Giovanni Maria Vian: “Nói về tội lỗi, Đức Phanxicô kêu gọi xét mình”  

34

Giovanni Maria Vian: “Nói về tội lỗi, Đức Phanxicô kêu gọi xét mình”

Bằng cách đưa bảy tội mới vào giáo lý công giáo, Đức Phanxicô tìm cách lay chuyển lương tâm giáo dân để thức tỉnh họ.

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2024-10-04

Ngày 2 tháng 10, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ khai mạc phiên họp lần thứ nhì của Thượng Hội đồng Giám mục tại Rôma. © Vatican media/IPA/SIPA / SIPA / Vatican media/IPA/SIPA

Bảy tội mới. Đức Phanxicô có đè nặng lên lương tâm người tín hữu kitô khi ngài thêm vào giáo lý những điều cấm đoán được bảy hồng y thân cận nhất của ngài long trọng tuyên bố không? Khi xem xét kỹ vấn đề phức tạp (hơn bề ngoài của nó), nhà sử học Vatican Giovanni Maria Vian, cựu giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano Vatican giải thích: “Trước hết, những tội này không phải là mới, một số tội mang ý nghĩa rộng lớn, ngài không chỉ nói với tín hữu nhưng còn nói với toàn thể nhân loại. Vấn đề không phải là đè nặng lương tâm nhưng là đánh thức lương tâm.”

Sử gia Giovanni Maria Vian trong văn phòng nhà báo L’Osservatore romano trong thời gian ông điều hành tờ báo.

Đức Phanxicô vừa đưa bảy tội mới vào giáo lý công giáo. Triết lý của phương pháp này là gì?

Sử gia Giovanni Maria Vian: Đúng, Đức Phanxicô nói đến tội nhưng những tội này thật ra không có gì mới. Tất cả hoặc gần như tất cả các tội ngài đưa ra là tội đã có trong giáo lý kitô giáo, đặc biệt trong giáo lý công giáo. Văn bản được bảy hồng y đọc khi khai mạc Thượng Hội đồng liên kết nhiều điều với nhau. Chẳng hạn khi nói đến “tội không can đảm đi tìm hòa bình”, rõ ràng ngài muốn nhắm đến các chính trị gia hiếu chiến. Ngài mở rộng phạm vi các tội như tình trạng nghèo đói, sinh thái, phá thai, an tử, chống lại người di cư. Tội chống người di cư do Hồng y người Canada gốc Moravian, Michael Czerny đọc. Khi đề cập đến tội lạm dụng tình dục, một tội rất nặng ngài giao cho Hồng y Seán O’Malley, Tổng Giám mục Boston, Hoa Kỳ đọc. Trong nhiều năm, Hồng y O’Malley làm việc trong Ủy ban giáo hoàng về lạm dụng tình dục và bảo vệ trẻ vị thành niên. Như thế không có gì mới, nhưng trên hết, giáo hoàng và các giám mục phải nhất quán vượt lên những mâu thuẫn hiển nhiên của vấn đề: trường hợp vụ linh mục Dòng Tên Marko Rupnik bị buộc tội lạm dụng phụ nữ, bị trục xuất khỏi Dòng nhưng lại được giáo phận ở Slovenia đón nhận, một vụ tai tiếng lớn vẫn chưa được giải quyết. Dù sao các tội này đã bị Giáo hội lên án từ lâu, điều mới lạ duy nhất là Đức Phanxicô nói đến “tội chống lại phụ nữ, gia đình, tuổi trẻ”, ít nhất là trong cách diễn đạt.

Đức Phanxicô có ý gì khi tuyên bố với bảy tiếng nói này?

Đây là tiến trình sám hối cầu xin tha thứ, như Đức Gioan Phaolô II đã làm với người Do Thái và sau đó nhân dịp Năm Thánh 2000 với tội của các tín hữu kitô và người công giáo trong suốt nhiều thế kỷ. Đức Phanxicô muốn đặt các chủ đề này vào trọng tâm suy nghĩ của Thượng Hội đồng. Ngài muốn lay động tín hữu kitô nhưng ngài cũng muốn nói với toàn thế giới. Ngài kêu gọi giáo dân cũng như tất cả các nhà lãnh đạo xét mình. Ngài muốn đưa Giáo hội và nhân loại vào tiến trình sám hối cấp bách và cần thiết để cố gắng thay đổi hướng đi của hành tinh.

Dù đã nói mạnh mẽ về hòa bình, tôn trọng sự sống, nhập cư, sinh thái, chúng ta vẫn chưa đạt tiêu chuẩn. Nhưng tôi xin nhắc lại, để được tin cậy, người công giáo và Giáo hội phải làm gương. Phải ăn năn cho quá khứ của mình như nước Pháp đã làm với các vụ tai tiếng của anh em linh mục  Philippe, của ông Jean Vanier và nhất là của Abbé Pierre.

Triết lý chung của giao tiếp này là gì?

Là lay động lương tâm. Và tôi nhấn mạnh: tất cả lương tâm. Không phải ngẫu nhiên mà ngài công bố các tội này ngày 7 tháng 10, ngày tưởng niệm cuộc tàn sát do Hamas gây ra chống  người do thái, ngày bắt đầu cuộc chiến ở Trung Đông, ngày cầu nguyện ăn chay vì hòa bình. Ngài mong ngài là nhà tiên tri theo nghĩa đen: người loan tin. Và đó là lý do vì sao ngài dùng từ rất mạnh. Trong một số câu, ngài xin các hồng y nói: “Tôi xấu hổ xin được tha thứ…” Điều này nhắc chúng ta nhớ những lời cầu xin cổ xưa đã có trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, đặc biệt trong các sách tiên tri.

Sự can thiệp này nằm trong tính liên tục của lịch sử…

Vào thời điểm Cải cách Tin lành, Giáo hoàng Adrian VI đã xin tha thứ tội lỗi của các tín hữu kitô, thể hiện qua sự sa đọa của Giáo triều Rôma, qua các cuộc chiến tranh đã làm chia rẽ. Vào cuối thế kỷ 19, trong thông điệp Tân sự (Rerum Novarum) Đức Lêô XIII đã đề cập đến các tội xã hội, nguồn gốc của học thuyết xã hội bị lãng quên của Giáo hội. Đức Piô X kế nhiệm đã liệt kê những tội tương tự trong sách giáo lý nổi tiếng của ngài. Và sau Thế chiến thứ hai, Đức Piô XII đã suy tư về vấn đề di cư trong một thông điệp ít được biết đến. Vấn đề lạm dụng cũng không mới. Người đầu tiên công khai các vụ này là Hồng y Ratzinger, một tuần trước khi Đức Gioan Phaolô II qua đời, ngài tố cáo “sự bẩn thỉu” này trong Giáo hội. Và, ba năm sau khi ngài làm giáo hoàng, trên chuyến bay đi Mỹ tháng 4 năm 2008, ngài đã nói với các nhà báo, tôi nhớ như ngày hôm qua, ngài thú nhận ngài xấu hổ, lúc đó ngài rất xúc động và buồn bã.

Liệu giáo dân có phải xưng các tội Đức Phanxicô nêu ra không?

Có, đây là những tội phải xưng. Nếu phạm tội phá thai hoặc an tử thì đó là một tội. Gần đây ngài tạo tranh cãi trên chuyến bay từ Bỉ về Rôma khi ngài tuyên bố “phá thai là tội giết người và các bác sĩ là những kẻ giết mướn”. Ngài đã nhiều lần tố cáo như vậy. Nói chung, hơn cả xưng tội, ngài kêu gọi mọi người tự vấn lương tâm trước những tội này. Xét lương tâm cá nhân nhưng cũng tập thể vì toàn thể xã hội phải nghiêm túc suy nghĩ về những tội này, tội của chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Giovanni Maria Vian: “Sẽ có ngày tận thế nhưng Kinh Thánh không nói gì chính xác”