Người thanh niên giàu có, có phải là tôi?

62

Người thanh niên giàu có, có phải là tôi?

fr.aleteia.org, Stéphanie de Lachadenède, 2024-10-12

Để mua Nước Trời, Chúa Giêsu xin người thanh niên giàu có “bán hết của cải của anh”. Ngài xin anh đặt an toàn, thoải mái, thì giờ, danh tiếng và của cải của mình lên bàn cân… Và nếu người thanh niên trẻ này là tôi?

Khi chúng ta đọc đoạn này, chúng ta không thể không buồn cho anh. Thật buồn khi thấy anh bỏ lỡ lời kêu gọi của Chúa. Thật hoài công nếu cuối cùng anh không đi theo Ngài! “Anh chỉ thiếu có một điều, là bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10:21). Chẳng phải có một số người trong chúng ta hy vọng một ngày nào đó, giây phút cuối trong cuộc đời sẽ trở lại với Chúa Kitô, sau khi bán hết tài sản và sẵn sàng đi theo Ngài đó sao?

 Những gì anh còn thiếu

Nhưng người thanh niên này là ai? Anh là người giữ luật, giữ Điều răn, anh giữ luật Do Thái cách nghiêm ngặt. Ngày nay chúng ta có thể nói anh là tín hữu kitô nhân đức. Đã thế, dù đã cố gắng anh vẫn thấy mình còn thiếu sót, một cơn khát chưa được thỏa mãn hoàn toàn, một khát vọng tuyệt đối hơn. Có điều gì đó đang thoát khỏi anh và anh không nói lên lời. Khi đó anh đến gần Chúa Giêsu và hỏi Ngài: “Con phải làm việc lành gì để được sự sống đời đời? Con còn thiếu gì?” Nói cách khác, con còn làm gì thêm để được ân sủng?

Anh khao khát đời sống vĩnh cửu. Như thử đây là phần thưởng chúng ta sẽ nhận vào cuối đời khi đã giữ luật từng chữ một. Nhưng có lẽ đây cũng là một cái gì khác.Vì anh thấy, các môn đệ theo Chúa Kitô từ đầu còn có một cái gì hơn thế: một dịu dàng lo lắng không yên, một khôn ngoan thách thức, một niềm vui lan tỏa… Điều gì thúc đẩy họ đến gặp Chúa Giêsu? Một chút Vương quốc với Chúa sao?

Điều kiện để theo Chúa Giêsu

Người thanh niên này gần với chúng ta hơn chúng ta nghĩ rất nhiều, có vẻ chúng ta hơi xem thường anh. Anh giống chúng ta rất nhiều: có nhà, có chiếc giường, có thức ăn đầy đủ, có Thiên Chúa nhân lành, có Giáo hội, có các điều răn. Và người thanh niên thân yêu này, tôi nghe như anh hỏi tôi một câu rất rõ: “Còn bạn, bạn có tiếc cho bạn như bạn tiếc giùm cho tôi không? Như tôi, có khi nào bạn ý thức bạn thiếu một cái gì không? Bạn có xem trọng cuộc sống người tín hữu kitô của bạn hay bạn chỉ giữ các quy tắc cho có lệ? Bạn nghĩ bạn đã làm đủ?”

Khi Chúa kêu gọi anh từ bỏ của cải giàu có và đi theo Ngài, anh buồn bã ra đi, anh ý thức rõ lời gọi của Ngài không “chỉ” giới hạn ở việc từ bỏ của cải vật chất mà đặt lên bàn cân an toàn, thoải mái, thì giờ, danh tiếng và của cải của anh. Đó là việc cho đi tất cả những gì anh đã nhận được. Đó là điều kiện để thực sự theo Chúa Kitô. Và có lẽ đó chính là điều chúng ta gặp khó khăn để giải quyết. Hãy đi tìm sự khó nghèo thực sự và tự nguyện vì chính điều này làm cho chúng ta giá trị trước mặt Chúa.

Tâm hồn khó nghèo

Điều này thực sự khó khăn và sâu sắc. Còn hơn thế nữa khi chúng ta giàu như Chúa đã viết trong Tin Mừng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” (Mc 10:25). Chính sự khó nghèo trong toàn con người chúng ta, điều chỉ có thể đạt được qua sự hiến thân đích thực và trọn vẹn mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta. “Nếu con muốn trở nên hoàn hảo, hãy đi bán những gì con có rồi đến theo Ta”. Nói cách khác, hãy tự nguyện trở nên nghèo, hãy chọn nghèo.

Tất cả những gì chúng ta nhận được từ Chúa, vì chúng ta đã nhận tất cả từ Ngài, trước hết là cuộc sống của chúng ta, chúng ta hãy trao cho người nghèo, cho bất cứ ai cần. Tất cả của cải và sức mạnh của chúng ta, bất cứ những gì chúng ta có dồi dào, hãy cống hiến cho thế giới. Hãy cho những người không có gì của cải chúng ta đã nhận được. Cả những gì chúng ta không có, chúng ta cũng cho. Hãy làm mình trở nên dễ tổn thương, hãy rời bỏ vỏ bọc của mình, loại bỏ sự giả tạo của mình, biến mình thành người phụ thuộc, thành người phục vụ thay vì đấu tranh để làm nhà lãnh đạo, người ra quyết định. Làm cho mình trở nên yếu đuối vì lợi ích của người khác. Loại bỏ niềm tự hào, sự chắc chắn của chúng ta. Ra khỏi chiếc hộp nhỏ thoải mái và an toàn mình tự cho mình. Bỏ thói quen là người khá giả, hư hỏng, no nê. Bỏ sự mù quáng ngăn chúng ta không thấy đau khổ vật chất, tâm lý, tinh thần ngay trước cửa nhà chúng ta. Bỏ thành lũy chúng ta dựng lên giữa chúng ta và phần còn lại của thế giới, giữa chúng ta và nghèo đói. Trước hết là sự khó nghèo của chúng ta vì sự khó nghèo này rất lớn và chúng ta phải nhìn thẳng vào nó. Nhưng cũng là sự khó nghèo của người khác. Luôn ở trong sự thật, luôn luôn. Bảo vệ công lý. Kiên quyết và tự nguyện có một tâm hồn trong sạch.

Bước ngoặt chuyển đổi mạnh mẽ

Có lẽ bằng cách tiếp tục cố gắng, chúng ta có thể trở thành những người có tâm hồn nghèo khó được Nước Trời hứa ban chăng (Mt 5:3)? Một trái tim chọn chấp nhận sự yếu đuối của mình, nhìn thẳng vào sự nhỏ bé của con người mình vì nó hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa của mình. Đây chính là điều Chúa Giêsu đã khuyến khích khi Ngài sai các môn đệ đi truyền giáo, từng đôi một, không tiền bạc, không quần áo để thay đổi và không có thức ăn. Họ chỉ có Chúa, chỉ ở với nhau, gặp những người giúp họ. Đây có lẽ là điều cần thiết để học cách từ bỏ chính mình và để việc hiến thân được trọn vẹn như Chúa Kitô và như các Thánh đi theo Ngài.

Có lẽ đây là điều mà người thanh niên chợt nhận ra khi lắng nghe và suy ngẫm về Đấng là Sự Thật, là bước hoán chuyển mạnh mẽ chúng ta phải cố gắng rất nhiều để đạt được, dù chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nó. Tin Mừng liên tục kêu gọi sự đảo ngược vĩ đại này, giúp chúng ta vượt lên bản chất, nâng cao tâm hồn để đưa chúng ta đến gần Thiên đàng hơn. Những tấm gương của những người đã lựa chọn và đón nhận khó nghèo là những tấm gương thật đẹp. Vì vậy, người thanh niên giàu có này là Thánh Phanxicô Assisi, con của một thương gia giàu có, hứa hẹn một sự nghiệp tốt đẹp cũng là người được mời bỏ mọi sự để theo Chúa Kitô.

Xin Thánh Phanxicô giúp chúng con không giữ gì cho riêng mình, luôn tin tưởng hiến mình, vì tình yêu dành cho Chúa, để phục vụ Vinh Quang của Ngài và hoạt động vì phần rỗi của tất cả mọi người! “Đừng giữ gì riêng cho mình, để có thể trọn vẹn đón nhận Đấng đã hiến mình cho chúng ta” (Thư gửi toàn Dòng, 26-29).

Từ đức tin của người thanh niên giàu có, chúng ta không bao giờ biết được điều gì xảy ra với anh, liệu khi lớn lên, anh có một bước nhảy vọt vĩ đại nào đó để từ bỏ, để đi theo Chúa Kitô hay không. Ước mong chúng ta thường xuyên nghĩ đến câu chuyện này để không bao giờ quên chúng ta mắc nợ Thiên Chúa mọi sự.

Marta An Nguyễn dịch