Theo thần học gia Birgit Weilwe, “mọi thứ đang chuyển động” với phụ nữ ở Thượng Hội đồng

42

Theo thần học gia Birgit Weilwe, “mọi thứ đang chuyển động” với phụ nữ ở Thượng Hội đồng

Nữ tu Birgit Weiler, giáo sư thần học ở Đại học Lima, chuyên gia tại Thượng Hội đồng về tính đồng nghị | © Annegret Langenhorst

cath.ch, Lucienne Bittar, 2024-10-20

Theo nữ tu thần học gia Birgit Weiler: “Nguồn gốc của của chủ nghĩa giáo quyền và chủ nghĩa trọng nam là sự phạm pháp hiển nhiên với tính đồng nghị, phạm pháp này cần được khắc phục.” Là chuyên gia tại Thượng Hội đồng 2024, có một đức tin vững mạnh, Sơ có bài phát biểu rõ ràng và thực tế về vấn đề phụ nữ trong Giáo hội và việc phân cấp quyền lực.

Tháng 2 năm 2024, Đức Phanxicô mở rộng nhóm cố vấn cho Thượng Hội đồng. Trong số sáu thành viên mới của Hội đồng Tổng Thư ký có ba phụ nữ, trong đó có nữ tu người Đức Birgit Weiler, thuộc Tu hội Nữ tu Truyền giáo Y tế (MMS). Giáo sư thần học tại Đại học Công giáo Giáo hoàng Lima, Pêru là chuyên gia về con đường đồng nghị, sơ đã tham dự ở mọi cấp độ, quốc gia, lục địa và bây giờ là toàn cầu.

Sơ tích cực tham gia Thượng Hội đồng với tư cách là chuyên gia. vì sao sơ không có mặt ở Rôma?

Sơ Birgit Weiler: Tôi chỉ mới bắt đầu từ tháng 2 vừa qua, chỉ có thành viên của Thượng hội đồng lần thứ nhất (2023) mới có thể tham dự kỳ họp thứ hai. Công việc của tôi là viết bài theo chuyên môn của tôi cho Tài liệu Làm việc (Instrumentum labis, IL). Tài liệu này được ban thư ký Thượng Hội đồng chuẩn bị dựa trên sự tham vấn trên khắp thế giới, là cơ sở để các thành viên suy ngẫm và đưa ra đề nghị. Chúng tôi cũng chuẩn bị tài liệu cho các thư ký đặc biệt, họ sẽ dần dần viết tài liệu cuối cùng. Tôi đặc biệt làm việc về vị trí của phụ nữ trong Giáo hội.

Sơ là giáo sư thần học, cố vấn thần học của Trung tâm Chương trình và Mạng lưới Mục vụ của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh và vùng Caribê (CELAM), thành viên của nhóm các thần học gia CELAM… Sơ đã cho thấy phụ nữ có thể tìm vị trí cho chính họ. Sơ cảm nghiệm thế nào về sự chia rẽ hiện nay trong Giáo hội về vị trí “được giao” cho phụ nữ?

Khoảng cách này rất đau đớn và phải được khắc phục. Đây là vấn đề quan trọng của Giáo hội như toàn bộ tiến trình Thượng Hội đồng đã cho thấy.

Nhờ sự đóng góp của một số thành viên trong phiên họp toàn thể tháng 10 năm 2023, báo cáo tóm tắt của kỳ họp đầu tiên này nêu rõ: “Khi trong Giáo hội, phẩm giá và công lý trong các mối quan hệ giữa nam và nữ được tôn trọng, thì độ tin cậy của lời tuyên bố chúng ta đưa ra với thế giới lại bị suy yếu. Tiến trình đồng nghị cho thấy chúng ta cần phải điều chỉnh các mối quan hệ và thực hiện các thay đổi về cơ cấu.”

“Việc biến đổi các cơ cấu và thủ tục không làm thuận lợi cho tính đồng nghị” là cần thiết.

Từ góc độ đức tin, tôi vẫn nghĩ Thần Khí đã và vẫn đang hoạt động trên con đường đồng nghị, trong tất cả các giai đoạn của Thượng Hội đồng. Chúng ta có nhiều nơi chốn để lắng nghe nhau, và với Chúa Thánh Thần, chúng tôi đã được tự do ngôn luận (parrhesia) và nhận định về các ơn gọi khác nhau.

Sơ nói về các ơn gọi khác nhau. Nhiều người trong Giáo hội thích nói đến “đặc sủng” đặc biệt của phụ nữ. Sơ nghĩ gì về chuyện này?

Điều quan trọng là phải tránh ‘chủ nghĩa bản chất’ như thể phụ nữ chỉ có một bản chất thu hút nào đó. Nhưng chúng ta phải nghĩ đến sự đa dạng của phụ nữ. Phụ nữ có nhiều ơn đặc biệt như khả năng chăm sóc, gặp gỡ người khác, xây cầu, đánh giá cao sự đa dạng, vì thế họ có khả năng thống nhất trong đa dạng… Nhưng đây là những năng khiếu đàn ông cũng có và họ có khả năng phát triển.

Cách suy nghĩ này vẫn còn thấy rõ trong Giáo hội… Chúng ta có thể nghĩ đã có một thay đổi thực sự đang hình thành không?

Trong hành trình Thượng Hội đồng, có nhiều đóng góp của phụ nữ từ khắp nơi trên thế giới – cũng như của cả nam giới – nhắc chúng ta nam nữ đều được ban cho phẩm giá rửa tội như nhau và nhận các ơn đa dạng của Chúa Thánh Thần cũng như nhau. Thánh Phaolô đã viết: “… Không còn nam hay nữ vì tất cả anh em là một trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3,28) – báo cáo tóm tắt năm 2023 viết: “Người nam người nữ đều được kêu gọi hướng tới một hiệp thông đặc trưng bởi tinh thần đồng trách nhiệm, không có sự cạnh tranh, điều này phải được thể hiện ở mọi cấp độ của đời sống Giáo hội.”

Nhưng những đóng góp này cũng đã xác định căn tính và chủ nghĩa trọng nam, ít nhất là ở Châu Mỹ La-tinh, đó là não trạng và thái độ cản trở để có một Giáo hội đồng nghị thực sự. Căn nguyên của hai hiện tượng này là lạm dụng quyền lực, mâu thuẫn hiển nhiên với tính đồng nghị. Điều này phải được khắc phục.

“Phụ nữ phải được tham gia vào các không gian phân định, ra quyết định và đào tạo, kể cả trong các cuộc hội thảo”.

Đây là lý do vì sao cần phải có hoán cải sâu sắc và liên tục trong trái tim và trong tâm trí. Điều này đi đôi với việc biến đổi các cơ cấu và thủ tục không ủng hộ tính đồng nghị, đòi hỏi sự đa dạng của các đoàn sủng – nam giới cũng như nữ giới – phải được đánh giá cao và họ phải có không gian cần thiết để phát triển, đóng góp cho lợi ích Giáo hội, đồng thời thúc đẩy sứ mệnh của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Làm thế nào để đấu tranh hiệu quả chống lại chủ nghĩa giáo quyền và chủ nghĩa trọng nam?

Trong suốt tiến trình đồng nghị, chúng tôi đã thừa nhận chính phụ nữ là người thúc đẩy tính đồng nghị trong Giáo hội. Họ góp phần rất lớn vào việc xây dựng cộng đồng và củng cố đời sống đức tin trong các giáo xứ, trong nhiều lãnh vực khác nhau của Giáo hội. Vì thế điều cần thiết là họ phải được tham gia nhiều hơn vào các không gian phân định và đưa ra quyết định, cũng như trong các không gian đào tạo, kể cả trong các cuộc hội thảo. Nơi chúng tôi làm công việc thần học và nơi chúng tôi giảng dạy.

Một số lớn phụ nữ và cả các ông cũng yêu cầu phụ nữ được làm phó tế vĩnh viễn như một thừa tác vụ được phong chức. Nhưng chức phó tế nữ đã bị loại khỏi các chủ đề thảo luận của Thượng Hội đồng lần thứ hai. Làm thế nào để giữ lạc quan trong bối cảnh này?

Mọi thứ đang chuyển động. Chủ đề này được nhắc đến trong các phiên họp hiện tại của Thượng Hội đồng. Một số thành viên mong muốn có một tiến trình đối thoại hơn trong việc giải quyết vấn đề này, để vấn đề không chỉ được các Ủy ban quy định giải quyết. Chúng ta sẽ xem những người có trách nhiệm về tiến trình đồng nghị sẽ xem xét vấn đề này như thế nào.

Có một điều chắc chắn là sự minh bạch trong cách chúng ta tiến hành vấn đề là rất quan trọng, có nghĩa tất cả các lập luận phải được đưa ra bàn thảo, được những người có quan điểm khác nhau cân nhắc một cách tự do và phân định cẩn thận.

Sơ cũng đã theo dõi kỹ Thượng hội đồng về Amazon năm 2019, “nơi thử nghiệm tốt đẹp” tiến trình Thượng Hội đồng, đã tạo nhiều kỳ vọng… và cả thất vọng. Tại Querida Amazonia, Đức Phanxicô đã không theo mong muốn của các Nghị phụ, không thiết lập viri probati. Có phải chúng ta cũng đang đi đến thất vọng tương tự với Thượng Hội đồng này không?

Trước hết phải làm rõ, Thượng Hội đồng không có quyền đưa ra quyết định mà chỉ đưa ra đề nghị cho giáo hoàng. Tại Querida Amazonia, ngài không đóng cánh cửa viri probati cũng như việc phụ nữ tiếp cận chức phó tế được phong chức.

Đi thuyền ở Amazon | © Truyền thông Vatican

Tôi đã tham dự vào Giáo hội Amazonia, và với chúng tôi, Thượng Hội đồng Amazonia mang lại nhiều hoa trái và vẫn tiếp tục phát triển, đã khơi dậy sự tham gia mạnh mẽ của phụ nữ và giáo dân vào các lãnh vực phân định và ra quyết định cho Amazon.

Một ví dụ cụ thể là việc thành lập Hội đồng Giáo hội Amazon (CEAMA) và thành phần ban chủ tịch, trong đó có ông Mauricio López, đại diện cho giáo dân, và hai phụ nữ, một lãnh đạo bản địa đại diện cho các dân tộc bản địa và một nữ tu đại diện cho các tu sĩ nam nữ vùng Amazon. CEAMA là nơi để tìm hiểu về sự phát triển của tính đồng nghị ở Amazon, cả ở cấp độ tinh thần lẫn cơ cấu, thủ tục và thực hành cụ thể.

Thượng Hội đồng có các đại diện từ khắp nơi trên thế giới, với những tầm nhìn văn hóa và Giáo hội rất khác nhau. Liệu những căng thẳng giữa Giáo hội hoàn vũ và các nét đặc thù địa phương có cơ hội khắc phục mà không cần xem xét lại các phương thức quản trị không?

Tôi nghĩ chúng ta cần một “phân cấp lành mạnh”, như Đức Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) năm 2013. Điều này ngụ ý quy một số quyền hạn nào đó, chẳng hạn quyền ra quyết định trực tiếp cho các Giáo hội địa phương.

Đức Phanxicô cũng đã nhiều lần nhấn mạnh các Giáo hội địa phương có kiến thức cụ thể hơn về bối cảnh và thực tế tại địa phương. Kiến thức này cần thiết cho việc phân định và đưa ra quyết định ở địa phương về nhiều vấn đề.

“Đó là một thách thức liên tục để phát triển!” Thượng Hội đồng Giám mục phải trở thành Thượng Hội đồng cho tất cả. Đại hội 2023 © Anna Kurian/I.Media

Tiến trình đồng nghị đã kêu gọi Giáo hội sống sâu sắc ý nghĩa thế nào là một tín hữu công giáo, cố gắng sống và thực hành sự hiệp nhất trong đa dạng. Đây là một thách thức liên tục để phát triển, đòi hỏi chúng ta đánh giá cao các khác biệt, tin tưởng nhau và công nhận không chỉ có một cách duy nhất để trải nghiệm tính đồng nghị, cũng như phát triển các cơ cấu, phương tiện và thủ tục quản trị trong Giáo hội. Những điều này phải đáp ứng sự đa dạng của các bối cảnh, các nơi thực hiện, cách để là một Giáo hội, cách sống và cử hành đức tin của chúng ta.

Tài liệu làm việc của phiên họp thứ hai của Thượng Hội đồng đưa ra những quan điểm thần học và mục vụ quan trọng về vấn đề này. Và ở cấp độ toàn thể Giáo hội, Đức Phanxicô đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Giáo hội sống nhất quán trong sự hiệp nhất trong đa dạng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch