Khăn keffiyeh biểu tượng của Palestina đã được lấy khỏi máng cỏ ở Vatican

55

Khăn keffiyeh biểu tượng của Palestina đã được lấy khỏi máng cỏ ở Vatican

catholicherald.co.uk, Elise Ann Allen, 2024-12-11

Chiếc khăn keffiyeh trải trên máng cỏ ở Hội trường Phaolô VI đã được lấy đi, chiếc khăn này là biểu tượng gây nhiều tranh cãi của Palestina.

Ngày 7 tháng 12 khi máng cỏ được chưng tại Hội trường Phaolô VI với tượng Chúa Giêsu nằm trên chiếc khăn keffiyeh, chiếc khăn thường được người Palestina quấn trên đầu như chiếc mũ truyền thống đã làm cho nhiều người nghĩ đây là một tuyên bố chính trị của người Palestina, họ được Tòa Thánh ủng hộ. Chiếc khăn keffiyeh được xem là biểu tượng ủng hộ Palestina.

Máng cỏ được hai nghệ sĩ của Đại học Dar al-Kalima, Bêlem thiết kế, được xem như một “đồng ý sâu sắc với cuộc đấu tranh của người Palestina” nhưng đã bị các cộng đồng Israel và Do Thái chỉ trích mãnh liệt.

Phản ứng dữ dội bắt đầu sau khi Đức Phanxicô gặp các ân nhân đóng góp để cây Giáng sinh và Máng cỏ được dựng lên ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Trong buổi tiếp kiến ngày thứ bảy 7 tháng 12, ngài kêu gọi chấm dứt chiến tranh và xung đột, ngài xin mọi người nhớ đến các anh chị em ở Bêlem và những nơi khác đang ở trong tình trạng chiến tranh: “Chiến tranh đã đủ rồi, bạo lực đã đủ rồi! Việc mua bán vũ khí là trục lợi để giết người.”

Các nghệ sĩ Palestina Johny Andonia và Faten Nastas Mitwasi làm máng cỏ từ những cây ô liu của Đất Thánh. Ủy ban cấp cao về các vấn đề Giáo hội ở Palestina, một thực thể của Tổ chức Giải phóng Palestina, Đại sứ quán Palestina tại Tòa thánh và một số tổ chức địa phương khác ở Bêlem tài trợ việc làm máng cỏ.

Ông Ramzi Khouri, thành viên ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) gởi đến Tổng thống Palestina Mahmoud Abbas lời chào nồng nhiệt và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của ông với giáo hoàng Phanxicô, ngài đã không ngừng ủng hộ chính nghĩa của người Palestina, nỗ lực không mệt mỏi của người dân nhằm chấm dứt chiến tranh ở Gaza và thúc đẩy công lý. Kể từ cuộc chiến bùng nổ sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 của phiến quân Hamas vào Israel, làm cho khoảng 1.200 người thiệt mạng và hơn 250 người khác bị bắt làm con tin, rất nhiều lần Đức Phanxicô lên án cuộc chiến ở Gaza.

Cho đến nay, bạo lực sau cuộc phản công của Israel đã làm cho hơn 40.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng của Gaza, bao gồm hệ thống y tế, trong khi khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo vẫn còn hạn chế.

Giáo hoàng gọi cuộc chiến là “vô đạo đức” và các nhân vật hàng đầu của ngài đã đặt câu hỏi về sự trả đũa của Israel vì phản ứng quân sự của Israel không tương xứng.

Tháng trước, những đoạn trích từ quyển sách phỏng vấn Đức Phanxicô sắp được báo La Stampa xuất bản, trong đó Đức Phanxicô gọi cuộc chiến ở Gaza là “cuộc diệt chủng”. Ngài kêu gọi một cuộc điều tra để xác định liệu các hành động của Israel ở Gaza có thể xem là diệt chủng hay không. Tháng 11, Ủy ban Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc tuyên bố họ đã ra phán quyết các hành động của Israel ở Gaza là phù hợp với tội diệt chủng.

Đức Phanxicô đã gặp gia đình các con tin Israel và liên tục kêu gọi thả các con tin ngay lập tức, ngài cũng chỉ trích các cuộc không kích của Israel vào Lebanon, gọi chúng là “trái với đạo đức”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Vì sao Đức Phanxicô cầu nguyện trước máng cỏ Chúa Giêsu nằm trên khăn keffieh, biểu tượng của Palestina

Máng cỏ keffiyeh của người Palestina là chủ đề bàn tán ở Rôma