Can đảm, cầu nguyện, và khiêm nhượng. Đây là những con đường để nhận ra những “người truyền tin” vĩ đại, những người đã giúp Giáo hội lớn lên trong thế giới, những người đã đóng góp vào đặc tính truyền giáo của Giáo hội. Đây là lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 14-02 tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, trong lễ nhớ thánh Cyryl và Methodius, những vị thánh bổn mạng của Châu Âu.
“Cần có những “người gieo Lời Chúa” những nhà truyền giáo, những người truyền tin thực sự để làm nên Dân Chúa, như thánh Cyril và Methodius, những chứng nhân can đảm của Chúa, những người làm cho châu Âu mạnh mẽ hơn. Và cha thấy có ba nhân cách của một sứ giả loan báo Lời Chúa.
Đầu tiên là sự thẳng thắng, bao gồm cả mạnh mẽ và can đảm.
Không thể rao giảng Lời Chúa theo kiểu một lời đề nghị “nếu anh chị thấy thích…” hay theo kiểu một ý niệm luân lý hay triết lý, “anh chị có thể sống như thế này…” Không! Rao giảng Lời Chúa khác thế. Cần phải rao giảng với sự thẳng thắn, với động lực, để Lời “xuyên thấu đến tận xương tủy” như lời thánh Phaolô đã nói. Phải rao giảng Lời Chúa với sự thẳng thắn, mạnh mẽ, can đảm. Người không có can đảm, thì không say mê Chúa Giêsu. Anh chị em có thể nói lên được vài điều thú vị, vài điều đạo đức, vài điều tốt đẹp, nhân văn, nhưng đó không phải là Lời Chúa. Và những lời như thế không thể làm nên Dân Chúa. Chỉ có Lời Chúa được rao giảng với can đảm, mới có thể làm nên Dân Chúa.
Đặc tính thứ hai, chính là cầu nguyện.
Lời Chúa cũng phải được rao giảng với lòng cầu nguyện. Luôn luôn là thế. Không có cầu nguyện, anh chị em có thể có những hội nghị hay, những huấn từ hay. Nhưng đó không phải Lời Chúa. Lời Chúa chỉ có thể đến từ một tâm hồn cầu nguyện. Cầu nguyện để Chúa đồng hành với mùa gieo hạt giống Phúc âm, để Chúa tưới nước cho hạt giống đó lớn lên. Phải rao giảng Lời Chúa với lòng cầu nguyện.
Đặc tính thứ ba là khiêm nhượng.
Trong Phúc âm, Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi “như chiên vào giữa bầy sói.” Người rao giảng đích thực là người biết rằng mình yếu đuối, biết không thể tự mình tự vệ. Và cha nhớ đến một câu có lẽ của Chrysostom, nói rằng: “Nhưng nếu không ra đi như chiên, mà như sói vào giữa bầy sói, thì Chúa sẽ không bảo vệ cho bạn, bạn sẽ tự lo cho mình.” Khi người rao giảng tin rằng mình quá thông minh, hay cố gắng thể hiện mình khôn lanh, “À, tôi có thể sống được với dân này,” thì mọi chuyện sẽ kết thúc tồi tệ. Và lai có người luôn đem Lời Chúa ra để mặc cả, lấy quyền lực, lấy danh vọng…
Và cha nhớ lại chuyện này. Sau một bài giảng đầy hùng hồn, vị linh mục ngồi tòa giải tội, và gặp được một “con cá lớn” một người có tội trọng, và ông ấy khóc lóc… xin được tha thứ. Và linh mục này bắt đầu thấy lòng đầy kiêu hãnh, tò mò nữa, nên đã hỏi người xưng tội xem lời nào đã đánh động người đó đến mức ông xúc động ăn năn hối tội. Ông này trả lời, “Là khi cha nói, ‘ta chuyển sang đề tài tiếp theo nào’.” Cha không biết chuyện này có thật không, nhưng chắc chắn là anh chị em sẽ có kết cục tồi tệ nếu rao giảng Phúc âm mà cảm thấy tự hào về mình, không ra đi như con chiên mà như con sói.
Giáo hội có đặc tính truyền giáo, và có những người loan tin vĩ đại đã giúp Giáo hội lớn lên trong thế giới. Họ là những con người can đảm, cầu nguyện và khiêm nhượng. Nguyện xin thánh Cyril và thánh Methodius giúp chúng ta loan báo Lời Chúa theo nhưng tiêu chuẩn này, một cách can đảm, với lòng cầu nguyện và tinh thần khiêm nhượng như hai ngài đã loan báo.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng