Đức Mẹ Mễ Du: “Vâng, nhưng” của Tòa Thánh
Đền thờ Đức Mẹ Mễ Du trong ngày lễ hội | © Pierre Pistoletti
cath.ch, I.Media, 2024-09-24
Trong cuộc họp báo ngày 19 tháng 9 năm 2024. Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Hồng y Victor Manuel Fernández cho phép việc thờ phượng ở thánh địa Mễ Du, Bosnia-Herzegovina, nhưng trong tương lai các thông điệp sẽ phải được phê duyệt trước khi công bố.
Kể từ lần “hiện ra” đầu tiên với sáu trẻ năm 1981, danh tiếng của Thánh địa Mễ Du lan rộng khắp thế giới, tạo các ý kiến trái ngược nhau trong hàng giáo phẩm công giáo. Ngoài những cảnh báo của nhiều giám mục địa phương ở Mostar, một ủy ban điều tra được thành lập dưới thời Đức Bênêđíctô XVI đã bày tỏ sự dè dặt, đặc biệt về tính xác thực của hiện tượng và về đời sống cá nhân của “những người được Đức Mẹ hiện ra”. Dù năm 2019, Giáo hội đã chính thức cho phép hành hương nhưng Đức Phanxicô đã nhiều lần chỉ trích ý tưởng của một Đức Trinh Nữ Maria như “người quản lý bưu điện”. Hàng ngày những người được Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du vẫn còn nhận thông điệp của Đức Mẹ.
Hôm nay Rôma cho phép tôn kính “Nữ Vương Hòa Bình”, xem thông điệp của Đức Mẹ Mễ Du là “tích cực” và có tác dụng “nâng cao tinh thần”. Nhưng cảnh giác vẫn là điều cần thiết. Vatican không bình luận về bản chất siêu nhiên của những lần hiện ra và bày tỏ một số dè dặt với một số thông điệp, đồng thời kêu gọi thận trọng khi giải thích các thông điệp này. Hồng y Victor Manuel Fernández nhấn mạnh: “Cảnh báo Nihil obstat (Không có gì ngăn cản) không giải quyết được mọi thứ trong tương lai, Rôma sẽ can thiệp nếu có những vụ bê bối có thể gây nhầm lẫn cho tín hữu. Các văn bản chưa xuất bản và các văn bản tương lai phải được đánh giá và phải được phép của Tổng Giám mục tông tòa Aldo Cavalli được Đức Phanxicô bổ nhiệm năm 2018 trước khi xuất bản. Khi chưa được chấp thuận, chúng ta không nên cho đây là văn bản mang tính xây dựng. […] Có thể có sai sót trong các nội dung mới. Nếu Giám mục tông tòa thấy những thông điệp này có điều gì đó không rõ ràng có thể gây nhầm lẫn, ngài sẽ cho chúng tôi biết và chúng tôi sẽ cố gắng trả lời sớm nhất có thể.”
Giáo dân hành hương bên cạnh Đức Mẹ Mễ Du ở đồi Đức Mẹ hiện ra ở Medjugorje, Bosnia. ARMIN DURGUT/AP/SIPA
Thận trọng với những người được Đức Mẹ hiện ra
Để đưa ra phán quyết của mình, Bộ Giáo lý Đức Tin đã không liên lạc với những người được Đức Mẹ hiện ra. Tuy nhiên, ngài cho biết ngài đã gởi “một số gợi ý” trong một thư ngài sẽ đọc cho họ và sẽ được giữ bí mật. Trả lời báo chí, ngài cho biết các quan hệ với những người này “không bị cấm” nhưng “không được khuyến khích”. Một lời cảnh báo đặc biệt biện minh cho sự cân bằng tâm lý của họ, đôi khi họ có thể bị những người hành hương tạo áp lực. Hồng y lưu ý có nhiều chỉ trích về những người này, bị cáo buộc nói dối hoặc tưởng tượng quá đáng. Dù những lần hiện ra có tính cách linh thiêng, nhưng điều này không bảo bảm cho “sự thánh thiện” của họ: “Họ cũng có thể phạm tội nặng, cũng yếu đuối như nhiều người khác”. Ngài thừa nhận, những người này “bị bỏ mặc một chút khi đối diện với những tình huống ngoài tầm kiểm soát của họ”. Ngài cũng nói về linh mục người Croatia dòng Phanxicô Tomislav Vlasic, linh hướng đầu tiên của họ, đã bị dứt phép thông công năm 2020 vì truyền bá giáo lý đáng nghi ngờ và bất tuân Rôma. Ngài lưu ý Mễ Du không đặt “vấn đề về giáo lý” như những nơi khác nhưng luôn có nguy cơ “quá cuồng tín về thông điệp”: “Ngay cả khi Đức Mẹ ban cho bạn một thông điệp, điều đó không có nghĩa bạn là con rối… bản phải có trách nhiệm của mình.”
Hồng y đã đến thăm thánh địa Mễ Du, ngài loại trừ khả năng Đức Phanxicô sẽ nhận ra bản chất siêu nhiên có thể có của hiện tượng này. Theo tiêu chuẩn mới về điều tra các hiện tượng siêu nhiên, chỉ có Giáo hoàng mới có thể quyết định.
Hồng y Fernández cho biết, việc công nhận được tôn kính ở Mễ Du không hợp pháp hóa “các tu sĩ Phanxicô nổi loạn” sống ở đó, một cộng đồng đã duy trì xung đột quyền lực với giáo phận từ những năm 1970.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Vì sao Vatican vẫn kiểm soát các thông điệp ở Mễ Du?
Sáu người thấy Đức Mẹ hiện ra ở Mễ Du
Vì sao Vatican thận trọng khi cho phép tôn kính Đức Mẹ Mễ Du