Không im lặng trong tôn giáo  

16

Không im lặng trong tôn giáo

Từ ủy ban Sauvé đến vụ Abbé Pierre, nữ tu thần học gia Véronique Margron là đại diện, là phát ngôn viên của các nạn nhân bạo lực tình dục trong Giáo hội Công giáo. Không có nữ tu Véronique, không có báo cáo của Ủy ban Độc lập về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp (Ciase), không có phiên bản sửa chữa và nhiều thứ khác.

liberation.fr, Bernadette Sauvaget, 2024-12-20

Ngày hôm đó, nữ tu Margron có vẻ mệt mỏi. Nữ tu nói tránh: “Vì đây là mùa virus lây lan.” Nhưng những ai biết nữ tu thì biết, không phải chỉ vì đợt cảm lạnh mùa thu mới làm sơ mệt mỏi, da nhăn nheo mặt mày ủ rũ như vậy. Nữ tu công nhận: “Đúng vậy, tôi vừa bị đòn.” Sơ mặc áo len đỏ, quần nhung, ngồi thoải mái trên chiếc ghế dài xanh lá cây trong văn phòng của sơ. Kể từ giữa những năm 2010, không cân đong đo đếm, sơ cống hiến hết mình cho Giáo hội. Sơ chống bạo lực tình dục trong Giáo hội, sơ xin tôn trọng các nạn nhân. Hàng trăm người đến văn phòng sơ ở quận 15 Paris, cách Montparnasse không xa để kể cho sơ nghe những bí mật nặng nề khủng khiếp. Sơ nói: “Đó là cuộc sống của tôi, tôi chấp nhận.” Với sơ, những cuộc gặp này là những khoảnh khắc hiếm hoi thấm nhuần tính nhân văn: “Tất cả những người đến gặp tôi là những người tốt lành, những người thành công trong việc xây dựng cuộc sống, nhưng họ bị xáo động vì các kinh nghiệm tiêu cực. Nếu có một câu để diễn tả những việc này, thì đó là câu ”những chuyện chưa từng nghe thấy”.

Tháng 5 năm 2023, A. đến gõ cửa nhà sơ. A là nạn nhân của Abbé Pierre, bên ngoài vòng giới hạn của phong trào Ê-mau.

Sau khi nghe A. kể chuyện, sơ cảnh báo với người đứng đầu Trung tâm Ê-mau. Năm 2023 sơ tổ chức cuộc họp với Trung tâm. Phải mất nhiều tháng và theo yêu cầu của các nạn nhân, Trung tâm Ê-mau mới ra lệnh điều tra và cuối cùng công bố kết quả. Tháng 9, khi A. còn tránh báo chí, sơ đã trả lời các câu hỏi, trình bày trên Truyền hình bạo lực tình dục đã tàn phá cuộc sống và tâm hồn các nạn nhân như thế nào, họ đã khó khăn như thế nào để phá vỡ im lặng của xiềng xích, đặc biệt là khi liên quan đến một biểu tượng nặng ký như Abbé Pierre. Sức mạnh của nhà thần học là nghệ thuật ngôn từ, lối hùng biện không bao giờ đơn giản, khả năng đồng cảm. Nhà xã hội học Céline Béraud, chuyên gia về công giáo nói về sơ: “Véronique Margron là hiện thân của khuôn mặt trang nghiêm của Giáo hội Công giáo. Các nạn nhân của bạo lực tình dục sẽ đến với sơ khi họ cần liên hệ với tổ chức này.” Chân dung của quyển sách Trong một thế giới công giáo vẫn còn rất trọng nam (Dans un monde catholique encore très machiste), việc sơ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông làm cho họ rất khó chịu. Lòng trắc ẩn của sơ đã tạo uy tín vượt lên những nhỏ nhen. Với các nạn nhân, chẳng có nhiều cánh cửa để gõ. Nhà báo Natalia Trouiller, người tố cáo các vụ lạm dụng ở giáo phận Lyon khẳng định: “Nếu Véronique Margron không ở đó, sẽ không có gì thay đổi. Với chức vụ của sơ, sơ có thể nói chuyện bình đẳng với các giám mục.” Năm 2016, khi vụ Preynat-Barbarin nổ ra, ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng bạo lực tình dục trong Giáo hội công giáo Pháp, sơ làm Chủ tịch Hội đồng Tu sĩ nam nữ Pháp (Corref), các giáo đoàn và dòng tu Công giáo ở Pháp. Nhiệm vụ của sơ nặng nề và áp đặt. Năm 2018, khi tổ chức ngày càng lún sâu vào một khủng hoảng bất tận, sơ đã xin các Margron đã xin Giám mục thành lập một phái đoàn điều tra, Ủy ban Độc lập về Lạm dụng Tình dục trong Giáo hội (Ciase) do ông Jean-Marc Sauvé chủ trì. Ngày 5 tháng 10 năm 2021, khi nạp báo cáo Ciase, gần như rơi nước mắt, sơ nói: “Giáo hội đã tạo ra một dân tộc có cuộc sống tan vỡ.” Ngày hôm đó, sơ đau buồn cho số phận tan vỡ của 330.000 nạn nhân (con số được các nhà nghiên cứu Ciase ước tính), giữ kín nỗi đau của sơ: mẹ sơ vừa qua đời và tang lễ cử hành vài ngày sau đó.

