Đức Lêô XIV: 10 câu cần nhớ vào đầu triều của ngài
Kể từ khi ngài được bầu chọn ngày thứ năm 8 tháng 5, Đức Lêô XIV đã có những câu nói nêu rõ các ưu tiên cũng như phong cách ngài muốn thực hiện cho triều của ngài.
lavie.fr, Paul Roger, 2025-05-12
Đức Lêô XIV trong giờ Kinh Nữ vương Thiên Đàng đầu tiên của ngài ở Đền thờ Thánh Phêrô ngày chúa nhật 11 tháng 5 năm 2025. VATICAN MEDIA/IPA/SIPA
Những chữ đầu tiên
“Tôi xin gởi đến mọi người ở khắp mọi nơi, đến tất cả mọi dân tộc trên toàn trái đất: Bình an của Chúa ở cùng anh chị em! Đây là bình an của Chúa Kitô phục sinh, một hòa bình giải trừ vũ khí… Hòa bình này đến từ Thiên Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta không điều kiện. (…) Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người. Sự dữ sẽ không thắng thế. Tất cả chúng ta đều ở trong vòng tay Thiên Chúa.” Ngày thứ năm 8 tháng 5, lần đầu tiên Đức Lêô ra ban-công Đền thờ Thánh Phêrô.
Giáo hội theo Đức Lêô XIV
“Tôi là con của Thánh Augustinô, ngài đã nói: ‘Với anh em, tôi là tín hữu kitô, vì anh em, tôi là giám mục.’ (…) Chúng ta muốn trở thành một Giáo hội công đồng, một Giáo hội bước đi, luôn đi tìm hòa bình, luôn đi tìm lòng bác ái, luôn tìm cách gần gũi với tất cả những ai đang đau khổ.” Ngày thứ năm 8 tháng 5, lần đầu tiên Đức Lêô ra ban-công Đền thờ Thánh Phêrô.
Đòi hỏi của đức tin
“Ngay cả ngày nay, vẫn có những bối cảnh mà Chúa Giêsu dù được yêu mến cũng bị hạ thấp, bị xem như một nhà lãnh đạo lôi cuốn, như một siêu nhân, điều này không chỉ với những người không tin mà còn với những người đã chịu phép rửa tội, họ sống theo kiểu người vô thần.” Thứ sáu 9 tháng 5, bài giảng thánh lễ bế mạc mật nghị.
Tính khẩn cấp của sứ vụ
“Có nhiều bối cảnh mà đức tin kitô giáo bị cho là phi lý, chỉ dành cho người yếu đuối, người không thông minh; trong bối cảnh mà những thứ khác được ưa chuộng hơn như công nghệ, tiền bạc, thành công, quyền lực, lạc thú (…) Chính vì lý do này mà sứ mệnh trở nên cấp bách, vì ở những nơi thiếu đức tin, thường dẫn đến bi kịch.” Thứ sáu 9 tháng 5, bài giảng thánh lễ bế mạc mật nghị.
Người kế vị Thánh Phêrô
“Trước hết, tôi xin nói điều này cho chính tôi, với tư cách là người kế vị Thánh Phêrô (…). Lời Thánh Phêrô là lời cam kết không điều kiện cho những ai thực hiện sứ vụ có thẩm quyền trong Giáo hội: họ quên mình để Chúa Kitô được hiển thị, họ làm cho mình trở nên nhỏ bé để Chúa Kitô có thể được biết đến, được tôn vinh, tận hiến cho đến cùng để không ai bỏ lỡ cơ hội được biết và yêu mến Ngài.” Thứ sáu 9 tháng 5, bài giảng trong thánh lễ bế mạc mật nghị.
Đức Lêô, người tôi tớ khiêm nhường
“Từ Thánh Phêrô đến tôi, tôi là người kế nhiệm không xứng đáng của ngài, là tôi tớ khiêm nhường của Thiên Chúa và của anh em, không gì khác hơn. Tấm gương của các vị tiền nhiệm của tôi đã chứng minh rõ điều này, và gần đây là của Đức Phanxicô (…). Chúng ta tiếp nhận di sản quý giá này và lên đường một lần nữa, được truyền cảm hứng bởi cùng một niềm hy vọng nảy sinh từ đức tin.” Thứ bảy 10 tháng 5, trong lần họp với các hồng y.
Theo bước chân Đức Lêô XIII
“Đức Lêô XIII với thông điệp lịch sử Tân sự Rerum Novarum, đã giải quyết vấn đề xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lớn đầu tiên; và ngày nay, Giáo hội trao cho chúng ta di sản học thuyết xã hội để ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp khác và với sự phát triển trí tuệ nhân tạo, đặt ra những thách thức mới cho việc bảo vệ phẩm giá con người, công lý và lao động.” Thứ bảy 10 tháng 5, trong lần họp với các hồng y.
Lắng nghe một làn gió nhẹ
“Chính Đấng Phục Sinh, hiện diện giữa chúng ta, là Đấng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội, là Đấng hồi sinh Giáo hội trong hy vọng (…). Chúng ta phải là những người ngoan ngoãn lắng nghe tiếng của Ngài, là thừa tác viên trung thành với chương trình hoạch định cứu độ của Ngài, biết rằng Thiên Chúa mạc khải trong tiếng thì thầm của làn gió nhẹ, trong tiếng nói thầm lặng tinh tế”. Thứ bảy 10 tháng 5, trong lần họp với các hồng y.
“Không bao giờ có chiến tranh nữa!”
“Thảm kịch to lớn của Thế chiến thứ hai đã kết thúc cách đây 80 năm, ngày 8 tháng 5, sau khi đã làm cho hơn 60 triệu người chết. Hôm nay trong bối cảnh bi thảm của ‘chiến tranh thế giới thứ ba từng phần’ như Cố Giáo hoàng Phanxicô đã nhiều lần nhấn mạnh, tôi xin gởi đến các nhà lãnh đạo thế giới lời kêu gọi vẫn còn phù hợp cho đến ngày nay: ‘Đừng bao giờ có chiến tranh nữa!’” Chúa nhật 11 tháng 5 trong giờ Kinh Nữ vương Thiên Đàng.
Một cách giao tiếp khác biệt
“Cố gắng giao tiếp theo cách khác, không đi tìm đồng thuận bằng mọi giá, không nói các câu nói hung hăng, không rơi vào bẫy cạnh tranh. Hòa bình bắt đầu với mỗi người chúng ta: trong cách chúng ta nhìn người khác, lắng nghe người khác và nói về người khác. (…) Chúng ta phải nói “không” với chiến tranh bằng lời nói và hình ảnh, chúng ta phải bỏ mô hình chiến tranh.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Đức Lêô: truyền giáo bằng giáo dục và giáo dục bằng truyền giáo
Đức Lêô: một trải nghiệm thiêng liêng phi thường
Đức Giám mục Christophe Pierre: “Đức Lêô rất điềm tĩnh”
Giám mục Marc Aillet: “Đức Lêô XIV có khả năng hòa giải những khác biệt tạo xung đột trong Giáo hội”
Trung Quốc, Việt Nam và Myanmar: những vấn đề cấp bách tại Đông Á của Đức Lêô