Nigel Baker, Đại sứ Vương Quốc Anh tại Tòa Thánh
Viết trên blog cá nhân của mình, ngày 13 tháng Ba 2015
Với đôi chút ngạc nhiên, tôi chỉ vừa nhận ra rằng chúng ta đang mừng 2 năm kể từ ngày bầu lên Giáo hoàng Phanxicô, giáo hoàng đầu tiên đến từ Tân Thế giới. Có vẻ hơi khuôn sáo, nhưng thật sự là dường như chỉ mới ngày nào đây, tôi cùng với tất cả mọi người, đang chờ khói trắng bốc lên từ ống khói trên mái Nhà nguyện Sistine, sau cú sốc Giáo hoàng Bênêđictô quyết định rút lui.
Có một thiên tư đặc biệt đối với bất kỳ thể chế cổ xưa nào, đó là khả năng tự tân tạo để phản ứng với hoàn cảnh đương thời. Tòa Thánh đã chuyển mình vô số lần trong suốt lịch sử hàng ngàn năm. Và ở Jorge Mario Bergoglio, các hồng y trong Mật nghị Hồng y đã tìm được một lãnh đạo giúp cho Tòa Thánh thích ứng với các thách thức của thế kỷ XXI. Giáo hoàng Phanxicô có vẻ bình tâm trước những luồng chỉ trích như về sự chuyển vần cán cân từ Giáo hội ở châu Âu đến Giáo hội của một thế giới rộng lớn hơn, và cả trước những đòi hỏi tham lam của truyền thông quốc tế đang thiết tha cần đến những nhân vật lãnh đạo toàn cầu có uy quyền.
Tất cả đã có 2 năm bận rộn. Đây là một giáo hoàng không có kỳ nghỉ, người đã công du nhiều hơn kỳ vọng của bất kỳ ai (và có lẽ cũng nhiều hơn cả dự tính của ngài) – Brazil, Sri Lanka, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel và Palestine, Jordan, Strasbourg và Sardinia, Assisi và Albania. Ngài là người đã mở ra chương trình cải tổ và đổi mới toàn diện Giáo triều Roma kể từ sau Công đồng Vatican II và đã chủ trì một động năng mới trong dấn thân ngoại giao của Tòa Thánh, từ quan hệ Hoa Kỳ-Cuba cho đến biến đổi khí hậu. Ngài được chú ý lắng nghe, không chỉ trong người Công giáo mà còn cả những người không Công giáo cũng vậy. Các lãnh đạo thế giới nối nhau đến gõ cửa ngài.
Và, như tất cả giáo hoàng hiện đại khác, Giáo hoàng Phanxicô cũng là một nhân vật phản văn hóa sâu sắc. ‘Jorge Mario Bergoglio là ai?’ đây là câu hỏi trong buổi phỏng vấn chính đầu tiên của ngài. Và ngài trả lời, ‘Tôi là một người có tội.’ Các hồng y đầu phiếu đã tìm cho ra một lãnh đạo dẫn dắt Tòa Thánh vào thế kỷ mới. Nhưng họ còn tìm ra được một người hoàn toàn bác bỏ những khía cạnh xấu của thế giới này, như chủ nghĩa cá nhân, thói tham lam, sự lãnh đạm. Khi mang lấy tinh thần khiêm nhượng, nghèo khó, đường thiêng liêng và sự đơn sơ của vị thánh thành Assisi, Giáo hoàng Phanxicô, lãnh đạo mạng lưới quyền lực mềm lớn nhất thế giới, đã giúp nhắc cho chúng ta nhớ rằng Tòa Thánh, dù với đủ mọi vấn đề trần tục của mình, vẫn đồng hành với chúng ta ngày nay.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch