Đức Lêô XIV: điềm tĩnh, thận trọng cải cách để có một Giáo hội thống nhất trong một thế giới chia rẽ
la-croix.com, Céline Hoyeau, Matthieu Lasserre và Héloiose de Neuville, 2025-05-13
Đức Lêô XIV tại hành lang Đền thờ Thánh Phêrô ngày chúa nhật 11 tháng 5 năm 2025. Tiziana Fabi / AFP
Sau bốn vòng bỏ phiếu, ngày thứ năm 8 tháng 5, các hồng y đã bầu Hồng y Robert Francis Prevost, tu sĩ Dòng Augustinô làm Giáo hoàng. Ngài là người của ba châu lục, có khả năng hiện thân cho sự hiệp nhất trong Giáo hội, ngài duy trì tính liên tục với các triều giáo hoàng trước.
Nét mặt ngài không che giấu được cảm xúc đang dâng trào. Khi ngài xuất hiện lần đầu tiên ở Đền thờ Thánh Phêrô, tiếng reo hò của đám đông tràn ngập như một làn sóng cực mạnh. Trong ba phút đầu tiên trước thế giới, ngài như đột nhiên thấy được tầm mức quy mô đến chóng mặt sứ mệnh của ngài và sức nặng kỳ vọng của hơn một tỷ người công giáo đang đặt vào ngài.
Nhưng khi ngài phát biểu trước 100.000 giáo dân mừng ngài đắc cử, với chiếc mũ mosette đỏ và khăn choàng trên vai, giọng nói nhẹ nhàng của ngài phản ánh sự quyết tâm thầm lặng còn mạnh hơn cả sự chóng mặt này. Rất nhanh chóng, ngài đã khoác lên mình chiếc áo giáo hoàng một cách tự nhiên giản dị.
Khi bổ nhiệm cựu giám mục của Chiclayo, một trong những thành phố lớn nhất Peru làm giáo hoàng, Hồng y đoàn dường như đã tìm được “người mục tử” họ hình dung trong các cuộc họp tiền mật nghị. Trong thế giới đang bị khuấy động bởi các cuộc xung đột vũ trang, ngài đã có lời kêu gọi tạo nên bầu khí yên lành cho triều của ngài. Ngài, chỉ vài giờ trước đó là Hồng y Robert Francis Prevost đã chắc nịch tuyên bố: “Tôi xin gởi lời chào hòa bình đến tất cả mọi người, đến tất cả mọi dân tộc trên toàn trái đất. Đó là bình an của Chúa Kitô phục sinh: một hòa bình không vũ trang, một hòa bình giải trừ vũ khí, khiêm nhường và bền bỉ. Hòa bình đến từ Chúa, Đấng yêu thương tất cả chúng ta không điều kiện.”
Cầu nối giữa Bắc và Nam
Có vẻ như Tân Giáo hoàng là Giáo hoàng không thể xếp loại. Lêô XIV là Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên trong lịch sử; ngài là người Peru đầu tiên kế vị Thánh Phêrô. Trong số các hồng y đến từ nước Mỹ, ngài đúng là người ít mang tính chất Mỹ nhất, cả về tính cách, sự kín đáo dè dặt. Trong sự nghiệp của ngài, ngài chỉ dành một phần ba cuộc đời của ngài ở Hoa Kỳ. Sự nghiệp của ngài được đánh dấu sâu đậm qua kinh nghiệm truyền giáo và giám mục ở Peru – ngài được cho là Mỹ “la-tinh” nhất, đến mức ngài xin vào quốc tịch Peru – ngài trở thành cầu nối giữa nhiều thực thể giáo hội. Và là sợi dây liên kết Bắc Nam trên một lục địa bị chia cắt. Trong những năm ở Peru, việc chào đón người nghèo và người di cư đã là một phần quan trọng trong sứ vụ của ngài.
Hồng y Joseph Tobin mô tả ngài là “người không lùi bước nếu mục đích chính đáng”.
Ngài định vị ngài như thế nào khi đối đầu với Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống J.D. Vance? Trong các bài viết ngài chia sẻ gần đây trên Twitter khi ngài còn làm Bộ trưởng Bộ Giám mục, ngài không tán thành chính sách di cư của họ, ngài cho biết Giáo hội quan tâm đến tình trạng dễ bị tổn thương của người di cư giống những lo âu của Đức Phanxicô tiền nhiệm của ngài. Như thế ngài có trực tiếp phản đối nhóm hành pháp của Mỹ không? Hồng y người Mỹ Timothy Dolan phát biểu sau mật nghị: “Đức Lêô muốn xây dựng cầu nối với các quốc gia. Tôi không nghĩ các bạn của tôi muốn Tân Giáo hoàng là một đối trọng. Giáo hội cần có một Giáo hoàng đoàn kết để đương đầu với các làn gió ngược.”
Nếu năm 2013, các hồng y đi tìm một giáo hoàng ở tận cùng thế giới thì năm nay họ bầu một người có gốc gác sâu xa ở ba châu lục: nguồn gốc đa văn hóa của ngài không làm ngài trở thành một giáo hoàng của một quốc gia duy nhất. Ngài nói được tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, Bồ Đào Nha và Pháp. Ngài sinh ra ở Chicago, Illinois, một giáo phận lịch sử của Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng mạnh của làn sóng nhập cư người Ý và Ba Lan. Mẹ của ngài Mildred Agnes Martinez người Pháp vùng Normand, sinh tại Le Havre năm 1894, là một thủ thư, có tổ tiên là người Tây Ban Nha, người Louisiana Creole và người Haiti; cha của ngài là ông Louis Marius Prevost, hiệu trưởng và là trung úy của Hải quân Hoa Kỳ trong Thế chiến thứ hai.
Nhà cải cách thận trọng
Đức Phanxicô trước khi qua đời đã đặt ra thời hạn là năm 2028 để thực hiện Thượng hội đồng về tính đồng nghị. Đức Lêô XIV dường như là người kế thừa trọn vẹn dự án lớn lao này nhằm phát triển cách quản trị Giáo hội theo hướng tham dự của giáo dân. Không chỉ đơn thuần hỗ trợ cho việc này, Tân Giáo hoàng cam kết theo đường hướng công đồng, ngài xem đây là liều thuốc giải quyết những chia rẽ trong Giáo hội. Vào buổi tối đắc cử, từ ban-công Đền thờ Thánh Phêrô, ngài kêu gọi thành lập “Giáo hội đồng nghị”, phác thảo tầm nhìn của ngài: “Giám mục không phải là một hoàng tử nhỏ ngồi trong vương quốc của mình, nhưng là người khiêm nhường, gần gũi với những người mình phục vụ, đồng hành và cùng đau khổ với họ để sống Phúc Âm tốt hơn giữa dân mình.”
Về phụ nữ, ngài đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vị trí có trách nhiệm trong giáo phận Peru, ngài ủng hộ cuộc cách mạng nhỏ do Đức Phanxicô khởi xướng, nhằm mở ra cánh cửa quản lý giáo hội cho phụ nữ – đáng chú ý Đức Phanxicô đã bổ nhiệm ba phụ nữ vào bộ có trách nhiệm lựa chọn giám mục tương lai – đồng thời ngài cho biết, ngài phản đối việc phong chức cho phụ nữ làm linh mục hay phó tế. Theo quan điểm của ngài, việc họ được chịu chức cuối cùng sẽ là “giáo sĩ hóa” họ. Điều này tương ứng với quan điểm của ngài về vị trí của giáo dân, theo ngài, họ là những người phải sống ơn gọi rửa tội của chính mình, và không tìm cách đảm nhận chức vụ của giáo sĩ.
Đằng sau bề ngoài điềm tĩnh tự nhiên, ngài là người có đức tin đã được tôi luyện, dè dặt chắt lọc nhưng rõ ràng về những chủ đề gây chia rẽ nhất của Giáo hội. Về chủ đề tế nhị chúc phúc cho các cặp đồng tính, ngài tỏ ra thận trọng khi Thượng hội đồng tháng 10 năm 2024 quyết định các Hội đồng Giám mục quốc gia nên có quyền tự do rộng rãi để xem xét khả năng này tùy thuộc vào bối cảnh của họ. Vì thế ngài kêu gọi một hình thức phân cấp quyền lực của La-mã theo cơ chế công đồng, phù hợp với thực tế địa phương.
Một lập trường trung dung có lẽ phản ánh tầm nhìn của ngài về một Giáo hội phổ quát nhưng không đồng nhất, có khả năng cân bằng giữa các nguyên tắc giáo lý chung và các ứng dụng mục vụ thích hợp: một câu có thể định hình cách tiếp cận chung của ngài với những căng thẳng về mặt địa lý và ý thức hệ đang diễn ra trong Giáo hội công giáo.
Một Giáo hoàng của Dòng Âugustinô sẽ tập hợp những điều đối lập
Các hồng y một lần nữa lại tìm đến ngài trong số các tu sĩ, một lựa chọn không hề tầm thường. Sau một tu sĩ Dòng Tên là một tu sĩ Dòng Augustinô rất gắn bó với Dòng tu của mình. Ngài vào Dòng Âugustinô năm 1977, Dòng có linh đạo đặc biệt được đánh dấu bằng việc tìm kiếm sự hiệp nhất – một điểm quan trọng trong phương châm giám mục ngài đã chọn và ngài giữ nguyên phương châm này làm phương châm giáo hoàng, đó là châm ngôn của Thánh Augustinô: “Trong Đấng duy nhất, chúng ta nên một, In Illo uno unum”. Ngài đã chứng minh được năng lực quản lý và điều hành khi ngài đứng đầu Hội Dòng của ngài trong 12 năm (2001-2013). Hồng y Jean-Paul Vesco tóm tắt: “Ngài là người biết cách làm việc theo nhóm và ra quyết định.”
Sau một thời kỳ cai trị theo kiểu Bergoglio bị nhiều cộng sự của ngài cho là gây chia rẽ và căng thẳng, việc bầu một giáo hoàng được kính trọng vì tính ôn hòa, cân bằng và khả năng kết hợp những điều đối lập chắc chắn đáp ứng mong muốn về tinh thần bằng hữu lớn hơn trong hành động, được các hồng y bày tỏ trước mật nghị. Hồng y Timothy Dolan ủng hộ đồng hương của ngài cho biết: “Chúng ta đã bầu một Giáo hoàng điềm tĩnh.”
Trong những ngày và giờ sau khi được bầu, một số hồng y cử tri nhấn mạnh đến kinh nghiệm thành công của ngài với tư cách là người đứng đầu một bộ chiến lược trong Giáo triều thường bị chi phối bởi sự quản lý theo chiều dọc của người tiền nhiệm. Trong một diễn biến tiết lộ về chính quyền của Giáo hội của buổi thảo luận riêng ngày thứ bảy, 10 tháng 5, ngài kêu gọi một “dạng chia sẻ với Hồng y đoàn” để các hồng y cao cấp của Giáo hội có thể đề xuất ý kiến và cho ngài lời khuyên.
Đức Lêô là con người của cầu nguyện, ngài có đời sống thiêng liêng sâu đậm. Linh mục Joseph Farrell, Tổng đại diện Dòng của ngài, mô tả ngài là người “rất khiêm tốn, rất thông minh, người suy nghĩ trước khi hành động, lắng nghe trước khi nói và luôn cầu nguyện trước khi bắt đầu một ngày mới”. Linh mục kể mỗi buổi sáng trước khi đi làm việc ở Bộ Giám mục, Hồng y Prevost luôn dừng lại ở nhà nguyện của Dòng để đọc kinh sáng và dự thánh lễ: “Khi chúng tôi đến nhà nguyện, chúng tôi đã thấy ngài ngồi im lặng cầu nguyện.”
Một mục tử quen với các trách nhiệm
Ngài sinh ngày 14 tháng 9 năm 1955 tại Chicago, Illinois.
- Vào tập viện dòng Augustinô và khấn trọn ngày 29 tháng 8 năm 1981.
Ngày 19 tháng 6 năm 1982: ngài chịu chức.
Năm 1985-1986 sau đó là năm 1988-1998, ngài đi truyền giáo ở miền bắc Peru.
- Ngài làm Bề trên Tổng quyền vùng Trung Tây và trở về Chicago.
2001-2013. Ngài được bầu làm Bề trên Tổng quyền Dòng Thánh Augustinô
- Đức Phanxicô bổ nhiệm ngài làm giám quản tông tòa và sau đó là giám mục của Chiclayo (Peru).
- Ngài được bổ nhiệm làm phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru.
- Ngài làm Tổng trưởng Bộ Giám mục và được phong hồng y vào tháng 9. Hai năm sau, ngài được Đức Phanxicô nâng lên hàng hồng y-giám mục.
Ngày 8 tháng 5 năm 2025. Ngài được các hồng y bầu làm giáo hoàng và lấy danh hiệu là Lêô XIV.
Marta An Nguyễn dịch
Giống như trúng số độc đắc: Ngôi nhà thời thơ ấu của Đức Lêô tăng giá sau khi ngài được bầu
Đứa bé mơ làm “Giáo hoàng người Mỹ đầu tiên”
Hồng y Blase Cupich nói về lý do Hồng y đoàn chọn Đức Lêô XIV
Chúng ta mong chờ gì nơi Giáo hoàng mang tinh thần Thánh Augustinô
Đức Lêô XIV: Những bước đi đầu tiên của một giáo hoàng cắm neo trong thế giới
Mật nghị 2025: Hồng y Vesco kể hậu trường cuộc bầu cử Giáo hoàng Lêô XIV