Các con đường dẫn đến Compostelle: ai là các tân hành hương đến từ Á châu?

493

 

eglasie.mepasie.org, 2016-06-28

Người hành hương

Từ thế kỷ thứ 9, khách hành hương từ toàn Âu châu dồn về trên các con đường của nước Pháp và Tây Ban Nha để đến Saint-Jacques-de-Compostelle, ở Galice, mà theo truyền thống nơi có mộ của tông đồ Chúa Giêsu. Con đường hoàng gia của đức tin ngày xưa, bây giờ con đường này có lại sức sống… và sự nổi tiếng của nó lan tận Á châu. Địa danh hành hương thu hút phần lớn người Âu châu, nhưng bây giờ các con số thống kê cho thấy, số người đi hành hương từ Mỹ và Á châu gia tăng. Họ đến từ Nam Hàn, Nhật, Hong Kong, Singapour, Đài Loan và cả ở Trung quốc lục địa.

Theo hãng tin AsiaNews, năm 2015, có hơn 4000 khách hành hương Nam Hàn đến Saint-Jacques. Bỏ xa họ là khách hành hương Nhật, khoảng 300 người, sau đó là Hong Kong, Singapour và Trung quốc. Các con số này gia tăng từng năm và khách hành hương Á châu đều có nét chung với người Tây phương: còn hơn là đi tìm một chiều kích tôn giáo xác định, các động lực của họ cho thấy họ đi tìm bình an và suy tư nội tâm, thậm chí là sự đi tìm một đường hướng thiêng liêng, nhưng không phải lúc nào thiện hướng này cũng rõ ràng bày tỏ ra.

Vì tầm quan trọng tương đối cao số lượng khách hành hương Nam Hàn, chúng ta có thể nghĩ số kitô hữu trong nước này khá cao (20 % tin lành và 10% công giáo trên tổng số 50 triệu dân), và dĩ nhiên, một số người sẽ lên đường đi Compostelle. Quả vậy, trong só những người Nam Hàn đi Âu châu có người công giáo, họ sốt sắng đi hành hương Lộ Đức, Lisieux, Núi Saint-Michel, Nhà nguyện Ảnh Phép Lạ đường du Bac, Paris; một số người còn muốn đi xa hơn, họ đi bộ trên những con đường đến Saint-Jacques.

Văn chương và loạt phim truyền hình góp phần gia tăng cho sự nổi tiếng của nơi hành hương này. Nhất là tác giả người Ba Tây Paulo Coelho với quyển Nhà Giả Kim (l’Alchimiste), quyển tiểu thuyết rất thành công ở Nam Hàn từ khi quyển này được dịch ra tiếng Hàn quốc năm 2002, và các bài viết về nó đã làm cho nhiều người Hàn quốc lên đường đi Tây Ban Nha. Tác giả đã cảm hứng từ kinh nghiệm hành hương Compostelle riêng của mình để viết về cuộc đời của thanh niên Santiago, anh đi tìm số phận mình và «chuyện đời riêng» của mình trên các con đường của Andalousie và của Ai Cập. «Nếu bạn nghe quả tim của bạn, văn sĩ viết, thì bạn sẽ biết chính xác những gì bạn cần phải làm trên quả đất này.»

Trên các trang mạng xã hội, là những hàng chữ: «Chúng tôi đang ở đây (trên con đường Saint-Jacques) để phiêu lưu và để hoàn tựu». Hoặc: «Tôi quá chán công việc của tôi và tôi cần suy nghĩ». Hoặc: «Tôi cần ở một nơi mà tôi vừa có thể khám phá chính mình và khám phá cái gì đó còn xa lạ với tôi».

«Đây là giây phút đẹp nhất đời tôi. Trước, tôi không bao giờ bỏ thì giờ ra để ngừng, để hướng về nội tâm. Cả cuộc đời nghề nghiệp của tôi, tôi không có lấy ba ngày nghỉ hè», nữ ký giả Suh Myung-sook thổ lộ, bà bỏ việc là chủ biên một tờ báo nổi tiếng của Nam Hàn để đi Saint-Jacques. «Đây là dịp đi 800 cây số vừa đi vừa gặp gỡ giữa nước Pháp và nước Tây Ban Nha».

Khi về nước, bà lấy mẫu các con đường Compostelle, năm 2007, bà thành lập hàng hai chục con đường đi bộ ở Cheju, một đảo ở phía nam, địa danh du lịch được nhiều người biết. Được đặt tên là «các con đường Olle», những con đường này đi theo các ngôi làng, nhiều khi rất hẻo lánh, khách hành hương có thể gặp người dân đảo và ăn thức ăn địa phương. Năm 2011, nơi này đã lôi cuốn gần 1 triệu người đi bộ.

Người Hàn quốc không phải là những người Á châu duy nhất đi trên các con đường Saint Jacques này. Có một nhóm hàng trăm sinh viên Đại học công giáo Fu Jen ở Đài Loan hiện đang chuẩn bị lên đường đi Compostelle. Ken Chen, người tổ chức cho nhóm là người mê cuộc hành hương này, anh thử giới thiệu cuộc hành hương này cho các giáo dân qua các trang mạng xã hội. «Các con đường Saint-Jacques sẽ làm bạn lớn lên, sẽ dẫn bạn đến gặp những người mà bạn chưa bao giờ nghĩ mình có thể gặp và họ làm thuận tiện cho quan hệ riêng tư hơn với Chúa». Linh mục Zhao Jianmin, thuộc địa phận Bắc Kinh ở Trung quốc lục địa khuyến khích công việc của anh Ken Chen, và cha cũng thử giới thiệu cuộc hành hương này qua sách vở và các trang blog.

Trong những xứ mà các cộng đoàn công giáo rất thiểu số (1% ở Nhật, ở Trung quốc còn ít hơn), chỉ có các kitô hữu mới để ý đến các cuộc hành hương này. Ngoài khía cạnh tôn giáo của cuộc hành hương còn có việc đi tìm một hình thức linh đạo, một sự biến đổi nội tâm, một sự vươn lên chính mình, không nói đến khía cạnh thiên nhiên và tình bạn sẽ có được trên đường đi, đã thúc đẩy người Á châu vượt 10 000 cây số máy bay để đi bộ từ le Puy-en-Velay hay Saint-Jean-Pied-de-Port đến Compostelle.

Dù vậy, ở Á châu cũng có những tổ chức hành hương có từ lâu. Chẳng hạn, ở Nhật có hành hương 88 chùa Phật giáo ở đảo Shikoku, nơi hành hương này cũng lấy lại sức sống mấy năm gần đây. Trung bình mỗi năm có có 500 000 người đi hành hương (240 000 người đi  Compostelle năm 2014), nhưng rất hiếm người đi bộ, họ thích đi xe đạp, xe hơi hay xe buýt. Sự thành công lớn mạnh của người Á châu đi hành hương Compostelle là điều không chối cãi.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch