Cuộc phỏng vấn Đại Iman Al-Azhar sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô

293

Radio Vatican, 2016-05-24

Pope Francis welcomes Sunni Muslim leader to Vatican

Sau khi gặp Đức Phanxicô ở Dinh Tông Tòa sáng thứ hai 23 tháng 5-2016, Đại Iman Imam của trường Đại học Al-Azhar ở Cairo, giáo sư  Ahmed al-Tayeb đã dành cho Radio Vatican một cuộc phỏng vấn độc quyền diễn ra ở tư dinh đại sứ Ai Cập ở Tòa Thánh. Trong cuộc trao đổi gần bốn mươi phút này, Đại Iman lặp lại ý muốn có một cuộc dấn thân chung của các tổ chức tôn giáo để chống chủ nghĩa khủng bố.

Ký giả Cyprien Viet, trong ban biên tập Radio Vatican tiếng Pháp đã tham dự cuộc gặp này bên cạnh linh mục Jean-Pierre Yammine, phụ trách chương trình Ả Rập của Radio Vatican và ông Maurizio Fontana của báo Osservatore Romano.

Đại Iman nhắc lại các điểm chính của cuộc gặp

Đại Iman Al-Tayeb cám ơn Đức Phanxicô “nồng hậu” đón tiếp ông và phái đoàn, giáo sư Al-Tayeb nhắc lại sự hợp tác giữa Al-Azhar và Vatican là cần thiết để “theo đuổi sứ vụ thiêng liêng của các tôn giáo”, một sứ vụ làm cho “tâm hồn con người được hạnh phúc”. Ngầm nhắc lại ủy ban đối thoại liên tôn giữa Al-Azhar và Vatican đã bị ngưng từ năm 2011, Đại Iman tuyên bố các điều kiện đã được kết hợp để có thể tiếp tục đối thoại.

Đức Phanxicô, “người khổ hạnh từ chối các thú vui nhất thời của đời sống trần tục”

Giáo sư Al-Tayeb rất ca ngợi Đức Phanxicô. “Cảm nhận đầu tiên của tôi rất mạnh, đó là người của hòa bình, người đi theo giáo huấn kitô giáo, tôn giáo của tình yêu và của hòa bình”, vị chức sắc của hồi giáo sunnit nhấn mạnh, ông mô tả Đức Phanxicô là “người tôn trọng các tôn giáo khác, người cống hiến đời mình để phục vụ người nghèo, người khổ hạnh từ chối các thú vui nhất thời của đời sống trần tục. Vì như thế, chúng tôi cảm thấy mong muốn được gặp con người này để cùng làm việc chung cho nhân loại”.

Một sự hợp tác cần thiết

Giáo sư al-Tayeb nhắc lại cần thiết phải có một sự hợp tác tốt giữa các thể chế tôn giáo: ông nêu ra ví dụ cụ thể của “Căn nhà gia đình Ai Cập”, một tổ chức mà trường Đại học Al-Azhar và các Giáo hội kitô giáo Ai Cập cùng hợp tác.

Nhắc lại người hồi giáo và kitô giáo cùng chịu đau khổ do bạo lực và do chủ nghĩa khủng bố, giáo sư Al-Tayeb muốn đưa ra “lời kêu gọi cho toàn thế giới cùng kết hiệp và siết chặt hàng ngũ để đối diện và để chấm dứt nạn khủng bố”. Đại Iman Al-Azhar nói với “những người tự do trên thế giới, quý vị phải đồng ý ngay và can thiệp ngay để chấm dứt các vụ đổ máu”.

Đại Iman Al-Azhar với Đức Phanxicô và linh mục thư ký người Ai Cập Yoannis Lahzi Gaid của ngài. – REUTERS
Đại Iman Al-Azhar với Đức Phanxicô và linh mục thư ký người Ai Cập Yoannis Lahzi Gaid của ngài. – REUTERS

Nguyên văn cuộc phỏng vấn:

Đức Gioan-Phaolô II đã là Giáo hoàng đầu tiên đi thăm Đại Iman Al-Azhar trong chuyến đi Ai Cập nhân Năm Thánh 2000. Hôm nay, Đại Iman là người đầu tiên đến thăm Đức Giáo hoàng ở Vatican nhân dịp Năm Thánh Lòng Thương Xót. Đâu là ý nghĩa của các biến cố trọng đại này?

Nhân danh Thiên Chúa khoan hồng và thương xót, trước hết tôi muốn cám ơn Đức Thánh Cha của Vatican, Đức Phanxicô, ngài đã dành cho tôi và phái đoàn của trường Đại học Al-Azhar một cuộc tiếp đón nồng hậu. Hôm nay chúng tôi có chuyến thăm này là do sáng kiến của Al-Azhar, và của tổ chức giữa Al-Azhar và Vatican để theo đuổi sứ mệnh thiêng liêng của chúng tôi, đó là sứ mệnh của các tôn giáo, “làm cho con người ở mọi nơi được hạnh phúc”. Al-Azhar có một đối thoại hay đúng hơn có một ủy ban đối thoại liên tôn giáo với Vatican, nhưng đối thoại này đã bị ngưng trong các bối cảnh chính xác thời đó, nhưng bây giờ không còn những bối cảnh này, chúng tôi đối thoại lại và chúng tôi hy vọng nó sẽ được tốt hơn trước. Tôi hạnh phúc vì là vị đứng đầu hồi giáo (cheikh) đầu tiên của Al-Azhar đến viếng thăm Vatican và đã cùng hội kiến với Đức Phanxicô để thảo luận và đồng ý.

Xin giáo sư cho chúng tôi biết cuộc gặp của giáo sư với Đức Phanxicô và bầu khí của cuộc gặp này được diễn ra như thế nào?

Cảm nhận đầu tiên của tôi là một cảm nhận rất mạnh, ngài là người của hòa bình, người theo giáo huấn kitô giáo, một tôn giáo của tình yêu và của hòa bình; và khi theo ngài, chúng tôi thấy ngài là người tôn trọng các tôn giáo khác và ngài cũng cho thấy ngài tôn trọng tín hữu của các tôn giáo này, đó là người cống hiến đời mình để phục vụ người nghèo, người cùng khổ và người có trách nhiệm trên người khác một cách chung; đó là người khổ hạnh, từ bỏ các thú vui nhất thời của đời sống trần tục. Đó là những đức tính mà chúng tôi chia sẻ với ngài và vì vậy, chúng tôi cảm thấy mong muốn được gặp con người này để cùng làm việc chung cho nhân loại, trên một cánh đồng mênh mông.

Đâu là các bổn phận của các nhà cầm quyền lớn của tôn giáo và các người có trách nhiệm trong tôn giáo ở thế giới ngày nay?

Đó là các trách nhiệm cùng một lúc nặng nề và lớn, vì chúng tôi biết – như chúng tôi đã nói điều này với Đức Giáo hoàng – rằng tất cả các triết thuyết, các ý thức hệ xã hội hiện đại hướng dẫn con người xa tôn giáo, xa trời đã thất bại, không làm cho con người hạnh phúc, không tránh khỏi chiến tranh và đổ máu. Tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc, đối với các đại diện các tôn giáo thiêng liêng, phải mạnh mẽ và cụ thể tham dự để mang lại cho nhân loại một định hướng mới, hướng đến lòng thương xót và hòa bình, để nhân loại tránh được cơn khủng hoảng mà chúng ta đang đau khổ. Con người không tôn giáo là một hiểm họa cho đồng loại và bây giờ tôi nghĩ, ở thế kỷ 21 này, con người bắt đầu nhìn chung quanh mình, đi tìm những người hiền triết hướng dẫn để hướng họ đi vào con đường công chính. Và tất cả những điều này thúc đẩy chúng ta đến cuộc gặp gỡ này, đến cuộc thảo luận này và đến một thỏa hiệp để bắt đầu tiến một bước tốt về hướng công chính.

Trường Đại học Al-Azhar dấn thân trong một công việc quan trọng là làm mới lại các văn bản kinh viện. Giáo sư có thể cho chúng tôi biết một vài điều về sự dấn thân này?

Đúng, chúng tôi làm mới lại trong nghĩa làm sáng tỏ các khái niệm hồi giáo đã bị lầm lạc do những người dùng bạo lực và khủng bố, qua các phong trào vũ trang mà họ cho rằng họ làm việc cho hòa bình. Chúng tôi đã nhận diện các khái niệm sai lầm này, chúng tôi đã đề nghị một tiến trình đào tạo các học sinh của chúng tôi trong các trường trung học và cao đẳng. Chúng tôi đã làm cho thấy khía cạnh lầm lạc và sự lĩnh hội lầm lạc, và, cùng một lúc, chúng tôi nghiên cứu để làm cho học sinh hiểu các khái niệm đúng, qua đó những người cực đoan và khủng bố đã làm trại ra. Chúng tôi đã xây dựng một trạm quan sát thế giới, trạm này hoàn tựu một mô hình tháp tùng trong tám ngôn ngữ của các bài do các phong trào cực đoan, các tư tưởng nhiễm độc phát đi, làm lệch hướng tuổi trẻ. Và chương trình này đang được sửa chữa và dịch ra thêm nhiều ngôn ngữ khác.

