Thông điệp về Trái Tim Chúa Giêsu: Đức Phanxicô mong “làm cho thế giới yêu thương”

140

Thông điệp về Trái Tim Chúa Giêsu: Đức Phanxicô mong “làm cho thế giới yêu thương”

Thông điệp mới nhất của Đức Phanxicô công bố ngày 24 tháng 10 dành riêng cho Trái Tim Chúa Giêsu là thông điệp có chiều kích thiêng liêng sâu đậm. Ngài phát triển cách truyền giáo của ngài một cách đáng chú ý trong thế giới đương đại ngày nay.

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2024-10-24

Một thông điệp của Đức Phanxicô về Trái Tim Chúa Giêsu có thể làm cho một số người ngạc nhiên. Dilexit nos (Người đã yêu thương chúng ta) nói về tình yêu nhân bản và thiêng liêng của Trái Tim Chúa Giêsu Kitô, là thông điệp mang một chiều sâu thiêng liêng, Thông điệp Laudato si’ năm 2015 và Thông điệp Fratelli Tutti năm 2020 là các thông điệp mang tính xã hội, vì thế ngài thường bị chỉ trích dấn thân nhiều vào lãnh vực chính trị và xã hội và ít nói đến Chúa Giêsu. Ngài đã trực tiếp trả lời vấn đề này trong Dilexit nos: “Tài liệu này giúp chúng ta hiểu nội dung các thông điệp xã hội Laudato si’ Fratelli tutti, các thông điệp này không xa lạ với cuộc gặp của chúng ta với Chúa Giêsu Kitô. Khi chúng ta sống trong tình yêu của Chúa, chúng ta có thể dệt những mối dây huynh đệ, nhận ra phẩm giá của mỗi con người và cùng nhau chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.”

Một thông điệp rất cá nhân

Đây là một thông điệp rất cá nhân, ngài đã thấm nhuần linh đạo Trái tim Chúa Giêsu từ khi ngài còn là linh mục Dòng Tên trẻ. Năm 1871, Dòng Tên đã thánh hiến Dòng cho Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhà báo Austen Ivereigh, người viết tiểu sử Đức Phanxicô viết trên trang The Tablet: “Trong những năm 1960 và 1970, nhiều tu sĩ Dòng Tên đã không còn nói đến Thánh Tâm Chúa Giêsu, đến mức Linh mục Pedro Arrupe, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng đã lấy làm tiếc trong bài phát biểu cuối cùng của ngài năm 1981: ‘Trong những năm gần đây, Thánh Tâm đã bị một số anh em dị ứng, nhưng đây là trọng tâm kinh nghiệm của Thánh I-Nhã, chúng ta đổi mới chứ chúng ta không bỏ. Đây là phương cách cực kỳ hiệu quả vừa đạt được sự hoàn hảo cá nhân, vừa có được thành quả tông đồ.’”

Dilexit nos không phải là văn bản huấn quyền đầu tiên tập trung vào Thánh Tâm. Năm 1899, Đức Lêô XIII công bố Annum sacrum (Năm Thánh 1900) với mục đích thánh hiến nhân loại cho Trái Tim Chúa Giêsu. Một thế kỷ sau, Đức Phanxicô muốn đề xuất lại việc tôn kính này theo cách mới, để làm mới lại linh đạo nổi bật của thế kỷ 19, dù linh đạo này đã phổ biến trên toàn thế giới.

“Chúng ta thường dùng biểu tượng trái tim để nói về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô. Một số người sẽ thắc mắc liệu ngày nay biểu tượng này có còn hợp lý không. Nhưng, khi chúng ta bị lôi cuốn sống hời hợt bên ngoài, sống vội vã mà không biết tại sao, biến mình thành những người tiêu dùng vô độ, nô lệ cho guồng máy thị trường không quan tâm đến ý nghĩa của sự tồn tại, thì chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim.”

Vì thế Đức Phanxicô đặc biệt phát triển hai khía cạnh đã là dấu ấn quan trọng triều của ngài, nhưng chưa bao giờ ngài trình bày chi tiết và rõ ràng như vậy: phẩm giá của linh đạo bình dân và tình yêu là động lực cơ bản của sứ mệnh. Ngài mơ về một kitô giáo nhập thể hơn, một kitô giáo có trái tim, không thu gọn vào một tập hợp triết học.

Dilexit nos: “Đức Phanxicô muốn tóm tắt tinh thần triều của ngài qua Thông điệp Thánh Tâm”

Trái tim, nơi của sự thật

Nhưng ngài cũng không ủng hộ một kitô giáo đa cảm giả tạo. Với điều kiện chúng ta phải hiểu thế nào là “trái tim”. Bắt đầu, Thông điệp Người đã yêu thương chúng ta nói đến trái tim là nơi hiệp nhất đời sống của mỗi người, là nơi có sự hiện diện của Thiên Chúa, của tương quan với người khác, của sự cùng tồn tại giữa thiêng liêng và con người.

“Cốt lõi của mỗi con người, trọng tâm sâu sắc nhất của con người, không phải là cốt lõi của tâm hồn mà là của toàn bộ con người trong căn tính độc nhất, vừa linh hồn vừa thể xác. Tất cả đều hiệp nhất ở trái tim, nơi chứa đựng tình yêu với tinh thần, cảm xúc và thể chất. Vì thế trái tim là nơi của lòng chân thành, nơi chúng ta không thể lừa dối hay che giấu. Nơi của sự thật.”

Ngài tiếp tục: “Nhưng sự thật đặc biệt này của mỗi người thường bị ẩn giấu dưới nhiều tầng lá khô, đến mức biết mình đã khó, biết người lại càng khó hơn.” Ngài tiếp tục suy ngẫm theo thần học gia Romano Guardini về nhân vật phản diện trong quyển tiểu thuyết Ác quỷ của Dostoevski (1873), tác giả cho rằng nếu ác quỷ là “hiện thân của cái ác” thì đó là đặc điểm “vô tâm” của hắn.

Đức Phanxicô giải thích: “Chống-trái tim là thái độ của một xã hội ngày càng bị thói tự mê và tự quy chiếu chi phối. Để rồi chúng ta ‘mất ham muốn’ vì người kia đã biến mất khỏi chân trời, chúng ta tự nhốt mình trong ích kỷ, không có khả năng có những mối quan hệ lành mạnh. Kết quả chúng ta không còn khả năng đón nhận Thiên Chúa.”

Sau suy tư về trái tim con người, Đức Phanxicô tập trung vào đặc thù của Trái Tim Chúa Giêsu, mà “cảm xúc con người trở thành bí tích của một tình yêu vô hạn và quyết định”. Ngài mô tả: “Khi chúng ta chạm tới chiều sâu của Trái tim, chúng ta tràn ngập vinh quang vô bờ bến của một tình yêu vô biên của Chúa, chúng ta không còn có thể tách rời khỏi tình yêu của Ngài cho nhân loại.”

Đó là lý do vì sao theo Đức Phanxicô, linh đạo của Trái Tim Chúa Giêsu giúp chúng ta đương đầu với những căn bệnh tâm linh của thế giới đương đại: “Thế tục hóa muốn có một thế giới thoát khỏi Thiên Chúa; các hình thức tôn giáo không nói đến quan hệ cá nhân với Thiên Chúa, chỉ tập trung vào các hoạt động bên ngoài, cải cách cơ cấu không có Tin Mừng, các dự án trần thế”. Tóm lại, Đức Phanxicô xem việc tôn kính Trái Tim Chúa Giêsu là phương cách để vượt lên các chia rẽ về ý thức hệ, những căng thẳng giữa các xu hướng và các nhạy cảm khác nhau đã làm rạn nứt Giáo hội công giáo.

Ngài không ngần ngại cảnh cáo những ai có khuynh hướng chế giễu lòng mộ đạo bình dân: “Không ai được chế nhạo những biểu hiện của lòng nhiệt thành tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa trong tâm tình đạo đức của họ, họ an ủi Chúa Kitô theo cách của họ. Ngài xin mọi người tự hỏi liệu có lý trí, chân lý và khôn ngoan nào hơn để an ủi Chúa, với những hành động yêu thương lạnh lùng, xa cách, tính toán và nhỏ bé của chúng ta không, chúng ta, những người tự cho mình có đức tin chín chắn, trau dồi và trưởng thành hơn họ.”

Một động lực của tình yêu

Hơn nữa, đây là điểm hay của Thông điệp, ngài mô tả công việc truyền giáo: “Là sự mở rộng ánh sáng của Trái Tim Chúa Kitô, của tình yêu Ngài. Vì thế sứ mạng truyền giáo cần những nhà truyền giáo yêu thương, được Chúa Kitô cuốn hút, những người không mệt mỏi khi trao truyền tình yêu này, tình yêu đã thay đổi cuộc đời họ. Vì thế sẽ đau lòng nếu họ lãng phí thời gian để thảo luận về những câu hỏi thứ yếu hoặc áp đặt các sự thật và quy tắc. Mối quan tâm chính của họ là truyền lại kinh nghiệm của họ, nhưng trên hết là người khác có thể cảm nhận được điều tốt đẹp và vẻ đẹp của Chúa Kitô qua các cố gắng dù kém cỏi của họ.”

Ngài nói tiếp: “Nói về Chúa Kitô, bằng chứng từ hoặc bằng lời nói, theo cách mà người khác không cần phải cố gắng để yêu mến Ngài, đó là ước muốn lớn nhất của nhà truyền giáo có tâm hồn. Không chiêu mộ trong động lực tình yêu này: lời nói của người yêu không làm phiền, không áp đặt, không ép buộc. Họ chỉ làm cho người khác thắc mắc vì sao có thể có được một tình yêu như vậy. Với sự tôn trọng lớn nhất cho tự do và phẩm giá của người kia, họ chỉ chờ để nghe câu chuyện một tình bạn tràn ngập cuộc sống của bạn.”

Các câu trích hay nhất của thông điệp Người đã yêu thương chúng ta

Đức Phanxicô nói về các nhà truyền giáo theo nghĩa rộng, ngài xin chúng ta truyền giáo “theo cách các tông đồ của Chúa Giêsu và các môn đệ đầu tiên”. Đó là một thông điệp đích thực về tình yêu của Đức Phanxicô. Ước mơ của cả một đời: “Làm cho cả thế giới yêu Chúa!”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

“Dilexit nos”: vì sao Đức Phanxicô quan tâm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu 

Đức Phanxicô: “Xã hội toàn cầu đang mất trái tim”