Chân phước Carlo Acutis: Các liên kết

26

Chân phước Carlo Acutis: Các liên kết

Trích sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng”. Carlo Acutis, Ses intuitions spirituelles

Tác giả: Alessandro Deho’, nhà xuất bản: Salvator

“Điều làm cho chúng ta thực sự xinh đẹp trong mắt Chúa chính là cách chúng ta yêu mến Ngài và yêu thương người anh em mình.”

“Xinh đẹp trong mắt Chúa”: câu này làm tôi xúc động. Tôi nghĩ ngay đến những người đã nhìn tôi với ánh mắt tươi đẹp, đầy nhân ái. Và tôi không hình dung ngay lập tức đó là đôi mắt Chúa. Thực sự, tôi luôn quyết liệt từ chối hình dung khuôn mặt của Chúa, tôi sợ nhìn Chúa một cách dễ dàng, một Chúa theo hình ảnh của tôi. Ở tuổi 15, chúng ta không sợ, cuộc sống tươi đẹp, chúng ta chắc chắn mình thấy được đôi mắt của Chúa, đó là sự thật. Với tôi, tôi đã mất nhiều năm tháng mới đến được nơi Carlo đến được bằng trực giác. Tôi đã mất cả cuộc đời, đi linh thao Thánh I-Nhã, nhắc nhở tôi mỗi sáng nhìn vào chính mình như Chúa đang nhìn tôi, nhưng trên hết, tôi đã phải nhận rất nhiều cái nhìn đầy yêu thương. Chính những cái nhìn này, và chỉ những cái nhìn này, đã làm cho tôi thấy được đôi mắt của Chúa.

Đã bao lần người khác nhìn tôi bằng ánh mắt yêu thương? Một ngày nọ, một nữ thần học gia, một học giả Kinh thánh nổi tiếng, trêu chọc tôi khi tôi nói với bà tôi cảm thấy tôi rất được yêu thương. Tôi không nói với vẻ kiêu căng nhưng với sự ngạc nhiên. Tôi đau lòng khi bà nhìn tôi như nhìn những người ngây ngô. Carlo sẽ không nhìn tôi như vậy. Ánh mắt của bà có thể là ánh mắt của một phụ nữ khôn ngoan, nhưng lúc đó tôi không nhìn thấy Chúa trong mắt bà. Tôi nghĩ tôi đã quá thường xuyên nhìn người khác một cách lơ đãng hoặc hời hợt, điều mà tôi xem như một tội.

Điều này làm tôi nhớ đến câu chuyện Con đường Ê-mau trong Tin Mừng Thánh Luca. Đó là câu chuyện về những cái nhìn: đầu tiên là cái nhìn khép kín, không nhận ra Đấng Phục Sinh đang đi bên cạnh, nơi mình tránh xa thế giới, và sau đó cũng chính đôi mắt này, nhạy cảm với trái tim nóng hổi, mở ra như những bông hoa. Và kệ, nếu đôi mắt này mở ra vào lúc nửa đêm… Đó là những ngôi sao, có lẽ là sao chổi sẽ bay về phía anh em chúng ta, những người đang chờ mà không hề hay biết, để nhìn thấy Chúa trong đôi mắt của bạn bè họ. Với tôi, dường như ngay cả trong Tin Mừng cũng nói chúng ta không thể tìm thấy cái nhìn của Chúa nếu chúng ta quay lưng lại với cái nhìn của con người. Tôi không biết thế nào là “đẹp trong mắt Chúa” như Carlo nói, nhưng tôi biết cảm xúc khi nhìn thấy mình trong mắt những người yêu thương khi chúng ta lạc lối, khi chúng ta sa ngã, khi chúng ta phản bội… Tôi biết rõ cảm giác nhìn thấy ánh sáng hạnh phúc trong mắt những người mình yêu thương là như thế nào. Tôi biết rõ cảm giác như thế nào khi nhìn vào đôi mắt của người cha sắp chết vì Covid trên giường bệnh, đôi mắt đó đang nhìn bạn qua khẩu trang, đôi mắt trong xanh đầy nhân hậu nhìn vào khoảng không, đôi mắt đã giúp bạn trưởng thành và giờ đây sắp ra đi và vẫn tin tưởng trong bóng tối.

Thực ra, Carlo đang nói về đôi mắt của Chúa. Nhưng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy Chúa trong nụ hôn đặt lên mỗi khuôn mặt, làm chúng ta cảm động vì ngạc nhiên, ngạc nhiên nhưng cũng bối rối. Thiên Chúa ở trong mắt những người không hài lòng với cuộc sống, trong mắt những người nhìn qua bên kia, vì họ đang yêu hoặc vì họ đang cận kề cái chết. Tin, là mang lại chiều sâu cho cái nhìn của bạn. Nó giống như việc đi sâu vào hiện thực để khám phá những điều bí ẩn hiện diện trong vạn vật. Thiên Chúa không có cái nhìn hời hợt, Ngài có cái nhìn xuyên thấu chúng ta, đó là hành vi thẳng thắn và cương quyết của người không chỉ nói về tình yêu nhưng là người trao ban tình yêu. Tôi không biết cái nhìn của Chúa trông như thế nào. Với tôi, mọi hình thức nào dường như đều khác xa với Đấng Tối Cao. Tôi chắc chắn tôi ở trong ánh sáng của Ngài nhưng tôi không thể diễn tả làm sao con mắt của Ngài. Tôi không nghĩ Ngài có cái nhìn duy nhất. Tôi nghĩ tôi có thể nói thời gian tôi suy niệm trong thinh lặng đã cho tôi thấy một không gian rực sáng, trong đó đôi mắt của tất cả những người yêu thương tôi cùng nhau tỏa sáng.

 

Đôi khi thật thấm thía, vì bạn thấy tất cả những người đã đi trước, bạn thấy tất cả những biến cố, và trái tim bạn thắt lại, đầy hoài niệm… Bạn tìm thấy tuổi thơ của mình, khi cuộc sống đơn giản và đầy hứa hẹn, bạn tìm thấy hình ảnh của chính bạn khi còn nhỏ, một hình ảnh đẹp. Đó là ánh nhìn làm bạn muốn chết đi, như thể cuộc đời quá đau khổ. Thật không dễ để sống trong cái nhìn, thật khó để nó thể hiện chính mình, thật mệt mỏi khi suy ngẫm. Chúng ta thường chọn cách chạy trốn và đó là điều dễ hiểu. Khi nhìn vào mắt người cha đang hấp hối, tôi thực sự muốn bỏ đi, tôi xấu hổ không dám nói ra, nhưng nỗi đau và sự bí ẩn quá lớn, chúng mang tính hủy diệt. Tôi nghĩ tôi đã đoán được vì sao hầu hết các môn đệ đều bỏ Chúa khi Chúa ở trên Thập Giá. Cái nhìn là cái gì đó phức tạp, và Thiên Chúa là ánh sáng có thể làm chúng ta mù. Vì tình yêu rất phức tạp. Bạn luôn phải cẩn thận.

Carlo không đắn đo khi nói về cái nhìn của Chúa. Tôi nghĩ thật quý giá khi chúng ta giữ sâu tính tự phát này trong ký ức, có lẽ không cần giải thích quá nhiều nhưng cũng không nên làm mất mối liên kết, để nhắc chúng ta mỗi ánh sáng soi sáng chúng ta đều là phản ánh một Tình yêu vô cùng vĩ đại đi trước chúng ta. “Và ‘cách’ chúng ta sẽ yêu thương anh em của mình.” Carlo bắt đầu từ cái nhìn để đi đến các liên kết, và đó thực sự là nội dung, cái nhìn và các liên kết: điều gì gắn kết tôi với những người khác, điều gì đưa tôi đến với Đấng vĩnh cửu, điều gì dẫn tôi đến “cái tôi” sâu sắc của tôi. Cái nhìn là mối liên kết với Đấng Tối Cao, nhưng cũng là mối liên kết thiết yếu với những bí mật nội tâm của chúng ta. Chúng ta chỉ có thể thực sự biết bản thân mình trong con mắt của những người tiết lộ cho chúng ta những phần con người mà chúng ta chỉ có thể nhìn thấy trong hình ảnh phản chiếu.

Chúng ta cần một “linh đạo của cái nhìn”. Tôi đọc ở đâu đó, không khỏi khó chịu, rằng Carlo đã che mắt trước truyền hình để không xem một số cảnh có thể làm Carlo khó chịu. Tôi, tôi nghĩ với tuổi tác, Carlo sẽ lấy tay này bảo vệ tay kia, một bàn tay không còn sợ bị tổn thương nhưng giống như Chúa Giêsu với những người cùi, sẽ học được, từng chút một, để đến gần và chạm nhẹ vào thứ mà mọi người gọi là cái ác. Tình yêu chấm dứt sự ngây thơ của chúng ta nhưng đánh dấu một giai đoạn trong cuộc đời chúng ta, và tội lỗi thực sự là chết vô sinh, có lẽ trong sạch, nhưng vô sinh.

Đúng là chúng ta phải cảnh giác với những cái nhìn, không phải cái nhìn của những người khác, nhưng là cái nhìn của chúng ta về thế giới. Cách chúng ta nhìn người khác nói lên tất cả về chúng ta mà không cần phải nói. Bàn tay bảo vệ sự trong sạch giả định này chỉ mong được lớn lên và trở thành bàn tay dịu dàng thể hiện tình yêu nhân loại và lòng trắc ẩn với anh em chúng ta, ngay cả khi họ có thái độ thô tục và bạo lực. Vì chúng ta chỉ là những người nghèo thường không tìm được cách nào khác để cầu xin tình yêu và sự quan tâm của người khác.

Chúng ta có thể che giấu đôi mắt của mình, với trẻ em thì dễ, nhưng khi lớn lên chúng ta phải có một cái nhìn đầy tình yêu thương, có khả năng nhìn vào sự khốn cùng của thế giới và nhìn thấy ánh sáng bị chôn vùi, ánh sáng có lẽ xa xôi này, nhưng lại không gì có thể dập tắt được, ngay cả sự thô bỉ của tội lỗi. Khi còn nhỏ, chúng ta có thể che giấu đôi mắt của mình, nhưng khi trưởng thành, chúng ta phải học cách nhận ra rằng ánh mắt của chính chúng ta không bao giờ đẹp đẽ và hoàn hảo như chúng ta nghĩ. Và chúng ta khóc, chúng ta cười, chúng ta chào đón nhau… như những vị thánh được tha thứ bởi một tình yêu lớn hơn chúng ta. Tất cả chúng ta đều là những tín hữu kitô nghèo nàn, tất cả chúng ta đều cần một cái nhìn tốt đẹp, thiêng liêng, một cái nhìn phúc lành. Mọi người đều đòi nhu cầu của mình tốt nhất có thể. Chúng ta cần đôi mắt của các môn đệ trên đường Ê-mau, có khả năng làm sống lại ánh sáng trong mỗi cái nhìn.

Carlo hiểu rõ điều này: “Đó sẽ là cách chúng ta yêu Ngài và chúng ta yêu người anh em mình”. Chúng ta tìm thấy Tin Mừng trong câu này, nó tạo nên mối liên kết giữa cái nhìn của Thiên Chúa và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài và cho anh em chúng ta. Và khi nói về tình yêu, không khó để tìm được sự đồng thuận. Nhưng trong câu này, có một từ mà chúng ta phải dừng lại, đó là từ “cách”. Chúng ta gần như không bao giờ chỉ trích tình yêu, nhưng khi nó đến thì càng khó hơn, đến “như thế nào”. “Làm sao để yêu?” Vì “làm sao” này bao gồm thời gian, không gian và cả bản thân chúng ta, sự mong manh và sự phản bội của chúng ta, những câu chuyện của chúng ta và những cách chúng ta hiểu khác nhau về tình yêu. Chúng ta yêu như thế nào? Với tôi, đây dường như là điểm thiết yếu để xây dựng tâm linh của chúng ta. Làm thế nào để thể hiện tình yêu? Chúng ta không thể biết. Chúng ta không thể “xiềng xích” tình yêu, chúng ta không thể mô tả tình yêu. Để tránh những điều tầm thường, chúng ta phải tập trung vào “làm thế nào”, sau đó để tình yêu bay đi, giải phóng nó và đi theo nó. Bởi vì “làm thế nào” của tình yêu có thể lường trước được hoặc không thể lường trước được .

Nói rằng chúng ta phải yêu “như” Chúa Giêsu đã yêu, cho dù câu này có chính xác đi chăng nữa thì cũng chưa đầy đủ, thậm chí có phần mạo hiểm. Tình yêu không phải là đơn thuần bắt chước. Tình yêu cần một cái nhìn, Carlo nói đúng. Tình yêu và Cái nhìn, đó là liên kết. Trước hết, chúng ta có thể rèn luyện cách nhìn của mình bằng cách tự hỏi bản thân xem liệu chúng ta có thực sự đang quan sát người trước mặt hay không, vì hướng mắt về phía ai đó, cần rất nhiều can đảm. Để thuận tiện, hoặc có lẽ như phản xạ phòng thủ, chúng ta có xu hướng chiếu những hình ảnh có sẵn mà chúng ta đã xây lên người khác. Tuy nhiên, thực sự nhìn là chấp nhận mắt chúng ta trở nên dễ bị tổn thương, chấp nhận ánh mắt của người khác có thể tạo hỗn loạn trong chúng ta. Đó là lý do vì sao khi trưởng thành, chúng ta không thể tự bảo vệ mình quá nhiều. Bàn tay này trên mắt chúng ta phải di chuyển sang một bên và để tay kia đi vào tâm hồn chúng ta. Thực sự nhìn là chấp nhận để tự vấn bản thân. Chúng ta không thể định nghĩa cái nhìn của Thiên Chúa vì đó là cái nhìn trong Chúa Giêsu và trong người anh em yêu thương của chúng ta, tiếp tục dễ bị tổn thương, quan tâm và kiên nhẫn, sẵn sàng để mình bị tổn thương bởi cuộc gặp gỡ. Lúc đó chúng ta phải yêu như thế nào? Bằng cách chấp nhận bản chất dễ bị tổn thương của đôi mắt chúng ta. Điều gì thuyết phục ông Giakêu, người đàn ông trưởng thành bước xuống khỏi cây nếu không phải là một cái nhìn không thành kiến, một cái nhìn dễ bị tổn thương, đó là cái nhìn của Chúa Giêsu, Đấng đã ở lại với một người mà với đám đông, ông là tội nhân? Sự hoán cải của chúng ta đến qua đôi mắt này, đôi mắt làm chúng ta xúc động trước nỗi khốn khổ của chúng ta.

Tôi không biết cuối đời tôi sẽ còn lại bao nhiêu liên kết. Từ lâu, tôi đã tin vào những liên kết trong sáng và tự do. Tôi nhớ đã hứa rất nhiều lần sẽ không làm tổn thương ai nữa, tôi muốn được tự do, trong sáng và hoàn hảo. Thật là một cám dỗ ma quỷ! Hôm nay, tôi tin chắc những người hiểu tôi yêu, họ đã nhìn thấy ánh mắt của Thiên Chúa nếu tôi có thể bày tỏ điều đó dù chỉ trong giây lát. Có lẽ khó hiểu, thậm chí có thể sai. Hôm nay tôi xấu hổ, tôi xin được tha thứ cho tất cả những lần tôi nhắm mắt bỏ chạy, vì tất cả những lần tôi sợ người khác.

Marta An Nguyễn dịch

Lời giới thiệu sách “Carlo Acutis, các trực giác thiêng liêng