Con đường gập ghềnh của Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô muốn thay đổi Giáo hội như thế nào

51

Con đường gập ghềnh của Thượng Hội đồng: Đức Phanxicô muốn thay đổi Giáo hội như thế nào

Giai đoạn thứ hai của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị sẽ diễn ra tại Rôma từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 năm 2024, liệu Đức Phanxicô có làm được cuộc cải cách sâu rộng như ngài mong muốn hay không?

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2024-09-25

Cách tổ chức của Thượng hội đồng tháng 10 năm 2023 tại Vatican: những chiếc bàn tròn trong Hội trường Phaolô VI thay vì trong giảng đường cũ ngồi theo cấp bậc.  / VATICAN MEDIA/ CPP

Ngày 24 tháng 11 năm 2013, sáu tháng sau khi được bầu chọn, Đức Phanxicô công bố tông huấn Niềm vui Tin mừng Evangelii gaudium tóm tắt toàn bộ chương trình cải cách của ngài. Ngài khuyến khích có sáng kiến, mọi người tham gia và hiệp thông. Ngài mơ một Giáo hội toàn diện hơn, ít tiêu chuẩn hóa và tôn trọng sự đa dạng của các dân tộc, hội nhập văn hóa hơn.

Tham vấn ý kiến giáo dân

Ngài đề cập đến các biện pháp mạnh như khả năng trao thêm thẩm quyền giáo lý cho các hội đồng giám mục. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể đưa Giáo hội, con tàu viễn dương 2.000 năm tuổi này vào hoạt động, bị cho là đang di chuyển với tốc độ không phải tốc độ của thế giới hiện nay? Cải cách hạ tầng, phát triển Giáo hội địa phương đòi hỏi sự tham gia của các giám mục và giáo dân. Vì Giáo hội hoạt động nhỏ giọt theo hành trình giữa Rôma và các giáo phận.

Về điều này, gần đây Đức Phanxicô biết có một công cụ: Thượng Hội đồng Giám mục. Năm 1965, sau các tranh luận về tính hợp đoàn tại Công đồng Vatican II, Đức Phaolô VI đã thành lập Hội đồng giám mục thường trực cho Giáo hội hoàn vũ, nhưng qua nhiều năm, Hội đồng đã hơi rỉ sét. Có người nói đùa, điều tốt là không xảy ra điều gì đáng ngại ở Thượng hội đồng. Chúng tôi đến đó với một lộ trình, mọi người bày tỏ quan điểm của mình, và ngay lập tức Giáo hoàng định hướng lại.

Đức Phanxicô đã có kinh nghiệm về các Đại hội đồng của Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM), ngài là một trong các nhân vật chính khi ngài còn là Tổng giám mục Buenos Aires, ngài hiểu, nếu được vận hành tốt, động cơ có thể chạy một mình! Đầu tiên là tham vấn chung. Một biện pháp được đưa ra kể từ Thượng hội đồng đầu tiên của ngài, Thượng hội đồng Gia đình năm 2014, thành lập các nhóm ở giáo xứ, ở các phong trào, trả lời các câu hỏi nhưng cũng có những chỉ trích đầu tiên vì không phải tất cả linh mục đều nhiệt tình như nhau.

Trong Hội trường Phaolô VI, Đức Phanxicô cùng ngồi với các thành viên tham dự.  / VATICAN MEDIA/CPP

Đức Phanxicô không bằng lòng với chủ nghĩa giáo sĩ trị, các giáo sĩ xử lý cây gậy giỏi hơn củ cà rốt, một số người lo ngài sẽ hủy công việc của hai giáo hoàng tiền nhiệm, làm sống lại một hình thức chủ nghĩa tiến bộ. Một số giáo dân cảm thấy không được xem trọng, không được tham vấn đầy đủ, một số thấy thượng hội đồng đã bỏ quá nhiều thì giờ cho tài liệu cuối cùng, lời nói của họ trở nên loãng đi và chìm trong bản tổng hợp của những tóm tắt.

Đã có những tắc nghẽn đầu tiên xuất hiện. Vài ngày sau khi khai mạc, một cuộc tranh cãi đã nổ ra khi một văn bản được xuất bản giữa chừng, cổ vũ những đề xuất táo bạo nhất, làm hại cho các bài phát biểu truyền thống. Một số người tham gia không nhận ra sự cân bằng trong phòng và cáo buộc Giáo hoàng và ban biên tập Thượng hội đồng muốn thao túng các kết luận.

Thượng hội đồng về Amazon (ảnh, năm 2019) và Thượng hội đồng giới trẻ năm 2018 đã truyền cảm hứng cho tương lai của Giáo hội. EMERIC FOHLEN/HANS LUCAS

Thật ra, bản tóm tắt cuối cùng đã có nhiều đồng thuận, các tranh luận thẳng thắn hơn. Một trong các đặc điểm của phương pháp đồng nghị là ngài không ngại tạo khủng hoảng để mọi người nói lên ý của mình, thoát khỏi các cuộc thảo luận đã được thống nhất. Phương pháp mang lại kết quả, các thượng hội đồng dưới triều của ngài có những bài phát biểu táo bạo hơn trước và bầu khí bớt cứng nhắc hơn, nhưng vẫn có những hạn chế vì có những e ngại trước một giáo hoàng nổi tiếng có cá tính mạnh.

Thượng hội đồng về gia đình năm 2014 và Thượng hội đồng về Amazon năm 2019 đã tạo sự chú ý vì đã bàn đến những vấn đề sôi nổi như việc cho người ly dị tái hôn rước lễ hay truyền chức cho các ông đã lập gia đình (viri probati). Thượng hội đồng về tính đồng nghị năm 2021 khó huy động đám đông. Tiêu đề như một hình thức tự quy chiếu và làm nản lòng.

Có phải là một Vatican III không?

Ở Pháp, người trẻ ít tham gia. Các phương tiện truyền thông gặp khó khăn khi giải thích đã nhanh chóng đổi tên Thượng hội đồng thành “Thượng hội đồng về Tương lai Giáo hội” và họ nhận được nhiều phản hồi, đáp ứng được với các câu hỏi của Rôma gởi giáo dân năm 2021. Dù đang chờ một cuộc tranh luận kỹ thuật, tài liệu này của Vatican có một phạm vi rất rộng, từ vấn đề lắng nghe giới trẻ, quyền của phụ nữ, đến cách thức Giáo hội đồng hành với giáo dân tham gia hoạt động chính trị hoặc những người đưa ra quyết định.

Vatican III sắp bắt đầu? Hy vọng của người này, nỗi sợ của người kia đều hợp lý vì không có chủ đề nhạy cảm nào bị cấm. Vào những ngày đầu của Vatican II, chương trình nghị sự đột ngột bị xáo trộn, một số người mơ chuyện này sẽ xảy ra cho Thượng Hội đồng này. Các bản tổng hợp của các quốc gia phản ánh mong chờ này. Tài liệu tóm tắt của Hội đồng Giám mục Pháp gởi đi sáu tháng sau khi Ủy ban Ciase công bố về các vụ Lạm dụng tình dục trong Giáo hội Pháp tạo bầu khí sôi động.

Không có điều cấm kỵ, giáo dân đặt câu hỏi về khả năng phong chức phó tế và linh mục cho phụ nữ, sự khác biệt giữa cam kết của họ trên thực tế và tính đại diện của họ trong các cơ quan ra quyết định, phê phán chủ nghĩa độc tài và giáo sĩ trị, đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa linh mục và giáo dân, cũng như việc dùng ngôn ngữ đã trở nên khó hiểu. Họ thấy cần thiết phải đến với nhau qua Ngôi Lời trong tinh thần huynh đệ hơn. Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục Pháp công bố tài liệu do các giám mục viết đưa ra các giới hạn, đặc biệt sự thiếu đóng góp của giới trẻ và giáo dân bảo thủ. Trên thực tế, chính những người khao khát thay đổi là những người vận động nhiều nhất.

Lưu hành văn bản

Từ đó, liên hệ qua về với Rôma ngày càng căng thẳng. Các tài liệu của các Giáo hội cấp quốc gia gởi về Rôma, rồi từ Rôma gởi đi các châu lục (đánh dấu bởi những căng thẳng ở Đức và Hoa Kỳ) đã cho thấy các phản ứng quá mức. Một trong số cho biết: “Việc lưu hành các văn bản không ngừng nghỉ trong hai năm qua đã tạo một phong trào, và phong trào này là một trong những chìa khóa để hiểu được tiến trình, mục tiêu là để thúc đẩy các Giáo hội và những người tham gia.” Cuộc hành trình của các bản văn này là trực giác đặc biệt của tu sĩ Dòng Tên người Ý Giacomo Costa, một trong những nhân vật trụ cột của Thượng Hội đồng.

EMERIC FOHLEN/HANS LUCAS

Một linh mục khác phân tích: “Theo nghĩa này, việc tập trung vào các chủ đề có nguy cơ đánh mất điểm chính. Một trong những đổi mới quan trọng nhất của Thượng Hội đồng là có ba phút im lặng sau mỗi năm bài phát biểu được thực hiện trong Thượng Hội đồng Giới trẻ năm 2018. Trong Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, ngoài việc bỏ phiếu của giáo dân và đặc biệt là phụ nữ (đây là lần đầu tiên phụ nữ được quyền bỏ phiếu), còn có một cuộc tĩnh tâm ba ngày trước đại hội, bắt buộc với những ai tham gia, đêm cầu nguyện đại kết, thánh lễ theo nghi thức Byzantin vào ngày 9 tháng 10, để nhận thức được sự khác biệt của nhau và cảm thấy cần phải có sự hiệp nhất. Tất cả những khoảnh khắc này thực sự đã làm chúng tôi xúc động.”

Cảm nhận này cũng được một người tham dự ghi nhận: “Những câu hỏi từ các nhà báo và nhận thức của giới truyền thông đôi khi không giống với những gì chúng tôi đang trải qua. Về cơ bản, các can thiệp khá mạnh với vấn đề phụ nữ và quản trị, nhưng điều đáng chú ý nhất là sự khác biệt giữa đại hội lúc đầu và lúc cuối. Một thay đổi đã xảy ra, điều này rất khó giải thích, vì khi chứng kiến những chuyện này, chúng tôi có cảm giác như không có chuyện gì xảy ra.”

Một biến đổi được biểu tượng qua cách tổ chức phòng họp: các bàn tròn trong Hội trường Phaolô VI thay vì ở giảng đường cũ kỹ ngồi phân cấp, các hồng y ở hàng đầu tiên, sau đó là các giám mục theo tuổi phong giám mục, rồi đến bề trên các dòng tu và cuối cùng là giáo dân ở tầng một. Một người tham dự cho biết: “Nhược điểm duy nhất là trước đây chúng tôi nói chuyện trước mặt Giáo hoàng, người rất biểu cảm, bây giờ ngài bị chìm giữa mọi người.”

Như thế chúng ta mong chờ gì ở giai đoạn hai này? Một con đường mở ra hay ngõ cụt?

Tất cả đã được Vatican thực hiện để tái tập trung vào cuộc tranh luận về tính đồng nghị, phù hợp với bài diễn văn của Đức Phanxicô năm ngoái: “Chúng ta không cần một cái nhìn nội tại, được tạo nên từ những chiến lược nhân bản, những tính toán chính trị hay những trận chiến ý thức hệ, điều đó chẳng ích gì. Chúng ta không ở đây để lãnh đạo một cuộc họp quốc hội hay một kế hoạch cải cách.”

Với một số người, các chủ đề chính xác nhất, nhạy cảm nhất đã được giao cho các nhóm nghiên cứu do các cơ quan của Giáo triều Rôma điều phối, kết hợp với Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng: mục vụ dành cho phụ nữ gồm chức phó tế, các vấn đề về giáo lý và đạo đức gây tranh cãi, đào tạo các linh mục, mối quan hệ giữa các giám mục và các phong trào trong giáo hội, chức năng tư pháp của các giám mục, các Giáo hội Đông phương, đối thoại đại kết, người nghèo, sứ mạng trong thời đại kỹ thuật số, vai trò của các sứ thần…

Tiếp tục phản ánh

Cuộc tranh luận về việc chào đón người LGBT+ dường như đã phần nào bị dập tắt sau khi tuyên bố Fiducia supplicans được công bố vào tháng 12 năm 2023 cho phép chúc phúc cho các cặp đôi có hoàn cảnh trái luật. Một số nhà quan sát cảm thấy Vatican đã tự làm thiệt hại mình khi đặt một định hướng không phải là kết quả của Thượng hội đồng, dù đã được tranh luận ở đó. Tuyên bố này bị Châu Phi thẳng thừng bác bỏ, họ không chấp nhận chương trình nghị sự phương Tây áp đặt lên họ. Một người tham dự lưu ý: “Điều thú vị sau cuộc thảo luận giữa Vatican và hàng giám mục Châu Phi, cuối cùng Vatican đồng ý vì lý do văn hóa, việc chúc phúc cho các cặp đồng tính không áp dụng được ở Châu Phi, nhưng các giám mục cam kết tiếp tục suy tư về chủ đề này. Và điều này chẳng là gì.”

M.MIGLIORATO/ CPP

Sự mơ hồ tương tự cũng liên quan đến chức phó tế nữ. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Mỹ tháng 5 năm 2024, Đức Phanxicô gần như bác bỏ ý tưởng này, ngài từ chối khả năng phong chức nữ phó tế, đồng thời ngài nói rõ: “Nếu đó là vấn đề chức thánh thì không. (…) Nhưng phụ nữ luôn có chức năng của phó tế, nhưng họ không phải là nữ phó tế, đúng không?” Và nhóm nghiên cứu mục vụ phụ nữ, cùng với các nhiệm vụ khác phải tiếp tục “nghiên cứu thần học và mục vụ về khả năng tiếp chức phó tế nữ”. Vì thế Đức Phanxicô “sơ tán” khỏi hội nghị mọi thứ có thể làm kẹt, nhưng ngài không đóng cửa. Tuy nhiên, không phải mọi căng thẳng đều được dỡ bỏ.

Những điểm táo bạo

Sự bất đồng đầu tiên liên quan đến sự tham gia của các linh mục ở tuyến đầu trong việc tiếp nhận tính đồng nghị. Vatican đã tìm cách khắc phục tình hình bằng cách tổ chức một cuộc họp quốc tế vào mùa xuân năm 2024 tại Sacrofano gần Rôma, nhưng vẫn còn bị phản kháng. Nhiều nhân chứng được tác giả bài viết phỏng vấn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Nữ tu Nathalie Becquart, phó thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục, sơ đã có nhiều chuyến đi giữa hai lần họp Thượng hội đồng để giải thích về phương pháp và đào tạo.

Điều thứ hai liên quan đến các thần học gia, một số đã gióng lên tiếng chuông cảnh báo vào cuối phiên họp đầu tiên, họ lấy làm tiếc thần học và lịch sử Giáo hội đã vắng mặt. Tháng 6 năm 2024, 15 thần học gia kêu gọi làm việc lại với Tài liệu làm việc vì họ thấy có một sự thiếu chuẩn bị nào đó.

Vẫn còn phải xem làm thế nào các nhóm nghiên cứu làm việc để đưa ra bản tổng kết vào tháng 6 năm 2025, trình bày những thành quả nghiên cứu đầu tiên của họ trong phiên họp tháng 10, vì các giám mục tham dự đã phải xa giáo phận một thời gian, họ cảm thấy đi mà không mang lại một kết quả nào.

Tuy nhiên, tài liệu làm việc sẽ làm cơ sở cho hội nghị tháng 10 có những điểm táo bạo, trên đó người tham dự sẽ phải tự đặt ra quan điểm về việc thực thi quyền quản trị và thừa tác vụ của giáo hoàng; họ cần tham khảo ý kiến trước khi quyết định để không đi chệch khỏi câu hỏi mà không có lý do thuyết phục; việc công nhận các hội đồng giám mục là “các thực thể giáo hội có thẩm quyền về giáo lý là cách đảm nhận sự đa dạng về văn hóa xã hội trong một Giáo hội đa dạng vốn xem trọng các biểu thức phụng vụ, kỷ luật, thần học và tâm linh thích ứng với các bối cảnh văn hóa xã hội khác nhau”; nhu cầu đào tạo chung giữa các linh mục và giáo dân, nam và nữ. Nhưng vẫn còn nhiều điều phải viết và rất có thể phiên họp tháng 10 năm 2024 sẽ như một khởi đầu của một quá trình hơn là sự kết thúc.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch