«Chú giái Kinh Coran, một ván bài mấu chốt giữa Phương Tây và thế giới hồi giáo»

198

Nhà hồi giáo học người Ai Cập Samir Khalil chờ một bước «cụ thể» của Đại học Al-Azhar để hòa giải hồi giáo với thế giới hiện đại.

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2016-06-01

Đại học Al-Azhar

Một tuần sau của gặp gỡ của Đức Phanxicô và Đại Imam của trường Đại học Al-Azhar, Ahmed Mohammed al-Tayeb, gom lại tất cả các điều kiện để có một cuộc đối thoại lại, linh mục Dòng Tên người Ai Cập Samir Khalil Samir, giáo sư môn hồi giáo học và tư tưởng Ả rập ở Đại học Saint-Joseph ở Beyrouth (Liban) và ở Giáo hoàng Học viện Phương Đông ở Rôma đã bình giải và bối cảnh hóa giai đoạn mới này.

«Tôi tin cuộc gặp gỡ này là một phép lành và các lời của Đại Iman trường Đại học Al-Azhar nói với báo chí Vatican là chân thành và rất hay, phù hợp với ước nguyện sâu xa», chuyên gia về Ai Cập phát biểu trên làn sóng của Radio Vatican cho biết. Tuy nhiên, theo linh mục Samir, một vài khẳng định của Đại Imam  Ahmed al-Tayeb về việc chú giải Kinh Coran cần suy tư thêm, nếu chức sắc cao cấp nhất của hồi giáo sunnit thật sự muốn tiến bộ trong cuộc chiến đấu của mình – và cùng với ông là toàn thế giới, mà ông xin “cùng kết hiệp và thắt chặt hàng ngũ» – để chống nạn khủng bố.

Bạo lực và bất bạo lực trong Kinh Coran

Linh mục Samir không giấu việc mình không hoàn toàn đồng ý với Đại Imam Ahmed al-Tayeb, chức sắc uy quyền nhất của hồi giáo sunnit khi ông nói: «Hồi giáo không dính gì với nạn khủng bố, những người giết người hồi giáo và cũng giết luôn người kitô giáo đã làm sai các bản văn của hồi giáo», ông cũng đã bảo vệ như vậy trước Nghị viện Đức vào tháng ba vừa qua. «Nói hồi giáo là một tôn giáo của chiến đấu hay của lưỡi gươm là tuyệt đối sai, vì chữ «gươm» không phải là một thuật ngữ Coran và nó cũng không được nhắc đến trong Kinh Coran», Đại Iman đã khẳng định như vậy trong một bài diễn văn dài bênh vực cho tôn giáo của mình. Đối với linh mục Samir Khalil Samir, luận cứ này ít «khả dĩ» trong chừng mực mà trong Kinh Coran, người ta thấy cả hai: «vừa bạo lực và vừa bất bạo lực».

Về vấn đề này thì nhà hồi giáo học biết rõ, linh mục đã nghiên cứu và đã viết tác phẩm – Bạo lực và bất bạo lực trong Kinh Coran và trong hồi giáo – xuất bản năm 2007 trong ấn bản Các Tập vở của Kitô hữu Phương Đông, trong thời kỳ phong trào khủng bố Al-Qạda đang lên. «Người ta sẽ không giấu được hai thực tế này», linh mục khẳng định. Ngày nay, «con đường bạo lực mà Nhà nước Hồi giáo Tự xưng chọn đã đi ra khỏi con đường bình thường, đó là chủ nghĩa khủng bố hoàn toàn, nhưng khổ thay, tổ chức khủng bố lại làm nhân danh tôn giáo», nhà hồi giáo học nhấn mạnh. Như thế, đại học Al-Azhar phải nỗ lực cổ động một nền văn hóa gặp gỡ và hòa bình, tạo các chương trình giáo dục để có thể bảo vệ các người trẻ không bị «lệch lạc theo tà phái», thừa nhận rằng «bạo lực là có trong Kinh Coran», và giải thích rằng, «việc dùng bạo lực chỉ giới hạn vào một thời điểm chính xác của Lịch sử, trong các bối cảnh rất chính xác của nó», đây không phải là một luật chung mà bất cứ ai «cũng có quyền áp dụng theo ý họ», và «ngụy Nhà nước Hồi giáo Tự xưng không có quyền xưng cái gì của riêng họ nhân danh hồi giáo, bởi vì vai trò này là duy nhất của các nhà cầm quyền hồi giáo».

Trường Đại học Al-Azhar có những giới hạn của mình

Về vấn đề uy quyền, người hồi giáo không có một «uy quyền tối thượng» để hướng dẫn họ như người công giáo có Giáo hoàng. Trường Đại học Al-Azhar là uy quyền tối cao, chính yếu nhưng không phải là một «thể chế hướng dẫn» có quyền trên tất cả thế giới, linh mục Samir khẳng định. Và đó là «chính vấn đề» của họ. Ngài cũng nghĩ trường Đại học Al-Azhar «đã quá chậm để cung cấp những chỉ dẫn chính xác về cách chú giải Kinh Coran cho ngày nay». Có nhiều khóa học và nhiều bản văn nhằm để có một «định hướng xây dựng hơn», cha cho biết, nhưng nó phải làm sao để «sự giảng dạy cho hàng trăm imam ở đại học này cảm nghiệm thật sự được hòa bình và một cách thức chú giải mới cho Kinh Coran», như hàng ngàn người «hồi giáo tỉnh ngộ» trên toàn thế giới đòi hỏi.

Sự hợp tác khẩn cấp

Trong bối cảnh này, theo linh mục Samir, điều tối thượng là Giáo hội công giáo và cả Phương Tây «hỗ trợ công việc» của trường Đại học Al-Azhar. Linh mục nhắc lại về vấn đề này, «tinh thần hợp tác» ở trong ơn gọi của công giáo, như Đức Giáo hoàng chứng tỏ cho chúng ta thấy mỗi ngày. Tuy nhiên, linh mục thú nhận trên lãnh vực này, ngài không hiểu vì sao một vài người cho rằng Đức Phanxicô «quá yếu mềm trong các sáng kiến để chống nạn khủng bố và bạo lực», trong khi không có một con đường phúc âm nào khác con đường «kết tình bằng hữu với người hồi giáo và giúp họ như người anh em, như người tín hữu của Chúa».

Đối với linh mục Samir, bước đi thành tựu của Đức Giáo hoàng và Đại Iman chắc chắn là bước đi đúng hướng. Cần phải giúp trường Đại học Al-Azhar đi đến một «sự thay đổi thật sự» về việc chú giải các bản văn thiêng liêng hồi giáo, một cách chú giải đã có từ thế kỷ 14. Cũng như chúng ta người công giáo «chúng ta đã không chú giải theo nghĩa đen một vài bản văn trong Cựu Ước nói về bạo lực và chiến tranh nhân danh Chúa, nhưng chú giải theo một bối cảnh khác»,  hiểu rằng một bản văn, nếu không muốn bị lệch lạc, thì «luôn phải được hiểu trong bối cảnh của nó», linh mục kết luận.

Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch