống chung với nhau rồi, một số đã có con.’ Với giáo hoàng, việc hành lễ trang trọng cho nghi thức thề hứa của những người từng bị xem là ‘sống trong tội’ chính là sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa truyền thống cứng ngắc, và là một hình mẫu ngài kỳ vọng nơi các giám mục trong hội nghị sắp tới. Ngài nói rằng, hôn nhân là vấn đề của ‘đời sống thực’ chứ ‘không phải chuyện tiểu thuyết.’ Tại hội đồng, các giám mục cho thấy họ đã hiểu, và giải quyết các vấn đề liên quan đến gia đình bằng một sự cởi mở chưa từng có. Việc giáo hoàng đặt lòng thương xót trên chủ nghĩa đạo đức, như đã được kiên quyết thể hiện trong việc chủ lễ nghi thức hôn phối, đã biến đổi thái độ của hàng giáo phẩm, cho dù vẫn còn hơi sớm để nói xem Giáo hội sẽ có những thay đổi chính thức nào.
- Đức Phanxicô lãnh đạo bằng sự lôi cuốn. Trong nhiều năm, Liên hiệp Âu châu đã tìm những cách thức khác cho hàng chục ngàn di dân châu Phi tuyệt vọng, nhiều người trốn chạy chiến sự ở Libya và Tusnisia, mạo hiểm mạng sống mình trên những con thuyền mỏng manh vượt biển Địa Trung hải, nhắm hướng đảo Lampedusa, cực nam Ý quốc. Hàng trăm người đã phải chết đuối. Năm 2013, chuyến đi đầu tiên ra ngoại thành Roma của Giáo hoàng Phanxicô là đến Lampedusa. Một cách có định hướng, ngài đã dùng một con thuyền lật úp để làm bàn thờ cử hành thánh lễ, và đã cầu nguyện với hàng ngàn di dân trong một sân bóng đá. Như ngài dự tính, truyền thông phát đi trọn vẹn từng khoảnh khắc chuyến viếng thăm của ngài, và ngay lập tức châu Âu buộc phải nhìn vào những gì đang xảy ra nơi ngưỡng cửa của mình. Các nạn dân chết chìm không còn là những thứ vô hình nữa. Trong vòng vài tháng, Liên hiệp Âu châu thành lập một hệ thống kiểm tra duyên hải mới, nhận trách nhiệm giải cứu những người đang gặp nguy hiểm trên biển.
- Đức Phanxicô lãnh đạo bằng sự đồng đẳng. Giáo hội Công giáo là xã hội chiếu lệnh cuối cùng còn lại ở Tây phương, và giáo hoàng có thể thực hiện những thay đổi ngài muốn, đơn giản bằng cách truyền lệnh. Nhưng, rõ ràng là một trong những mục tiêu chính của ngài là biến đổi cách thức thực thi thẩm quyền trong một Giáo hội quá tập quyền. Thực thi quyền lực từ-trên-xuống của mình sẽ khiến mục tiêu của ngài thất bại, bởi xã hội chiếu lệnh tự bản thân đang có vấn đề. Cơ cấu chính trong quản trị của Công giáo La Mã là Giáo triều Vatican, một cơ chế quan liêu vô hiệu lực, bị xé nhỏ trong tính địa phương và các trung tâm quyền lực đấu đá lẫn nhau. Thay vì đương đầu với Giáo triều như một bậc cai trị đơn độc, Đức Phanxicô đã bỏ qua nó, xây dựng một cơ cấu mới không ngờ, gọi là ‘Hội đồng 8 người.’ Hội đồng này gồm có 8 hồng y, mỗi người đến từ một châu lục, và chỉ có một người có chân trong Giáo triều. Ngài đã ủy quyền cho họ đi tham vấn rộng trong địa hạt của mình, để lời cố vấn của họ về nhiều vấn đề sẽ phản ánh được cảm nghiệm đời thường của các giáo dân Công giáo. Quan trọng nhất, Hội đồng 8 người này, đang giúp giáo hoàng sắp đặt một tông hiến mới, hứa hẹn chỉnh đốn mạnh mẽ Giáo triều, và một cơ cấu uy quyền đồng đẳng, tương hợp với hình dung của Công đồng Vatican II, vốn định hình Giáo hội không phải là một hàng giáo phẩm từ trên xuống, nhưng là một dân được trao quyền, là dân Chúa.
- Đức Phanxicô, khi cần thiết, lãnh đạo bằng mệnh lệnh điều hành. Một trong những hành động đơn phương đầu tiên của giáo hoàng là về tiền thưởng, đến hàng triệu euro, thường được được trao cho các nhân viên của Vatican khi có giáo hoàng mới được bầu. Ngài đã chuyển hết số tiền thưởng này cho việc từ thiện. Quyết định bất ngờ của ngài nhắm thay đổi triệt để tác phong giáo hoàng, như việc tránh dùng dinh thự tông đồ, xe limousine, những vật dụng riêng đầy xa hoa, chính là một mệnh lệnh trực tiếp truyền cho các hồng y và giám mục khắp nơi phải thay đổi cách sống của mình. Không còn ‘các ông hoàng’ trong Giáo hội nữa. Và khi dọn dẹp các tai tiếng của Ngân hàng Vatican, Đức Phanxicô đã thay thế hiệu quả 4 trên 5 hồng y giám quản, cho phép các chỉ trích từ bên ngoài, và để mọi người biết rằng nếu thể chế tài chính Vatican không thể minh bạch và có trách nhiệm, thì ngài sẽ đóng cửa nó. Trong lúc đó, một người phê bình bảo thủ hàng đầu đối với các khởi xướng của giáo hoàng Phanxicô, là hồng y Raymond Burke, Trưởng Tối cao Pháp viện Tòa thánh, nhân vật pháp triều hàng đầu của Công giáo. Burke nói rằng, dưới thời Đức Phanxicô, Giáo hội ‘là con thuyền không bánh lái.’ Tháng trước, Burke xác nhận các tin đồn là Giáo hoàng Phanxicô đơn giản cách chức ông, và chuyển đến một vị trí mang tính hình thức mà thôi. Nhưng bởi giáo hoàng đã làm rõ sự ưu tiên của ngài dành cho tham vấn và đồng đẳng, nên những động thái điều hành toàn quyền hiếm có như thế này, có được trọn vẹn tác động.
- Đức Phanxicô lãnh đạo bằng việc nhìn nhận các sai lầm. Câu nói nổi tiếng nhất của ngài, là khi trả lời câu hỏi về các linh mục đồng tính. ‘Tôi là ai mà phán xét?’ Sức mạnh của câu hỏi này, tất nhiên nằm ở sự đảo chiều cách vận dụng thông thường của thẩm quyền của giáo hoàng, với toàn bộ thẩm quyền của một vị trí từ lâu được xem là bất khả ngộ về các vấn đề đức tin và luân lý. Nhưng cùng với việc bác bỏ chủ nghĩa đạo đức áp đảo, Đức Phanxicô kèm theo một nhìn nhận ngay thật về ‘hàng trăm lỗi, sai lầm và tội’ của mình. Tôn lên cái mà ngài gọi là ‘ân sủng của hổ thẹn,’ ngài nhìn nhận các bài học đã rút ra được từ ‘tính độc đoán và lối quyết định nhanh của tôi.’ Việc giáo hoàng từ chối cai quản Giáo hoàng theo phong cách giáo hoàng truyền thống, rõ ràng có căn nguyên từ lương tâm xét mình của một con người khiêm nhượng, sẵn sàng phê phán bản thân.
Chúng ta hết thảy đều đang chờ xem những thay đổi nào mà Giáo hoàng Phanxicô đã khởi xướng sẽ tồn tại được, và thậm chí là xem thử ngài tậm tâm trọn vẹn đến đâu với biến đổi căn bản mà nhiều người Công giáo đang muốn có. Mà cũng có thể là khi đã gợi lên nhiều hi vọng cả trong và ngoài giáo hội, một triều giáo hoàng gây thất vọng sẽ càng xói mòn hơn nữa nhuệ khí xã hội và tôn giáo. Một thể chế quan liêu, giáo điều, và ghét phụ nữ, không dễ gì thay đổi. Nhưng Đức Phanxicô đã thayđổi Giáo hội Công giáo, bởi trong con người tử tế, ngay thật, và tự nhận thức của ngài, nhiều người đã thấy được một con người mà Giáo hội có thể quây quần quanh đó.
James Carroll là học giả chuyên biệt tại Đại học Suffolk và là nhà bình luận cho tờ Boston Globe. Quyển sách mới nhất của ông là, Chúa Kitô Hiện tại: Con Thiên Chúa cho Thời đại Thế tục.