Và qua “Căn nhà của gia đình Ai Cập” – một căn nhà kết hiệp các người hồi giáo với tất cả các tín ngưỡng kitô ở Ai Cập, là một dự án chung giữa  Al-Azhar và các Giáo hội – chúng tôi tìm cách để trả lời cho những người lợi dụng cơ hội, họ rình chờ để gieo rối loạn, chia rẽ, mâu thuẫn ff các tín hữu kitô giáo và hồi giáo. Chúng tôi cũng có Hội đồng Cố vấn các nhà Hiền triết Hồi giáo do vị thủ lãnh cheikh của Al-Azhar đứng đầu, Hội đồng này gởi các phái đoàn của hòa bình đi đến các thủ đô khác nhau trên thế giới, phát triển một hoạt động quan trọng vì hòa bình, để người dân biết thế nào là hồi giáo đích thực. Cách đây một năm, chúng tôi tổ chức một buổi hội thảo ở Florence, nước Ý về chủ đề “Phương Đông hay Phương Tây”, có nghĩa là sự “hợp tác giữa Phương Đông và Phương Tây”. Ngoài ra ở Al-Azhar, chúng tôi tiếp các imam của các nguyện đường ở Âu Châu trong một chương trình kéo dài hai tháng để đào tạo đối thoại, đưa ra cho thấy các khái niệm sai lầm, giải quyết việc hội nhập của các người hồi giáo trong xã hội của họ và trong các quốc gia Âu Châu để họ có thể là nguồn cho an ninh, thịnh vượng và sức mạnh cho các nước này.

Trung Đông gặp nhiều khó khăn lớn. Đâu là sứ điệp của giáo sư có thể nói về chuyện này nhân chuyến đi Vatican của giáo sư?

Chắc chắn. Tôi đến từ Trung Đông, nơi tôi sống và tôi chịu đựng cùng với các người khác những hệ quả của những dòng sông đầy máu và xác chết, không có một lôgic nào cho tai ương mà chúng tôi sống ngày đêm này. Chắc chắn có những động lực bên trong và bên ngoài quy tụ lại để tạo nên đám cháy này, tạo nên các chiến tranh này. Hôm nay, tôi đang ở trong lòng Âu Châu, tôi muốn nhân dịp có sự hiện diện của tôi ở Vatican, một thể chế lớn lao của người công giáo, để đưa ra lời kêu gọi cho toàn thế giới, để mọi người kết hiệp và siết chặt hàng ngũ để đối diện và để chấm dứt nạn khủng bố, vì tôi nghĩ người ta đã coi thường nạn khủng bố này. Không phải chỉ những người Phương Đông trả giá, nhưng những người Phương Đông và Phương Tây cùng chịu đau khổ với nhau như chúng ta đã thấy.

Và đây là lời kêu gọi của tôi cho thế giới và cho những người tự do: quý vị hãy đồng ý ngay và can thiệp ngay để chấm dứt các suối máu này. Xin cho phép tôi nói một lời trong bản tuyên bố này: Đúng, có nạn khủng bố nhưng Hồi giáo không dính gì với nạn khủng bố này, và điều này đúng với các nhà thần học hồi giáo, với tín hữu kitô giáo, với người hồi giáo ở Phương Đông. Và những người giết người hồi giáo họ cũng giết người kitô giáo, họ bóp méo các bản văn hồi giáo, dù cố ý hay do bất cẩn. Cách đây một năm Al-Azhar đã triệu tập một buổi họp khoáng đại cho các nhà thần học hồi giáo, sunnit cũng như chiit, các nhà lãnh đạo các Giáo hội Đông phương, các đại diện các tôn giáo, các tín ngưỡng khác cũng được mời, cả những người Yézidi cũng gởi đại diện đến Al-Azhar dự buổi hội thảo.

Và trong những điểm nổi bật nhất của bản thông cáo chung, là hồi giáo và kitô giáo không dính gì với những kẻ sát nhân và chúng tôi xin Tây phương đừng lẫn lộn những người hồi giáo với các nhóm lệch lạc và kích động. Chúng tôi nói một tiếng nói, người hồi giáo và kitô giáo, chúng tôi là chủ quả đất này, chúng tôi là đối tác với nhau và mỗi người chúng tôi đều có quyền trên quả đất này. Chúng tôi phủ nhận việc cưỡng bách di dân, nạn nô lệ và nạn buôn bán phụ nữ nhân danh Hồi giáo. Tôi muốn nói ở đây vấn đề không phải được xem như bách hại đối với tín hữu kitô giáo ở Phương Đông, nhưng ngược lại, nạn nhân người hồi giáo nhiều hơn kitô giáo và tất cả chúng tôi cùng chịu chung tai ương này.

Ngắn gọn, tôi muốn kết luận về điểm này, chúng ta không thể tội lỗi hóa các tôn giáo vì có sự lệch lạc của một số tín đồ, vì trong mọi tôn giáo đều có thành phần lệch lạc đã giương cao ngọn cờ tôn giáo để giết người nhân danh tôn giáo.

Một lần nữa, tôi xin chân thành cám ơn, tôi mang trong lòng sự mến chuộng và hy vọng, để cùng làm việc chung giữa người hồi giáo và kitô giáo, giữa Al-Azhar và Vatican, để thoa dịu con người, dù họ ở đâu, dù tôn giáo và tín ngưỡng họ như thế nào và cứu họ khỏi cơn khủng hoảng của những cuộc chiến tranh tàn phá, của nạn nghèo đói, của sự không hiểu biết và của bệnh tật.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Bài liên hệ:

Viện Nghiên cứu Hồi giáo Al-Azhar bảo vệ địa vị «tiêu biểu cho tôn giáo đáng tín nhiệm của người hồi giáo sunnit: Viện sunnit Ai Cập