Giáo dân nên có tiếng nói nhiều hơn trong việc chọn lựa giám mục của họ

81

Giáo dân nên có tiếng nói nhiều hơn trong việc chọn lựa giám mục của họ

americamagazine.org, Thomas J. Reese, 2024-11-20

Đức Phanxicô trong ngày khai mạc phiên họp thứ hai Thượng Hội đồng Giám mục tại Hội trường Phaolô VI ngày 2 tháng 10 năm 2024. (Ảnh AP/Andrew Medichini)

Vì vai trò của các giám mục trong Giáo hội Công giáo rất quan trọng cho đời sống Giáo hội địa phương nên quá trình chọn lựa giám mục có tác động rất lớn trên giáo dân, nhưng hiện nay họ không có tiếng nói trong việc chọn lựa giám mục của mình.

Các nghị phụ của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị thừa nhận đây là một vấn đề và trong tài liệu cuối cùng, họ mong muốn “Dân Chúa có tiếng nhiều hơn trong việc chọn lựa giám mục”.

Hiện nay quy trình chọn giám mục tập trung tại Vatican, trao cho giáo hoàng quyền tối cao trong quy trình này.

Quy trình bắt đầu với việc các giám mục trong giáo phận lập danh sách các linh mục có thể là ứng viên cho chức giám mục. Danh sách được giao cho sứ thần, sứ thần lập danh sách terna, ba ứng viên cho một giáo phận còn trống. Ngài có thể đề cử một ứng viên khác nếu ngài muốn.

Sứ thần soạn một báo cáo cho từng ứng viên với các nguồn tài liệu ngài có, kể cả bảng câu hỏi bí mật ngài gởi cho các giáo sĩ và giáo dân được chọn, những người biết các ứng viên. Bảng câu hỏi này được sửa đổi trong các triều giáo hoàng khác nhau, được giữ bí mật cho đến khi lần đầu tiên tôi công bố trên tạp chí America năm 1984.

Thông thường, sứ thần cũng hỏi ý kiến các giám mục địa phương cũng như các viên chức của Hội đồng Giám mục và các giám mục quan trọng khác trong nước.

Sứ thần viết báo cáo giáo phận cần một giám mục mới. Sứ thần Pio Laghi, đại diện giáo hoàng tại Hoa Kỳ từ năm 1980 đến năm 1990 so sánh công việc này với công việc của một kiến trúc sư cố gắng tìm một bức tượng phù hợp với một hốc trong nhà thờ chính tòa.

Chẳng hạn nếu giáo phận bị ảnh hưởng bởi nạn lạm dụng tình dục, họ sẽ tìm người có uy tín trong việc giải quyết vấn đề này. Nếu giáo phận gặp khó khăn về tài chính, họ sẽ tìm người có kỹ năng tài chính. Nếu giáo phận bị chia rẽ, họ sẽ tìm người xây dựng hòa bình.

Mỗi giáo hoàng cũng có những tiêu chuẩn riêng của các ngài để tìm ứng viên. Trước Công đồng Vatican II, nhiều phản ảnh cho rằng các giám mục Hoa Kỳ giống các nhân viên ngân hàng và xây dựng hơn là mục tử. Đức Phaolô VI muốn có nhiều giám mục mục vụ hơn. Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp nhất và lòng trung thành với giáo hoàng. Đức Phanxicô muốn có các giám mục gần gũi với người nghèo, “những mục tử có mùi chiên như đàn chiên của họ”

Danh sách terna và các báo cáo được gởi về Bộ Giám mục, Bộ xem xét và trình lên Ủy ban gồm các hồng y và giám mục phụ trách Bộ. Nếu Bộ không bằng lòng các ứng viên, Bộ sẽ xin sứ thần làm một danh sách khác. Cuối cùng, Ủy ban bỏ phiếu chọn ứng viên và đệ trình đề nghị của họ lên giáo hoàng, ngài sẽ chấp nhận hoặc bác bỏ đề xuất của họ.

Trong quá trình này, ý kiến đóng góp của giáo sĩ và giáo dân chiếm vị trí rất hạn chế, ngoại trừ những cá nhân được sứ thần gởi bảng câu hỏi.

Quá trình này cho phép tham khảo ý kiến giáo hội địa phương về nhu cầu của giáo phận và tính cách cần thiết nào cho một ứng viên giám mục, nhưng thường thường giáo dân muốn giám mục giống Chúa Kitô có thêm bằng Cao học của Đại học Harvard, nhưng người như thế này lại không có! Theo quy tắc hiện hành, không được thảo luận công khai về tên ứng viên, dù ủng hộ hay phản đối. Vatican cho rằng bất kỳ cuộc thảo luận công khai nào về các ứng viên đều sẽ gây chia rẽ và dẫn đến các phe phái ủng hộ và phản đối các ứng viên.

Vai trò trung ương của giáo hoàng trong việc lựa chọn giám mục là một hiện tượng hiện đại. Ở Giáo hội sơ khai, khi một giám mục qua đời, giáo dân tập trung tại nhà thờ chính tòa và bầu giám mục mới, có thể là một linh mục hoặc giáo dân. Cuối cùng, quyền bầu cử giới hạn ở giáo sĩ hoặc một phần của giáo sĩ, ví dụ tu nghị của nhà thờ chính tòa.

Nhưng điều này không nhất thiết loại bỏ giáo dân khỏi quá trình. Vào thế kỷ thứ năm, Giáo hoàng Lêô Cả cho rằng một giám mục nên được giáo sĩ bầu chọn, được giáo dân chấp nhận và được các giám mục của các giáo phận lân cận tấn phong.

Một điều đáng buồn, khi Giáo hội giàu có và quyền lực, các vua chúa và giới quý tộc can thiệp vào quá trình, họ đe dọa hoặc họ hối lộ. Vào thế kỷ 19, khi chế độ quân chủ sụp đổ, những người cải cách xem chức giáo hoàng là thể chế, họ bổ nhiệm các giám mục phục vụ lợi ích của Giáo hội thay vì mục đích chính trị của nhà nước.

Ngày nay, những người cải cách muốn Giáo hội quay về với thông lệ cổ xưa, giáo dân hoặc giáo sĩ bầu giám mục ở cấp địa phương. Dù điều này có thể có hiệu quả ở các quốc gia dân chủ tôn trọng sự độc lập của Giáo hội, nhưng lịch sử cảnh báo cho chúng ta biết, giới tinh hoa chính trị và những kẻ độc tài có thể sẽ can thiệp vào các cuộc bầu cử.

Việc bầu ông Donald Trump làm Tổng thống Hoa Kỳ nên làm cho những người theo chủ nghĩa tiến bộ phải dừng lại trước khi họ dân chủ hóa Giáo hội. Dân chủ không phải là bất khả xâm phạm.

Thượng Hội đồng về tính đồng nghị mời gọi chúng ta đối thoại để mọi người có tiếng nói nhiều hơn trong việc lựa chọn giám mục. Đối thoại này nên được thực hiện theo cách thức công nghị, chúng ta lắng nghe mọi tiếng nói để xác định Chúa Thánh Thần đang dẫn dắt chúng ta đến đâu ngày nay.

Các cơ quan tư vấn giáo phận (hội đồng linh mục, hội đồng mục vụ, cộng đồng) nên được trao vai trò vì họ đại diện cho giáo dân và linh mục. Họ có thể đề cử ứng viên hoặc bỏ phiếu tư vấn về terna do sứ thần chuẩn bị không? Sự tham gia đó nên công khai hay bảo mật?

Giáo hội Công giáo cũng có thể học hỏi từ các giáo hội khác cách dùng các phương pháp khác nhau để lựa chọn các nhà lãnh đạo của họ.

Tất cả các cuộc thảo luận này có thể dẫn đến việc phát triển một mô hình lựa chọn giám mục có thể được thử nghiệm trong nhiều tình huống khác nhau theo quyết định của sứ thần.

Lịch sử cho chúng ta thấy các giám mục đã được lựa chọn theo nhiều cách trong nhiều thế kỷ và mỗi cách đều có những vấn đề riêng. Không có cách hoàn hảo nào để chọn giám mục. Ngay cả Chúa Giêsu cũng bị lầm về một trong 12 tông đồ của Ngài.

Giáo hoàng Lêô đã khôn ngoan khi đề xuất hệ thống kiểm tra và cân bằng liên quan đến giáo sĩ, giáo dân và Hội đồng Giám mục. Đã đến lúc chúng ta cần thử nghiệm những cách mới để chọn giám mục, để “Dân Chúa có tiếng nói nhiều hơn trong việc chọn giám mục của mình”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch