Chân phước Carlo Acutis: Toán trừ

26

Chân phước Carlo Acutis: Toán trừ

“Thánh hóa không phải là tiến trình thêm vào nhưng bớt đi: bớt “cái tôi” để nhường chỗ cho Thiên Chúa.” Chân phước Carlo Acutis

Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles. Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator. Marta An Nguyễn dịch

 

Tuy không nhất thiết, nhưng điều này đôi khi có thể xảy ra. Có lẽ dành cho những người có trái tim trong sáng, những người sáng suốt nhất, những người can đảm nhất, hoặc dành cho những người xúc động trước các sự kiện hoặc những người băn khoăn về cái chết. Điều này đôi khi xảy ra, khổ thay không phải lúc nào cũng xảy ra, đến mức mà suy nghĩ chung, ngay cả trong lãnh vực tôn giáo, thường đi theo hướng ngược lại. Điều này đôi khi xảy ra và Carlo cho thấy Carlo có một trực giác rất sớm khi Carlo nói “đủ rồi!”. Carlo nói không phải vì mệt mỏi, vì mất lòng tin vào thế giới, vì thiếu nhiệt tình hay vì quá nhiều thất vọng. Không. Carlo chỉ sợ tích lũy. Tôi tin Carlo nhận thức được thế giới với cảm giác đã nhận được rất nhiều, đã mong muốn, đã đạt được rất nhiều, đã tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất, nhưng lại cảm thấy một trống rỗng ngày càng lớn, điều này liên tục nhắc chúng ta, sự thiếu vắng điều gì đó làm cho cuộc chạy đua để tích trử thành vô ích. Dù sao thì chúng ta cũng sẽ luôn thiếu một thứ gì đó… Vì đó là bản chất của chúng ta, vì chúng ta là những kẻ ăn xin. Tiếp tục tích lũy chẳng ích gì, nó càng làm mọi việc trở nên xấu hơn, thà nhận lời tiên tri về bài toán trừ.

Carlo cảm nhận được điều này lúc 15 tuổi, và với tôi, như thế là rất sớm. Có thể chúng ta không nhận ra điều này, và rồi chúng ta nhầm lẫn cuộc chạy đua để có kinh nghiệm, để cầu nguyện, để đi hành hương, kế hoạch mục vụ, gợi ý suy tư, sách vở… với sự thánh thiện. Chúng ta choáng váng trước chủ nghĩa tiêu dùng vô tận, như thể là người tín hữu kitô thì phải tham gia vào vô số hoạt động. Tôi càng đọc câu này của Carlo Acutis, tôi càng “thấm” sự im lặng. Như thể Carlo cần lấy lại hơi thở, cần làm bài toán trừ: để loại bỏ, để chận âm thanh, để chận lại các dấu hiệu, bỏ đi, làm nhẹ đi cho đến khi  thấy mình trần trụi và chân thực, đắm chìm trong im lặng với Đấng Hằng Sống.

Càng đọc câu này, tôi càng tin, thật lạ khi ở tuổi 15, với bao nhiêu sức lực và óc hiếu kỳ, giữa khao khát sống của một thiếu niên năng động luôn muốn tìm hiểu thì lại thấy chỉ có trừ đi thì mới có thể đi theo con đường của khôn ngoan. “Thánh hóa không phải là một quá trình thêm vào mà là bớt đi”: càng đọc tôi càng cảm nhận sự khó nghèo sâu sắc của câu này, một khó nghèo chân thật, không bề ngoài, một khó nghèo xa rời mọi luân lý, một khó nghèo của những người hiểu, bài toán trừ là thái độ đúng đắn. Một phép trừ vĩnh viễn, một phép trừ làm chúng ta trở thành kẻ ăn xin và thiếu thốn, một phép trừ không thể dừng lại cho đến ngày cuối cùng khi chúng ta được tái sinh vào cuộc sống vĩnh cửu, một viên mãn sẽ không đối lập với trống rỗng, nhưng đắm chìm trong phép trừ.

Chỉ những người thực sự yêu, chỉ những người đang yêu mới biết người được yêu không bao giờ có thể lấp đầy những khoảng trống của chúng ta, nhưng còn làm những khoảng trống này lớn thêm, rằng tình yêu làm chúng ta vĩnh viễn là những kẻ ăn xin. Nếu chúng ta yêu một người, chúng ta tự giam mình, chúng ta không còn cảm thấy đủ cho chính mình, chúng ta hành động theo lối trừ, chúng ta mất ngủ, chúng ta mất hứng thú với cuộc sống không có tình yêu, chúng ta quay lưng lại với những nhu cầu của mình, chúng ta không còn muốn được vui sướng, chúng ta muốn hạnh phúc được ôm lấy người mình yêu. Tình yêu là trừ bỏ bản thân. Giống như cái chết. Như thể Carlo đang chuẩn bị đi ra khỏi thế giới này, thực sự, quá nhanh, quá sớm. Tôi đọc lại câu của Carlo và tôi tự hỏi làm thế nào các phụng vụ nặng nề của chúng ta có thể nói về cái vô hạn, làm sao lời cầu nguyện của chúng ta có thể đi tìm và phó mình cho mầu nhiệm Phục sinh. Làm sao chúng ta có thể tin được nếu chúng ta để chỗ cho im lặng, chúng ta sẽ thấy Dung Nhan Ngài?

Nhưng chúng ta cũng phải cẩn thận để không nhượng bộ trước cám dỗ liên kết việc loại “cái tôi” với sự an toàn của một “Thiên Chúa” sẵn sàng lấp đầy khoảng trống. Chúa không ở đó để lấp khoảng trống của chúng ta, như thế sẽ quá mạo hiểm, quá hạn chế, Chúa sẽ mang lấy hình dạng “cái tôi” trống rỗng của chúng ta, Ngài ở trong hình ảnh của chúng ta, theo sự giống nhau của chúng ta. Như thế sẽ là quá ít. Làm trống rỗng chúng ta thôi chưa đủ, Ngài còn phải làm trống chính Ngài. Tôi nghĩ đến tiên tri Êlia ở ngoài hang động. Thiên Chúa là hơi thở, là khoảng trống, là im lặng như gió thoảng. Ngài tự do, Ngài không bị ràng buộc bởi một thân xác, Ngài bước đi trong vô cực, xa rời hình ảnh quyền lực.

Nếu tình yêu hành động bằng bài toán trừ vĩnh viễn, thì Thiên Chúa cũng vậy, Ngài tránh những định nghĩa, những giàn giáo của tư tưởng, Ngài không bằng lòng lấp đầy những khoảng trống của chúng ta. Tình yêu là cuộc gặp giữa hai phép trừ biến hai nhân vật chính của câu chuyện thành kẻ ăn xin. Thiên Chúa cũng là kẻ ăn xin tình yêu chúng ta. Qua tình yêu, Ngài loại trừ chính Ngài. Người nào yêu sẽ không tự hủy hoại, nhưng cũng không xâm chiếm người khác. Nếu việc trừ đi “cái tôi” chỉ là việc thêm “Chúa” vào thì đó sẽ chỉ là mối quan hệ không liên quan gì đến tình yêu. Người yêu thương không hủy diệt, không xâm chiếm. Hai người yêu nhau cùng đi, mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng vậy. Nói theo cách của Carlo Acutis: “ít tôi hơn” có nghĩa là “ít Chúa hơn” và ngược lại. Sự thánh thiện có nghĩa là bỏ lại đằng sau logic của mối quan hệ đối lập, nhị nguyên với Thiên Chúa. Nhưng điều này phải học, và với thời gian, với sự thân mật của cuộc gặp Chúa, chúng ta không còn tìm kiếm đối tượng vĩnh cửu lời cầu nguyện của chúng ta ở bên ngoài, bên trên nhưng với một Thiên Chúa là đồng minh, là bạn đồng hành, bạn thân của chúng ta.

Thiên Chúa không phải là một thay thế cho con người. Chúa không thích lấp đầy khoảng trống chúng ta để lại. Mối quan hệ với Ngài là mối quan hệ thực sự, một kiểu giao thoa với một Giao ước sâu đậm. Tình yêu ở trong lời nói, trong im lặng của chúng ta. Tình yêu sống trong nụ cười, trong nước mắt chúng ta. Tình yêu đồng hành với chúng ta, trở thành da thành thịt, tình yêu không lạc lối. Tình yêu không bao giờ ngoảnh mặt, Tình yêu nhìn thế giới qua đôi mắt chúng ta. Tình yêu là vô tận. Nhưng cuối cùng, chúng ta chỉ nhận ra Tình yêu trên Thập giá, trên Đồi Canvê. Trên Thập giá, chúng ta nhận ra một Thiên Chúa im lặng kinh hoàng, chỉ nói lời tha thứ, khi thiên đàng dường như không quan tâm đến cái chết của người công chính. Nhưng ít nhất điều gì đó đang xảy ra, với cái chết là nhân vật chính với máu, nỗi đau, nước mắt và nỗi buồn. Chúng ta có thể nhận ra một Thiên Chúa nào đó khi đối diện với cái chết này. Và tôi nghĩ đến viên đội trưởng. Đứng trước nỗi đau, chúng ta có thể nói bạo lực và cái ác đã nhường chỗ cho sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng yêu thương và tha thứ. Thường, chúng ta chỉ có chừng đó. Chúng ta “ít hơn” và Chúa “nhiều hơn”. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ.

Chúng ta “ít hơn” và Chúa “nhiều hơn”. Vậy, khi gặp khó khăn trong cuộc sống, chúng ta phải làm gì? Chúng ta xin phép lạ, chúng ta hành xác và chúng ta xin Đấng Toàn năng lấp đầy khoảng trống. Khi con người không còn biết cách đương đầu với những tai ương trong cuộc sống, chúng ta cầu khẩn vị thần sẽ lấp đầy những thiếu sót của chúng ta. Nhưng sự việc không hoạt động theo cách đó. Chúng ta phải đến mộ vào buổi sáng Phục sinh, phải có can đảm đi bộ đến nơi chôn cất để có được lời giải thích về phép trừ: sự trống rỗng, sự vắng mặt thiêng liêng. Chúa rút lui và chúng ta cảm thấy thiếu thốn. Sự trọn vẹn của Thiên Chúa bù đắp cho những thiếu sót của chúng ta sẽ được thể hiện rõ ràng trong quyền lực, trong một phục sinh sáng ngời, sẽ lấp đầy những thiếu sót của chúng ta: khoảng trống.

Chúng ta hiểu điều gì xảy ra khi Chúa Kitô chết trên Thập giá vì đó là điều chúng ta mong đợi. Kẻ ác không hiểu và lên án, còn Thiên Chúa tốt lành lại chết oan và tha thứ. Những gì chúng ta thấy, chúng ta phần nào hiểu được. Và chúng ta kể theo hàng ngàn cách, với rất nhiều từ ngữ và hình ảnh. Chỉ cần nghĩ đến thập giá trong nghệ thuật: rất nhiều tích lũy, trong khi ngôi mộ tượng trưng cho sự trừ bớt.

Vào ngày thứ nhất trong tuần Bà Maria Mácđala đến mộ từ sáng sớm; trời vẫn còn tối. Bà thấy hòn đá đã được lăn ra. Bà chạy đi tìm ông Simon Phêrô và người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với họ: “Chúa đã được đem ra khỏi mộ, và chúng ta không biết họ để Ngài ở đâu.” Ông Phêrô cùng môn đệ kia đi ra mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn ông Phêrô và đến mộ trước. Cúi xuống, ông thấy khăn trải giường đã được trải phẳng; nhưng ông không bước vào. Ông Simon Phêrô đến sau, ông bước vào ngôi mộ; ông thấy các tấm vải đã được trải phẳng, tấm khăn liệm bao quanh đầu Chúa Giêsu không được đặt cùng với các tấm vải nhưng được cuộn riêng tại chỗ. Đúng lúc đó người môn đệ kia bước vào, người đã đến mộ trước. Ông thấy và ông đã tin (Ga 20:1-8).

Để hiểu Tình yêu, phải tin vào logic của bài toán trừ. Người yêu luôn đồng hành cùng người mình yêu nhưng vẫn để họ có một không gian riêng. Và họ không để không gian xâm chiếm họ sau đó, như thể để trả thù. Sự sống lại không phải để lấp đầy khoảng trống vô tín của chúng ta! Những nhân chứng đầu tiên bước vào ngôi mộ hiểu đây là nơi sự sống được nhìn thấy: từ bên trong ngôi mộ. Chúng trở thành phép trừ trong trái tim của một Thiên Chúa là phép trừ. Sự thánh thiện, con đường trưởng thành của mỗi người, không phải là sự hủy diệt bản thân vì quyền năng của Thiên Chúa, mà là một phần rất nhỏ của Tình yêu hiện diện ở đó, trong sự thu hẹp quyền lực, một Thiên Chúa bị loại bỏ. Một khoảng trống trong ngôi mộ. Tình yêu rời bỏ không gian. Và Thiên Chúa không xâm phạm, có lẽ Ngài còn không có quyền năng theo nghĩa chúng ta hiểu. Tình yêu không áp đặt, không xin chúng ta cho không gian, tình yêu ở ngay đó, ngay trung tâm cuộc sống chúng ta, một cơn khát tình yêu vĩnh cửu, như với tất cả những người yêu nhau.

Marta An Nguyễn dịch