Wikipédia tỉ mỉ sản xuất kiến thức

40
Wikipédia tỉ mỉ sản xuất kiến thức
la-croix.com. Mélinée Le Priol, 2025-03-15
Wikipédia có 19 000 người hợp tác nói tiếng Pháp. Mateusz Slodkowski/SOPA Images/ZUMA/REA / SOPA
Trang Bách khoa Toàn thư trực tuyến bị Elon Musk cáo buộc thiên vị và tạp chí Le Point ở Pháp cũng có cùng quan điểm, báo La Croix nghiên cứu cách làm việc của Trang web không thể thiếu này, đây là trang được truy cập nhiều thứ năm trên thế giới. Wikipédia có khoảng 19.000 người cộng tác nói tiếng Pháp đang hoạt động.
Chỉ một dấu phẩy!
Ông Clément Salviani không tự nhận mình là chủ trang nhưng khi có người nào chỉnh sửa bài viết về Jules César trên Wikipédia, ông muốn biết chuyện gì đang xảy ra, vì ông là một trong những người đóng góp lớn cho bài viết này, bên cạnh một cộng tác viên khác có biệt danh Ursus – “rất dễ mến” dù cả hai chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời.
Vào một buổi sáng chúa nhật tháng ba, không phải Ursus mà một cộng tác viên  ẩn danh đã thêm một dấu phẩy vào bài viết quý giá đó. Nhưng “chuyên viên dò soát lỗi cấp 1” không chỉ dừng lại ở thay đổi nhỏ này; anh để lại một tin nhắn trên trang thảo luận của bài viết về Jules César: “Liệu người chú lớn tuổi của Hoàng đế César thật sự có là nhân vật được nhắc đến trong bài viết không? Sự gần gũi về ngày sinh giữa hai nhân vật này làm anh nghi ngờ có sai sót. Nhưng vì chưa chắc chắn, ‘chuyên viên dò soát lỗi cấp 1’ chọn cách hỏi ý kiến cộng đồng trước khi chỉnh sửa. Anh kết thúc tin nhắn: Chúc mọi người một chúa nhật vui vẻ” (tất cả nội dung trên Wikipédia đều công khai).”
Ông Clément Salviani vui vẻ nhận xét: “Anh hoàn toàn hiểu luật chơi!” và quyết định kiểm tra ngay thông tin về người chú lớn tuổi của Hoàng đế César. Trong suốt quá trình hoạt động trên Bách khoa Toàn thư trực tuyến này, vị tiến sĩ khảo cổ học và giảng viên lịch sử 34 tuổi đã gặp nhiều cộng tác viên thiếu lịch sự. Năm 2018, khi tranh luận với những người khẳng định trận chiến Alésia diễn ra ở Jura, anh đã có những kinh nghiệm đầu tiên với trang web này.
Từ đó đến nay, anh vẫn gắn bó với Wikipédia, dành khoảng nửa giờ mỗi ngày để làm, anh nói đùa: “Tôi làm để tránh cho các sinh viên của tôi mắc phải những sai lầm đáng tiếc trong bài làm của họ.” Nhưng trên hết là để “trả lại” những gì anh đã nhận miễn phí: một nguồn tri thức giá trị. Anh đánh giá cao thực tế: “Không ai có thể cho mình là ‘chủ nhân’ bài nào trên trang web này. Chúng tôi phải đi đến đồng thuận. Sẽ có các tranh luận sôi nổi, nhưng không sao, đây vẫn là một trong những dự án phong phú nhất của Internet.”
Giả định thiện chí
Từ khi ra đời năm 2001, trang web được truy cập nhiều thứ năm trên thế giới không ít lần gặp phải sự phản đối. Hiện tại, Elon Musk gọi “Wokipédia” là công cụ tuyên truyền” của cánh tả tiến bộ, còn tuần báo Le Point của Pháp phàn nàn về “chiến dịch bôi nhọ” nhằm vào họ. Những tranh cãi như vậy không xa lạ với cộng đồng Wikipédia: trang thảo luận về bài viết của Le Point dài vô tận, với những cuộc tranh luận dai dẳng về cách xếp loại tạp chí này: “Hữu trung”, “Cánh hữu” hoặc gần với “Cực hữu”.
 Wikipédia tìm cách xây dựng sự trung lập thông qua tính đa chiều. Ông Rémy Gerbet, giám đốc hiệp hội Wikimédia Pháp nhấn mạnh: “Mọi thông tin đều phải có nguồn. Chúng tôi không dựa vào dữ liệu thô hay lời kể cá nhân (nguồn sơ cấp), chúng tôi chỉ dùng các nguồn như sách, bài báo… để ngăn chặn sự suy diễn của các cộng tác viên, vì nhiệm vụ của họ chỉ là tổng hợp thông tin đã có.”
Dĩ nhiên, có những người cố tình định hướng nội dung theo quan điểm cá nhân, hiện tượng này được gọi là “POV-pushing” (thúc đẩy quan điểm cá nhân). Cộng đồng cũng cảnh giác với các tài khoản chỉ tập trung vào một chủ đề nhất định (comptes à objet unique – Caou). Những tài khoản này bị hàng trăm cộng tác viên có kinh nghiệm theo dõi chặt chẽ.
 “Hành vi phá hoại, Vandalisme cracra”
Bà Annaïg, lập trình viên máy tính hưu trí ở Bretagne là một trong những “tuần tra viên” trên Wikipédia. Công việc của bà là kiểm tra các chỉnh sửa gần đây để loại bỏ lỗi và hành vi phá hoại. Bà kể: “Chúng tôi thấy rất nhiều hành vi phá hoại (vandalisme cracra), chẳng hạn các học sinh trung học viết những từ bậy bạ để đùa giỡn. Chúng tôi sẽ xóa ngay, các sự cố này hiếm khi tồn tại quá một hoặc hai phút. Nhưng có lần tôi phát hiện một chỉnh sửa sai sót đã có từ hai ngày vì hôm đó chúng tôi không có đủ người tuần tra!”
Những đóng góp của các cộng tác viên mới đều được giám sát chặt chẽ, các cộng tác viên có kinh nghiệm được tin tưởng hơn. Ngoài ra, hệ thống bot như Salebot cũng giúp tự động xóa các nội dung xúc phạm.
Kiên trì
Mỗi người đều có các lãnh vực yêu thích riêng của mình. Trong bài viết về nhà văn Lorànt Deutsch, ông Clément Salviani không chấp nhận gọi nhân vật này là sử gia. Còn ông Raphael Vartanian dành nhiều công sức để chống lại việc đổi tên các thành phố Armenia ở Nagorno-Karabakh, nơi tên Chouchi thường bị đổi thành Choucha theo tiếng Azerbaijan. Ông Salviani nhận xét: “Đôi khi, mọi chuyện trở thành cuộc đấu sức xem ai kiên trì hơn ai.”
Hiện nay số lượng cộng tác viên tâm huyết đang giảm dần. Nhà xã hội học Léo Joubert lưu ý: “Ngày nay, có ít người viết phần lớn nội dung.” Ông Raphael Vartanian lấy làm tiếc về việc này, ít người đọc 210 bài viết của ông về văn hóa Armenia, nhưng ông không thất vọng: “Tôi không tham gia Wikipédia để được nổi tiếng. Tôi làm vì muốn sự hiểu biết được chia sẻ.”
Terexa Trần Tuyết Hiền dịch