illustre.ch, Arnaud Bédat, 2016-06-29
Thứ sáu 24 tháng 6, giữa Rôma và Erevan, trước khi nói chuyện với từng ký giả trên máy bay, Đức Phanxicô ứng khẩu vài lời về Brexit, (Nước Anh ra khỏi khối Liên hiệp Âu châu), mà kết quả vụ bỏ phiếu vừa được biết cách đó vài phút.
Đây là lần đầu tiên, một tờ báo Thụy Sĩ được bước lên máy bay của Đức Phanxicô. Ký giả Arnaud Bédat của chúng tôi kể những giây phút ưu tiên với Đức Phanxicô trong chuyến đi Armênia của ngài.
«Trọng kính Đức Thánh Cha, con có thể tặng Đức Thánh Cha báo L’illustré, tờ báo con làm việc?» Đôi mắt của ngài dừng lại một lúc ở bìa tờ báo chúng tôi, bìa có hình ngài tươi cười với ông Johann Schneider-Ammann, ngày 7 tháng 5 vừa qua ở Thư viện của Dinh Tông Tòa, Vatican: «Ồ, ông chủ tịch liên bang Thụy Sĩ, ngài nói với một tí tinh nghịch, có, có, cha có nhớ.» Gương mặt của ngài điềm tỉnh và ngài nhìn người đối diện một cách sâu đậm, với cả một tấm lòng nhân hậu. Đức Phanxicô thong thả với từng người, trả lời câu hỏi, ban phép lành cho hình gia đình của một số tùy viên người Ý, nhận thư đưa cho ngài, ký một vài ảnh lưu niệm cho ai xin ngài ký trên một quyển sách, một tấm hình hay trên chương trình chuyến đi Armênia sắp bắt đầu, sau hành trình dài 2895 cây số và ba giờ bay.
Chúng tôi đang ở trên độ cao 11 000 mét giữa Rôma và Erevan, thủ đô Armênia nơi Đức Giáo hoàng Argentina đi chuyến đi thứ 14 của mình ra khỏi Rôma, kể từ khi ngài được bầu chọn, 13 tháng 3-2013. Được ở trên chuyến Airbus A321 của hãng hàng không Alitalia, giữa khoảng sáu mươi ký giả và nhiếp ảnh gia toàn cầu, vừa là một ưu tiên và cũng phải thú nhận, vừa là cả một phép lạ. Thánh của các thánh, tột đỉnh của nghề, cái chỗ mình phải ở (the place to be) mà mọi phóng viên đều mơ ít nhất có được một lần trong đời, chuyện này phải chuẩn bị từ lâu, và đương nhiên phải mặc áo giáp kiên nhẫn, phải chứng tỏ mình khăng khăng kiên trì bám trụ. Các chỗ trên máy bay thì hiếm, những chỗ được mọi người thèm muốn và mỗi chuyến đi, khoang máy bay được dành cho các «vaticaniste» (các tùy viên, ký giả, nhiếp ảnh viên) quen thuộc, những người gần như đã «thuê bao trọn đời» cho mỗi chuyến đi giáo hoàng. Với các tân binh, Vatican ban phước rất nhỏ giọt. Được là tân trúng cử vào «Câu lạc bộ Bạch kim Giáo hoàng ‘club Pontifex Platinium’», nếu tôi dám nói như vậy, là cả một vinh dự đáng được nhận. Nhưng cũng từa tựa như khi ra trận lần đầu.
Ký giả, những kẻ tội lỗi khốn khổ này…
Vì thuộc gia đình nhỏ của chuyến bay giáo hoàng là đi vào trong một vũ trụ ngoài thời gian, với những mã quy tắc phải tôn trọng luật lệ và cách dùng, luôn có những chuyện không nói ra và không bao giờ viết – ngoài cam kết chính thức và mình phải ký, tôn trọng lệnh cấm lưu hành các bài diễn văn, bài giảng, bài phát biểu của giáo hoàng, các bài này đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ và được đưa trước cho ký giả vài giờ trước. Như một loại kén, với cái nóng làm dịu lòng, với vẻ bên ngoài thư thả, giữa đoàn nghỉ hè chọn lọc và phe cánh rất kín cổng, nơi mỗi người giữ các ưu tiên của mình. Giống như một loại sân khấu lót êm, nơi mỗi người đóng vai trò của mình, giữa những người mới đến và những người sắp ra đi (chuyến bay cuối cùng của ký giả ưu tú Jean-Louis de La Vaissière, của hãng AFP với ngòi bút tuyệt vời, ông sắp hết hợp đồng), với một đoàn các nhân vật khác nhau (từ ký giả lão thành thiện cảm của hãng thông tấn Nga Tass, một người quen thuộc với các chuyến bay giáo hoàng, đến cô tân ký giả duyên dáng của CNN ở Vatican, cô vừa mới nhận chức, cũng có một hố nho nhỏ), các sự giúp đỡ rộng lượng giữa các đồng nghiệp, các luồng tin, các dự án tốt đủ loại chỉ dẫn cho nhau, nhưng đôi khi các ti tiện, các phản bội nho nhỏ là chuyện thường tình. Vì các ký giả đương nhiên cũng là những kẻ có tội. «Trời rất lạnh ở Armênia», một chủ biên này nói với một chủ biên kia. «Bạn chắc không? Tôi, tôi thấy trời rất nóng thì đúng hơn.» Nghi ngờ nhanh chóng được xóa tan: trên bản tin thời tiết iPhone của ông, ông lầm Armênia với… Colombia! Cười bò cả dãy ghế.
Từng sự việc, từng cử chỉ được xem xét
Được ở trên chuyến bay đặc biệt của hãng hàng không Alitalia, luôn mang số AZ4000 khi đi và AZ4001 khi về, là bảo đảm luôn được ở gần giáo hoàng và đoàn thân cận trực tiếp của ngài: các giám mục và các tổng giám mục, trong đó có Tổng Giám mục Phụ tá Quốc vụ khanh Angelo Becciu, người tế nhị và tinh nghịch, nếu có thể nói, ngài là nhân vật số 3bis của guồng máy Quốc gia Tòa Thánh, có quản gia nhân vật số 3 bis, có quản gia Pierluigi Zanetti, người không tránh đi đâu được vì luôn ở bên cạnh giáo hoàng, đoán từng cái nhíu mày của ngài. Và dĩ nhiên ban cận vệ riêng của ngài, trong số này có hai cận vệ Thụy Sĩ, một trong hai là ông Philippe Morard, chỉ huy phó, ông bảo vệ sát ngài trong từng giai đoạn khác nhau của chuyến đi. Trên máy bay, Đức Giáo hoàng luôn luôn ngồi ở hàng đầu, như một người khách bình thường.
Vào chỗ, mỗi hãng tin không thể chia sẻ tất cả. Luật vàng là luôn tối đa ở nhiều nơi có thể. Có những «đồng minh» có thể thương thuyết. Một vài sự kiện có số chỗ hạn chế: như vậy phải chờ và hy vọng được tuyển chọn theo thiện ý của Sala Stampa della Santa Sede (văn phòng báo chí Tòa Thánh) được linh mục nhã nhặn Lombardi điều khiển, một tu sĩ nói nhiều thứ tiếng, rất thẳng thắn, có lối nói biện chứng rất Dòng Tên, có tài đối xử toàn vẹn. Huy hiệu hợp lệ – không những cho cá nhân mà cho cả hành lý được đưa trực tiếp lên phòng khách sạn – hai nơi đến quý báu («địa phương» ở Armênia và ở Tòa Thánh), không bao giờ đi lạc, cho một tiếp cận đặc biệt và duy nhất của hình ảnh thiêng liêng được yêu mến nhất và cực mạnh nhất thế giới. Chúng tôi thấy giáo hoàng sống, gần như nghe tiếng thở của ngài. Từng sự việc, từng hành vi của ngài có thể phân tích, có thể xem kỹ. Và cuối cùng, cứ quan sát ngài không ngừng, người ta có thể khẳng định đã tìm được lòng nhân hậu, chiều sâu thiêng liêng và nét tinh nghịch đặc nét của cựu Tổng giám mục Buenos Aires này. Ngài vẫn giữ con người cũ của mình, quan tâm đến người này người kia, trả lời và an ủi, có thể bị lôi cuốn hoặc bực mình vì một chi tiết nhỏ, phản ứng nhanh với rất nhiều năng lực, đôi khi ngẫu nhiên để lọt vài câu nhỏ, một cách gần như trực giác nhưng luôn luôn suy nghĩ chín chắn.
«Diệt chủng», chữ được mong chờ
Trong chuyến đi Armênia, cứ mỗi lần Đức Phanxicô xuất hiện là mỗi lần ngài tạo một sự kiện. Chuyến đi ba ngày ở vùng đất Caucase phía Nam, một vùng đầy căng thẳng và có nhiều xung đột chưa được giải quyết – Vùng Cao Karabagh mà năm 1923 thuộc về Azerbạdjan nhưng bây giờ Armênia chiếm và cho là của mình, đã là đề tài đấu tranh không ngừng. Ban an ninh của ngài đôi khi phải chiến đấu một chút với hiến binh địa phương, họ ngăn ngài không đến gần giáo dân. Với chuyến đi đầu tiên ở Armênia này, nước tự hào đã nhận kitô giáo làm quốc giáo từ năm 301, nhưng bây giờ lại bị lọt giữa các cường quốc hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, Đức Giáo hoàng, con người của hòa bình, không đầu hàng sứ mệnh của mình. Ngài kêu gọi người Armênia và người Thổ phải xây dựng hòa bình, nhưng ngài cũng tố cáo nạn tham nhũng và các bất bình đẳng xã hội làm gây phá hoại cho nước cựu cộng hòa xô viết này. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, ngoài các tiên đoán, ngài đã tuyên bố chữ «diệt chủng», chữ không có trong tài liệu chính thức, trong bài diễn văn ở dinh tổng thống và trước ngoại giao đoàn. Ở phòng báo chí, nhiều ký giả đã bày tỏ niềm vui của họ và họ đã vỗ tay.
Thả chim bồ câu
Chiều chúa nhật, máy bay hãng Alitalia chờ ở phi trường Erevan, với phong cảnh thật đẹp ở núi Ararat, mà đỉnh núi tuyết còn phủ. Dự trù máy bay cất cánh lúc 18 h 30 giờ địa phương. Khi đó giáo hoàng còn ở xa đó, ngài ở đan viện Khor Virap, một đan viện cách biên giới Thổ vài trăm mét để thăm một trong những nơi thiêng liêng nhất của nước Armênia và để cùng với Đức Thượng phụ Karekine II thả hai con chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình. Khi đó các ký giả đã lên máy bay A321 trong mất trật tự nhưng lại có tổ chức! «Khi nào cũng chiến đấu một chút để có chỗ tốt», một tùy viên đặc biệt giải thích ở dưới chân cầu thang máy bay. Nửa đúng nửa sai: đa số các ký giả thích ngồi đàng sau máy bay hơn là ngồi đàng trước, quá gần giáo hoàng, để họ được yên tỉnh viết bài, dán mắt trên máy vi tính, các «bản tin» sẵn sàng gởi đi khi máy bay hạ cánh xuống Rôma.
Brexit, người đồng tính…
Đương nhiên giây phút được mong chờ nhất là buổi họp báo truyền thống của Đức Phanxicô, thường thường hứa hẹn có những câu tuyên bố mạnh. Nó sẽ không thiếu và vài giờ sau sẽ lan đi trên toàn thế giới. Còn mệt, Đức Phanxicô cầm máy vi âm và nói sứ điệp và các suy tư sâu đậm của mình. Trước hết về Âu châu: «Các cây cầu thì tốt hơn là các bức tường. Bước đi mà Liên hiệp Âu châu phải bước qua, để tìm lại sức mạnh mà nó từng biết qua gốc rễ của mình, là một bước đi sáng tạo và «tách rời lành mạnh». Có nghĩa là có nhiều độc lập hơn, có nhiều tự do hơn cho những nước trong Liên hiệp Âu châu, nghỉ đến một «hình thức mới của liên hiệp.» Sau đó ngài nói về các người đồng tính: «Chúng ta là ai mà phán xét họ? Tôi nghĩ Giáo hội phải xin lỗi các người đồng tính vì đã xúc phạm họ, nhưng Giáo hội cũng phải xin lỗi các người nghèo, các phụ nữ bị bỏ rơi, những người trẻ không có việc làm và đã ban phép lành bao nhiêu là vũ khí. Giáo hội phải xin lỗi, vì Giáo hội là thánh thiện và những kẻ có tội là chúng ta, chúng ta, các kitô hữu!» Và về Đức Bênêđictô XVI: «Chúng ta có một người ông minh triết ở nhà, đó là một ơn ban. Khi tôi nói như vậy, ngài cười! Tôi không bao giờ quên bài diễn văn ngài đọc trước các hồng y ngày 28 tháng 2-2013: «Trong số quý vị đây có người sẽ kế nhiệm tôi, tôi hứa giữ đức vâng lời», và ngài đã thực hiện. Rồi, tôi nghe nói, nhưng tôi không biết có thật không, là có vài người đến than phiền với ngài về tân giáo hoàng, ngài đuổi họ đi! Đó là cách tốt nhất, cách của người vùng bavarois, Đức, cách giáo dục, và ngài đã đuổi họ đi…» Về chữ «diệt chủng»: «Tôi không dùng chữ «diệt chủng» theo nghĩa xúc phạm. Đó là một sự kiện khách quan.»
«Tôi còn nhớ văn hóa của Buenos Aires, khi tôi còn nhỏ, văn hóa công giáo khép kín, tôi đi…» ngài còn nói khi nhắc lại sự cứng ngắc trong quá khứ, khi Giáo hội đứng trước các khác biệt, các loại trừ. Rất nhiều lần, trong buổi nói chuyện của ngài, ngài điểm xuyết các ám chỉ về quê cha đất tổ của mình, nhất là khi nói đến nạn diệt chủng ở Armênia, «liên hệ chuyện này với quá khứ Argentina của tôi», và tầm nhìn ngài có từ đó. Như thử, sau ba năm giáo triều và sắp 80 tuổi – ngài vẫn còn thấy thiếu và nhớ. Một chút như rồi sẽ có một chuyến đi sắp gần, một cách da diết…
Marta An Nguyễn chuyển dịch