Đức Phanxicô mang tâm trạng hướng nội và tự kiểm trong quyển tiểu sử của ngài
lactualite.com, Nicole Winfield, Hãng thông tấn AP, 2025-01-14
Ảnh AP/Andrew Medichini
Trong quyển tiểu sử phát hành ngày thứ ba 14 tháng 1 năm 2025, Đức Phanxicô tiết lộ các chi tiết bên trong mật nghị bầu ngài năm 2013 và những phản kháng ngài gặp phải kể từ đó, ngài cũng nói đến một số quyết định gây tranh cãi nhất trong triều của ngài.
“Hy vọng” dự định phát hành sau khi ngài qua đời, nhưng theo yêu cầu của chính ngài, quyển sách đã có mặt ở các tiệm sách trên hơn 80 quốc gia trùng với thời điểm bắt đầu Năm Thánh 2025.
Các nhà xuất bản cho biết đây là quyển tiểu sử đầu tiên của một Giáo hoàng đương nhiệm viết, dù trước đây ngài đã cộng tác viết nhiều quyển sách theo kiểu hồi ký, phần lớn triều và lịch sử cá nhân của ngài đã được biết đến nhiều.
Nhưng quyển tiểu sử “Hy vọng” có cái nhìn sâu sắc về cách ngài nhìn tuổi thơ của ngài ở Buenos Aires và cách tuổi thơ này đã ảnh hưởng đến các ưu tiên của ngài với tư cách là Giáo hoàng.
Đúc kết từ những buổi nói chuyện kéo dài sáu năm với nhà báo người Ý Carlo Musso, “Hy vọng” đưa ra những phân tích đôi khi không mấy hay ho về ngài và những quyết định ngài đã làm hoặc những điều ngài hối tiếc – ít nhất là trước khi ngài làm Giáo hoàng.
Đó là lần ngài bắt người bạn cùng lớp trả tiền sửa chiếc xe đạp người bạn làm hư của ngài, hay khi ngài đánh một người bạn cùng lớp gần bất tỉnh, ngài rất xấu hổ về tuổi trẻ của mình, ngài không nghĩ ngài xứng đáng với chức giáo hoàng.
Ngài viết: “Nếu tôi nghĩ ơn lớn nhất mà tôi muốn Chúa ban và để tôi trải nghiệm thì đó là ơn xấu hổ.”
Vẫn còn những bí ẩn
Thật kỳ lạ, nhiều người vẫn còn chưa biết hai giai đoạn trong quá khứ của ngài, ngài nhắc lại một lần nữa trong quyển tiểu sử. Một giai đoạn liên quan đến thời gian ngài ở Córdoba, Argentina từ năm 1990 đến năm 1992. Ngài chưa bao giờ giải thích lý do bên trong của các tu sĩ Dòng Tên đã đưa ngài “đi đày” như một cha giải tội tại nhà thờ Dòng Tên trong hơn một năm, mười năm sau khi ngài đã là Giám tỉnh. Giai đoạn này chỉ được nhắc đến thoáng qua, ngài chỉ nói đây là “đêm đen tối ở Córdoba”.
Một giai đoạn khác chưa được biết giai đoạn ngài đi Đức để nghiên cứu về thần học gia Romano Guardini cho luận án mà ngài chưa bao giờ hoàn thành.
Tác động của các vụ bê bối lạm dụng tình dục của giáo sĩ, làm rung chuyển triều của ngài trong nhiều năm cũng ít được thảo luận. Ngài chỉ đề cập ngắn gọn vụ tai tiếng xảy ra trong chuyến đi Chi-lê năm 2018. Nhưng ngài dành nhiều thời gian hơn để ghi lại kỷ niệm ấm lòng trong chuyến đi này, khi ngài làm lễ cưới cho một cặp vợ chồng trên chuyến bay đến Iquique.
Con đường đi đến chức vụ giáo hoàng
Phần sau quyển sách, ngài tập trung vào triều của ngài, ít tự chỉ trích hơn, ngài mạnh mẽ bảo vệ các quyết định đôi khi gây tranh cãi của ngài. Ngài chia sẻ cảm xúc khi số phiếu bắt đầu có lợi cho ngài trong ngày thứ nhì bỏ phiếu bầu ngài làm giáo hoàng tháng 3 năm 2013.
Đức Phanxicô tiết lộ ngài ở trong số các hồng y nhận được “nhiều phiếu tạm thời” ở vòng đầu tiên khi bỏ phiếu để xem hướng đi của cuộc bầu cử. Ngài cho biết ngài không biết phiếu ở vòng đầu tiên, nhưng nhận ra số phận của mình đã được định đoạt khi ngài có 69 phiếu ở vòng thứ tư, trong số 77 phiếu cần thiết để có hai phần ba trong số 115 hồng y.
Vòng thứ năm – vòng ngài trở thành Giáo hoàng – thực ra đã phải làm hai lần. Một lá phiếu dư dính vào lá phiếu của một hồng y đã điền, vì vậy khi kiểm có 116 phiếu thay vì 115. Các lá phiếu bị đốt, không được mở ra và phải bỏ phiếu lại.
Ngài viết: “Khi tên tôi được gọi lần thứ 77, mọi người đã vỗ tay nhưng việc kiểm phiếu vẫn tiếp tục. Tôi không biết chính xác cuối cùng có bao nhiêu phiếu, tôi không nghe được nữa vì tiếng ồn đã lấn át giọng của người kiểm phiếu.”
Một trong những việc ngài làm sau cuộc bỏ phiếu là ôm hôn Hồng y Angelo Scola, Tổng giám mục giáo phận Milan, người được đánh giá cao trước mật nghị đến nỗi Hội đồng Giám mục Ý đã ra thông cáo báo chí để công bố việc bầu ngài. Đức Phanxicô viết: “Ngài xứng đáng được ôm như thế này.”
Trang phục đúng cho ngài
Khi vào phòng thánh, còn gọi là “phòng nước mắt” để mặc trang phục Giáo hoàng, ngài cho biết ngài có trong túi chiếc nhẫn giám mục cũ ngài đã dùng, cho thấy khi buổi sáng mặc trang phục, ngài đã có trực giác ngài sẽ được bầu.
Ngài viết về trang phục tối hôm đó: “Đôi giày đỏ ư? Không, tôi mang đôi giày chỉnh hình vì bàn chân tôi bị bẹt.” Ngài không muốn mặc chiếc áo choàng ngắn nhung đỏ, gọi là mozzetta, được người tiền nhiệm của ngài ưa chuộng. Ngài nói: “Những thứ này không hợp cho tôi. Hai ngày sau họ bảo tôi nên mặc quần màu trắng. Họ làm tôi cười. Tôi nói: ‘Tôi không muốn làm người bán kem, tôi giữ quần đen của tôi.’”
Những ai đi tìm thông tin đồn đại hiện nay về Vatican trong quyển sách này sẽ thất vọng, vì Đức Phanxicô chỉ viết ngắn gọn những phần gây tranh cãi nhất trong triều của ngài. Ngài tin chắc về các quyết định của ngài, ngài chỉ trích các linh mục công giáo theo truyền thống là cứng nhắc và không cân bằng về mặt tinh thần. Ngài viết: “Sự cứng nhắc này thường đi kèm với những trang phục hào nhoáng đắt tiền với ren, với các trang trí lạ mắt. Đây không phải là thích truyền thống nhưng là thói thích phô trương của một số giáo sĩ. Những cách ăn mặc này đôi khi che giấu sự mất cân bằng về tinh thần, sự lệch lạc về cảm xúc, những khó khăn về hành vi, một vấn đề cá nhân có thể bị lợi dụng.”
Những quyết định khó khăn
Ngài viết: “Việc cải cách bộ máy hành chính của Vatican, đặc biệt là việc áp dụng các tiêu chuẩn kế toán và ngân sách quốc tế vào tài chính của Tòa Thánh là nhiệm vụ khó khăn nhất và là công việc tạo nhiều phản kháng lớn nhất cho sự thay đổi.”
Ngài khẳng định: “Tôi được gọi để ra trận”
Ngài kiên quyết bảo vệ quyết định xét xử mười người ở cấp cao, trong đó có một hồng y bị cáo buộc có hành vi sai trái về tài chính liên quan đến khoản đầu tư vào một bất động sản ở London. Phiên tòa đã đưa ra một số bản án, nhưng đã làm tổn hại đến danh tiếng của Tòa thánh; nhiều người đặt câu hỏi về vai trò của Đức Phanxicô trong vụ này và liệu những người bị cáo buộc có được xét xử công bằng hay không.
Ngài viết: “Những quyết định đưa ra liên quan đến vấn đề này không dễ dàng chút nào, tôi chắc chắn sẽ có vấn đề, nhưng tôi hiểu, không bao giờ được che giấu sự thật và việc không minh bạch luôn là một quyết định xấu nhất”.
Sau khi các giám mục châu Phi nhất trí bác bỏ Tuyên ngôn Fiducia supplicans về mục vụ chúc phúc cho người đồng tính, Đức Phanxicô vẫn giữ nguyên quyết định của ngài, ngài nhấn mạnh chúc phúc là dành cho con người, chứ không dành cho mối quan hệ. Ngài lặp lại cuộc phỏng vấn với hãng tin AP năm 2023: “Đồng tính không phải là một tội ác.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
“Hy vọng”, Hồi ký Đức Phanxicô, Carlo Musso