Crux – John L. Allen Jr. – 11/4/15
Một chính trị gia gia giỏi biết rằng, thử thách đầu tiên cho cương vị lãnh đạo là tích lũy đủ vốn chính trị để thực hiện mọi việc. Thử thách thứ hai là sẵn sàng dùng vốn đó cho những việc đáng dùng, ngay cả khi phải tiêu tốn rất nhiều.
Dù không thực sự là một chính trị gia, nhưng chắc chắn Giáo hoàng Phanxicô đã qua bài thử thách đầu tiên. Tỷ lệ ủng hộ toàn cầu dành cho ngài cao ngất.
Ngài cũng có tầm ảnh hưởng không thể chối cãi. Đức Phanxicô được tổng thống Hoa Kỳ và Cuba tín nhiệm để dọn đường cho việc nối lại bang giao, và tổng thống Nga Putin cũng nhìn nhận tầm ảnh hưởng của ngài trong việc ngăn chặn quân đội phương Tây tấn công chế độ Assad ở Syria hồi tháng 9, 2013.
Hai lời khẳng định to lớn này hẳn sẽ tạo đà tốt cho Giáo hoàng Phanxicô vượt qua bài thử thách thứ hai, nghĩa là dùng dấu ấn chính trị của mình như thế nào cho có ý nghĩa.
Hôm qua, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại Vatican tưởng niệm 100 năm vụ diệt chủng người Armenia, trong đó 1triệu rưỡi người Armenia đã bỏ mạng trong tay người Thổ, mà Thổ Nhĩ Kỳ lại nhất quyết đây chỉ là thương vong do cuộc nội chiến mà thôi.
Và trước lễ kỷ niệm này, Đức Phanxicô bi kẹt giữa hai việc phải làm: Lên án vụ diệt chủng Armenia, con sóng đầu cho đợt lũ bách hại bài Kitô giáo, nhưng trong lúc đó không ghẻ lạnh một quốc gia quan trọng có tiềm lực hiện đại hóa trong thế giới Hồi giáo.
Các nguồn tin Vatican cho hay, trước thánh lễ ngày chúa nhật, giáo hoàng có vẻ đã không dùng đến từ ‘diệt chủng’ cho dù trước đó ngài đã từng nói đến, và từ này cũng đã được thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI dùng đến.
Đức Phanxicô biết chuyện gì đang căng thẳng. Khi ngài đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Erdoğan đã đưa ra một thỏa thuận: Cha chống lại tâm thức bài Hồi giáo ở phương Tây, và tôi sẽ bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông. Đây là một trao đổi tiềm năng, và Đức Phanxicô có lẽ không muốn hi sinh điều này vì một chuyện ầm ĩ ngoại giao có thể tránh được.
Mặt khác, Đức Phanxicô đã ngày càng lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc bách hại bài Kitô giáo. Ngài đã giận dữ lên án thế giới đang ‘cố gắng che đậy’ đau khổ của các Kitô hữu, và ngài thậm chí đã phá vỡ lập trường điển hình của Vatican là không can thiệp quân sự vào Trung Đông, để ủng hộ dù cho hạn chế việc sử dụng vũ lực để chống lại ISIS.
Nếu Đức Phanxicô không thể nói thẳng thắn trong lễ kỷ niệm cuộc tàn sát Kitô hữu hàng loạt đầu tiên trong thế kỷ XX, thì các tín hữu ở nơi vùng lửa đạn ngày nay sẽ hoài nghi về quyết tâm của giáo hoàng.
Có lẽ người ta lập luận rằng, hành động bạo dạn thực sự của Đức Phanxicô chính là sự thận trọng, chơi cuộc chơi dài với người Thổ hơn là chiều theo cảm xúc mà chỉ thẳng tận mặt. Việc Đức Phanxicô chủ tế thánh lễ tưởng niệm cho thế giới thấy rằng ngài đã không quên những gì diễn ra cách đây 100 năm.
Trong bất kỳ sự kiện nào, đều thật tuyệt khi được chứng kiến cách Đức Phanxicô xoay xở giữa tình huống tiến thoái lưỡng nan.
Bài thử thách thứ hai của ngài là ở Hoa Kỳ, trước lời tuyên án dành cho Dzhokhar Tsarnaev, thủ phạm vụ đánh bom cuộc đua marathon ở Boston. Bị cáo bị cáo buộc là có tội theo 30 điều, và trong đó có đến 17 điều kết án tử hình.
Tòa đã đến hồi tuyên án, và các lãnh đạo Công giáo mọi tầm mức đều có áp lực phải đưa giáo lý Giáo hội về án tử hình để tác động lên kết quả vụ này.
Dẫn đầu với hồng y Sean P. O’Malley của Boston, các giám mục Massachusetts đã lên tiếng về vụ Tsarnaev rằng:
‘Bị cáo đã được vô hiệu hóa, và sẽ không bao giờ có khả năng gây hại nữa. Do đó, chúng tôi, các giám mục Công giáo của Massachusetts, tin rằng xã hội tốt hơn không nên dùng đến án tử hình.’
Đức Phanxicô cũng lên tiếng đồng cảm.
Chỉ cách đây 3 tuần, ngài đã gọi án tử hình là ‘tàn ác, phi nhân và hạ thấp nhân phẩm’ và nói rằng đây là điều ‘không thể chấp nhận được’ bất chấp tội ác đó có tàn bạo đến đâu chăng nữa.
Giáo hoàng đã lên án ‘thời gian chờ đợi giữa lúc bị tuyên án đến lúc lên đoạn đầu đài’ và xem đây là một ‘tra tấn’ vốn thường kéo dài nhiều năm, chờ đợi cái chết của mình, khiến cho người ta quẫn trí đến điên rồ.’
Đức Phanxicô biết rằng án tử hình là điều đang gây tranh cãi ở Hoa Kỳ, và Giáo hội Công giáo Hoa Kỳ đang có chiến dịch mạnh mẽ để chống lại án này. Với chuyến công du vào tháng 9 tới, đây có thể là thời điểm mà thận trọng có lẽ tốt hơn liều lĩnh.
Mặt khác, đây cũng là cơ hội để Đức Phanxicô cho thấy ngài nghiêm túc về án tử hình, khi lên tiếng nói những điều mà ngài biết rõ là nhiều người Mỹ, kể cả trong đàn chiên của ngài, sẽ không muốn nghe.
Trước đây đã có những tiền lệ về việc giáo hoàng can thiệp vào các vụ án tử hình ở Hoa Kỳ. Năm 1999, giáo hoàng Gioan Phaolô II đã thỉnh cầu Thống đốc Mel Carnahan của Missouri tha mạng cho tội phạm Darrel Mease, người được lên lịch sẽ bị xử tử trong thời gian giáo hoàng ở St. Louis. Sau đó, Carnahan được đổi thành án chung thân.
Hai bài thử thách này sẽ cho chúng ta thấy liệu Giáo hoàng Phanxicô có khôn ngoan trong viêc dùng vốn chính trị của mình như khi ngài tích lũy hay không.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch