Ghada Hatem-Gantzer, người tái tạo lại cho các phụ nữ

147

la-croix.com, Lauriane Clément, 2016-09-29

Trưởng khoa sản ở bệnh viện Saint-Denis, bà Ghada Hatem-Gantzer là bác sĩ phụ khoa đấu tranh chống nạn bạo hành tình dục.  Tháng bảy vừa qua, bà Ghada Hatem-Gantzer khánh thành «nhà phụ nữ».

Phải mất ba năm, bà Ghada Hatem-Gantzer mới lên được cơ cấu cho công thức săn sóc ngoại lệ dành cho các phụ nữ bị cắt âm hộ hay nạn nhân các vụ bạo hành vợ chồng.

Bà Ghada Hatem-Gantzer 56 tuổi, có bộ tóc dày, mắt xanh sáng và có dáng người bắt mắt. Nồng nhiệt và nói thẳng, bà là trưởng khoa sản ở bệnh viện Delafontaine (Saint-Denis), bà thoải mái linh động giữa lần hẹn này lần hẹn kia.

Bà kiệt sức, công việc tràn ngập nhưng không muốn tỏ ra cho người khác thấy. Bà dùng tay gạt điện thoại cầm tay, chiếc điện thoại reo không ngừng. Bà kể không mệt mỏi câu chuyện của các phụ nữ đến gõ cửa văn phòng bà mỗi ngày. Các nữ bệnh nhân thuộc đủ mọi quốc tịch, bị hiếp, bị ép lập gia đình, thậm chí bị cắt âm hộ, họ bỏ xứ sở ra đi trong hy vọng có một đời sống tốt hơn ở Pháp. «Nhưng không một ai lo cho họ, họ không còn được bảo vệ ở đây», bà xác nhận.

Nghĩ ra một chỗ cho các phụ nữ bị tổn thương

Sự ghi nhận này không khởi đi từ một sự dấn thân chiến đấu. Bà bác sĩ sản khoa lại cũng không xem mình là người «bênh vực nữ quyền» nhưng vì ở gần các sản phụ bị cắt âm hộ – chiếm 14 đến 16% trên tổng số 4000 phụ nữ đến khoa sản của bà -, nên bà quyết định bảo vệ cho họ.

Trước hết, cách đây một năm, bà lập một phòng khám trong bệnh viện chuyên sửa các vụ bị cắt xén âm hộ và dần dần, ý định mở một «nhà phụ nữ» để lo cho tất cả các nạn nhân bị bạo hành tình dục chín muồi trong đầu bà. Một căn nhà ở ngoại biên bệnh viện, nơi mỗi bệnh nhân được lắng nghe, được săn sóc.

Được khánh thành vào tháng 7 vừa qua, căn nhà có cơ cấu ngoại lệ này gồm các bác sĩ, các cán sự xã hội, tâm lý gia, luật gia, nhà tư vấn về vấn đề vợ chồng và về vấn đề tình dục. Các chuyên gia chuyên ngành để chữa về thể lý cũng như tâm lý cho các phụ nữ, để ý đến từng câu chuyện và các chấn thương của họ. «Sứ mệnh của bệnh viện có thể trải rộng ra về mặt tâm lý và giáo dục nếu cần. Bệnh viện phải thích ứng với người dân chứ không phải ngược lại», bà Ghada Hatem nhấn mạnh với nhóm của mình.

Thuyết phục không ngừng

Con đường không ngơi nghỉ trước khi thành lập xong dự án. Ba năm trời bà Ghada Hatem cố thuyết phục để xây căn nhà và tìm nguồn trợ cấp tài chánh. Bây giờ khi có giờ rãnh, bà vẫn còn tổ chức các sự kiện từ thiện hay gặp các tổ chức, vì bà còn nợ 100 000 € phải trả.

Bà có một năng lực phi thường, bà đi từ lãnh vực từ thiện qua «khám phụ khoa» không cần chuyển tiếp! Bà cười, «tôi đến từ Liban, tôi siêu thích ứng, người ta có thể vứt tôi bất cứ đâu!».

Bà xuất thân từ gia đình quý tộc kitô người marônít, năm 18 tuổi bà qua Pháp vừa để trốn chiến tranh, vừa để học y khoa. Quá khứ này in dấu sâu đậm trong đời bà, không thể nào phai. Bà cho biết: «Tôi biết thế nào là bị bứng gốc, khi nào tôi cũng sợ cho đời sống của mình và của người thân. Tôi 6 tuổi khi chiến tranh Sáu Ngày xảy ra. Nó làm cho mình ý thức ngay thế nào là sự ngắn ngũi của thời gian.»

Không ngừng cải thiện cái gì có thể cải thiện

Kỳ thực tập đầu tiên môn sản khoa là một khám phá mới của bà. Bà nói: «Tôi chứng kiến vụ sinh đẻ đầu tiên và tôi tự nhủ: “Như thế sao?” Một vụ sinh ra là một vụ kỳ diệu, một cái gì bắt đầu». Và thế là bà quyết định: bà sẽ là bác sĩ phụ khoa. Từ đó, không có nơi nào bà làm việc qua mà không để lại dấu vết của bà. Bất cứ đâu, bà cũng có thể cải thiện cái gì có thể cải thiện.

Một nét đặc biệt bà giống cha của bà, một cựu kỹ sư mê thơ. Bà thố lộ: «Ông có cái đầu để trên mây, ông dạy cho tôi phải tự suy nghĩ bằng chính mình, và mọi sự phải đặt lại vấn đề». Chẳng hạn ở bệnh viện quân sự Bégin de Saint-Mandé (Val-de-Marne), bà cố đưa bằng được các người cha vào phòng sinh.

Bà cũng làm cho guồng máy khổng lồ của bệnh viện Saint-Denis nhúc nhích. Không những bà xây «nhà phụ nữ», bà còn đưa vào đào tạo một cách có hệ thống ê-kíp y khoa để dò tìm các phụ nữ bị đánh đập. Với một ít ganh tị, nhiều người cho bà là «máy húc». Bà biết nhưng bà không buông bỏ, bà muốn có «kết quả». «Tôi như con mối nhỏ đào cái lỗ của mình. Nếu người ta đóng cửa, tôi ra bằng cửa sổ, nếu không có tiền, tôi không ngần ngại xăng tay vén áo», bà nói. Dù gặp khó khăn như thế nào, cảm nhận mang lại «một hạt gạo nhỏ» giúp bà đứng vững.

Tấm gương của bà: Giáo sư Jacques Chavinié

«Giáo sư Jacques Chavinié là một trong các bác sĩ mà tấm gương nhân đạo của ông đã tác động đến tôi rất nhiều. Ông là bác sĩ trưởng khoa sản ở Bệnh viện Vinh Sơn, Paris khi tôi làm nội trú sinh ở đó. Ông chỉ cho tôi cách tiếp xúc với bệnh nhân và dạy cho tôi phải đặt nhu cầu của bệnh nhân lên trên hết, trên chính cả hệ thống. Khi tôi đã rời trường học, tôi vẫn còn liên lạc với giáo sư. Ông chết vì đứt mạch máu năm 2004, một thời gian ngắn sau khi ông nghỉ hưu. Như thử ông không thể nào sống nếu không còn làm việc. Ông là cả một tấm gương cho tôi.»

Marta An Nguyễn chuyển dịch