Đức Giám mục Christophe Pierre: “Đức Lêô rất điềm tĩnh”
lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2025-05-15
Hồng y Christophe Pierre, Tổng giám mục, nhà ngoại giao người Pháp tại Giáo hội công giáo Hoa Kỳ giải thích lý do và cách nào một Hồng y Mỹ ở ngai Thánh Phêrô.
Hồng y người Pháp Christophe Pierre, 79 tuổi, rất kín đáo, ngài giữ một trong những vị trí quan trọng nhất của ngoại giao Vatican: sứ thần Tòa Thánh ở Washington, Hoa Kỳ. Một chức vụ đã trở nên chiến lược với Giáo hội công giáo kể từ khi Tổng thống Trump trở lại chính quyền, ông có những quan hệ căng thẳng với Vatican. Hồng y Christophe Pierre trao đổi với chúng tôi cảm nghĩ về cuộc bầu cử và các mục tiêu của triều Đức Lêô XIV.
Trước mật nghị nhiều người nói người Mỹ không thể được bầu vì quốc tịch của họ. Chuyện gì đã xảy ra để Đức Lêô làm giáo hoàng?
Tổng giám mục Christophe Pierre: Trước tiên tôi phải nói, tôi không thể tiết lộ một bí mật nào! Nếu cuộc bầu cử này đã diễn ra như vậy, như thế tự nó đã nói rất nhiều điều về cuộc bỏ phiếu đặc biệt này. Thực ra, việc bầu giáo hoàng không phải là vấn đề bầu cử. Không có tiền, không có đấu tranh. Trên hết là suy tư và phân định của 133 hồng y cử tri. Chúng tôi đến từ khắp nơi trên thế giới, chúng tôi không biết nhau, nhưng chúng tôi có 9 ngày để bàn thảo, chuẩn bị và tìm hiểu suy nghĩ của nhau. Chúng tôi ai cũng có cá tính riêng của mình, mỗi hồng y là một nhân cách, nhưng chúng tôi không thuộc về một nhóm, một đảng phái nào. Chúng tôi thuộc về một Giáo hội, Giáo hội công giáo!
Nhưng phải có một mốc quan trọng để bầu một người Mỹ vào ghế Thánh Phêrô?
Vì sao một Giáo hoàng người Mỹ lại không được? Tôi là Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ. Giáo hội là một thực thể có uy tín ở nước Mỹ: trong số 330 triệu dân, có 80 triệu người công giáo, là đã 1/4 dân số.
Đây có phải là cuộc bầu cử chính trị không?
Không! Tôi đã nói về điều này một lần với các hồng y bạn, các ngài đều có cùng một suy nghĩ: Cá nhân tôi trải nghiệm điều này như một phân định của Chúa Thánh Thần, dù nó mang chiều kích chính trị, theo nghĩa của thần học gia Péguy: “Mọi thứ bắt đầu bằng chủ nghĩa thần bí và kết thúc bằng chính trị.”
Chiều kích chính trị này sẽ như thế nào?
Chiều kích chính trị trước hết là nhìn nhận thực tế như nó vốn có. Chúng tôi đại diện cho các giáo hội trên khắp thế giới, có liên quan đến hệ thống chính trị. Như ông biết, ở Hoa Kỳ, Giáo hội là một phần của sự phân cực với những căng thẳng của nó.
Như thế việc bầu một Giáo hoàng người Mỹ có thể làm giảm căng thẳng này không?
Không. Việc bầu Giáo hoàng không nhằm mục đích này! Chúng tôi đi tìm người phù hợp nhất với ý Chúa. Chúng tôi có 10 ngày để cầu nguyện, suy ngẫm và lắng nghe nhau. Đây là cách tiếp cận theo tinh thần đồng nghị giúp chúng tôi đo lường mọi thứ. Và rồi, sẽ đến lúc Chúa Thánh Thần hành động… Tôi tin vào điều này! Lúc đầu, chúng tôi tìm hiểu nhau, chúng tôi sốt ruột vì muốn đi thẳng vào vấn đề nhanh hơn, chúng tôi hơi chậm một chút, đó là điều bình thường. Và rồi mọi thứ lắng xuống, chúng tôi nghiêm túc: các câu hỏi quan trọng nằm ở đâu? Chúng tôi sẽ bỏ phiếu cho ai? Tôi không thể nói các thông tin về chuyện này cho ông nghe. Nhưng sẽ đến lúc chúng tôi nhìn thấy ánh sáng và rồi chúng tôi vượt qua ngưỡng cửa này…
Cha biết rõ Đức Lêô, cha có thể cho chúng tôi biết tính cách của ngài không?
Trước hết ngài là người Mỹ, nhưng ngài cũng là người của Châu Mỹ la-tinh, ngài phục vụ lâu năm ở đây hơn là ở Hoa Kỳ. Ngài là người sốt sắng mộ đạo. Đức Phanxicô là Tu sĩ Dòng Tên, ngài là tu sĩ Dòng Thánh Augustinô, đại diện cho một trong những tinh thần vĩ đại của Giáo hội. Thánh Augustinô là một tượng đài! Và Đức Lêô là một tu sĩ tiêu biểu của Dòng Âugustinô. Ngài đã hai lần làm Bề trên Tổng quyền Dòng, với chức vụ này ngài đã sống 15 năm ở Rôma. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm giám mục ở Peru. Ngài là người Châu Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha. Ngài là chuyên gia giáo luật về luật nội bộ Giáo hội, ngài được đào tạo căn bản. Ngài làm việc như một linh mục địa phương ở Peru, sau đó ngài làm giám mục trong một giáo phận có điều kiện sống khó khăn. Trên thực tế, ngài là người Mỹ gốc la-tinh, một lợi điểm của Giáo hội.
Tâm lý của ngài như thế nào, rất bình tĩnh, hay cười…
Tôi không thể nói về quá trình bầu cử, nhưng tôi đã có ấn tượng mạnh về ngài trong suốt thời gian họp… Tôi thấy ngài từ bên trong… Như thể nhìn thấy gió thổi nhưng không ai biết gió sẽ thổi đi đâu, đó chính là cách Chúa Thánh Thần hoạt động. Và rồi, người được chọn đã chấp nhận với một tinh thần bình thản đáng kinh ngạc, chỉ xảy ra trong vài phút: ngài là một giám mục, một hồng y và là giáo hoàng!
Vì sao Đức Phanxicô lại giao cho ngài trách nhiệm lớn lao là bổ nhiệm giám mục?
Đây cũng là công việc của Chúa Thánh Thần. Giống như Đức Phanxicô, ngài đến từ Châu Mỹ Latinh, ở đó ngài đã có một sự nghiệp đồ sộ về mục vụ và về trí thức. Khi tìm người vào chức vụ quan trọng bổ nhiệm các giám mục trên toàn thế giới, ngài đã chọn Hồng y Robert Francis Prevost vì ngài thấy các đức tính của Hồng y. Đức tính của một giáo hoàng là tìm những người tốt ở bên cạnh mình. Chúng ta không thể cai trị một mình.
Về hình thức và nội dung, phong cách của Đức Lêô XIV sẽ như thế nào?
Tôi biết ngài trong chức vụ của ngài ở Bộ Giám mục vì công việc của một Sứ thần là chuẩn bị hồ sơ đề cử giám mục. Giáo hoàng bổ nhiệm nhưng chúng tôi là những người chuẩn bị cho cuộc bổ nhiệm. Tân Giáo hoàng rất điềm tĩnh, ngài điềm đạm, sâu sắc, có học thức, nhìn trước mọi việc và rất thanh thản. Tôi cảm nhận được sự thanh thản tuyệt vời này ở ngài, tôi thấy lại sự thanh thản này trong những ngày gần đây. Khi trải qua những thay đổi lớn như vậy, chúng ta thường lo lắng hoặc bứt rứt. Tôi thấy ngài thật thanh thản. Khi chúng ta biết một người mình đã làm việc với họ, và khi họ là Giáo hoàng chỉ sau vài phút… chúng ta thấy họ mặc áo trắng, mọi thứ đã thay đổi, nhưng họ thì không.
Những từ đầu tiên ngài tuyên bố là – “hòa bình” và nhấn mạnh vào “Chúa Kitô” báo hiệu điều gì trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng này?
Trước hết, tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên về danh hiệu ngài chọn. Đã có Bênêđictô, Phanxicô và bây giờ là Lêô. Ngài theo bước chân Đức Lêô XIII, giáo hoàng thời kỳ đầu của học thuyết xã hội của Giáo hội, của cách mạng công nghiệp, thời điểm Giáo hội thích nghi với hiện đại. Đó là những khía cạnh đầu tiên. Về chủ đề hòa bình, chúng ta nhớ đến cuộc chiến của Đức Phanxicô chống lại sự điên rồ của chiến tranh và vũ khí. Ngài đã vượt ra khỏi logic hiếu chiến đang giam cầm thế giới mà chúng ta không thể thoát ra được. Vì vậy sẽ có sự liên tục về mặt này. Học thuyết xã hội của Giáo hội nhắc lại, công giáo không phải là một tôn giáo gần gũi mà là một tôn giáo có tác động đến thực tại.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm
Giám mục Marc Aillet: “Đức Lêô XIV có khả năng hòa giải những khác biệt tạo xung đột trong Giáo hội”
Trung Quốc, Việt Nam và Myanmar: những vấn đề cấp bách tại Đông Á của Đức Lêô