Đức Phanxicô gặp 17 nạn nhân của nạn ấu dâm tại Bỉ

59

Đức Phanxicô gặp 17 nạn nhân của nạn ấu dâm tại Bỉ

Ngày thứ sáu 27 tháng 9, Đức Phanxicô đã có cuộc gặp kín với các nạn nhân bạo lực tình dục trên trẻ em của các giáo sĩ, đây là chủ đề chính chuyến tông du của ngài tới Bỉ. Trong cuộc trao đổi, Đức Phanxicô cho thấy ngài ý thức được sự “bế tắc” còn tồn tại trong Giáo hội Bỉ cũng như ở các thánh bộ ở Rôma.

la-croix.com, Mikael Corre, đặc phái viên tại Brussels, Bỉ, 2024-09-28

Đức Phanxicô và Viện trưởng Luc Sels, trong cuộc gặp với các giáo sư của Đại học Công giáo Louvain, Bỉ, ngày 27 tháng 9 năm 2024. VATICAN MEDIA / Hans Lucas qua AFP

17 khuôn mặt. 17 đời sống bị tan vỡ vì bị tấn công tình dục nhiều lần. 17 mong chờ. Ngày thứ sáu 27 tháng 9, Đức Phanxicô đã gặp 17 nạn nhân trong hai giờ liền tại xã Woluwe-Saint-Pierre, giáp ranh với Brussels.

Cách đây vài tháng, 80 nạn nhân đã đáp lại lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Bỉ (CEB) để nói lên chứng từ. Khoảng 30 người tham dự cuộc họp chuẩn bị đầu tiên và sau đó giảm xuống còn 15 người dựa theo tiêu chuẩn cân bằng nam nữ, cân bằng giữa hai ngôn ngữ Pháp và Hà Lan.

Đức Phanxicô gặp các nạn nhân ở Tòa Sứ thần Bỉ, nơi ngài lưu trú từ ngày 26 đến ngày 29 tháng 9. Sau cuộc gặp, báo La Croix phỏng vấn ba nạn nhân. Họ đi xe buýt nhỏ có cửa sổ màu đen, một số chưa bao giờ nói những chuyện này với cha mẹ, con cái về những gì đã xảy ra cho họ. Tại tòa khâm sứ, những chiếc ghế được xếp thành hình vòng cung trong một căn phòng rộng có tường sáng.

“Như thử họ là người tấn công tôi”

Cùng với hai thông dịch, Đức Phanxicô đến trước 7 giờ tối một chút. Một dấu hiệu cho thấy sự căng thẳng, bà Anne-Sophie Cardinal, 44 tuổi nhận xét: thông dịch viên nói tiếng Hà Lan đã không thể cầm được nước mắt.

Bà Anne-Sophie Cardinal mơ có đài tưởng niệm quốc tế cho các nạn nhân ở Lisieux nước Pháp

Bà nói: “Khi tôi nói chứng từ, tôi cảm thấy ngài không chịu đựng nỗi, có lúc ngài nói: ‘Thôi đủ rồi’, nhưng ngài nghe tôi nói. Tôi buồn và tự nhủ: “Tôi phải nói dù ngài đã lớn tuổi, nhưng ngài không phải là ông già, ngài có khả năng lắng nghe như Chúa Giêsu đã lắng nghe chúng ta.”

Bà nói: “Tôi đã có thể nói điều này với ngài, tôi chưa bao giờ nói chuyện này ở nơi nào khác. Đó là sự tha thứ, ngài đã nghe chứng từ của tôi, ngài đã công nhận.” Bà Anne-Sophie Cardinal bị một linh mục cưỡng hiếp khi 10, 11 tuổi, linh mục này đã qua đời cách đây vài năm.

Tòa sứ thần đã in dấu chân của 17 nạn nhân, mỗi người có 3 phút để nói chuyện với ngài. Hai nhà tâm lý học dùng chuông để báo thời gian thời gian đã hết. Theo những gì báo La Croix thu thập, ngài đã lắng nghe, ngài xin tha thứ, những tội ác này không bao giờ được có trong Giáo hội. Ngài ý thức được sự bế tắc ở Bỉ cũng như ở một số cơ quan ở Rôma. Ngài xin nạn nhân gởi chứng từ cho Sứ thần Franco Coppola, đại diện Tòa Thánh ở Bỉ và Sứ thần sẽ gởi về Nhà Thánh Marta cho ngài.

Bồi thường công bằng hơn

Đối diện với ngài là nạn nhân Christopher (ẩn danh), ông đọc Kinh Lạy Cha “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” và xin được giúp đỡ công bằng hơn. Một nạn nhân khác cảm thấy được lắng nghe, ông xin Giáo hội chuyên nghiệp hơn, trang bị các công cụ điều tra và kiểm soát, ông giải thích: “Không thể nói với nạn nhân có những hồ sơ đã bị thất lạc, điều đó là không thể.”

Chứng từ của ông Jean Marc Turine, 78 tuổi: “Năm 18 tuổi tôi đã nghiện rượu. Tôi nghiện rượu nặng, quý vị không thể tưởng tượng cái giá tôi phải trả. Tiền bồi thường là không đủ, nếu tôi không bị các linh mục lạm dụng thì tôi đã không nghiện rượu, chúng tôi ở trong hoàn cảnh giống nhau. Trong 40 năm, tôi đến văn phòng tâm lý gia một tuần hai lần, tôi tốn bao nhiêu tiền, tôi xin Giáo hội hoàn trả số tiền này.” Ông không muốn kể câu chuyện của ông, ông chỉ xin Giáo hoàng nhận trách nhiệm: “Ngài nói Giáo hoàng và các giám mục không phải là Giáo hội, Giáo hội là bạn, là bạn, là bạn. Tôi nói với ngài: ‘Vậy Giáo hội có 1 tỷ 200 triệu giáo dân, đó có phải là Giáo hội không?’ Như thể ngài không có trách nhiệm nặng hơn người khác.” Sau buổi gặp, có những nạn nhân thấy Đức Phanxicô đã làm những gì ngài có thể làm, nhưng cũng có nạn nhân thất vọng như ông Jean Marc Turine, chắc chắn ngài có lòng nhân ái, nhưng ngài không có những lời như các nạn nhân mong chờ: “Tôi đã mất niềm tin cách đây 50 năm nói. Tôi xin ngài nói những lời từ tận đáy lòng. Tôi tin ngài khéo léo, có thể ngài sẽ nói trong bài giảng ngày chúa nhật 29 tháng 9.”

Ông Jean Marc Turine tâm sự với báo La Croix câu hỏi ông sẽ hỏi Giáo hoàng.

Tôi tin vào sức mạnh của lời nói. Tôi nghĩ ngài cũng chia sẻ quan điểm này. Hôm nay, 15 người chúng tôi có sứ điệp gởi đến cha, như lời nói chuyện của người bạn đồng hành tình cờ gặp trong chuyến đi. Có 15 người chúng tôi đang nói chuyện với cha và lời của chúng tôi vang vọng lời của các nạn nhân ở Châu Phi, Châu Đại Dương, Châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ được gió đại dương thổi đến.

Tất cả những từ này chỉ là những từ vụng về của giận dữ, tức giận,  tuyệt vọng, bất lực vì chúng tôi không thể diễn tả sự ác chúng tôi đã chịu đựng trong thời thơ ấu. Làm sao chúng tôi có thể nói cái không thể sửa chữa được, cái không thể tưởng tượng được? Chúng tôi cần công lý của Giáo hội, công lý của Chúa. Thiếu công lý, chúng tôi bị nhốt trong bóng tối. Làm thế nào để sống mà không có ánh sáng?

Họ đã giết chúng tôi và chúng tôi chưa chết.

Ngài lớn hơn tôi một chút. Chúng tôi muốn nói về sức khỏe mong manh của ngài, con đường sống của ngài đã gần kết thúc. Với tuổi của ngài, ngài sẽ nói về khôn ngoan. Nhưng tôi muốn nói về tự do. Sự khác biệt này có quan trọng không? Cả hai đều có thể cho sức mạnh. Lời của ngài sẽ là lời cho những người lạc lối, những người phạm tội ác trên trẻ con trong Giáo hội. Ngài sẽ có những lời từ sâu thẳm trái tim, từ tâm hồn con người của ngài. Một biểu hiện phổ biến sẽ nói lên lòng can đảm. Xin ngài nói với chúng tôi, những lời trong nhiệm vụ Giáo hoàng của ngài.

Tôi không còn là tín hữu kitô nhưng tôi vẫn còn nhớ tuổi thơ công giáo của tôi. Khi truyền phép, linh mục nói: “Đây là mình Thầy các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là chén máu Thầy, các con hãy cầm lấy mà uống.”

Chính những bàn tay truyền phép này đã tấn công cơ thể các thanh thiếu niên nam nữ. Các cô gái này trở thành phụ nữ, các thanh niên này trở thành đàn ông, họ bị dơ bẩn, bị tan nát, bị giằng xé, dao động, tâm hồn tan vỡ, họ bị diệt vong, bị giam cầm trong chính mình, họ phát điên, họ tự tử.

Xin ngài lắng nghe chúng tôi, nghe như tiếng gầm của những viên đá lăn trong dòng nước xoáy, vì họ đến từ khắp nơi trên thế giới, từ bờ biển đến những ngọn núi cao nhất.

Xin ngài đừng làm chúng tôi thất vọng. Tôi không mong đợi bất cứ điều gì ngoại trừ điều bất ngờ, điều không thể xảy ra.

Tên tôi là Jean Marc Turine, bị gãy xương vì bốn linh mục Dòng Tên đáng kính của trường đại học Saint-Michel, nơi ngài sẽ đến ngày thứ bảy 28 tháng 9 để gặp họ. Hôm nay tôi xin tặng ngài quyển sách Các linh mục đáng kính (Révérends pères, nxb. Esperluète, tháng 3 năm 2022)

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Tranh cãi tại Đại học Công giáo Louvain sau những nhận xét của Giáo hoàng về phụ nữ

Đức Phanxicô trong chuyến tông du Bỉ: “Không ai là sai lầm, không ai là lạc lối mãi mãi”

Đức Phanxicô cầu nguyện trước mộ Vua Baldwin, Nhà Vua không muốn ký luật cho phép phá thai