Kín đáo, “Véro”, tên thân mật của sơ, hiếm khi chia sẻ tâm tình, gia đình sơ chỉ còn vài người đếm trên đầu ngón tay: “Ông bà, mẹ và người anh”, ông bà thuộc thế hệ xưa, rất nghiêm khắc.

Thần học gia Véronique Margron, Chủ tịch Hội đồng Tu sĩ Pháp

Sơ sinh ngày 13 tháng 12 năm 1957 tại Dakar. 1980 vào Dòng Đa Minh ở Orléans. Năm 2007 Khoa trưởng khoa Thần học tại Angers.

Sinh cuối những năm 1950 khi mẹ làm ở trường Đại học, sơ không nhớ gì về cha, người cha nhanh chóng biến mất khỏi mái ấm gia đình. Một bí ẩn, một cái bóng. Sơ về Pháp vào đầu những năm 1960 khi phi thực dân hóa: “Anh tôi và tôi chưa bao giờ dám hỏi mẹ tôi chuyện gì đã xảy ra”.

Sơ không sinh trong gia đình công giáo sốt sắng nên sơ có một tự do khi làm việc. Sơ có cuộc sống cấp tiến, kết quả của những lần đi tĩnh tâm ở Tu viện Biển Đức Morvan, sr thấy các tu sĩ có cuộc sống nội tâm phong phú. Sơ gần Cộng đồng Nữ tu Đa Minh ở Orléans và cuối cùng sơ quyết định vào Dòng, sơ cho biết: “Họ là những phụ nữ sôi nổi và đầy nhiệt huyết.” Sơ cho biết sơ đã từng “yêu” nhưng đó là trước đây. Trong suốt quá trình của sơ, sơ nổi bật với tính điềm tĩnh, rất lắng nghe và chia sẻ các tổn thương của người khác. Sơ là nhà giáo đầu tiên bảo vệ tư pháp cho giới trẻ trước khi bước vào đời sống tu trì. Và sau đó là một nhà thần học, một chuyên gia về đạo đức. Sơ giải thích: “Chúng ta không thể tạo thần học kiểu này mà không lắng nghe những đau khổ cụ thể và những câu hỏi mà xã hội đặt ra.” Sống ở Paris, sơ đọc báo Libération mỗi ngày trong một thời gian dài vì mối quan hệ của sơ với những rạn nứt của thế giới. Trong 15 năm qua, sơ đảm nhận nhiều trách nhiệm, khoa trưởng Khoa thần học, đầu tiên ở Angers, Chủ tịch Hội đồng Tu sĩ Pháp.

Sơ là một trong những nhân vật lớn của Công giáo Pháp. Nhiều giám mục nễ sợ. Vatican cũng dè chừng với sơ vì sơ đấu tranh triệt để chống lạm dụng tình dục. Nhưng tại Vatican sơ cũng được ca ngợi vì khả năng quản lý các hồ sơ phức tạp và đau đớn của các Dòng lâu đời bây giờ phải đóng cửa. Sơ có rất nhiều kẻ thù là cánh tay phải của Chúa. Với sự nhạy bén về chính trị, sơ vượt qua được các cạm bẫy, không bao giờ đối đầu trực diện với đối thủ. Sơ nhận xét về cam kết của các cơ quan công quyền trong cuộc chiến chống bạo lực tình dục, đặc biệt với trẻ vị thành niên: “Nó chưa đúng tiêu chuẩn.” Cũng như nhiều người khác, sơ lo ngại về việc quay trở lại cách quản lý không đúng các vấn đề này trong Giáo hội. Dù bối cảnh ảm đạm xung quanh, dù còn bóng tối, sơ vẫn duy trì hy vọng bất chấp sóng gió và thủy triều, sơ nói: “Tôi tin vào con người.”

Marta An Nguyễn dịch