Người công giáo, những nhà vô địch hoạt động tình nguyện ở Pháp

27

Người công giáo, những nhà vô địch hoạt động tình nguyện ở Pháp

Người công giáo Pháp luôn hiện diện và tích cực trong các địa hạt liên quan đến những người dễ bị tổn thương nhất. Một nghiên cứu được công bố nhân kỷ niệm năm thứ hai Bữa ăn tối của các nhà xây dựng cho thấy họ thường xuyên tham gia vào các hoạt động tình nguyện hơn các hoạt động khác.

la-croix.com, Marguerite de Lasa và Matthieu Lasserre, 2024-11-13

Tiếp tân của Hiệp hội Fratello tổ chức trong Ngày Thế giới Người nghèo tại vương cung thánh đường Saint-Denis tháng 11 năm 2021. Corinne Simon / Hans Lucas

Dấn thân, nhưng không phải lúc nào cũng gây chú ý. Đó là những người công giáo mà Hiệp hội tổ chức Bữa ăn tối của các nhà xây dựng lần thứ hai muốn nêu bật, buổi tiếp tân sẽ được tổ chức ngày thứ năm 14 tháng 11. Để chứng tỏ dù đạo công giáo ở Pháp bị suy yếu nhưng giáo dân vẫn là lực lượng dấn thân tích cực trong xã hội, trong mọi địa hạt liên đới giúp những người thiếu thốn nhất, người di cư, người lớn tuổi, tù nhân hoặc bệnh nhân trong thời kỳ chăm sóc giảm nhẹ. Theo khảo sát Ifop, người công giáo tham gia các sinh hoạt này nhiều hơn người Pháp bình thường.

Tham khảo trên 2.005 người, 42% là người không có tôn giáo, 44% là người công giáo, nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tình nguyện viên người công giáo lớn hơn một chút, 30% đã tham gia ít nhất một hoạt động tình nguyện trong hai năm qua, nhiều hơn một chút so với tổng dân số Pháp (27%). Người công giáo và tin lành là nhóm nhỏ tham gia thường xuyên nhất vào các hoạt động tình nguyện. Một phần năm người Công giáo (22%) tham gia hoạt động tình nguyện ít nhất một lần một tuần và một phần năm tham gia hoạt động tình nguyện mỗi tháng một lần.

Một hình ảnh khách quan cần được duy trì

Thực sự có mối tương quan giữa đức tin và dấn thân làm thiện nguyện không? Cuộc khảo sát Ifop có xu hướng chứng minh điều này. Theo kết quả, 56% người công giáo cho rằng đức tin “khuyến khích họ phục vụ người khác”. Những ai càng hoạt động trong lãnh vực tôn giáo thì họ càng làm thiện nguyện nhiều hơn: 51% tín hữu tham gia các hoạt động tôn giáo ít nhất mỗi tháng một lần đã làm thiện nguyện trong hai năm qua, so với con số ít hơn hai lần với những người chỉ làm thiện nguyện trong những dịp đặc biệt như đám cưới hay đám tang.

Nhưng chính xác những người công giáo giúp các việc từ thiện, giúp người gặp khó khăn, ngày nay họ đại diện cho điều gì? Khó để xác định nếu không muốn nói là không thể. Các Hiệp hội luôn giữ hình ảnh công bằng để họ được tín nhiệm, họ không có dữ liệu về việc liên kết tôn giáo của các tình nguyện viên. Một số người không muốn đề cập đến chủ đề này. Bà Johanna Siméant-Germain, giáo sư khoa học chính trị trong lãnh vực này giải thích: “Các tổ chức phi giáo phái không muốn có liên kết tôn giáo trong việc gây quỹ. Họ sợ bị cho là truyền giáo, che giấu tài liệu tham khảo về tôn giáo, đặc quyền cho một số đối tượng nào đó hoặc làm suy yếu chủ nghĩa thế tục.”

Một số dấu chỉ làm sáng tỏ sự hiện diện của người công giáo trong các Hiệp hội. Tiến hành cuộc điều tra trong các tổ chức phi chính phủ như Bác sĩ thế giới Bác sĩ không biên giới vào đầu những năm 2000, bà Johanna Siméant-Germain ngạc nhiên trước số lượng các hướng đạo sinh trong các tình nguyện viên. Bà giải thích: “Khi điều tra trong một môi trường cụ thể, chúng tôi nhận thấy việc xã hội hóa công giáo có thể mang tính cấu trúc chặt chẽ trong các trường hợp dấn thân.”

Sự hiện diện của người công giáo được thấy rõ trong một số lãnh vực như trong các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ. Luật sư Erwan Le Morhedec, tình nguyện viên của Trung tâm Y tế Jeanne-Garnier xác nhận: “Người công giáo là thiểu số trong xã hội nhưng họ chiếm đa số trong mọi cơ cấu. Nếu không có họ, các dịch vụ này sẽ không còn tồn tại.”

Theo ông, hiện tượng này được giải thích do mối liên hệ bản năng, có ý thức hoặc vô thức giữa đức tin và việc chăm sóc người bệnh: “Trong đức tin có lòng tin vào người khác, niềm tin người khác vẫn xứng đáng dù họ tỏ ra không xứng đáng (…). Đằng sau điều này, tôi cảm thấy ẩn chứa một hình thức yêu thương cần thiết, vượt lên cả lòng trắc ẩn và lòng tốt.”

“Một lòng đạo đức nhiệt thành và vui tươi”

Trong sự tham gia của giáo xứ và các Hiệp hội Công giáo, rõ ràng đức tin của các tình nguyện viên được thể hiện rất rõ. Ông Matthieu Fontaine, người đứng đầu mạng lưới tình nguyện của Hiệp hội giải thích: “Tại cơ quan Cứu trợ Công giáo, hơn một nửa trong số 5.000 tình nguyện viên đã trả lời câu hỏi, họ cho biết có mối liên kết giữa cam kết của họ với đức tin hoặc các giá trị kitô giáo.”

Khi điều tra công việc tương trợ của các giáo xứ Paris, nhà nghiên cứu Erwin Flaureau ngạc nhiên trước sự tích cực của giáo dân: “Sinh hoạt này của các bạn trẻ công giáo là hoạt động mang lại cho họ cơ hội sống và làm chứng cho lòng đạo nhiệt thành và vui tươi.”

Một dấu hiệu tốt khác về sự cam kết của giáo dân: vị trí của các Hiệp hội Công giáo trong bối cảnh trợ giúp xã hội. Ông Jean Buyssens, nhà nghiên cứu chuyên về trợ giúp xã hội tôn giáo ở Pháp, phân tích: “Các giúp đỡ này rất cần thiết cho các cơ quan công quyền. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một sự tái cơ cấu các hoạt động công cộng xung quanh họ, điều này có vẻ nghịch lý xét theo quan điểm thế tục hóa.”

Ông đưa ra nhiều lý do: “Các hiệp hội như Hiệp hội Thánh Vinh Sơn được hợp pháp hóa do lịch sử của họ, cũng như họ có các nguồn tài chính, bất động sản hoặc các tình nguyện viên của họ.”

Ở Paris, Giáo hội là nhân tố chủ chốt trong tình liên đới

Ở Paris, nơi giáo phận đóng vai trò quan trọng trong tinh thần đoàn kết. Hiệp hội “Mùa đông Tương trợ” giúp người dân đường phố, năm nay Hiệp hội huy động 43 giáo xứ và 3.200 tình nguyện viên, phân phát khoảng 2,5 triệu bữa ăn, tương đương gần 23% viện trợ lương thực của thủ đô.

Bà Léa Filoche, phó thị trưởng Paris phụ trách các cơ quan tương trợ đánh giá cao các công việc của tín hữu công giáo: “Giáo phận là một phần không thể thiếu trong mạng lưới hoạt động xã hội ở Paris. Chúng tôi may mắn có họ ở đây! Chúng tôi thấy rõ sự dấn thân của người công giáo, trên hết họ phục vụ không điều kiện. Đức tính này rất quý vì không phải lúc nào cũng dễ dàng: giúp đỡ mọi người không phân biệt, không nghi ngờ, không đòi hỏi xác minh.”

Chính nhờ các giá trị thế tục hóa, tính chuyên nghiệp và không chiêu mộ nên các Hiệp hội Công giáo có uy tín với các đối tác phi giáo phái. Ông Jean-François Corty, chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Thế giới cho biết: “Với Hiệp hội Cứu trợ Công giáo, chính các giá trị nhân văn, hỗ trợ và phi đảng phái đã kết nối chúng tôi.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch